Tầm quan trọng và các giá trị đạo đức trong công tác xã hội nhóm

Biên soạn: ThS. Nguyễn Quốc Giang

1. Một số khái niệm về Công tác xã hội cá nhân

Nguồn: PE-OUCRU

Có nhiều khái niệm về Công tác xã hội cá nhân được sử dụng trên thế giới dựa trên nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm thực tế của những người làm CTXH chuyên nghiệp.

Bà Mary Richmond –nhà công tác xã hội tiên phong người Mỹ – cho rằng “Công tác xã hội cá nhân là nghệ thuật làm việc với từng cá nhân với các vấn đề khác nhau, thông qua việc nhân viên xã hội cùng hợp tác với thân chủ, giúp thân chủ thực hiện chức năng xã hội, cải thiện mối quan hệ giữa họ và môi trường xã hội trở nên tốt hơn.”

Theo cố Thạc sỹ Phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh “Công tác xã hội cá nhân là một phương pháp can thiệp [của Công tác xã hội] quan tâm đến những vấn đề về nhân cách mà một thân chủ cảm nghiệm. Mục đích của Công tác xã hội cá nhân là phục hồi, củng cố và phát triển sự thực hành bình thường các chức năng xã hội của cá nhân và gia đình.

Hay theo Sách giáo khoa/ bách khoa [Encyclopedia] về công tác xã hội của Philippines: “Công tác xã hội cá nhân là một hình thức cá biệt hóa việc giúp đỡ con người đối phó vói những vấn đề cá nhân thường liên quan đến sự sa sút hay gãy đổ trong việc thực hiện các chức năng xã hội một cách đầy đủ”

Những điểm chung của các định nghĩa về CTXH cá nhân bao gồm:

  • Nhấn mạnh đây là một trong những phương pháp làm việc của CTXH nhằm hỗ trợ cho từng cá nhân theo mối quan hệ một – một;
  • Nhấn mạnh đến chức năng xã hội của cá nhân, những tiềm năng vốn có để cá nhân tự giải quyết vấn đề của mình;
  • Đề cập đến yếu tố môi trường xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề hiện tại của cá nhân đặc biệt là việc thực hành chức năng xã hội của cá nhân.

Ví dụ:

Một em học sinh có vai trò xã hội là học hành tốt, nhưng em thường xuyên bỏ học. Như vậy là việc thực hiện vai trò xã hội của em có vấn đề.

Hay “A, một người nhà của người bệnh phải chăm lo cho người bệnh và phối hợp với nhân viên y tế trong việc điều trị, tuy nhiên người này thường xuyên bỏ mặc người bệnh, không chăm sóc và hay nóng giận với nhân viên y tế, điều này nói lên vai trò xã hội của cá nhân A này đang có vấn đề”.

2. Cần phân biệt giữa CTXH cá nhân và quản lý trường hợp

Nguồn: flaticon.com

2.1 Đặc điểm giống nhau:

  • Đối tượng can thiệp là cá nhân và gia đình, mối quan hệ một – một;
  •  Nhiệm vụ của người trợ giúp đều có thể là người cung cấp dịch vụ [ví dụ như tham vấn];
  •  Họ cũng có thể thực hiện nối kết nguồn lực với TC;
  •  Nhân viên xã hội [NVXH] hay nhân viên CTXH được đào tạo chuyên môn.

2.2 Đặc điểm khác nhau:

CÔNG TÁC XÃ HỘI CÁ NHÂN QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP
      Là một phương pháp của CTXH hỗ trợ cá nhân giải quyết vấn đề liên quan đến tâm lý – xã hội – vật chất.        Là tiến trình hỗ trợ cá nhân giải quyết vấn đề và đáp ứng nhu cầu [tâm lý xã hội, vật chất].
      Mục đích: giúp cho cá nhân giải quyết vấn bằng cách đi sâu vào đời sống của TC, bằng các phương pháp trong CTXH giúp thân chủ tự giải quyết vấn đề.        Mục đích: giúp cá nhân giải quyết vấn đề bằng cách tiếp cận nguồn lực trong xã hội theo 1 tiến trình giúp đỡ.
       Nhấn mạnh đến những kỹ năng của NVXH trong việc giúp thân chủ nhìn ra được điểm mạnh của thân chủ, tác động thay đổi của môi trường, dung hòa cả 2 yếu tố để giúp thân chủ thực hiện chức năng xã hội của mình một cách phù hợp.        Trong quản lý ca người ta nhấn mạnh vai trò kết nối thân chủ với nguồn lực, điều tiết và biện hộ cho thân chủ để họ có được dịch vụ trợ giúp tốt nhất hơn là trực tiếp cung cấp dịch vụ.

3. Mục tiêu, giá trị và nguyên tắc của CTXH cá nhân

Credit: Freepik

3.1 Mục tiêu

CTXH với cá nhân là thiết lập mối quan hệ tốt giữa nhân viên xã hội với thân chủ, giúp cho họ hiểu rõ về chính họ [khám phá bản thân], xác định lại mối tương quan giữa họ với những người xung quanh, giúp họ tăng khả năng vận dụng các nguồn lực xã hội [tài nguyên] và của bản thân để thay đổi. Nói một cách khác, CTXH cá nhân nhằm phục hồi, củng cố và phát triển sự thực thi bình thường chức năng xã hội của cá nhân và gia đình trong bối cảnh xã hội mà vấn đề của họ đang diễn ra và bị tác động.

Mục tiêu Diễn giải

    Giúp mọi người phát huy năng lực của chính họ và nâng cao khả năng tự xử lý và giải quyết vấn đề.

     Giúp thân chủ nhận ra vấn đề, những cách thức khác nhau để xác định vấn đề, giải pháp. Giúp thân chủ khám phá thế mạnh của mình, những điều họ có thể làm và tạo niềm hy vọng có thể giải quyết vấn đề, có thể tạo nên những thay đổi…

    Giúp mọi người tìm các nguồn lực và tạo thuận lợi cho các quan hệ tương tác giữa các cá nhân với tổ chức hay cá nhân khác.

     Cung cấp thông tin các dịch vụ xã hội và các chương trình phúc lợi để thân chủ có thể tiếp cận, đôi khi họ có thể bị từ chối phục vụ vì họ thuộc một nhóm nào đó bị bỏ rơi hay có vấn đề xã hội. NVXH sẽ có trách nhiệm hỗ trợ họ để họ có thể được hưởng lợi từ chương trình phúc lợi, hoặc dịch vụ xã hội.

    Giúp các tổ chức đáp ứng nhiệt tình nhu cầu của thân chủ và tạo ảnh hưởng tới quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân.

     Cùng làm việc với các tổ chức đảm bảo việc thực hiện các chính sách, chế độ cho thân chủ. Xây dựng mối quan hệ tốt với các tổ chức, cá nhân để mang lại hiệu quả hỗ trợ tốt nhất cho thân chủ.

    Tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội.

     NVXH làm việc với các tổ chức, giám đốc chương trình, các nhà quản lý các tổ chức cũng như các cơ quan tổ chức ra các quyết định liên quan đến luật pháp, chính sách … để thúc đẩy việc chấp nhận và xây dựng các chính sách đảm bảo chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người.

3.2. Giá trị của CTXH cá nhân

  • Thừa nhận những giá trị có sẵn và tầm quan trọng của cá nhân cũng như có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân và xã hội [thuyết hệ thống];
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng phẩm giá của cá nhân và những khả năng của họ trong việc thực hiện những quyết định quan trọng;
  • Công nhận sự tự quyết là một quyền cơ bản của cá nhân;
  • Công nhận tính độc đáo của thân chủ/khách hàng.

3.3 Nguyên tắc của CTXH cá nhân

3.3.1 Cá nhân hóa

Mỗi thân chủ là một cá thể duy nhất với những đặc điểm cá tính riêng biệt và chịu sự chi phối khác nhau của môi trường sống. Do đó, NVXH không nên nhìn nhận thân chủ theo những ý tưởng có trước cho từng thân chủ, dán nhãn lên hoàn cảnh và hành vi của thân chủ. Khả năng xem thân chủ như một cá nhân riêng biệt bằng cách cảm nhận qua những nét riêng tư và sự sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của thân chủ là điều quan trọng nhất trong nguyên tắc cá nhân hóa. Những nhu cầu, nguyện vọng của thân chủ được thể hiện qua kế hoạch giải quyết vấn đề riêng cho thân chủ đó. Vì thế NVXH không áp dụng một mô hình chung cho những thân chủ khác nhau.

3.3.2 Chấp nhận thân chủ

NVXH chấp nhận thân chủ với tất cả những phẩm chất tốt và xấu của thân chủ đó,những điểm mạnh và điểm yếu của họ mà không phán xét hành vi của người đó. Chấpnhận thân chủ đoi hỏi sự không tính toán, không điều kiện cũng như không tuyên án hành vi của thân chủ. Nền tảng của nguyên tắc này là giả định triết học cho rằng mỗi cá nhân có giá trị bẩm sinh, không kể đến địa vị và hành vi của họ. Thân chủ được quyền lưu ý và thừa nhận là một con người cho dù anh ta có phạm tội đi chăng nữa.Chấp nhận không có nghĩa là tha thứ cho những hành vi phạm tội mà xã hội lên án, chấp nhận là thể hiện sự quan tâm và thiện chí hướng về con người ẩn sau hành vi.

3.3.3 Thái độ không kết án

Thái độ không kết án, không phê phán có nghĩa là không tỏ vẻ bất bình với thân chủ, không đổ lỗi bằng việc tranh luận về những nguyên nhân, hậu quả của hành vi hoặc đưa ra những lời phê phán. NVXH không nên thể hiện thái độ xem thường hay kết án đối với thân chủ. Khi NVXH đối xử với thân chủ bằng thái độ thân thiện, không kết án, thân chủ sẽ cảm thấy họ được chấp nhận hoàn toàn và có thể thoải mái bộc lộ vấn đề của họ.

3.3.4 Tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ

Nguyên tắc này cho rằng cá nhân có quyền quyết định những vấn đề thuộc về đời sống riêng tư của họ và người khác không có quyền áp đặt các quyết định lên họ. Nhân viên xã hội có thể hướng dẫn, giúp đỡ thân chủ đưa ra những quyết định phù hợp với họ nhất. Sự tự quyết của thân chủ có những giới hạn riêng. Quyết định mà thân chủ đưa ra phải nằm trong phạm vi quy định của xã hội và hậu quả của nó không gây tổn hại đến chính họ cũng như tới những người khác.

Quyền tự quyết của thân chủ thể hiện ở việc thân chủ có sự cam kết tham gia vào toàn bộ tiến trình giải quyết vấn đề. Trong mọi tình huống, thân chủ thể hiện quyền chủ động tham gia hay rút lui khỏi các hoạt động trợ giúp mà NVXH dành cho họ.

3.3.5 Khuyến khích thân chủ tham gia giải quyết vấn đề

Nguyên tắc này gắn liền với quyền tự quyết của thân chủ. Nguyên tắc này còn góp phần giúp thân chủ chủ động tham gia vào việc theo đuổi những kế hoạch dài hạn cả sau khi can thiệp chấm dứt.

3.3.6 Giữ bí mật của thân chủ

Đây là nguyên tắc quan trọng trong CTXH. Nhân viên xã hội có nhiệm vụ giữ gìn bí mật những thông tin mà thân chủ cung cấp trong hầu hết các tình huống. Việc phá vỡ những nguyên tắc bảo mật phải được cân nhắc kỹ lưỡng trong những tình huống nghiêm trọng khi thân chủ có hành vi nguy hiểm đe dọa đến an toàn của bản thân và người khác.

[còn tiếp, phần 2: Công tác xã hội cá nhân: tiến trình giải quyết vấn đề]

Tài liệu tham khảo

Video liên quan

Chủ Đề