Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gì

Nguyễn Hữu Mạnh   -   Thứ hai, 11/04/2022 09:42 [GMT+7]

Hiện nay, núi Nghĩa Lĩnh nơi tọa lạc của Khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc thôn Cổ Tích, phường Hy Cương, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn tồn tại thường trực trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Bắt nguồn từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành rường cột, bệ đỡ tinh thần giúp dân tốc Việt Nam vượt qua bao thử thách, chông gai trong dặm dài lịch sử đất nước. Ngày Quốc giỗ là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam mà thông qua đó ý thức về cội nguồn hiện lên rõ nét: Người Việt gửi lòng mình tri ân công đức của tổ tiên, của các bậc tiền nhân.

Lăng Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Nguồn: Flickr Mạnh Hải

Tín ngường thờ cúng Hùng Vương qua ghi chép lịch sử

Chúng ta không có nhiều tư liệu lịch sử đề cập đến Hùng Vương và tục thờ cúng Hùng Vương ở nước ta. “Đại Việt Sử ký toàn thư” bản in Nội các quan bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697, bộ Quốc sử hoàn chỉnh đầu tiên của dân tộc, Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê đã đưa những thông tin khá vắn tắt về Hùng Vương: “Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến, con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn hai nghìn năm; buộc nút dây mà làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy [Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê 1993: 18].

Khu vực núi Nghĩa Lĩnh sau đó được các vị vua nhà Nguyễn chọn cho xây dựng các công trình kiến trúc để thờ cúng Hùng Vương. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, năm 1894, vua Tự Đức đã khởi dựng Lăng Hùng Vương, mở đầu cho một giai đoạn xây dựng hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo trên núi Nghĩa Lĩnh mà cho đến nay nhiều di tích vẫn còn tồn tại. Bên cạnh di tích kiến trúc, nhiều câu đối và thơ chữ Nôm, chữ Hán cũng được cúng viếng tại Đền Hùng, nhiều văn thơ vịnh Đền Hùng cũng được đăng tải trong nhiều sách báo đầu thế kỳ XX [Lê Tư Lành dẫn theo Trịnh Sinh 2013: 45].

Đồng thời, những văn khắc còn lưu tại khu vực Đền Hùng cũng cho biết nhiều thông tin quý liên quan đến nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, trong đó có bia “Hùng miếu điển lệ bi” ở đền Thượng lập năm Khải Định thứ 8, tức năm 1923. Bia cho biết “phủ Lâm Thao của quý hạt có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3... Từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kinh tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái” [Vũ Kim Chung 2006: 86].

Như vậy, có thể nói đến năm 1923, triều Nguyễn mới coi đền Hùng là nơi thờ tự mang tính quốc gia, cả nước đến chiêm bái. Mặc dù, việc thờ Hùng Vương ở lăng miếu Đền Hùng thì đã có từ xưa, cũng từ năm này, triều Nguyễn cho định lại ngày hội tế của toàn nước là ngày mùng 10 tháng 3 chứ không phải là mùa thu như trước đó. Tuy vậy, khu vực núi Nghĩa Lĩnh đã ghi nhận nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy nơi đây từng là nơi cư trú của các cư dân cổ, nhất là việc phát hiện trống đồng của nền văn minh Đông Sơn dường như liên quan tới các vị vua Hùng?.

Tư liệu khảo cổ học núi Nghĩa Lĩnh

Năm 1990, Trống Hy Cương hay còn gọi là Trống đồng Đền Hùng được tìm thấy ở ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh khi một gia đình người dân đào hố tôi vôi. Trống còn khá nguyên vẹn, có đường kính mặt 93cm và theo TS Nguyễn Anh Tuấn [2001: 103], cựu Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương, Thành phố Việt Trì cho biết, đây là trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất trong tổng số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á. Vì những giá trị nổi bật về nghệ thuật, đặc biệt là giá trị lịch sử, Trống đồng Đền Hùng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Cuối năm 1997, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đã tiến hành tổ chức khai quật các vị trí Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ trong quần thể di tích Đền Hùng. Cuộc khai quật tại Đền Thượng đã phát hiện được ngói ống và một bệ cánh sen bằng đất nung màu đỏ - vật liệu kiến trúc thường gặp là bộ phận của tháp đất nung trong kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần. Tại Đền Trung cũng tìm được các di vật khảo cổ như bát tráng men nâu trang trí hoa chanh, một lá đề có hình chim phượng, một con rồng đất nung... [Trịnh Sinh 2013: 47].

Qua việc nghiên cứu khảo cổ tại quần thể di tích Đền Hùng, có thể thấy được di tích thời Nguyễn là phổ biến. Một số di tích kiến trúc sớm nhất còn nhìn thấy được có thể thuộc thời Lê Trung Hưng hoặc muộn hơn như gác chuông Đền Hạ. Nhưng các di tích trong lòng đất cho thấy có thể những di tích kiến trúc tôn giáo có mặt tại đây từ thời Lý - Trần nhưng với quy mô nhỏ, có thể là chùa hoặc tháp. Hiện nay, những di tích này có liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương hay không, chúng ta rất khó có câu trả lời. Tuy vậy, những di tồn vật chất này cũng cho thấy núi Nghĩa Lĩnh từ thời Lý - Trần đã là một ngọn núi Thiêng và là mảnh đất tâm linh trong tâm thức nhân dân địa phương [Trịnh Sinh 2013: 47].

Thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức dân tộc Việt

Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày nay đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại là sự ghi nhận trân quý đối với giá trị của Khu di tích. Tục thờ cúng Hùng Vương với những lễ thức cổ trở thành dịp củng cố ý thức về cội nguồn dân tộc, về trách nhiệm của người dân đối với tổ quốc.

PGS-TS. Đinh Hồng Hải [2018: 32] cho rằng thờ cúng Hùng Vương là một sản phẩm của quá trình nghệ thuật hóa sự ngưỡng vọng về tổ tiên. Thông qua quá trình thiêng hóa, tục thờ cúng Hùng Vương dần trở thành biểu tượng chung của cộng đồng người, cao hơn nữa là biểu tượng của quốc gia - dân tộc.

Quá trình thiêng hóa tục thờ cúng Hùng Vương không phải là sản phẩm của một thế hệ người mà có lẽ liên quan tới những truyền thuyết được nhân dân truyền tụng. Nơi này là nơi vua Hùng lập quốc, nơi kia vua Hùng dạy dân cày cấy... Chúng ta không thể biết được ai là tác giả cho ra đời những truyền thuyết được truyền tụng ngàn đời như vậy. Nhưng truyền thuyết đọng lại như những trầm tích của tâm thức người Việt về một ông Tổ - vua Hùng. Dẫu có thể được thần thánh hóa nhưng những truyền thuyết này cũng có một cốt lõi lịch sử được in đậm trong lòng mỗi người dân Việt [Trịnh Sinh 2013: 44-45].

Ngày nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, đồng bào cả nước đều đồng lòng hướng về núi Nghĩa Lĩnh nơi có đền Hùng cổ kính, linh thiêng. Đây như là sợi dây truyền thống đoàn kết dân tộc, kết nối quá khứ với hiện tại, là thiên anh hùng ca lịch sử về truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Trong ngày lễ này, các làng chung quanh núi Nghĩa Lĩnh cũng đem những kiệu của làng, cờ quạt nhiều màu sắc từ các ngả rước về đền Hạ, rước chạy quanh sân đền. Ý nghĩa của cuộc rước này là mong muốn cho con cháu xa gần cùng về lễ tổ. Kiệu của các làng trong vùng cũng đại diện cho các làng trong cả nước. Rõ ràng trong tâm thức nhân dân, mọi sáng kiến, hành động của lễ hội đều có chủ đích hẳn hoi: một tinh thần hướng về cội nguồn [Vũ Ngọc Khánh 2005: 603]. Có thể thấy, trải qua năm tháng, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và phát huy thông qua lễ giỗ tổ Hùng Vương. Chúng ta càng trân trọng những thành quả mà cha ông đã chiến đấu, bảo vệ và xây dựng giang sơn này; đồng thời chúng ta nỗ lực không ngừng nghỉ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.

Tài liệu dẫn:

Đinh Hồng Hải 2018, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 4, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê 1993, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội

Nguyễn Anh Tuấn 2001, Trống đồng vùng đất Tổ, Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Phú Thọ.

Trịnh Sinh 2013, “Nhà nước Văn Lang qua nền tảng truyền thuyết và di tích thờ cúng”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3: 40-50.

Văn Kim Chung 2006, Di sản Hán Nôm Phú Thọ, Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ.

Vũ Ngọc Khánh 2005, Hành trình vào thế giới folklore Việt Nam, NXB. Thanh niên, Hà Nội.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Phần hội trở lại, trải nghiệm hát Xoan làng cổ

Hôm nay, mồng 10 tháng 3 Âm lịch [ngày 10/4/2022], Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trên cả nước, trong đó Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng [tỉnh Phú Thọ] trên núi Nghĩa Lĩnh là trung tâm, diễn ra phần lễ theo nghi thức truyền thống trang nghiêm và phần hội sôi nổi, đặc sắc. Người dân cả nước hướng về Đền Hùng, nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam để tỏ lòng biết ơn, tri ân tiên tổ.

NgỲ 10/3 Âm lịch hàng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng [tỉnh Phú Thọ] trên núi Nghĩa Lĩnh.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay càng đặc biệt vì "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" tròn 10 năm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến thời điểm hiện tại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản đầu tiên ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ ngàn đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Người dân Việt Nam vẫn truyền tụng câu ca từ đời này qua đời khác: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm. Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cao nhất của người Việt.

Tròn 10 năm, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" vươn tầm nhân loại và tín ngưỡng này vẫn đang được gìn giữ, phát triển. TS. Nguyễn Huy Phòng [Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh] đánh giá, về với đất Tổ, hoà trong không khí linh thiêng, trầm mặc của khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, mỗi người dân như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để viết tiếp những trang sử mới cho dân tộc, đất nước. 

Thành tâm hướng về Ngày Giỗ Tổ, mỗi chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm cá nhân với cội nguồn lịch sử; gắn bó sâu nặng với quê hương, Tổ quốc mình.

Nghi thức tế lễ tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. [Ảnh: TTXVN]

Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn.

Bao đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh [xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ]. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau ngày càng biết trân trọng và giữ gìn những thành quả mà ông cha để lại, tự hào về quá khứ của dân tộc mình.

Phát huy giá trị, bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong thời đại mới

Theo số liệu thống kê, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng tỉnh Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tỉnh Phú Thọ đã kết hợp đầu tư của Nhà nước với việc tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ các tập quán xã hội, nghi lễ và quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục hồi gần trăm di tích thờ Hùng Vương ở các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng và trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Phú Thọ đã đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào giảng dạy chính khóa trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh.

Theo ông TS. Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, đến nay, nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã xây dựng đền thờ Hùng Vương để thực hành tín ngưỡng. Họ xin những mẫu phục, nghi thức, xin nước và chân hương từ Đền Hùng về thờ tự tại văn phòng sứ quán các nước, tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Cùng với đó là sự hỗ trợ cho các địa phương trong nước tiếp cận, xây dựng, tu bổ di tích và phục hồi các không gian văn hóa; hướng dẫn thực hành các nghi thức tín ngưỡng theo đúng nghi thức truyền thống của di sản.

Một trong những cách bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tỉnh Phú Thọ đã đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào giảng dạy chính khóa trong các nhà trường. Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngành giáo dục địa phương đã đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào giảng dạy chính khóa trong các trường phổ thông thông qua các bộ môn như: Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Âm nhạc...

Hiện nay, 100% các cấp học tại tỉnh Phú Thọ đều thực hiện tích cực mô hình "Trường học gắn với di sản". Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biên soạn và đưa vào Chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 – 2022. Điều này đã góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đó.

MC Trấn Thành ‘chơi lớn’ với nghệ thuật thứ bảy


Video liên quan

Chủ Đề