Tại sao Hội Thánh lại có đặc tính Công giáo

Bài 16

CÁC ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH

Lời Chúa     : “Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhơ hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.” (Ep 5,26)

Ý chính       :         1. Tính duy nhất và sự đa dạng của Hội Thánh. (1 Cr 12.12.18.28)

              2. Tính thánh thiện của Hội Thánh và vấn đề tội nhân. (Rm 7,18-25)

              3. Tính Công giáo của Hội Thánh và sứ mệnh truyền giáo.(Mt 28,16-20)

              4. Tính tông truyền và trách nhiệm nối tiếp truyền thống (Ep 2,19-22)

Quy chiếu   :         sách GL.HTCG 1992 số 811-870

Chuẩn bị     :         GLV đọc kỹ giáo án cấp II, bài 12.

I. ỔN ĐỊNH.

1. Đón tiếp.

2. Thánh hóa.

3. Giới thiệu bài mới :

Chúng ta được diễm phúc sống trong Hội Thánh, chúng ta cần học hỏi thêm về những đặc tính của Hội Thánh sau những gì đã biết ở giáo lý cấp II.

II. TỪ CUỘC SỐNG.

Trưa ngày thứ sáu 17.3.1865 một nhóm khoảng 15 người gồm đàn ông đàn bà, trẻ em đứng giữa lối vào thánh đường các thánh Tông đồ tại Nagasaki (Nhật Bản) như để chờ đón một người. Cha Pét-ti Gioan, theo như ngài nói, được thiên thần bản mệnh dun dủi đến với họ để hỏi chuyện. Cửa thánh đường lúc ấy đóng, Cha mở cửa, nhóm người này theo cha vào nhà thờ. Mọi người tiến tới cung thánh, quì gối cầu nguyện... 3 người đàn bà trên 50 tuổi đến quì dưới chân cha hỏi nhỏ : Ảnh Đức Mẹ đồng trinh đâu cha ? Cha dẫn họ đến trước bàn thờ Đức Mẹ. Họ nghiêm trang tôn kính Mẹ. Họ hỏi tiếp : Cha có hiệp thông với Đức Giáo Hoàng không ? - Có, cha Gioan trả lời. Nét mặt họ vui tươi hẳn lên và hỏi tiếp : Cha có độc thân không ? Cha Gioan mỉm cười trả lời : “Có, chúng tôi độc thân”. Tất cả đều reo lên và đồng thanh : Tất cả chúng con cùng tôn giáo với cha !

- Các ông bà từ đâu tới ?

+ Chúng con từ Urakanie. Dân làng chúng con cùng một niềm tin.

Nhờ cuộc hội ngộ này, các vị thừa sai đã khám phá ra gần 20.000 người Công giáo trong vùng Nagasaki dù suốt 200 năm trước đó, không một vị thừa sai nào đến nước Nhật. Tổ tiên họ đã Rửa tội, dạy kinh và truyền lại cho họ những dấu hiệu của đạo Công giáo.

Các em thân mến,

Nhờ 3 dấu hiệu : linh mục độc thân - hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và sùng kính Đức Trinh Nữ Maria mà những người tín hữu Công giáo Nhật Bản này đã xác định được ai là tín hữu đạo Công giáo. 3 dấu hiệu trên đây là những nét son của đạo Công giáo, tuy chưa là tất cả. Chúng ta sẽ lên gặp Chúa để Người dạy chúng ta đầy đủ về các đặc tính của đạo Công giáo.

III. LÊN TỚI CHÚA.

A. Công bố Lời Chúa.

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô (Ep 5,26-27)

“Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.”

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

1. Tính duy nhất và sự đa dạng của Hội Thánh.

(1 Cr 12,12.18.28)

a) Đặc tính duy nhất :

Các em đã biết những lý do làm nên tính duy nhất của Hội Thánh (GLV có thể cho các em phát biểu, rồi tóm tắt :)

- Do nguồn gốc : Hội Thánh bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi.

- Do việc thiết lập : Chúa Kitô chỉ thiết lập một Hội Thánh trên nền tảng Phêrô và các Tông đồ.

- Do Chúa Thánh Thần tác động vì Người là nguyên lý hiệp nhất Hội Thánh (x. Sl.HN 2).

- Do tuyên xưng một đức tin đón nhận từ các thánh Tông đồ, tất cả mọi người Công giáo thuộc bất cứ dân tộc nào, thời đại nào đều tuyên xưng một đức tin như nhau (x. Ep 4,6).

Câu chuyện “từ cuộc sống” trên đây đã nêu bật một vài khía cạnh của đặc tính duy nhất trong Hội Thánh Công giáo : các tín hữu đều sống hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và cùng tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria, một trong các tín điều của đạo Công giáo.

b) Tính đa dạng :

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta lại thấy Hội Thánh Công giáo gồm có nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều chức vụ khác nhau : những khác biệt này ảnh hưởng thế nào đến tính duy nhất của Hội Thánh ? Quả thực, từ đầu, Hội Thánh đã xuất hiện từ dân tộc Do thái, nhưng trong ý định và lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô (x. Mt 28,18-20), Hội Thánh đã bao gồm nhiều dân tộc thuộc nhiều nền văn hóa. Trong ngày lễ Ngũ Tuần đã có nhiều người thuộc nhiều ngôn ngữ đón nhận Tin Mừng (x. Cv 2,9-11). Dần dần, những dân tộc khác, ngôn ngữ khác đã gia nhập Kitô giáo (x. Cv 10,45). Thánh Phaolô đã được dành riêng để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (x. Cv 13,2). Tin Mừng càng lúc càng mở rộng khắp nơi, những người chịu phép rửa tội gồm các dân tộc thuộc các đại lục, cho đến hôm nay, dù khác nhau về văn hóa, chủng tộc, nhưng mọi người Kitô hữu cùng hiệp nhất trong niềm tin, cùng tuyên xưng một đức tin được đón nhận từ các Tông đồ, cùng phụng thờ Thiên Chúa (x. Ep 4,6).

Tính đa dạng còn thể hiện ở các đặc sủng và những chức vụ khác nhau. Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô nói với chúng ta : “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ...” (1 Cr 12,28).

Thánh Phaolô nói rõ cho chúng ta biết : trong Hội Thánh, có nhiều thành phần giữ những chức vụ khác nhau, có người được ơn nói tiên tri, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ v.v... Chính Chúa Thánh Thần làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người (x. 1 Cr 12,11). Nhưng tất cả đều phục vụ cho Hội Thánh, xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Công đồng Vaticanô II chấp nhận và cổ vũ việc hội nhập văn hóa vào đời sống đức tin của mỗi dân tộc (x. Hc.MV 57-62).

Như thế, Hội Thánh vừa duy nhất vừa đa dạng vì Hội Thánh bao gồm nhiều dân tộc thuộc nhiều nền văn hóa. Trong các thành phần của Hội Thánh cũng có những đặc sủng và những chức vụ khác nhau. Sự đa dạng này làm cho Hội Thánh năng động và phong phú.

Tuy nhiên, bên cạnh tính đa dạng năng động và phong phú này, chúng ta cũng thấy những nét rạn nứt của tính duy nhất trong Hội Thánh. Thật vậy, trên thực tế ngày nay, người ta lại thấy có nhiều cộng đoàn cùng mang danh Kitô giáo nhưng lại không hiệp nhất với nhau. Thí dụ : anh em Chính Thống giáo - Anh giáo - Tin lành... ! Như vậy, Hội Thánh Công giáo có còn duy nhất nữa không ?

Quả thực, ngay từ buổi đầu của Hội Thánh đã có những sự chia rẽ mà thánh Tông đồ Phaolô đã mạnh mẽ tố cáo (x. 1 Cr 1,10-11). Trong những thế kỷ sau, nhiều cuộc bất hòa rộng lớn hơn, và có những cộng đoàn đã tách khỏi sự hiệp thông đầy đủ với Hội Thánh Công giáo. Những cuộc đoạn tuyệt này gây thương tổn cho sự hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô. Dù vậy, những người ngày nay sinh ra trong các cộng đoàn xuất phát từ các cuộc ly giáo đó và sống trong niềm tin kính Chúa Kitô, thì không thể bị tố cáo mắc tội chia rẽ và Hội Thánh Công giáo giữ một sự tôn kính huynh đệ và tình bác ái đối với những anh em này (Sl.HN 3). Đây là điểm mới của giáo lý ngày nay. Chúng ta cần ghi nhớ để thực hiện trong khi phê phán và trong các cuộc tiếp xúc với các anh em ly giáo.

c) Sống tinh thần hiệp nhất :

- Chúa Giêsu hằng quan tâm cầu nguyện nhiều cho sự hiệp nhất của Hội Thánh : “Xin Cha cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21).

- Hoạt động cho sự hiệp nhất : công đồng Vaticanô II đã ra sắc lệnh hiệp nhất, mời gọi con cái Hội Thánh mỗi người cần phải : “Bận tâm tái lập hiệp nhất liên hệ đến toàn thể Hội Thánh. Tín hữu cũng như chủ chăn, mỗi người đều phải lưu tâm tùy theo sức riêng của mình...” (Sl.HN 5).

Do đó, trách nhiệm của mỗi người chúng ta là phải góp phần bảo vệ sự hiệp nhất và tiến tới hiệp nhất Hội Thánh : Hiệp nhất trong lời cầu nguyện bằng cách tham dự cách tích cực và sinh động các giờ cầu nguyện chung trong giáo xứ ; Hiệp thông trong tình bác ái huynh đệ, yêu thương giúp đỡ nhau.

Mỗi người chúng ta là phần tử của Hội Thánh, chúng ta hãy yêu mến Hội Thánh, hiệp nhất với mọi người trong Hội Thánh. Luôn luôn vâng lời Hội Thánh truyền dạy qua cha xứ và những người có trách nhiệm dạy dỗ ta, tích cực học hỏi giáo lý và sống đạo, để trở nên chứng nhân Chúa Kitô trong việc sống hiệp nhất. Làm như thế, các em thực hiện đúng ý muốn của Chúa : “Lạy Cha, xin cho mọi người nên một” (Ga 17,31).

(có thể minh hoạ một câu chuyện về tình hiệp nhất hay vấn đề đại kết trong Hội Thánh).

2. Tính thánh thiện của Hội Thánh và vấn đề tội nhân.

(Rm 7,18-25).

a) Đặc tính thánh thiện :

Hội Thánh mang đặc tính thánh thiện vì :

- Hội Thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa, được liên kết với Thiên Chúa là Đấng Thánh.

- Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập, Người là Đầu mà Hội Thánh là thân : “Chúa Giêsu đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25). Vì thế, Hội Thánh trở nên thánh thiện nhờ sự thánh thiện của Chúa Giêsu : “Các ngươi hãy nên Thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Mt 5,48).

- Mục đích của Chúa Giêsu khi thiết lập Hội Thánh là muốn cho mọi người được cứu rỗi. Chúa đã thánh hóa Hội Thánh bằng Lời hằng sống và các Bí tích nhằm phát triển những hoa trái thánh thiện, sinh ơn ích cho mọi tín hữu.

- Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần làm cho sống động và phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện, đặc biệt Đức Mẹ Maria và các thánh là thành phần ưu tuyển của Hội Thánh.

b) Vấn đề tội nhân trong Hội Thánh :

Các em đã biết Hội Thánh là một cộng đoàn gồm những người được Thiên Chúa qui tụ thành dân Chúa. Tuy nhiên, đối với các phần tử trong Hội Thánh, thì sự thánh thiện này chưa đạt được trọn vẹn, vì Hội Thánh vẫn gồm những người thánh thiện và cả người tội lỗi, người lành và kẻ dữ. Nên Hội Thánh vừa thánh thiện lại vừa luôn phải sám hối, canh tân. Thánh Phaolô, hơn ai hết, đã ý thức thân phận yếu đuối, dòn mỏng của mình, đã nói với chúng ta như sau, mời các em lắng nghe (mời đứng nếu là tiết riêng :)

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma (Rm 7,18-25)

“Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.

Bởi đó tôi khám phá ra luật này : khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa ; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các thi thể tôi.

Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta !”

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

Con người chúng ta yếu đuối đến thế đó ! Ngay cả khi chúng ta đã được chuộc lại bằng giá máu của Chúa Kitô qua Bí tích Rửa tội, chúng ta vẫn còn yếu đuối : “Kho tàng ấy, chúng ta lại chứa đựng trong những bình sành” (2 Cr 4,7). Vì thế, trong Hội Thánh lữ hành vẫn còn tội nhân ! Tuy nhiên, “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,20-21). “Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27).

Chính vì tính thánh thiện của Hội Thánh và trong Hội Thánh vẫn còn những phần tử tội lỗi, nên Hội Thánh luôn kêu gọi con cái thanh tẩy không ngừng : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).

Hội Thánh luôn kêu gọi con cái thanh tẩy không ngừng cho đến ngày tận thế. Sự cố gắng không ngừng này làm phát sinh những “Vị thánh” trong Hội Thánh.

Nhìn vào các thánh, những con người ưu tú của Hội Thánh, chúng ta biết các ngài là những người đã yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Các thánh đã thực hiện nhân đức cách anh hùng để nêu gương cho chúng ta trong cuộc sống, theo lời Chúa dạy : “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Các em thân mến, chúng ta đang sống trong Hội Thánh thánh thiện, có Chúa Giêsu là Đấng Thánh, có Đức Maria là Mẹ rất Thánh, có biết bao nhiêu Đấng Thánh Nam nữ. Là thành phần của Hội Thánh, chúng ta hãy luôn biết luyện tập nhân đức để nên thánh, luôn cầu xin Chúa giúp ta sống thánh thiện, đồng thời xin Chúa luôn tha thứ và thanh tẩy chúng ta mỗi ngày.

Em luôn nhớ : yêu cầu sống thánh để tránh phạm tội mất lòng Chúa.

3. Tính Công giáo của Hội Thánh và sứ mệnh truyền giáo.

(Mt 28,16-20)

a) Thuộc về Hội Thánh Công giáo :

Từ “Công giáo” ở đây có nghĩa là phổ quát, tức là mở rộng cho mọi người, mọi dân tộc, mọi thời đại. Thánh công đồng Vaticanô II đã khẳng định : “Mọi người được mời gọi gia nhập dân tộc mới của Thiên Chúa” (Hc.HT 13) và công đồng cũng hướng dẫn chúng ta biết ai thuộc về Hội Thánh Công giáo :

- Trước tiên, “được kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Hội Thánh, những ai lãnh nhận Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Hội Thánh ; liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Chúa điều khiển nhờ Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục” (Hc.HT 14). Tuy nhiên, những người này nếu không kiên trì sống trong đức ái thì cũng không được cứu rỗi.

- Thứ đến, “đối với những người đã lãnh nhận phép rửa, mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô, Hội Thánh vẫn biết mình có liên hệ với họ vì nhiều lý do” (Hc.HT 15).

- Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về dân Thiên Chúa. Đó là những dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước (anh em thuộc Do thái giáo), những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa (anh em Hồi giáo), những ai đang thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, họ cố gắng sống chu toàn thánh ý Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm ngay lành (x. Hc.HT 16).

Tóm lại, những người thuộc về Hội Thánh Công giáo :

- Trước hết là các tín hữu Công giáo.

- Thứ  đến  là  những  người  tin  vào Chúa Ki-tô.

- Sau cùng là tất cả mọi người được Thiên Chúa an bài để thuộc về dân của Người.

b) Sứ mệnh truyền giáo :

Từ “Công giáo” còn có ý nghĩa phổ quát do tính nội tại của Hội Thánh : Hội Thánh mang tính Công giáo vì Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh, nên có đầy đủ phương tiện cứu rỗi ; đồng thời Hội Thánh là Công giáo vì Hội Thánh được Chúa Kitô sai đến với toàn thể nhân loại. (Mời các em đứng nếu là tiết riêng :)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 28,16-20)

“Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy Người, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

- Đó là Lời Chúa.

+ Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa

(thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

Chúa Kitô, trước khi về trời đã truyền lệnh cho các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Mệnh lệnh ấy bắt nguồn cách sâu xa từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu cứu độ muốn đưa tất cả mọi người vào sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa : Cha, Con và Thánh Thần. Tình yêu ấy trở thành động lực thúc đẩy Hội Thánh dấn mình vào công cuộc truyền giáo như thánh Phaolô tâm sự : “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). Vì thế, Hội Thánh là một cộng đoàn truyền giáo. Sứ mệnh này phát xuất từ lệnh truyền của Chúa Giêsu : “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian” và đáp lại hoài bão của Chúa Giêsu : “Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này ; tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Chính vì sứ mệnh “phổ quát” tức là tính “Công giáo” của mình, Hội Thánh phải loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Do đó, truyền giáo trở thành một sứ vụ khẩn thiết và là hàng đầu của Hội Thánh : “Hội Thánh lữ hành tự bản chất là truyền giáo” (Sl.TG 2).

Chính vì muốn Tin Mừng của Chúa Kitô có thể đến với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa, mọi tầng lớp xã hội, mà sau công đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã thích nghi với rất nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc. Hội Thánh cần làm thế để các dân tộc đều cảm thấy Hội Thánh là nhà của mình, và do đó nói lên được tính “Công giáo” của Hội Thánh.

Truyền giáo phải là sứ mệnh của mỗi Kitô hữu, vì ơn gọi của người Kitô hữu là truyền giáo. Tất cả chúng ta hãy biết góp phần vào việc truyền giáo của Hội Thánh bằng cách sống, bằng lời nói, nhất là hy sinh, cầu nguyện.

Riêng các em “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Biết thực hiện việc truyền giáo ngay trong môi trường mình đang sống. Sống trung thực, thật thà, yêu thương mọi người, biết cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.

4. Tính tông truyền và trách nhiệm nối tiếp truyền thống.

(Ep 2,19-22)

Hội Thánh tông truyền theo 3 ý nghĩa căn bản :

- Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh kiên vững trên nền tảng các Tông đồ.

- Hội Thánh được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn nhờ các Đấng kế vị các Tông đồ.

- Hội Thánh bảo vệ, truyền thông sứ điệp và chứng tá của các Tông đồ.

Để xác tín về đặc tính tông truyền của Hội Thánh, mời các em lắng nghe Lời Chúa : (mời đứng nếu là tiết riêng).

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô (Ep 2,19-22)

“Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Chúa Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.”

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

a) Nền tảng các Tông đồ :

Thánh Phaolô cho chúng ta biết : chúng ta thuộc về gia đình Thiên Chúa, tức là Hội Thánh được Chúa Giêsu xây trên nền móng vững chắc là các Tông đồ và các ngôn sứ mà viên đá tảng chính là Chúa Giêsu, đầu Hội Thánh. Các Tông đồ là những người được Chúa Giêsu kêu gọi, tuyển chọn ngay trong những ngày đầu rao giảng Tin Mừng, chính Người đã huấn luyện họ, hun đúc niềm tin và sai họ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20). Chúa trao cho Phêrô cai quản Hội Thánh (x. Mt 16,18-19). Trách nhiệm riêng mà Chúa trao cho Phêrô đã được trao lại cho các Đấng kế vị Người, tức là các Đức Giáo Hoàng. Trách nhiệm ấy phải được tồn tại mãi đến tận thế. Cũng vậy, trách nhiệm chăn dắt Hội Thánh của các Tông đồ cũng được nối tiếp do chính những người mà các Tông đồ đặt tay tuyển chọn (các Giám Mục ) (1 Tm 4,14).

b) Tính tông truyền được thể hiện qua phẩm trật :

Hội Thánh Công giáo đúng thực là Hội Thánh tông truyền vì sự thừa kế liên tục từ Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên, đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hiện nay. Cùng hiệp thông và đồng trách nhiệm với Đức Giáo Hoàng có các Đức Giám Mục, là những người kế vị các Tông đồ, có sự trợ giúp của các Linh mục, Phó tế phục vụ dân Chúa trong việc giảng dạy, thánh hóa và quản trị, để Hội Thánh muôn đời vẫn là Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền. Toàn thể các Đức Giám Mục liên kết với Đức Giáo Hoàng và với nhau làm thành Giám Mục đoàn. Cộng đoàn tính của Hội Thánh được biểu lộ rõ nét trong các Công đồng chung, Thượng Hội Đồng Giám Mục, Hội Đồng Giám Mục quốc gia...

Giáo phận là Hội Thánh địa phương do Đức Giám Mục coi sóc. Trong mỗi Giáo phận có các Linh mục, Phó tế cộng tác với Đức Giám Mục coi sóc dân Chúa tại các Giáo xứ và điều hành các sinh hoạt khác trong giáo phận.

c) Nối tiếp tính tông truyền :

Đặc tính tông truyền của Hội Thánh Công giáo không những được sáng chói qua phẩm trật trong Hội Thánh mà còn vì sự tiếp nối đức tin của toàn thể Hội Thánh.

- Đức tin tông truyền : đức tin mà Hội Thánh tuyên xưng hôm nay và mãi mãi là chính đức tin của các Tông đồ truyền lại : với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh gìn giữ và truyền đạt lời giáo huấn nghe được từ các Tông đồ : thánh Phaolô đã xác định trách nhiệm của Hội Thánh qua thư gửi cho môn đệ Timôthê: “Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta” (2 Tm 1,13-14).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy : “Việc dạy giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa, thông truyền trong Kinh Thánh và Thánh Truyền hợp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa và được trao phó cho Hội Thánh” (TH.DGL 27).

Cộng đoàn tín hữu có trách nhiệm nối tiếp đặc tính tông truyền bằng cách :

- Một là hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, với các Đức Giám Mục là những Đấng kế vị các Tông đồ bằng cách đón nhận và sống giáo lý Lời Chúa. Mỗi tín hữu trở thành cuốn Kinh Thánh sống động nhờ đời sống phù hợp với giáo lý của Tin Mừng.

- Hai là tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng để trình bày và mời gọi mọi người đón nhận Tin Mừng của Chúa Kitô.

Đến đây chúng ta khám phá ra yêu cầu khẩn thiết của việc học giáo lý để đón nhận đúng đắn và đầy đủ giáo huấn của Chúa Kitô do các Tông đồ truyền lại cho chúng ta trong Hội Thánh của Người.

Không chỉ học nhưng còn phải sống đức tin để được hưởng ơn cứu độ và cũng để góp phần vào việc nối tiếp tính tông truyền của Hội Thánh Công giáo.

C. Hướng ý cầu nguyện.

GLV có thể tập cho các em “bài ca hiệp nhất” để hát trong giờ cầu nguyện.

IV. TRỞ VỀ CUỘC SỐNG.

1. Bài học :

“Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhơ hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”

(Ep 5,26).

81. H. Hội thánh Công giáo có những đặc tính nào ?    @ (GLCG.119)

   T. Hội thánh Công giáo có bốn đặc tính này là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông Truyền.

82. H.           Hội thánh duy nhất có đa dạng không ?    (GLCG.121)

   T. Hội thánh vừa duy nhất vừa đa dạng vì Hội thánh bao gồm nhiều dân tộc thuộc nhiều nền văn hóa. Trong các thành phần của Hội thánh cũng có những đặc sủng và những chức vụ khác nhau. Sự đa dạng này làm cho Hội thánh năng động và phong phú.

83. H.         Tại sao trong Hội thánh lại có tội nhân ?    (GLCG.123)

   T. Vì các thành phần của Hội thánh chưa đạt tới sự thánh thiện trọn vẹn. Họ được mời gọi tự thanh tẩy và phải luôn nỗ lực sám hối, canh tân.

84. H.        Những ai thuộc về Hội thánh Công giáo ?    (GLCG.125)

   T. - Trước hết là các tín hữu Công giáo.

- Thứ  đến  là  những  người  tin  vào Chúa Ki-tô.

- Sau cùng là tất cả mọi người được Thiên Chúa an bài để thuộc về dân của Người.

85. H.       Vì sao Hội thánh có sứ mạng truyền giáo ?    @ (GLCG.126)

   T. Vì :

- Một là Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.

- Hai là Hội thánh có bổn phận đem chân lý được Chúa trao phó đến cho mọi người.

- Ba là chính Chúa Ki-tô, trước khi về trời đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

86. H. Chúng ta tiếp nối truyền thống các Tông đồ cách nào ?          (GLCG.128)

   T. Chúng ta tiếp nối truyền thống các Tông đồ bằng hai cách :

- Một là hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, với các Đức Giám Mục là những Đấng kế vị các Tông đồ.

- Hai là tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng.

2. Sinh hoạt : tìm trong tập Sinh hoạt giáo lý cấp III.

3. Gợi ý sống đạo :

Chính bằng đời sống đúng với Tin Mừng mà chúng ta biểu lộ cho mọi người biết các đặc tính của Hội Thánh Công giáo. Đây là động lực mới thúc đẩy tôi luôn sống thành thật, yêu thương.

4. Bài làm ở nhà :

Thực hiện và ghi vào tập một việc làm nói lên 1 trong 4 đặc tính của Hội Thánh.

V. KẾT THÚC.