Thời hạn Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập được quy định như thế nào

     Nói cách khác, nếu việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm không được thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng chung đến toàn bộ kết quả xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Đặc biệt khi việc xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là một trong 05 căn cứ xác minh tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 41, chống tham nhũng năm 2018. Như vậy, việc xem xét các quy định pháp luật có liên quan đến việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm là rất cần thiết.

     Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 10  tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có quy định chi tiết hơn về việc xây dựng kế hoạch xác minh tài, thu nhập hàng năm tại Chương V “Xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập”. Theo đó, các nội dung cần được xem xét bao gồm: (1) căn cứ xây dựng kế hoạch xác minh; (2) thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập; (3) tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch; (4) nội dung kế hoạch xác minh và phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan.

      I. Thực trạng quy định pháp luật việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản thu nhập

      1. Căn cứ xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập

      Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020, có 04 căn cứ để xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm. Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch xác minh được xác định dựa trên (i) tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương. Theo đó, tuỳ theo tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng tại khu vực mà các ngành, lĩnh vực, địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch xác minh. Tuy nhiên căn cứ này còn chung chung và mỗi đối tượng có thể hiểu theo các cách khác nhau vì không có công cụ đo lường. Câu hỏi đặt ra liệu rằng nếu mức độ tham nhũng ở địa phương thấp và công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương tốt thì địa phương đó không cần phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người kê khai nữa hay không? Căn cứ này nên được áp dụng cùng với các căn cứ khác như (ii) các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng chống tham nhũng cũng rất đa dạng. Thẩm quyền gì trong phòng chống tham nhũng thì lại không được đề cập cụ thể. Việc quy định như vậy dẫn đến cách hiểu mơ hồ và không thống nhất nên chăng quy định là cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập bởi lẽ theo quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng  2018 việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn được giao cho đầu mối là các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như vậy cũng sẽ hạn chế bớt được những trùng lắp, chồng chéo; (iii) khi có định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 hàng năm. Như vậy, dựa trên căn cứ này, cơ quan có thẩm quyền có thể xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu  nhập sau ngày 31 tháng 10 hàng năm. Theo đó, kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2021 chỉ được xây dựng sau ngày 31/10/2021 trong khi việc kê khai tài sản, thu nhập thì được yêu cầu hạn nộp cuối là 31/12 tuỳ theo từng trường hợp kê khai lần đầu, kê khai bổ sung hay kê khai hàng năm[1]. Như vậy, có thể thấy kế hoạch xác minh hàng năm hoàn toàn không phụ thuộc vào việc kê khai tài sản thu nhập của đối tượng kê khai; (iv) khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh quy định tại Điều 15 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Nghĩa là kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập chỉ được xây dựng khi nhận thấy có khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình, tối thiểu 10% đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính. Về bản chất, căn cứ này được thiết kế để tạo ra sự linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, quy định này có thể tạo ra những sự trì hoãn, không nỗ lực trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung.

     Tóm lại, việc xây dựng kế hoạch xác minh hàng năm là một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng  2018 nhằm tăng hiệu quả kiểm soát, tài sản thu nhập như một công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, 04 căn cứ xây dựng kế hoạch xác minh hàng năm hiện nay vẫn còn quy định chung chung, mơ hồ. Liệu rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ xây dựng kế hoạch xác minh khi có một trong 04 căn cứ đó hay có cả 4 căn cứ. Thực ra, việc gọi tên “căn cứ xây dựng kế hoạch” là chưa thực sự hợp lý, trước khi xây dựng một kế hoạch xác minh, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét cả 04 yếu tố này để có thể xây dựng một kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập phù hợp nhất. Tuy nhiên, như đã bình luận ở trên, mỗi căn cứ xây dựng này có những hạn chế nhất định liên quan đến các quy định pháp luật có liên quan, cách hiểu và khả năng thực thi trên thực tế. Vậy nên cần xem xét lại quy định này để có những điều chỉnh phù hợp và thống nhất cách hiểu.

     2. Thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập

     Khoản 2 Điều 14 Nghị định 130/2020/NĐ-CP có quy định “Căn cứ vào khoản 1 Điều này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện”. Quy định này được hiểu là quy định về thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh hàng năm. Có 2 cơ quan có chức năng thực hiện nhiệm vụ này đó là cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong điều khoản này còn hạn chế dẫn dến sự bỏ xót các trường hợp. Vậy đối với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh thì cơ quan, bộ phận nào có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Hơn thế, đối với những nơi không có cơ quan thanh tra thì việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản được giao cho “đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ” thực hiện. Thực tế cho thấy rất nhiều các đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ gặp lúng túng khi triển khai việc xây dựng kế hoạch trên thực tế. Vậy vấn đề đặt ra là liệu đơn vị phụ trách công tác cán bộ có đủ năng lực, trình độ để xây dựng kế hoạch xác minh tài sản hay không. Hơn thế, việc phân định chi tiết nhưng vẫn còn thiếu cơ quan, đơn vị phụ trách việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập có thực sự cần thiết không? Phải chăng trách nhiệm xây dựng kế hoạch này vẫn thuộc về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập bởi khoản 2 Điều 15 của Nghị định này có quy định rằng “Kế hoạch xác minh hàng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải đảm bảo số cơ quan, tổ chức,….”. Nếu vậy cần phải bổ sung thêm nhiệm vụ “xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập” vào nhiệm vụ của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tại Điều 31.1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm Phòng, chống tham nhũng  2018. Còn nếu không quy định thì cần phải xác định rõ ràng và đầy đủ hơn các cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm.

     Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng  quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như sau:

   “1. Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

      2. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ nêu trên.

     3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ.

     4. Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

      5. Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu nêu trên

      6. Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

     7. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

     8. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó”.

      Với quy định nêu trên có thể thấy các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập  được tổ chức theo hướng tập trung hơn so với phương thức quản lý theo từng  cơ quan, tổ chức, đơn vị và gắn với thẩm quyền quản lý các đối tượng kê khai tài sản, thu nhập trước đây. Số lượng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hiện nay (108 cơ quan) ít hơn nhiều so với số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập trước đây. Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện việc kiểm soát gắn với hệ thống quản lý và phạm vi, lĩnh vực hoạt động của mình. Hình thành khá rõ các hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập riêng biệt giữa các thiết chế Nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp), tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội. Trong hệ thống hành pháp tiếp tục có sự phân tách thẩm quyền kiểm soát đó là Thanh tra Chính phủ thực hiện việc kiểm soát tập trung, một đầu mối đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ những chức vụ cao (tương đương Giám đốc sở trở lên) trong toàn bộ bộ máy hành chính nhà nước. Các đối tượng khác do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan thanh tra cấp tỉnh quản lý[2]. Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng đặt ra một số vấn đề như sau:

      Một là, có nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cùng kiểm soát một đối tượng dẫn đến có nhiều cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Trên thực tế, trong bộ máy Nhà nước hiện nay có người vừa giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữa chức vụ trong tổ chức Đảng như Chủ tịch hội đồng nhân dân huyện đồng thời là Bí thư huyện uỷ. Như vậy theo quy định thì Thanh tra tỉnh và cơ quan có thẩm quyền của Đảng đều có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người đó. Do đó, dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm soát. Để giải quyết được vấn đề này thì phải đảm bảo cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bộ máy Nhà nước và tổ chức chính trị. Chỉ cần 01 cơ quan tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập, lập cơ sở dữ liệu để trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền sẽ cùng theo dõi, kiểm soát chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết và phối hợp để tiến hành xác minh. Tuy nhiên, tình huống này chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào, bởi vậy việc xác định cơ quan xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập này vẫn là vẫn đề gây tranh cãi.

      Hai là, sự chưa rõ ràng trong phân định thẩm quyền kiểm soát giữa một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chưa bao quát hết các đối tượng cần phải kiểm soát. Pháp luật hiện tại chưa có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ tương đương giám đốc sở tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tưởng quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Nếu xác định theo hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,9 như Giám đốc sở ở địa phương thì chưa bảo đảm căn cứ pháp lý chặt chẽ và không làm rõ được đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này có thể dẫn đến một bộ phận người có nghĩa vụ kê khai không biết do Thanh tra Chính phủ hay do bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát, khó khăn ngay từ việc giao nộp bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Mặt khác, những người phải kê khai tài sản, thu nhập trong đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhưng đơn vị đó không thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chỉ những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên mới chịu sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ còn những người khác không có cơ quan nào kiểm soát (Ví dụ các Trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…). Để khắc phục vấn đề trên cần phải có quy định cụ thể về cán bộ tương đương giám đốc sở. Trước mắt có thể sử dụng phụ cấp chức vụ 0,9 để xác định. Riêng đối với doanh nghiệp Nhà nước thì quy định cụ thể các chức danh tương đương. Về lâu dài phải xây dựng quy định cụ thể theo chức vụ, vị trí việc làm để xác định đối tượng tương đương giám đốc sở. Đối với những nơi có đối tượng phải kê khai tài sản nhưng chưa có cơ quan kiểm soát thì trước mắt nên giao cho cơ quan quản lý cán bộ ở đó tạm thời theo dõi, kiểm soát. Về lâu dài cần phải hoàn thiện quy định về cơ quan kiểm soát tài sản hoặc có cơ chế phối hợp kiểm soát để bảo đảm bao quát hết đối tượng cần kiểm soát.

     Như vậy, từ những hạn chế trong việc quy định về “cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập” và “nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập” dẫn đến những vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền của xây dựng kế hoạch, xác minh tài sản, thu nhập trên thực tế. Để giải quyết được vấn đề này cần phải xác định rõ các vấn đề sau (1) cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập; (2) giải quyết vấn đề trùng lắp đối với cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập và xây dựng cơ chế phối hợp kiểm soát để đảm bảo bao quát hết đối tượng cần kiểm soát và (3) quy định đầy đủ, cụ thể các trường hợp đối tượng chịu sự kiểm soát các đối tượng tương đương giám đốc sở.

      3. Tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch

      Đây cũng là một phần quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và là một trong 5 căn cứ xác minh tài sản thu nhập (Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Việc lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của kiểm soát tài sản, thu nhập trên thực tế. Điều 16 Nghị định 130/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch. Theo đó, có 03 nhóm đối tượng sau đây:

     - Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Tức là những người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên và người làm công tác cán bộ tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức đơn vị theo quy định của chính phủ[3]

     - Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong giời gian 04 năm liền trước đó. Không có giải thích gì thêm về đối tượng này nên có thể hiểu đây là nhóm đối tượng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bao gồm “Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân”. Tuy nhiên, đối tượng này chưa được xác minh về tài, thu nhập trong thời gian 04 năm liền tiếp trước đó. Do đó, cần phải có hệ thống lưu trữ dữ liệu cập nhật và chính xác để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng tiêu chí này. Bên cạnh đó, việc quy định thời hạn 04 năm liên tiếp đó cũng tạo ra một kẽ hở tương đối lớn cho nhóm đối tượng này.

     - Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau: (a) người đang bị điều tra, truy tố, xét xử; (b) người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; (c) người đang học tập, công tác ở nước ngoài 12 tháng trở lên. Như vậy, ngoài 3 đối tượng được đề cập này thì tất cả các đối tượng khác đều nằm trong đối tượng được xác minh theo kế hoạch.

     Về cơ bản tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch là phù hợp và logic với căn cứ xác minh tài sản, thu nhập được đề cập trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tiêu chí này được xác định là cần thiết để phân biệt và tránh trùng lặp với xác minh đối với các bản kê khai lần đầu hoặc kê khai phục vụ công tác cán bộ. Tuy nhiên, việc quy định như vậy đang đặt ra vấn đề số lượng người thuộc diện phải xác minh hàng năm rất lớn có thể gây quá tải cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác. Mặt khác, có thể làm cho việc xác minh bị kéo dài hoặc trở nên hình thức, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập[4]. Để khắc phục được vấn đề này cũng cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quan tâm, bố trí nguồn lực giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần có hướng dẫn để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng liên quan trong việc tổ chức xác minh.

      4. Nội dung kế hoạch xác minh và phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập

     Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm bắt buộc phải có 04 nội dung sau: (a) mục đích, yêu cầu của kế hoạch xác minh; (b) số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh; (c) tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; (d) việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh[5]. Các nội dung này cần được xác định cụ thể, rõ ràng trong kế hoạch xác minh. Cần xây dựng văn bản kế hoạch xác minh theo chuẩn mẫu và có sự hướng dẫn cụ thể cho đối tượng thực hiện bởi lẽ ngoài cơ quan thanh tra ở một số đơn vị có thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập thì ở một số nơi nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền của đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện. Kế hoạch xác minh cần phải chính xác, dễ theo dõi để đảm bảo việc xác minh tài sản, thu nhập diễn ra chính xác và đúng tiến độ.

     Điều 15 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP có quy định về việc phê duyệt kế hoạch xác minh. Theo đó, trước ngày 31/01 hàng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh tài sản thu nhập hàng năm. Trong khi đó, trong trường hợp thanh tra tỉnh là cơ quan kiểm soát tài, thu nhập thì Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hàng năm sau khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt về nội dung kế hoạch. Sự phụ thuộc này cũng có thể dẫn đến sự thiếu hiệu quả của hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Nhưng vấn đề này xuất phát từ đặc điểm hệ thống tổ chức, ngành của nước ta nên rất khó để điều chỉnh trong thời điểm hiện nay.

     Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cũng phải hết sức lưu ý về việc đảm bảo số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiến hành xác minh tối thiểu là 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình hàng năm. Tuy nhiên, ở một số bộ ngành thì số lượng các đơn vị trực thuộc rất nhiều dẫn đến việc chỉ cần đảm bảo tối thiểu 10% số cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của đơn vị mình để xác minh6]. Đây chính là việc lựa chọn người xác minh ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng qua phần mềm máy tính[7]. Quy định này dẫn đến một vấn đề là số lượng người thuộc diện phải xác minh là rất lớn nên số lượng người phải xác minh hàng năm sẽ gây quá tải cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm các chức năng khác đặc biệt là đối với các cơ quan, đơn vị không có cơ quan thanh tra. Để giải quyết được vấn đề này cần phải có kế hoạch bố trí nguồn lực hợp lý, thông minh và phối kết hợp giữa các ngành. Trên tất cả, số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải đảm bảo tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Như vậy, nhận thấy quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP chỉ đưa ra một tỉ lệ xác minh chưa thực sự thuyết phục bởi số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập phải xác minh thực tế vẫn là rất lớn và khó khả thi trên thực tế.

     Hơn thế nữa, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại điện Uỷ ban kiểm tra Đảng và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Quy định này là tốt với mục đích tạo ra sự công khai, minh bạch trong việc lựa chọn ngẫu nhiên được xác minh. Tuy nhiên, quy định này không được xác định rõ là khuyến nghị hay là quy định buộc phải thực hiện bởi cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Cùng với đó, quy định này cũng tạo thêm gánh nặng cho Uỷ ban kiểm tra Đảng và Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc. Sự tham gia của các cơ quan này với vai trò phối hợp xác minh tài sản, thu nhập trong một số trường hợp đối tượng kê khai chịu sự quản lý của nhiều hơn một cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Như vậy sẽ hợp lý hơn vai trò dự và chứng kiến bởi có rất nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

     Như vậy, có thể thấy các quy định về nội dung kế hoạch xác minh tài sản tương đối dễ tiếp cận và có khả năng thực hiện trên thực tế. Các nội dung của kế hoạch xác minh là quan trọng làm căn cứ để tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, các nội dung này cần được hướng dẫn chi tiết hơn thông qua văn bản và xác định một hình thức trình bày chung để thuận tiện cho quá trình lưu trữ và nhập số liệu sau đó. Còn riêng đối với quy định về việc phê duyệt kế hoạch xác minh, các quy định còn dàn trải, có nội dung chưa xác định được là bắt buộc hay không và chưa thống nhất đối với số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên.

     II. Đề xuất giải pháp về hoàn thiện quy định của pháp luật

    Về cơ bản, quy định về xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập là một điểm mới, tiến bộ của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung và kiểm soát tài sản, thu nhập nói riêng. Các quy định này giúp cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập trở nên thuận tiện và dễ dàng đạt được hiệu quả thực hiện hơn trên thực tế. Tuy nhiên các quy định này vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập như đã được đề cập chi tiết trong nội dung phân tích ở trên. Từ đó, nghiên cứu sẽ đưa ra một số giải pháp để góp phần khắc phục một số những hạn chế trong quy định pháp luật về việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập như sau:

     Thứ nhất, về căn cứ xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Quy định này còn chung chung, chưa xác định được sẽ tiến hành lập kế hoạch xác minh khi có một trong bốn căn cứ hay phải có cả bốn căn cứ. Do đó, cần phải xác định rõ nội hàm của các căn cứ xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và điều chỉnh lại các thuật ngữ để tạo ra cách hiểu thống nhất từ phía cơ quan vận dụng.

     Thứ hai, về thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Cách diễn đạt của Khoản 2 Điều 14 hiện tại còn dẫn đến những cách hiểu khác nhau và bỏ sót các trường hợp. Cần bổ sung thêm quy định về nhiệm vụ “xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập” vào nhiệm vụ của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập tại Điều 31 Luật Nghị định 130/2020 năm 2018. Bên cạnh đó, hạn chế trong việc quy định liên quan đến cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Do đó, để giải quyết được vấn đề này cần phải xác định rõ các vấn đề sau: (1) cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập; (2) giải quyết vấn đề trùng lắp đối với cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập và xây dựng cơ chế phối hợp kiểm soát để đảm bảo bao quát hết đối tượng cần kiểm soát và (3) quy định đầy đủ, cụ thể các trường hợp đối tượng chịu sự kiểm soát các đối tượng tương đương giám đốc sở.

     Thứ ba, về tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch. Việc thiết kế 03 tiêu chí lựa chọn như hiện nay có thể vẫn tạo ra áp lực lên hệ thống hành chính nhà nước vì số lượng người được xác minh theo kế hoạch là tương đối lớn và có thể làm cho việc xác minh bị kéo dài và kém hiệu quả. Giải pháp trong tình huống này là cần có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quan tâm, bố trí nguồn lực giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần có hướng dẫn để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng liên quan trong việc tổ chức xác minh.

     Cuối cùng, về phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Các quy định về phê duyệt kế hoạch hiện nay chưa thể hiện được sự độc lập của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, chưa thể hiện hợp lý về số phần trăm tối thiểu cần xác minh trong nội dung quy định Khoản 2 và 3 Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Do đó cần điều chỉnh, thiết kế lại quy định này. Hơn thế nữa, vai trò của Uỷ ban kiểm tra Đảng và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc chưa phù hợp cần điều chỉnh theo hướng là cơ quan phối hợp kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp đối tượng được xác minh thuộc sự quản lí của nhiều cơ quan, đơn vị và xác định rõ đó là quy định mang tính bắt buộc hay chỉ là khuyến nghị.

Nguồn: Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

[1] Điều 36 Luật PCTN 2018

[2] Th.S Ngô Mạnh Hùng, (2020), Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Hội thảo “ Pháp luật và thực tiễn kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn ở Việt Nam hiện nay”

[3] Khoản 3 Điều 36 Luật PCTN 2018

[4]TS. Đinh Văn Minh (2020), Một số vấn đề đặt ra trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP

[5] Khoảng 3 Điều 14 Nghị định 130/NĐ-CP

[6] Khoản 2 Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP

[7] Khoản 3 Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP