Ví dụ về nhiệm vụ của khoa học công nghệ

Khoa học và công nghệ là hai lĩnh vực rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống, kinh tế và xã hội của các quốc gia. Các cường quốc lớn như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản,… luôn luôn chú trọng nghiên cứu, tăng cường phát triển và luôn coi đây là ngành mũi nhọn giúp kinh tế tăng trưởng vượt bậc. Với quan điểm phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, mục tiêu hướng Việt Nam trở thành đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vậy khoa học công nghệ là gì và vai trò của khoa học và công nghệ trong cuộc sống?

* Căn cứ pháp lý

– Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;

– Nghị định 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ.

1. Khoa học công nghệ là gì?

Khoa học được hiểu là toàn bộ hệ thống quy luật mang tính khách quan của vật chất và xã hội tư duy. Những quy luật này đã được các nhà khoa học quan sát và nghiên cứu, tìm hiểu một cách kỹ càng để từ đó sắp xếp lại thành dữ liệu nhằm giải thích cách thức hoạt động và sự tồn tại của một hiện tượng, sự vật nào đó. Những tri thức về quy luật khách quan đó của thế giới giúp con người có thể dùng chúng để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống hay là vận dụng các quy luật ấy để sáng tạo ra nguyên lý các giải pháp tác động vào các sự vật, hiện tượng nhằm biến đổi trạng thái của chúng.

Tóm lại, khoa học là những cái gì đó đã được nghiên cứu kỹ và có bằng chứng xác thực qua một quá trình vận dụng các ý tưởng, nguyên lý và phương pháp khoa học để tìm ra các kiến thức mới nhằm mô tả, giải thích hay dự báo các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan làm phong phú thêm các tri thức khoa học, đưa ra các câu trả lời để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 3 của Luật Khoa học và Công nghệ 2013 quy định như sau:

“Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.”

“Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.”

Chính vì thế chúng ta thường hay nghe nhắc đến cụm từ liên quan đến khoa học công nghệ như dây chuyền, quy trình công nghệ, các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên ngày nay số lượng các công nghệ hiện đại ngày càng phát triển và nhiều đến mức khó thống kê được vì vậy việc đưa ra định nghĩa về công nghệ sẽ phụ thuộc vào những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau mà từ đó sẽ có những quan điểm khái quát về công nghệ chính xác.

Xem thêm: Mẫu giấy đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ mới nhất

Tuy nhiên, theo một cách hiểu chung và thống nhất mà tác giả tổng hợp được thì khoa học công nghệ chính là toàn bộ các hoạt động đảm bảo có hệ thống và sáng tạo hỗ trợ phát triển các kho tàng kiến thức chung của nhân loại. Đó có thể là kiến thức về con người, về đời sống – xã hội, tự nhiên…. từ đó hình thành nên các ứng dụng mới hiện đại và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Khoa học công nghệ tiếng Anh có nghĩa là: Science and technology.

2. Phân tích về hoạt động khoa học công nghệ hiện nay:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Luật Khoa học và Công nghệ quy định “Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.,”

Thứ nhất, nghiên cứu khoa học: khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật các hiện tượng, sự vật, các quy luật tự nhiên. Đưa ra các giải pháp ứng dụng các sáng kiến vào đời sống xã hội thực tiễn. Phương pháp nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng.

Nghiên cứu cơ bản là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Nghiên cứu ứng dụng là hoạt động nghiên cứu vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ phục vụ lợi ích của con người và xã hội.

Thứ hai, phát triển công nghệ: sáng tạo và hoàn thiện những công nghệ mới, sản phẩm mới. Phát triển công nghệ thường được phát triển theo hình thức triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm.

Triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu.

Xem thêm: Cách mạng khoa học công nghệ là gì? Đặc điểm và ý nghĩa?

Sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

Thứ ba, dịch vụ khoa học và công nghệ: hoạt động đưa nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn, các hoạt động chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng trí thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.

3. Khoa học và công nghệ có mối quan hệ như thế nào?

Nội dung của khoa học và công nghệ tuy khác biệt khác nhau nhưng chúng có mối liên hệ mật thiết. Khoa học sẽ tác động tới công nghệ, kéo theo sự phát triển của công nghệ. Từ đó chúng có những tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất tới hoạt động sản xuất của con người. Khoa học và công nghệ hình thành do sự vận dụng tri thức con người sáng tạo nên các công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất cũng như các hoạt động khác trong đời sống con người.

Theo dòng lịch sử, mối quan hệ khoa học – công nghệ thể hiện qua những giai đoạn khác nhau như:

Thế kỷ 17-18: khoa học công nghệ bắt đầu phát triển mạnh. Lúc này công nghệ được nhận định là đi trước khoa học.

Thế kỷ 19: giai đoạn này chứng kiến khoa học công nghệ có sự tiếp cận mới. Công nghệ giúp nghiên cứu khoa học phát triển và ngược lại các phát minh khoa học hiện đại tạo điều kiện để con người nghiên cứu.

Sang thế kỷ 20: khoa học dẫn dắt công nghệ. Công nghệ đổi mới giúp nghiên cứu khoa học được hoàn thiện và tiếp tục phát triển.

Đầu thế kỷ 21: khoa học công nghệ song hành với nhau và trở thành nguồn lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Xem thêm: Khoa học và công nghệ là gì? Quyền đối với khoa học và công nghệ?

4. Vai trò của khoa học và công nghệ trong cuộc sống:

Thứ nhất, khoa học công nghệ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế

Sự ra đời của công nghệ mới kéo theo sự phát triển kinh tế theo chiều sau. Việc tăng trưởng kinh tế này dựa trên hiệu quả sản xuất. Khoa học công nghệ chính là công cụ hữu hiệu giúp chuyển nền kinh tế Việt Nam từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Phát triển các ngành công nghệ cao với việc sử dụng phần lớn các lao động tri thức.

Thứ hai, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Khoa học công nghệ phát triển giúp các ngành phát triển nhanh kéo theo phân công xã hội ngày càng đa dạng. Các ngành kinh tế được chia thành những ngành nhỏ với các lĩnh vực kinh tế mới. Điều này dẫn tới sự chuyển dịch kinh tế theo hướng hiện đại, tích cực.

Tỷ trọng GDP các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm.

Cơ cấu kinh tế từng ngành có sự thay đổi theo hướng mở rộng các ngành công nghệ cao, lượng lao động có trình độ và tri thức ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn.

Thứ ba, thúc đẩy nâng cao chất lượng, sự cạnh tranh của hàng hóa

Áp dụng công nghệ hiện đại là yếu tố giúp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Công nghệ khoa học hiện đại đã tác động tới nguồn nguyên vật liệu sản xuất thêm đồng bộ, cải tiến. Quy mô sản xuất cũng được mở rộng thêm với sự ra đời, phát triển của các loại hình doanh nghiệp mới. Trước sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp buộc có chiến lược kinh doanh mới.

Xem thêm: Công văn số 253/BXD-KHCN về việc giao Viện Khoa học Công nghệ xây dựng chuyển dịch tiêu chuẩn BS EN 15237:2007 do Bộ Xây dựng ban hành

Thứ tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại góp phần phục vụ đời sống con người, nâng cao đời sống người dân. Hàng loạt thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ hiện đại lần lượt ra đời giúp cuộc sống hiện đại hơn. Các thiết bị điện tử hiện nay thay thế lao động con người, tiết kiệm nhân lực. Một số sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hiện nay bao gồm: điện thoại thông minh, máy tính xách tay, điều hòa, xe hơi, tàu điện ngầm…

5. Chủ trương định hướng phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam:

Từ sau đổi mới năm 1986, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực cho xã hội phát triển.

Nhận ra tầm quan trọng của khoa học công nghệ, Đảng và Nhà nước ta đã luôn có các định hướng và sự chỉ đạo tăng cường đúng đắn về các hoạt động của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Quan điểm coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới.

Đảng ta đã đề ra nhiều định hướng, giải pháp cả về thể chế, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý nhà nước, về quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, xây dựng Đảng. Đặc biệt, Đảng có chủ trương, giải pháp cụ thể về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Cần phải nhận thức rằng, khoa học công nghệ là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khoa học công nghệ không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại.

Phát triển khoa học công nghệ cùng với việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng, giải pháp mang tính quyết định nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, tạo và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm, dịch vụ…

Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, thể chế ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, hoàn thiện hệ thống giáo dục, gắn kết giáo dục và đào tao với nghiên cứu khoa học, với triển khai kết quả nghiên cứu khoa học.

Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại, các khu công nghệ cao quốc gia. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển một số trường đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình tiên tiến của thế giới để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Khoa học công nghệ xứng đáng là quốc sách, là động lực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và là động lực quan trọng để đạt được mục tiêu xây dựng thành công Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, giàu mạnh, nước phát triển cao.

Như vậy, khoa học công nghệ là một trong những lĩnh vực có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội đặc biệt là nền kinh tế nước ta. Chính vì vậy, để đảm bảo cho hoạt động phát triển nền khoa học công nghệ cần rất nhiều thời gian và trí óc, đặc biệt là các chính sách mà nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiềm năng có cơ hội được thể hiện và cống hiến. Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về khoa học công nghệ là gì và vai trò của khoa học và công nghệ trong cuộc sống. Trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.