Tại sao nước ta thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần

THÀNH PHẦN KINH TẾ TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI - TỪ CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN VIỆT NAM

Thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội [CNXH] ở Việt Nam đã trải qua hơn 60 năm, đây là khoảng thời gian lâu dài đối với một giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, nhưng đối với thời kỳ quá độ - một giai đoạn chuyển tiếp từ một hình thái kinh tế xã hội cũ sang một hình thái kinh tế xã hội mới thì chỉ là một chặng đường của thời kỳ quá độ [TKQĐ] lên CNXH và tiến lên CSCN. Các Mác cho rằng: Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa[1]; Lênin kế thừa quan điểm của Các Mác và khẳng định, xã hội mới mới lọt lòng từ xã hội cũ sau những cơn đau đẻ kéo dài; Hồ Chí Minh cho rằng, TKQĐ đây là một thời kỳ lâu dài và gian khổ, vì một chế độ này biến thành một chế độ khác là cuộc đấu tranh gay ro và kịch liệt, giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới; đồng thời, Bác cho rằng cần phải có những bước đi trong TKQĐ lên CNXH bước ngắn, bước dài, tuỳ theo hoàn cảnh nhưng chớ ham làm mau, ham rầm rộ đi bước nào vững chắc bước ấy, cứ tiến dần dần.. Tựu chung lại, TKQĐ là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện trên tất các các lĩnh vực, nhằm biến một cái cũ thành cái mới tiến bộ hơn. Để thực hiện thành công TKQĐ tiến lên CNXH phải giải quyết những nhiệm vụ về kinh tế, chính trị Trong đó trọng tâm là những nhiệm vụ về kinh tế, nhiệm vụ này được Lênin phân tích rất rõ trong chính sách kinh tế mới.

1. Quan điểm của Lênin về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tính quy luật chung về kinh tế của mỗi quốc gia dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, quan điểm này được Lênin đưa ra trong Chính sách kinh tế mới, để thay thế cho Chính sách cộng sản thời chiến đã lạc hậu và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Đồng thời, Lênin đưa ra các thành phần kinh tế chủ yếu trong thời kỳ quá độ lên CNXH là: Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng; sản xuất hàng hóa nhỏ; chủ nghĩa tư bản tư nhân; chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa xã hội.Trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế mới, Lênin luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thành phần kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức tô nhượng, hợp tác xã, tư nhân đại lý, cho tư nhân thuê cơ sở sản xuất.v.v.được xem là chiếc cầu nhỏ vững chắc xuyên qua chủ nghĩa tư bản để đi vào chủ nghĩa xã hội. Phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước không chỉ là biện pháp quá độ đặc biệt mà còn là khâu trung gian để chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội. Về kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, điểm xuất phát trong quá trình xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là phải đáp ứng lợi ích kinh tế cho đại đa số nông dân, mà trước hết là từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dựa vào khôi phục và phát triển kinh tế tiểu nông để khôi phục và phát triển đại công nghiệp. Ngay Đại hội X Đảng cộng sản bolshevik [bôn-sê-vích] Nga, Lênin đã yêu cầu chính quyền Xô viết phải nhanh chóng phát triển nền sản xuất tiểu nông bằng cách khuyết khích nền kinh tế nông dân cá thể với những biện pháp quá độ, những hình thức trung gian có khả năng cải tạo nông dân, đổi mới nông thôn và chuyển đổi nền kinh tế tiểu nông của những người nông dân cá thể thành nền sản xuất tập thể có tính xã hội chủ nghĩa, diễn ra một cách tuần tự, có tính kế thừa, thận trọng. Về kinh tế tư bản tư nhân, khi chính sách kinh tế mới được áp dụng trong thực tiễn nước Nga, Lênin hiểu rõ có thể chủ nghĩa tư bản sống lại, nhưng ông cho rằng không sợ nó, mà kiêu gọi Chính quyền Xô viết cần sử dụng tư nhân nông dân, thợ thủ công, thương nhânđể phát triển kinh tế đất nước, bởi vì tư bản tư nhân sẽ tạo ra nhiều hàng hóa tiêu dùng cho xã hội - cơ sở ổn định chính trị. Kinh tế chủ nghĩa xã hội, Lênin đánh giá rất cao vị trí, vai trò của thành phần kinh tế này, đây là xương sống của nền kinh tế -những mạch máu kinh tế cơ bản như công nghiệp, ngân hàng, tài chính tín dụng luôn nằm trong tay chính quyền Xô viết, thuộc sở hữu nhà nước. Khi chính sách kinh tế mới được thực hiện, Lênin chủ trương các xí nghiệp quốc doanh hoạt động theo chế độ tự hoàn vốn, chế độ hoạch toán kinh tế, các xí nghiệp này được giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm vật chất với kết quả hoạt động của mình.

Về thứ tự các thành phần kinh tế, Lênin đã cố tình sắp xếp các thành phần kinh tế theo thứ tự, cấp độ tăng lên về tính chất xã hội chủ nghĩa của mỗi thành phần kinh tế; tỷ trọng của các thành phần kinh tế trong từng giai đoạn lịch sử; sự biến đổi tỷ trọng các thành phần kinh tế phải theo hướng xã hội chủ nghĩa; tính đan xen, mâu thuẫn, đấu tranh và thống nhất giữa các thành phần kinh tế, tạo ra một cơ cấu kinh tế bền vững, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế của đất nước và tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của Các Mác - Ăngghen, Lênin về những vấn đề kinh tế - chính trị trong thời kỳ quá độ lê CNXH, trong đó Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế của nước nhà trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Từ quan điểm của Lênin về kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Hồ Chí Minh đã vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Người đã chỉ ra những thành phần kinh tế trong vùng tự do trước năm 1954 ở nước ta bao gồm: Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia. Khi miền bắc hoàn toàn giải phóng đi lên CNXH, Hồ Chí minh đã chỉ ra những hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế cụ thể tương ứng. Sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân; tương ứng với ba loại hình sử hữu đó là năm thành phần kinh tế: Kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản tư nhân; tư bản nhà nước. Trong các thành phần kinh tế nêu trên thì thành phần kinh tế quốc doanh là thành phần kinh tế lãnh đạo, phát triển mau hơn cả.

Tuy nhiên, trước đổi mới tháng 12 năm 1986 ở nước ta thực chất chỉ phát triển hai thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể dựa trên hai hình thức sử hữu Nhà nước và tập thể. Chính vì vậy, trong một thời gian dài nền kinh tế của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, không giải phóng được nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước. Thực tiễn cho thấy nguyên nhân sâu xa của mối quan hệ giữa LLSX và QHSX ở nước ta vào thời kỳ này không phù hợp, trong khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ lạc hậu, còn quan hệ sản xuất chúng ta lại xậy dựng chủ yếu là

3. Thực tiễn vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Thực tiễn hơn 30 năm Việt Nam phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta đã có sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn khi quyết định chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tháng 12 năm 1986. Đã tạo ra bước đột phá về tư duy đổi mới thể chế, cơ chế trong quản lý kinh tế và đã vận dụng một cách sáng tạo nhất quan điểm của Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tùy vào từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn từng thành phần kinh tế cho phù hợp, nhưng quan điểm nhất quán trong suốt thời kỳ đổi mới cho đến nay, Đảng ta khẳng định phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên nhiều hình thức sở hữu.

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tháng 12 năm 1986 - Đại hội đổi mới, Đảng xác định 5 thành phần kinh tế chủ yếu:Kinh tế XHCN [Quốc doanh, tập thể, gia đình], Kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, Kinh tế tự túc, tự cấp, Kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tư bản tư nhân. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII [năm 1991] Đảng ta tiếp tục định 5 thành phần kinh tế:Kinh tế quốc doanh,Kinh tế tập thể,Kinh tế cá thể, Kinh tế tư nhân, và Kinh tế tư bản nhà nước; do vậy NQĐại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chỉ rõ:Từ các hình thức sở hữu cơ bản sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân hình thành nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp. Đại hội VIII [năm 1996] có 5 thành phần kinh tế:Kinh tế nhà nước, Kinh tế hợp tác xã,Kinh tế cá thể, tiểu chủ, Kinh tế tư bản tư nhân và Kinh tế tư bản nhà nước,Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nêu ra 6 thành phần kinh tế cơ bản. Tại Đại hội IX [năm 2001], gồm có 6 thành phần kinh tế:Thành phần kinh tế nhà nước, Thành phần kinh tế hợp tác xã,Thành phần kinh tế cá thể tiểu chủ,Thành phần kinh tế tư bản tư nhân, Thành phần kinh tế tư bản nhà nước, và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Kinh tế hỗn hợp [thuộc sở hữu cổ phần]. Tại Đại hội X [năm 2006], gồm có 5thành phần kinh tế:Thành phần kinh tế nhà nước, Thành phần kinh tế tập thể,Thành phần kinh tế tư nhân [bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư bản tư nhân ],Thành phần kinh tế tư bản nhà nước,và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.Như vậy Đại hội X chỉ khác Đại hội IX ở chỗ đã sát nhập hai thành phần kinh tế kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư bản tư nhân thành một thành phần đó là kinh tế tư nhân, là vì hai thành phần này có điểm chung giống nhau là đều dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về TLSX; mặt khác chúng ta xóa đi sự mặc cảm đối với kinh tế tư bản tư nhân và nó sẽ thuận hơn khi nói đến đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Tại Đại hội XI [năm 2011],gồm có 4 thành phần kinh tế:Thành phần kinh tế nhà nước; Thành phần kinh tế tập thể;Thành phần kinh tế tư nhân [gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bảntư nhân]và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Đại hội XII [năm 2016],Đảng ta chủ yếu nhấn mạnh đến 4 thành phần kinh tế sau:Thành phần kinh tế nhà nước; Thành phần kinh tế tập thể;Thành phần kinh tế tư nhân [gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bảntư nhân]và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta so sánh với các thành phần kinh tế mà Lênin và Hồ Chí Minh đề cập, thì không thấy thành phần kinh tế tư bản nhà nước, đây là thành phần kinh tế mà Lênin cho rằng có vai trò rất quan trọng trong việc liên kết giữa tử bản tư nhân và chủ nghĩa xã hội.

Mỗi thành phần kinh tế có vị trí, vai trò nhất định trong cơ cấu thành phần kinh tế, trước hết là thành phần kinh tế Nhà nước. Đây là thành phần kinh tế mà Hồ Chí Minh cho rằng là thành phần kinh tế lãnh đạo, phát triển mau hơn cả. Tư tưởng này của Bác được Đảng ta vận dụng đưa vào trong các Nghị quyết Đại hội của đảng. Trong Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội[2]. Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước thể hiện qua: Đi đầu về nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả, nhờ đó mà thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế quốc dân; Bằng nhiều hình thức hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo định hướng XHCN; Tăng cường sức mạnh vật chất làm chỗ dựa để Nhà nước thực hiện có hiệu lực chức năng điều tiết, quản lý vĩ mô nền kinh tế định hướng XHCN.

Chính vì vậy, trong suốt chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã cho thành lập các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, nắm giữ những ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước - được xem là xương sống, mạch máu của nền kinh tế nước nhà, và đây là công cụ kinh tế thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước, nhằm điều tiết kinh tế, hỗ trợ, định hướng các thành phần kinh tế khác đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, thành phần kinh tế tập thể, Đảng ta xác định đây là thành phần kinh tế cùng với thành phần kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; thứ ba, thành phần kinh tế tư nhân là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; thứ tư, về thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước[3].

Tuy nhiên, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, Đảng ta hầu như không hoặc có đề cập nhưng không rõ ràng về thành phần kinh tế tư bản nhà nước, đây là thành phần kinh tế mà theo Lênin là nó có vai trò rất quan trọng, là thành phần kinh tế trung gian trong việc liên kết thành phần kinh tế tư bản tư nhân với thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, là chiếc cầu nhỏ vững chắc đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản, để đi vào chủ nghĩa xã hội, là thành phần kinh tế có vai trò cầu nối giữa TBTN và XHCN, để thành phần kinh tế XHCN định hướng thành phần kinh tế tư bản tư nhân đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, đây là thành phần kinh tế đóng vai trò trung gian giữa Thành phần kinh tế tư nhân với Thành phần kinh tế nhà nước, đó là sự kiên kết giữa tư nhân trong nước, nước ngoài với tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước. Thông qua đó chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, công ty, tổng công ty, tập đoàn kinh tế kinh tế tư nhân trong thời kỳ đẩy mạnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.Trong văn kiện XII Đảng ta không đề cập một cách rõ ràng nhất về thành phần kinh tế này, chỉ đề cập đến một nội dung nhỏ về thành phần kinh tế tư bản nhà nước tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu chúng ta đi phân tích nội dung này với khái niệm thành phần kinh tế tư bản nhà nước thì nội hàm của nó gần như giống nhau, bởi vì, thành phần kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế liên kết giữa tư nhân trong nước và nước ngoài với Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, trong các chặng đường phát triển kinh tế khác nhau thì nhận thức về thành phần kinh tế cũng có sự thay đổi, đó là quá trình khách quan phù hợp với quy luật nhận thức. Cho nên, quá trình đổi mới tư duy về các thành phần kinh tế ở nước ta qua các kỳ Đại hội của Đảng là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn./.


[1] C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính Trị quốc gia. H.1995. t.19, tr. 33

[2] Văn kiện Đại hội XII, năm 2016, trang 20

[3] Văn kiện Đại hội XII, trang 21

Video liên quan

Chủ Đề