Tại sao phải giáo dục văn hóa cho trẻ

TTO - Ở chung cư nơi bạn tôi sinh sống, trẻ em Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam có thể chơi bóng đá và đi bơi cùng nhau mỗi buổi chiều sau giờ học.

  • Thay vì dạy chữ sớm, hãy dạy con những 'kỹ năng suốt đời' này
  • Cha mẹ Hàn Quốc dạy con trở nên thông minh ra sao?
Tại sao phải giáo dục văn hóa cho trẻ

Trẻ em nước ngoài và Việt Nam cùng xem xiếc ở khuôn viên của một chung cư tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Họ cùng nói với nhau một ngôn ngữ là tiếng Anh và thái độ tôn trọng lẫn nhau.

Toàn cầu hóa đã giúp những đứa trẻ từ mọi nẻo trên thế giới trở thành những hàng xóm. Đó chính là xu hướng đang định hình một cách rõ nét ở một thành phố đa văn hóa như TP.HCM. Xu hướng này, cùng với sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng Internet, khiến cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Nó cũng đặt ra cho công dân mỗi quốc gia những thuận lợi và thách thức đan xen. Kiến thức và kỹ năng ứng xử trong bối cảnh đa văn hóa đang là điều rất cần thiết phải trang bị cho trẻ.

Hiểu về đa văn hóa

Toàn cầu hóa giúp con người trở nên gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Con người có thể tương tác trực tiếp với nhau hay thông qua các mạng xã hội một cách dễ dàng. Không gian sinh tồn của con người rất đa dạng và điều đó đã hình thành rất nhiều nền văn hóa với sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, chuẩn mực sống... bên cạnh những giá trị phổ quát của nhân loại.

Thế rồi con người ở nhiều nền văn hóa khác nhau lại cùng làm việc, giao tiếp hằng ngày với sự đa dạng về văn hóa. Điều này đặt ra cho mỗi người yêu cầu phải hiểu biết về những giá trị phổ quát của nhân loại, đặc điểm của những nền văn hóa lớn, của các quốc gia. Có như vậy thì nền tảng cho quá trình giao tiếp mới thực sự vững chắc, giảm thiểu đi những xung đột văn hóa.

Học cách sống chung

Vì phải tiếp xúc, làm việc và có khi là sống chung với bạn bè từ nền văn hóa khác nên cần tập cho trẻ bằng cách để trẻ tham gia các hoạt động ở các điểm công cộng, đông người hay những hoạt động cộng đồng khác. Hoạt động trải nghiệm cả ngày hay qua đêm với nhóm trẻ khác là điều nên khuyến khích. Trước khi trẻ tham gia các hoạt động đó, nên dành thời gian chia sẻ thêm về kỹ năng, cho lời khuyên về các tình huống giao tiếp mà trẻ có thể gặp.

Tôn trọng nguồn cội

Có không ít phụ huynh thường so sánh văn hóa Việt với một số nền văn hóa khác với sự tự ti và đôi khi là những phán xét tiêu cực. Nền văn hóa nào cũng có mặt tiến bộ và tiêu cực của nó. Văn hóa Việt rất đẹp ở ngôn ngữ, phong tục, quan niệm về gia đình, lễ nghĩa... Các bậc phụ huynh nên dạy dỗ, chia sẻ với con về những đặc điểm tốt đẹp đó để các em cảm thấy tôn trọng, tự hào về nguồn cội.

Không nên hơn thua

Giao tiếp đa văn hóa đôi khi sẽ kèm theo những tranh cãi hay tệ hơn là tình trạng xung đột văn hóa. Phụ huynh nên dạy cho con đặc điểm quan trọng là các nền văn hóa đều có sự khác biệt và việc tranh cãi hơn thua là điều không nên. Hãy trang bị cho trẻ nhận thức rằng cần tôn trọng sự khác biệt của người khác và hãy giữ những giá trị tốt đẹp của quê hương, gia đình và bản sắc cá nhân của mình.

Đề cao và thực hành những giá trị phổ quát

Dù là nền văn hóa nào thì con người luôn có những đặc điểm văn hóa phổ quát, đó là chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử. Những giá trị phổ quát này bao gồm: đề cao tính nhân bản; chung sống hòa bình; tôn trọng sự khác biệt; tôn trọng niềm tin và đức tin về tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; không phân biệt chủng tộc và tôn trọng sự đa dạng... Việc trang bị cho trẻ những giá trị này là điều rất quan trọng. Nó như việc cho các em một phông văn hóa vững chắc và sau đó những điều tốt đẹp sẽ nảy nở theo.

Tại sao phải giáo dục văn hóa cho trẻ
Dạy "trẻ trâu" về tiền (nhưng không chỉ về tiền)

TTCT - Nếu cứ nhấn mạnh quá về tầm quan trọng của tiền thì lại không tốt, khiến chúng hiểu lệch lạc về cái gì là có ý nghĩa của cuộc đời. Hãy dạy con về quản lý tiền như học lái xe, thế thôi, còn lại tập trung vào sự chân thật, chính trực, tự quản, tôn trọng con người - là những thứ quan trọng hơn tiền rất nhiều.