Xâm nhập mặn 2023

Dự báo nguy cơ hạ thấp mực nước dưới đất và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2023

Theo Bản tin chuyên đề năm 2018 của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo về dự báo nguy cơ hạ thấp mực nước dưới đất và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2023 như sau:

I. Dự báo tốc độ hạ thấp mực nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

1. Tầng chứa nước Pleistocene trên (qp3).

 Đây là tầng chứa nước nằm phía trên tầng chứa nước khai thác của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất (2013-2018) là 0,06m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,51m/năm tại công trình Q597020M1 (phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp giai đoạn 2018-2023, tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng có tốc độ hạ thấp mực nước 0,1 - 0,2m/năm.

2. Tầng chứa nước Pleistocene giữa-trên (qp2-3).

Tầng chứa nước Pleistocene giữa - trên có tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất (2013-2018) là 0,04m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,61m/năm tại công trình Q597030M1 (phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp giai đoạn 2018-2023, một phần ven biển tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng có tốc độ hạ thấp mực nước 0,3 - 0,5m/năm.

3. Tầng chứa nước Pleistocene dưới (qp1).

Đây là tầng chứa nước khai thác chính của toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất (2013-2018) là 0,15m/năm.

Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp giai đoạn 2018-2023, tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng có tốc độ hạ thấp mực nước ít thay đổi (<0,1m/năm).

4. Tầng chứa nước Pliocen giữa (n22).

Đây là một trong những tầng chứa nước khai thác chính của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất (2013-2018) là 0,28m/năm.

Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp giai đoạn 2018-2023, tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng có tốc độ hạ thấp mực nước 0,3 - 0,5m/năm.

5. Tầng chứa nước Pliocene dưới (n21).

Đây là một trong những tầng chứa nước khai thác chính của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất (2013-2018) là 0,44m/năm.

Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp giai đoạn 2018-2023, tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng có tốc độ hạ thấp mực nước 0,2 - 0,3m/năm.

II. Dự báo tốc độ hạ thấp mực nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

1. Tầng chứa nước Pleistocene trên (qp3).

Nhìn chung độ mặn của nước mùa khô năm 2018 tại các công trình quan trắc hầu hết nhỏ hơn 1500mg/l, tuy nhiên tỉnh Bạc Liêu là một trong những khu vực vượt giới hạn cho phép (độ mặn >3000mg/l).

Kết quả dự báo tới năm 2023 cho thấy vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 4,18%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Long An và một phần nhỏ ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu.

2. Tầng chứa nước Pleistocene giữa-trên (qp2-3).

Nhìn chung độ mặn của nước mùa khô năm 2018 tại các công trình quan trắc tại tỉnh Bạc Liêu nhỏ hơn 1500mg/l.

Kết quả dự báo tới năm 2023 cho thấy vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 1,0%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Long An.

3. Tầng chứa nước Pleistocene dưới (qp1).

Nhìn chung độ mặn của nước mùa khô năm 2018 tại các công trình quan trắc tại tỉnh Bạc Liêu nhỏ hơn 1500mg/l.

Kết quả dự báo tới năm 2023 cho thấy vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 1,36%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần nhỏ các tỉnh Long An, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

4. Tầng chứa nước Pliocen giữa (n22).

Nhìn chung độ mặn của nước mùa khô năm 2018 tại các công trình quan trắc tại tỉnh Bạc Liêu nhỏ hơn 1500mg/l.

Kết quả dự báo tới năm 2023 cho thấy vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 5,78%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.

5. Tầng chứa nước Pliocene dưới (n21).

Nhìn chung độ mặn của nước mùa khô năm 2018 tại các công trình quan trắc tại tỉnh Bạc Liêu nhỏ hơn 1500mg/l.

Kết quả dự báo tới năm 2023 cho thấy vùng nước nhạt có nguy cơ bị nhiễm mặn chiếm 5,5%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau.

Huỳnh Kiều Linh - Chuyên viên Phòng TNN, KS, KTTV & BĐKH