Trình tự thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến các bạn về Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, một trong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính để mọi người hiểu thêm về vấn đề trên.

Trình tự thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thế nào là cơ sở giáo dục bắt buộc?

Cơ sở giáo dục bắt buộc là cơ sở thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 94 của Luật xử lý hành chính năm 2012 để lao động, học văn hoá, học nghề, sinh hoạt.

Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

(i) Đối tượng bị áp dụng biện pháp này là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

(ii) Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

Người chưa đủ 18 tuổi;

Nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi;

Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;

Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Tìm hiểu thêm: Biện pháp xử lý hành chính

Thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

(i) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị có trách nhiệm tổ chức thi hành như sau:

Công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc;

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(ii) Thời hạn chấp hành quyết định được tính từ ngày người phải chấp hành quyết định bị tạm giữ để đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Xem thêm: Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hết thời hiệu thi hành sau 01 năm, kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật.

Hết thời hạn chấp hành quyết định 

(i) Khi người vi phạm đã chấp hành xong quyết định thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong và gửi bản sao cho gia đình người đó, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, cơ quan quản lý cơ sở giáo dục bắt buộc, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

(ii) Đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu không còn khả năng lao động thì sau khi hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào  cơ sở giáo dục bắt buộc,  được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội tại địa phương nơi cơ sở giáo dục đóng trụ sở đóng trụ sở.

Tất tần tật những điều cần biết về Luật hành chính

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: .

Trình tự thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020 (Luật XLVPHC năm 2012) để lao động, học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định (Khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012).

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật còn có nhận thức khác nhau về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vụ việc sau đây là một ví dụ:

Nội dung vụ việc:

Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1990, thường trú tại xã X, huyện T, tỉnh P. Ngày 22/11/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn T ra Quyết định số 01/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Nguyễn Văn Đ, thời hạn 03 tháng, kể từ ngày 22/11/2020 đến ngày 22/02/2021, do ngày 15/11/2020, Đ sử dụng trái phép chất ma túy bị Công an thị trấn T phát hiện và phối hợp với Trạm y tế thị trấn T xét nghiệm, kết quả Đ dương tính với chất ma túy Heroine.

Nguyễn Văn Đ đang trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã do sử dụng chất ma túy, nhưng đã 03 lần thực hiện hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác, cụ thể:

Lần thứ nhất: Ngày 06/01/2021, Nguyễn Văn Đ đến quán chị Nguyễn Thị H ở cùng xã uống nước thì gặp anh Nguyễn Q. Anh Q thấy Đ đội mũ có nhiều hoa văn nên nhìn. Đ cho rằng anh Q “nhìn đểu” nên đã tát vào mặt anh Q. Sự việc đã bị tổ tuần tra Công an thị trấn T phát hiện. Quá trình làm việc với Công an thị trấn T, Nguyễn Văn Đ đã khai nhận toàn bộ sự việc đánh anh Q. Công an thị trấn T đã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND thị trấn T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm phạm đến sức khỏe của người khác”.

Lần thứ hai: Ngày 16/01/2021, Đ chơi ở thị trấn T, huyện T, tỉnh P thì thấy anh Trần Xuân T đang bán hoa quả ở vỉa hè. Đ hỏi mua nhưng cho rằng anh T bán đắt nên đã chửi và đánh anh T. Sự việc đã bị tổ tuần tra Công an thị trấn T phát hiện và đề nghị Chủ tịch UBND thị trấn T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm phạm đến sức khỏe của người khác”.

Lần thứ ba: Ngày 22/02/2021, Đ thấy anh Hà Duy T đang đứng một mình ở vỉa hè trước cửa nhà chị Hà Thị Th. Đ nghĩ anh T có ý đồ xấu nên đã đến hỏi anh T: “Mày đến đây làm gì? Mày ở đâu đến đây”. Do bị hỏi anh T thấy khó chịu nên hai bên đã to tiếng với nhau, Đ bực tức đã tát, đánh anh T. Anh T bỏ chạy đến Công an thị trấn T trình báo, đề nghị giải quyết vụ việc. Công an thị trấn T đã xác minh, làm rõ sự việc và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Căn cứ hồ sơ đề nghị của Công an huyện T, Tòa án nhân dân huyện T quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn Đ thời hạn 09 tháng, kể từ ngày Đ bị tạm giữ để đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Tuy nhiên, vụ việc trên còn có hai quan điểm khác nhau về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn Đ.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn Đ không đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vì theo khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012 thì: “Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”; khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC năm 2012 quy định: “Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 92, khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012 khi đối tượng đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đó trong 06 tháng; Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quy định: “…đ) Đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với lần vi phạm này, thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm hành chính nêu trên”.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012 cần phải đáp ứng hai điều kiện cần và đủ sau đây:

Một là, người bị đề nghị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Hai là, trong thời hạn 06 tháng, người bị áp dụng tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc trên, Công an huyện T căn cứ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã do thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn Đ là chưa đủ điều kiện áp dụng (do quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã vì sử dụng trái phép chất ma túy không cùng nhóm với những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012).

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, Nguyễn Văn Đ đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vì:

Thứ nhất, người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (có thể do sử dụng trái phép chất ma túy hoặc thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn). Nghĩa là người bị đề nghị chỉ cần có quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Thứ hai, trong thời hạn 06 tháng, người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (người bị đề nghị thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012).

Với nhận định trên, quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn Đ đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do sử dụng trái phép chất ma túy, đó là hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ma túy, cũng có thể xếp cùng nhóm với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012. Cho nên trong vụ việc nêu trên, Nguyễn Văn Đ đã đủ hai điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Do còn có ý kiến chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật với trường hợp nêu trên, tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và Quý bạn đọc trên Tạp chí Kiểm sát./.