Ví dụ về gian lận trong thi cử

Bài làm

Trải qua một quá trình học tập lâu dài, để đánh giá kiến thức cũng như năng lực của học sinh, hiện nay các trường học đều lấy thi cử làm thước đo căn bản. Bởi vậy, có một bộ phận không nhỏ các cá nhân vì mong muốn được điểm cao, thành tích tốt đã dùng nhiều mánh khóe để gian lận trong thi cử.

Gian lận trong thi cử có thể hiểu là những hành vi sai trái, khôngđúng với chuẩn mực đạo đức, trái với quy định trong quá trình thi. Giở phao, quay cóp, chép bài, … được coi là những ví dụ điển hình của việc gian lận thi cử. Việc này giúp cho chính bản thân những học sinh gian lận có được mức điểm cao hơn so với sức học thật sự của bản thân. Tuy nhiên, nó không làm cải thiện, thay đổi những kiến thức học sinh tiếp thu được. Trái lại, nó làm cho học sinh quen với lối tư duy ỷ lại vào bạn, vào phao, … Học sinh trở nên lười nhác, thụ động trong việc tiếp thu kiến thức. Từ đó, các em sẽ không có một hành trang vững vàng để bước vào đời. Tệ hơn, việc gian lận thi cử còn có tác động tiêu cực về mặt đạo đức của học sinh. Học sinh mất đi tính trung thực, lừa thầy dối bạn. Những học sinh trung thực lại trở nên khó chịu vì mình bị “thiệt thòi” so với những bạn học sinh có học lực yếu hơn rồi lại bắt chước làm theo. Cứ như vậy, nó tạo thành một cái vòng luẩn quẩn. Và chính nhà trường và gia đình cũng khó có thể xác định được trình độ của từng học sinh để từ đó có những sự quan tâm, định hướng tốt hơn.

Gian lận trong thi cử xuất phát từ căn bệnh thành tích đang tồn tại từ rất lâu trong nền giáo dục. Các trường đều mong muốn học sinh của mình có năng lực học tốt nên đưa ra những chương trình học nặng nề, nhiều khi không cần thiết. Về phía gia đình thì bố mẹ mải mê công việc, lơ là việc học hành của con hoặc đôi khi lại quan tâm quá mức dẫn đến tạo áp lực cho con. Khả năng tiếp thu của từng người là giới hạn tuy nhiên vì chịu sức ép về thành tích nên nhiều học sinh nảy sinh tư tưởng gian lận. Nguyên nhân cũng có thể là do chính bản thân học sinh. Vì ganh đua với bạn, hoặc quá lười học nhưng mong muốn bản thân được điểm cao, các em mang trong mình những tài liệu thu nhỏ, điện thoại, … vào phòng thi để chép.

Để khắc phục thực trạng này, nhiều biện pháp đã được đề xuất. Nhưng trước hết, nhà trường cần tạo môi trường học cởi mở, thân thiện. Trường có sự sắp xếp trình đọ học của các em theo các lớp khác nhau để đưa ra chương trinh giảng dạy hợp lí. Bản thân các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học của con một cách đúng mực, không nên quá kì vọng vào điểm số. Đặc biệt là về phía học sinh, cần nâng cao ý thức tự học.

Mỗi một học sinh là một mầm non tương lai của đất nước. Các em được trang bị đầy đủ tri thức mới có thể xây dựng được đất nước ta trở nên giàu đẹp, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.

Trước vụ điều tra kết quả thi THPT quốc gia cao bất thường ở Hà Giang, Việt Nam, nhiều vụ lộ đề thi, gian lận bằng công nghệ cao trong các kỳ thi quan trọng từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Ví dụ về gian lận trong thi cử
Nhiều vụ gian lận thi cử chấn động từng xảy ra trên thế giới. Ảnh: PA

Gian lận khi thi như doping trong thể thao

Tháng 7.2018, chi tiết về cách thức 1.205 thí sinh dự thi THCS ở Kenya gian lận trong kỳ thi 1 năm trước đó đã bị phanh phui.

Theo báo cáo của Hội đồng khảo thí quốc gia Kenya (KNEC), hầu hết các thí sinh đã sử dụng điện thoại di động để gian lận. Một số thí sinh có đáp án giống hệt nhau trong tất cả các câu hỏi cho thấy, có dấu hiệu gian lận.

Ví dụ, trong 1 trường có 70 thí sinh có đáp án sai giống nhau trong trang thứ 2 của bài thi tiếng Anh. Trong đó, 69 thí sinh cùng viết đáp án sai, 1 thí sinh còn lại xóa đáp án đúng để viết đáp án sai như 69 người khác. Tại 1 trường khác, 96/97 thí sinh có đáp án giống hệt nhau trong phần lớn các câu hỏi ở bài thi môn hóa học…

Theo All Africa, sau vụ việc, kết quả thi của 500 học sinh trường nam sinh Ortum và nữ sinh St.Cecilia Chepareria ở huyện West Pokot, tỉnh Rift Valley bị hủy. Hai hiệu trưởng cùng 10 giáo viên bị đuổi việc.

Cũng năm 2018, các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bị lộ đề thi toán lớp 12 trên mạng xã hội. Ảnh chụp đề thi được chia sẻ trong 1 nhóm lớn trên WhatsApp chỉ 5 phút đầu khi phát đề. Theo Khaleej Times, 5.500 học sinh và phụ huynh có liên quan tới bê bối gian lận thi cử này. Các thí sinh có liên quan tới bê bối ở UAE đều bị cấm thi giai đoạn 3 và nhận điểm 0 ở tất cả các môn.

Tại Mỹ, tháng 6.2016, khoảng 85 sinh viên đối mặt với việc bị kỷ luật sau vụ bê bối gian lận tại Đại học bang Ohio. Theo Columbus Dispatch, giới chức trường điều tra và phát hiện ra các sinh viên thú y chia sẻ đáp án trong các bài kiểm tra tại nhà.

Theo tờ Sunday Times công bố năm 2018, tại Anh có hàng nghìn giáo viên đã gian lận để cải thiện kết quả thi cho học sinh. Theo đó, gần 2.300 vụ lạm dụng chức quyền do nhân viên của các đơn vị trong kỳ thi OCR (viết tắt của Oxford, Cambridge and Royal Society of Arts Examinations) giai đoạn 2012-2016.

Hơn một nửa số giáo viên phạm tội bị cáo buộc “hỗ trợ không phù hợp” cho các thí sinh. Cũng trong giai đoạn này, có 3.603 thí sinh bị bắt vì gian lận.

Số liệu cho thấy, thí sinh bị phạt nặng hơn giáo viên trong các hành vi gian lận. Khoảng 1.000 thí sinh bị truất quyền dự thi hoặc tước bằng. Trong khi 581 giáo viên bị cảnh cáo, 113 được gửi đi đào tạo lại và chỉ 83 giáo viên bị đình chỉ.

Bê bối thi cử quy mô lớn xảy ra ở nhiều nước, đơn cử như việc toàn bộ bài trong kỳ thi SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực để vào đại học Mỹ) tại Hàn Quốc vào tháng 5.2013 bị hủy do các trung tâm luyện thi làm lộ đề. Để kịp nộp hồ sơ vào đại học ở Mỹ, nhiều thí sinh Hàn Quốc đã sang Hong Kong hay Nhật Bản thi SAT.

Năm 2016, 174.000 thí sinh dự thi đại học ở bang Karnataka, Ấn Độ bị hủy thi môn hóa học tới 2 lần cùng vì lý do lộ đề. Vụ việc gây phẫn nộ trong khối lớp 12 tại bang này. Có 3 quan chức và khoảng 40 nhân viên ngành giáo dục bị đình chỉ vì vụ lộ đề.

Tinh vi và giải pháp quyết liệt

Trong thời đại internet và các thiết bị kỹ thuật số phát triển, hình thức gian lận thi cử ngày càng tinh vi. Năm 2014, khoảng 2.440 thí sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi dược sĩ ở Tây An, Thiểm Tây bị phát hiện sử dụng thiết bị như tai nghe không dây, “cục tẩy điện tử” để gian lận. Đường dây gian lận thi cử đưa các thí sinh giả vào phòng thi rồi nhanh chóng rời đi và đọc đáp án cho những thí sinh . đã chi 330 USD để mua đáp án.

Năm 2016, một trường đại học Thái Lan hủy thi tuyển y khoa khi phát hiện một số thí sinh gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, trong đó có kính mắt trang bị camera.

Năm 2018, Tan Jia Yan - gia sư Singapore - đã bị kết án vì giúp ít nhất 6 học sinh trung học người Trung Quốc gian lận trong kỳ thi O-Levels (kỳ thi ở Singapore để chọn các học viên đủ điều kiện vào dự bị đại học) vào tháng 10.2016.

Gia sư 32 tuổi sử dụng ứng dụng FaceTime của iPhone và tai nghe không dây có màu da đọc đáp án cho học trò trong phòng thi. Vụ gian lận bị phơi bày vào ngày cuối của kỳ thi khi giám thị nghe thấy “âm thanh điện tử bất thường” phát ra từ 1 thí sinh.

Các nước cũng có những hình thức xử phạt nghiêm minh với gian lận thi cử. Năm 2018, tòa án ở Dakar, Sénégal tuyên án 42 người trong đó có hiệu trưởng, giáo viên và học sinh về vụ gian lận trong kỳ thi trung học một năm trước đó. Một hiệu trưởng bị kết án 5 năm tù và phạt 760 euro. Một giáo viên bị kết án 2 năm tù, phạt hơn 27.000 euro và tịch thu tài sản.

Năm 2016, gian lận thi cử được Trung Quốc lần đầu tiên xếp loại là tội phạm hình sự. Những thí sinh bị phát hiện gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học có thể thể lãnh án tới 7 năm tù giam.

Theo Tân Hoa Xã, tại Thụy Kim, tỉnh Giang Tây, các giám thị sử dụng máy quét để kiểm tra giày của thí sinh dự thi quốc gia “gaokao” (kỳ thi chọn thí sinh đủ điều kiện để theo học đại học). Ngoài ra, các thiết bị chặn tín hiệu không dây được vào hoạt động và cảnh sát được triển khai tại các địa điểm thi trên toàn quốc nhằm phát hiện các “hành vi đáng ngờ”.

Năm 2018, Algeria sử dụng 1 biện pháp quyết liệt trong nỗ lực để chống gian lận trong kỳ thi quốc gia khi tắt truy cập internet cả di động và có dây trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ ngày 20-25.6, theo BBC.

Camera giám sát và các thiết bị phá sóng điện thoại di động cũng được lắp đặt tại những nơi in ấn đề thi. Động thái này diễn ra sau bê bối lộ đề thi năm 2016 trên mạng xã hội khiến 550.000 thí sinh phải đi thi lại 1 tuần sau đó. Hàng chục người tình nghi liên quan tới lộ đề thi đã bị bắt, trong đó có cả quan chức giáo dục và người in ấn.

Trước Algeria, Ethiopia, Iraq, Uzbekistan cũng có động thái tương tự trong thời gian diễn ra các kỳ thi quốc gia.