Trò chơi dân gian miền Nam

Từ thuở xa xưa, trò chơi dân gian có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Những trò chơi truyền thống gắn bó sinh động với đời sống thường nhật, lao động sản xuất, phong tục tập quán…, của người dân Việt Nam từ miền núi cao đến miền đồng bằng, duyên hải… Phần lớn các trò chơi đều có mặt trong hầu hết các môi trường sinh hoạt, kể cả một số lễ hội. Những trò chơi dân gian chính là vòng tròn văn hóa vô hình gắn kết cộng đồng, thu hút rất đông người già - trẻ, nam - nữ tham gia và cổ vũ. Bên cạnh những trò chơi mang dấu ấn riêng của từng dân tộc, rất nhiều trò chơi mang tính phổ biến hoặc có đôi chút biến tấu để phù hợp với đặc trưng vùng miền. Trò chơi dân gian không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó chứa đựng những giá trị văn hóa. Chính sự đa dạng phong phú, ý nghĩa thẩm mỹ - nghệ thuật, và tính kết nối cộng đồng của nó đã tạo nên những nét đẹp trong bản sắc văn hóa từng vùng miền nói riêng, của dân tộc nói chung. Trò chơi dân gian dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một loại văn vần tự do, ngắn hay dài tùy theo đặc điểm yêu cầu của trò chơi hoặc lặp đi lặp lại không dứt. Mỗi bài đồng dao đề cập nhiều thứ, có vẻ như ngô nghê, không gom vào một chủ đề nào và cũng chẳng biểu ý khen chê sự việc nào cả. Chúng mang sự hồn nhiên và tinh thần rất vô tư của trẻ con, những bài đồng dao cuốn hút những đứa trẻ cùng hát, cùng cố gắng chơi hết mình. Điều chủ yếu không phải là thắng mà là được chơi, được tham gia. Những bài đồng dao ấy đã hấp dẫn bao thế hệ trẻ thơ và đi vào ký ức của biết bao người dân Việt.  Sưu tầm và hệ thống lại những trò chơi truyền thống và những bài đồng dao là một việc làm góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam. Cũng từ ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản ấn phẩm Đồng dao và trò chơi truyền thống. Ấn phẩm do nhóm tác giả sưu tầm và biên soạn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên. Qua cuốn sách này, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của rất nhiều trò chơi dân gian và bài đồng dao ở nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Miền Tây sông nước nổi tiếng là cái nôi nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Du lịch trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào những trò chơi truyền thống rất hấp dẫn và vui nhộn. Hôm nay hãy cùng TripNOW điểm danh những trò chơi dân gian Miền Tây hấp dẫn nhất nhé. 

Hóa thân thành anh Hai, chị Hai tham gia trò chơi “Tát mương bắt cá”

Tát mương bắt cá là trò chơi dân gian miền Tây tiêu biểu nhất. Hầu hết các khu du lịch sinh thái, làng nghề tại miền Tây đều tổ chức trò chơi này cho du khách.

Để tham gia trò chơi cần có ít nhất 2 đội tham gia. Trò chơi càng vui khi càng có đông người. Các thành viên tham gia sẽ được thay quần áo bà ba nâu tràm hóa thân thành những người nông dân miền Tây thực thụ. Một đoạn mương được be bờ, chứa nước ngập khoảng đầu gối và thả một số lượng cá có kích thước nhỏ đến trung bình bên trong. Mỗi đội sẽ được phát cho một số giỏ, nơm bắt cá.

Các đội cùng thi nhau bắt cá. Đội nào bắt được nhiều hơn sẽ thắng. Có những lúc tranh giành, những lúc vồ trượt ngã xuống nước lấm lem bùn đất nhưng lại vui đến … lạ kỳ. Tiếng cười sảng khoái, tiếng vỗ tay reo hò, mặc dù mệt nhưng đây là cách xả stress vô vùng hiệu quả.

>>>> Xem thêm: Vi vu Bến tre không âu lo với bộ cẩm nang đầy đủ từ A đến Z

Du khách phấn khích khi tham gia trò chơi Tát mương bắt cá [Ảnh sưu tầm]

Thử thách cân bằng với trò chơi “Đạp xe qua cầu khỉ”

Cầu khỉ là cái tên không hề xa lạ với người miền Tây. Trong đời sống hàng ngày đây là một trong những “tuyến đường giao thông huyết mạch” vô cùng quan trọng nối các bờ kênh, rạch… tạo đường đi cho người dân. 

Cầu được làm vô cùng đơn giản chỉ bằng tre, nứa, tấm gỗ hẹp, ghép với nhau vừa đủ để đặt bàn chân lên. Việc đi qua cầu với người dân miền Tây là chuyện “dễ như ăn cơm” nhưng với đa số du khách thì đây là một thử thách vô cùng khó khăn.

Trò chơi “đạp xe qua cầu khỉ” lại càng khó khăn hơn. Cây cầu được dựng bắc qua ao, rạch lớn, người chơi phải đi xe đạp 1 mình qua cây cầu có kích thước vừa đủ bánh xe lăn. Đương nhiên là rất nhiều người không thể vượt qua hoặc mất nhiều lần để vượt qua. Thử thách khó vô cùng, nhưng càng khó lại càng kích thích. Mỗi lần có ai té ngã xuống nước là cả người té lẫn người xem đều òa lên cười thích thú. Ai đi qua được thì sung sướng tột độ. 

Đi xe đạp qua cầu khỉ thu hút khách du lịch [Ảnh sưu tầm]

Đi dây thăng bằng trên không còn khó hơn cả đạp xe qua cầu khỉ. Trò chơi tốn sức nhưng đổi lại vui không biết mệt. 2 sợi dây thừng được cột vào 2 cây của 2 bờ kênh, ao… Người tham gia trò chơi lần lượt đi từ bên này sang đầu bên kia. Sợi dây bé xíu đứng không vững chứ đừng nói đến đi. Có người vừa bước lên đã té, có người lảo đảo được 2 – 3 bước thì ngã ào xuống nước, người cố níu được thì đu đưa trên dây, ngả bên nọ nghiêng bên kia. 

Tiếng cười rộn vang không ngớt, nụ cười sảng khoái, khuôn mặt hạnh phúc luôn nở trên môi du khách tham gia chơi. Những khoảnh khắc siêu nhí nhố được ghi lại còn khiến chúng ta cười vui mãi không quên.

>>>> Xem thêm: Cập nhật mới nhất kinh nghiệm du lịch Cà Mau tháng 10/2019

Thử thách cân bằng này dường như bất khả thi [Ảnh sưu tầm]

Tham gia “Đua xuồng 3 lá”: Chinh phục ngôi vị vua tốc độ trên nước

Miền Tây nằm tại vị trí hạ lưu của sông Cửu Long. Vùng đất đồng bằng có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Đi lại bằng thuyền trên sông nước trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân miền Tây. Cách di chuyển đặc biệt này cũng là tiền đề hình thành nên văn hóa và các trò chơi dân gian trên sông nước. 

Xuồng 3 lá là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Vào dịp lễ tết, người dân miền Tây thường tổ chức các cuộc thi đua xuồng 3 lá như một trò chơi dân gian truyền thống. Đến nay để chiều lòng khách du lịch, các khu du lịch cũng tổ chức thường xuyên trò chơi này hơn. Các đội được phát áo phao và chơi cùng người có kinh nghiệm nên đảo bảo an toàn. Đây là trò chơi dựa vào sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai uyển chuyển trong điều khiển thuyền lướt trên mặt nước.

Đua xuồng 3 lá tại sông nước miền Tây [Ảnh sưu tầm]

Độc đáo cách biến tấu trò chơi “Bịt mắt bắt dê” của người miền Tây

Trò chơi dân gian này không chỉ xuất hiện ở miền Tây mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương trên khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Từ trò chơi bịt mắt bắt dê có nhiều phiên bản như bịt mắt bắt vịt, bắt gà, bắt lợn… Trò chơi sẽ đưa nhóm người chơi vào trong vòng quây bằng tre, lưới có thả các con vật ở trong. Người chơi bị bịt mắt cùng thi nhau bắt các con vật. Đội nào bắt được trước hoặc bắt được nhiều hơn sẽ giành chiến thắng. Trò chơi không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị cho người chơi mà còn tạo không khí phấn khích cho những người xem vào cổ vũ bên ngoài.

Tổ chức Bịt mắt bắt dê trong lễ hội ngày Xuân [Ảnh sưu tầm]

Trở về tuổi thơ “Sỏi đá” với trò chơi “Ô ăn quan”

Ô ăn quan là một trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ “Sinh ra ở làng”. Trò chơi dành cho 2 người. Các ô quan được kẻ bằng gạch, phấn trên nền đất, sân. Các ô có hình vuông, mỗi bên 4 ô nối tiếp nhau thành 2 hàng, 2 đầu có 2 ô quan lớn. Mỗi ô nhỏ đặt 5 viên đá hoặc sỏi nhỏ. Hai ô quan đặt 2 viên đá lớn. 

Mỗi lượt đi, sỏi nhỏ rải đều các ô, đến khi hết đá mà cách một ô sẽ được lấy phần đá ở ô tiếp theo. Cứ thế lần lượt cho đến khi nào ô quan lớn bị ăn hết. Ai có nhiều đá hơn người đó thắng. Chơi ô ăn quan có lúc là chơi vui, cũng có lúc cần một chút tính toán để thêm phần thú vị. Trẻ con miền Tây mê tít trò này. Du khách về đây, đặc biệt là khách nước ngoài, trẻ con thành phố rất hiếu kỳ.

Trẻ con miền Tây lớn lên cùng ô ăn quan [Ảnh sưu tầm]

Trò chơi Oẳn Tù Tì gắn liền với tuổi thơ lớp lớp thế hệ

Câu khẩu quyết “kéo thắng bao, bao thắng búa, búa thắng kéo” đứa trẻ miền Tây nào cũng thuộc. Trò chơi chẳng cần gì chỉ chơi bằng tay. Mấy đứa con ít túm 5 tụm 3 cùng chơi với nhau rồi phá lên cười thích thú. Chúng chơi Oẳn tù tì trong mọi trường hợp và lồng ghép vào các trò chơi khác khi muốn tìm ra người chịu phạt, sắp xếp thứ tự người chơi trước chơi sau hoặc chia đội sao cho công bằng và khác quan nhất. 

Mọi chuyện với trẻ con đều được giải quyết bằng Oẳn tù tì. [Ảnh sưu tầm]

>>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Châu Đốc: Bí kíp thần thánh đi chơi là “vô lo vô nghĩ”

Trò chơi banh đũa: Trò chơi cho các bé gái

Trò chơi được chuẩn bị với một bộ đũa 10 que, quả banh hoặc các loại quả khác như cà, chanh, ổi … hoặc sỏi đá có kích thước tương đương. Trò chơi được yêu thích bởi các bé gái vì cần sự khéo léo của người chơi. Cách chơi banh đũa cũng rất đơn giản, người chơi dùng trái banh tung lên. Trong thời gian banh ở trên không trung, tay lấy đũa rải bên dưới rồi đỡ banh. Cứ lần lượt như thế cho đến khi hết. Mỗi lần hết là qua một bàn. Bàn tiếp theo, sẽ tăng thêm 1 cây đũa. Cứ chơi tiếp tục như vậy cho đến khi bàn 10, tức là 1 lần tung banh sẽ vơ cả 10 que. Ai xong trước sẽ thắng. Nếu banh bị rơi hoặc nhúp không đúng số đũa sẽ đến lượt người còn lại.

Trò chơi banh đũa rất được các bé giá yêu thích [Ảnh sưu tầm]

Rèn luyện sức khỏe, tinh thần đoàn kết với trò chơi kéo co

Kéo co là trò chơi dân gian truyền thống của cả dân tộc Việt Nam và phổ biến ở miền Tây. Để chơi kéo co cần có ít nhất 2 đội. Mỗi thành viên trong đội phải có kỹ thuật riêng và sự đoàn kết tạo nên sức mạnh, sức nặng chiến thắng đội bạn. Trò chơi giúp rèn luyện thể lực tốt và tinh thần làm việc nhóm, đoàn kết phối hợp giữa các thành viên. Cách phân chia vị trí đứng của các thành viên, chiến thuật và cách chơi rất quan trọng.

Mỗi đội đứng thành 2 hàng cầm 2 đầu sợi dây có đánh dấu vạch giới hạn. Khi trọng tài bắt đầu, 2 bên sẽ sử dụng sức kéo và chiến thuật của mình để kéo đối phương về phía mình. Khi vượt qua vạch giới hạn sẽ chiến thắng. Đây không chỉ là trò chơi truyền thống mà còn là một môn thể thao rèn luyện rất tốt. Kéo co dành cho mọi lứa tuổi và giới tính.

Hoạt động chơi kéo co thường xuất hiện trong các dịp lễ hội [Ảnh sưu tầm]

Đánh đu: Trò chơi đậm nét thôn dã miền Tây

Xích đu của người miền Tây rất đặc biệt. Thay vì có ghế ngồi, dây xích kiên cố kiểu nước ngoài thì chơi đu truyền thống Việt Nam có sự khác biệt, dân dã, mộc mạc hơn nhiều. Đu được làm từ những cây tre già chắc khỏe, dựng khéo léo, kiên cố. Trò chơi hấp dẫn với cả người lớn và trẻ con. Đu càng cao càng sảng khoái, càng thú vị, càng nhận được sự tán dương của người cổ vũ.

Để đu bay cao người chơi phải hiểu được lực, đà nhún, làm chủ cơ thể để điều khiển chiếc đu một cách linh hoạt và an toàn. Chơi đu xuất hiện trong văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau. Đối với người miền Tây, chơi đu truyền thống chỉ diễn ra ở các dịp lễ hội quan trọng hoặc ngày Tết. Tuy nhiên, để bảo tồn trò chơi dân gian này và quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch truyền thống, trò chơi được tái hiện trong các khu du lịch sinh thái phục vụ khách đến đây bất cứ lúc nào. 

Chơi đu hấp dẫn với mọi lứa tuổi [Ảnh sưu tầm]

>>>> Xem thêm: Du lịch Hà Tiên: Trang bị “Tất tần tật” kinh nghiệm mới nhất, hữu hiệu nhất

Thả diều: Thú vui chơi tao nhã 

Miền Tây không thiếu những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Gió trời lồng lộng, không gian thoáng rộng là địa điểm lý tưởng để những con diều cất cánh bay. Trẻ con chơi vì say mê, người lớn chơi như một thú vui tao nhã. Những con diều tự làm thủ công với màu sắc sặc sỡ. Người thả dựa vào sức gió đưa diều bay cao, bay xa. Chiều miền Tây nắng gần tắt, những cánh diều vi vu, chao lượn khắp bầu trời với đủ hình dáng. Cảnh đẹp bình yên khiến tâm hồn nhẹ nhõm, thư thái.

Thả diều trong chiều miền Tây lộng gió [Ảnh sưu tầm]

Chọi gà: Thú vui, thú chơi truyền thống của người dân miền Tây

Dịp lễ Tết là lúc các sới chọi gà mọc lên khắp nơi. Chọi gà rất được người miền Tây yêu thích. Thú vui như ăn vào máu thịt của những người đàn ông vùng sông nước. Họ nuôi gà, chăm sóc gà như chính “con đẻ” của mình, cưng nựng yêu chiều hết mức. Cách huấn luyện gà rất khó và đòi hỏi người nuôi phải có tâm, có tầm, có kinh nghiệm. Những chú gà trống trên sân chọi, xù bộ lông rực rỡ, mổ, đạp giống như võ sư ra đòn. Người xem phấn khích, tiếng hò reo cổ vũ những chú gà không ngớt. 

Đến miền Tây dịp lễ Tết bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những màn chọi gà kịch tính, hấp dẫn không kém gì đấu võ thuật hay boxing.

Sới chọi gà xứ miệt vườn [Ảnh sưu tầm]

Những địa điểm thích hợp để tham gia trò chơi dân gian miền Tây

Khu du lịch Làng Bè

Địa chỉ: 81B/6B An Khánh, Châu Thành, Bến Tre

Khu du lịch Lan Vương

Địa chỉ: Tỉnh lộ 887, Ấp 2, Xã Phú Nhuận, Bến Tre

Khu Du Lịch Phú An Khang

Địa chỉ: 319 ấp Phú Lợi, Bình Phú, Bến Tre

Khu Du Lịch Vinh Sang

Địa chỉ: Tổ 14, ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long

Khu Du Lịch Lung Cột Cầu

Địa chỉ: Ấp Nhơn Thành, huyện Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

>>>> Xem thêm: Bỏ túi tất cả mọi kinh nghiệm du lịch Cần Thơ

Làng Du Lịch Ông Đề

Địa chỉ: Tổ 26, Ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Cần Thơ

Nếu bạn đã chán những bữa tiệc tùng sang chảnh chốn thị thành. Hãy thử làm mới cuộc chơi của mình với những khu du lịch sinh thái, miệt vườn miền Tây. Những trò chơi dân gian miền tây tuy hơi lấm lem bùn đất nhưng lại mang đến cho bạn những cảm nhận mới lạ, dấu ấn khó phai. Hãy khiến thanh xuân của chúng ta nhiều màu sắc rực rỡ hơn nhé. Lên đường thôi nào!

Kim khánh.

Chủ Đề