Ý nghĩa của hôn nhân là gì

Hôn nhân là một hiện tượng xã hội, có sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà, sự liên kết đó được phát sinh và thừa nhận thông qua hoạt động kết hôn và được biểu hiện thành một quan hệ xã hội gắn liền với nhân thân, được gọi là vợ chồng. Vai trò, ý nghĩa hay mục đích của hôn nhân được bộc lộ rõ rệt qua các giai đoạn lịch sử, gắn với các hình thái kinh tế xã hội. Vậy, hôn nhân xã hội chủ nghĩa có những mục đích gì? Thế nào là không đạt được mục đích hôn nhân?

Cơ sở pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

1. Mục đích của hôn nhân là gì?

Khoản 1, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích rằng “hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”

Dưới góc độ lý luận, có thể hiểu hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tự nguyện theo quy định của pháp luật, nhằm chung sống với nhau và xây dựng gia đình hạnh phúc, dân chủ, hòa thuận và bền vững.

* Các đặc điểm của hôn nhân:

– Hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Đó là hôn nhân 1 vợ 1 chồng (Khoản 1, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Đây là đặc điểm để phân biệt giữa hôn nhân xã hội chủ nghĩa và hôn nhân phong kiến (chế độ đa thê).

– Hôn nhân là sự liên kết bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện: Đây cũng là nguyên tắc được quy định tại Điều 1 Luật Hôn nhân gia đình 2014, cơ sở của tự nguyện trong hôn nhân là tình yêu chân thành giữa nam và nữ, không bị các yếu tố khách quan tác động và chi phối.

– Hôn nhân là sự liên kết bình đẳng: đó là sự bình đẳng về hình thức pháp lý cũng như bình đẳng trong thực tế đời sống xã hội.

Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân gia đình

– Hôn nhần là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm chung sống với nhau suốt đời, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững: Tính chất bền vững “suốt đời” là đặc trưng của hôn nhân xã hội chủ nghĩa.

Khi thiết lập một quan hệ xã hội mang tính đặc trưng như hôn nhân, “mục đích” là nội dung mà nhiều chủ thể trong xã hội đặt ra câu hỏi, vậy mục đích của hôn nhân là gì?

Mục đích của hôn nhân được hiểu là các vấn đề về pháp lý và đời sống được các chủ thể trong quan hệ hôn nhân hướng tới thực hiện. Mục đích của hôn nhân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là nhằm xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, bền vững. Mục đích của hôn nhân là để xây dựng gia đình, vì thế, ngay cả khi vợ chồng không có con cuộc hôn nhân đó vẫn được bảo vệ, bởi vì nó là cơ sở xây dựng gia đình. Hôn nhân bảo đảm các Điều kiên, tính chất tốt  đẹp của nó, là tiền đề cho một gia đình hạnh phúc, dân chủ, hòa thuận và bền vững.

Trong tờ trình dự luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 của Chính phủ trước Quốc hội đã chỉ rõ: “Mục đích của hôn nhân trong chế độ ta là xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người thương yêu, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiền bộ và bảo đảm cho mọi giống được lành mạnh, tương lại con cái được tốt đẹp, cho xã hội được phát triển thịnh vượng và làm cho mọi người trong gia đình đều phấn khởi lao động sản xuất, cùng nhau cải thiện đời sống và kiến thiết tổ quốc”

Trong mục đích của hôn nhân thể hiện được sự hài hòa giữa mặt riêng tư và mặt xã hội trong quan hệ hôn nhân:

– Mặt riêng tư trong quan hệ hôn nhân là hạnh phúc của bản thân vợ chồng, đó không chỉ là tình yêu với nhau mà còn có niềm vui sướng tự hào về trách nhiệm  đối với gia định và xã hội mà họ đã làm tròn.

– Mặt xã hội trong hôn nhân thể hiện ở sự tồn tại mối quan hệ bền vững ở mỗi cặp vợ chồng. Vợ chồng, các con , nhà nước và xã hội đều quan tâm tới việc xây dựng và củng cố quan hệ hôn nhân sao cho vững chắc, gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Lợi ích của xã hội còn thể hiện trong hôn nân qua việc bảo đảm lợi ích của các con.

Qua thực tế và lý luận cho thấy những đức tính tốt đẹp của con người được phát triển trong một gia đình tốt thì chính trong tập thể gia đình đó sẽ mang lại cho xã hội những con người có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng, kiên định, dám vượt mọi khó khăn, thử thách, xả thân vì nghĩa lớn, vì chủ nghĩa xã hội.

Xem thêm: Những vi phạm về hôn nhân gia đình bị xử lý kỷ luật khai trừ Đảng

Mục đích hôn nhân dưới góc độ lý luận và quan điểm của các nhà lập pháp có thể khác so với mục đích hôn nhân trong tôn giáo, chẳng hạn: mục đích hôn nhân Công giáo là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái cùng giúp nhau nên thánh;

Theo Phật giáo: Hôn nhân là một sự quy ước của xã hội, một thể chế do con người tạo ra nhằm vì mục đích an lạc, hạnh phúc của con người, để phân biệt xã hội loài người với đời sống thú vật và duy trì tật trự và sự hòa hợp trong quá trình sinh sản; trong tôn giáo mặc dù có những mục đích riêng, tuy nhiên về cơ bản vẫn là sự hài hòa giữa các mục đích với nhau.

2. Mục đích của hôn nhân tiếng Anh là gì?

Mục đích của hôn nhân tiếng Anh là “Purpose of marriage”.

3. Thế nào là không đạt được mục đích hôn nhân?

Không đạt được mục đích hôn nhân được hiểu là việc các chủ thể trong quan hệ hôn nhân không thực hiện được những vấn đề mà họ đã hướng tới từ trước.

Hậu quả của việc không đạt được mục đích hôn nhân là khiến cho các chủ thể lâm vào bế tắc, hạnh phúc gia đình đứng bên bờ vực, vì vậy mà “Mục đích của hôn nhân không đạt được”, là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn theo yêu cầu một bên, được quy định tại Khoản 1, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Giải thích cho trường hợp mục đích của hôn nhân không đạt được, tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, có quy định: “Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo Điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.”

Thứ nhất, không có tình nghĩa vợ chồng. Quan hệ hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu giữa nam và nữ, họ phải có sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, nghĩa vụ sống chung với nhau sẽ giúp cho tình nghĩa vợ chồng có thể cải thiện. Việc vi phạm nghĩa vụ trong hôn nhân khiến cho tình nghĩa vợ chồng không còn, dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được.

Xem thêm: Sửa đổi của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi li hôn

Thứ hai, không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng: người vợ hoặc chồng đã vi phạm quy định tại Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, đó là việc vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ về mọi mặt.

Thứ ba,  không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền tự do tín ngưỡng của vợ, chồng. Đây là việc một trong chủ thể vi phạm Điều 21, 22 theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình.

Thực tế cho thấy, tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” có mối liên hệ với nhau. Không thể có một gia đình đầm ấm hạnh phúc khi giữa vợ và chồng đã có những mâu thuẫn sâu sắc, họ không còn muốn sống chung, thậm chí không muốn nhìn thấy mặt nhau nữa.

Khi nhắc tới “mục đích hôn nhân không đạt được” để giải quyết ly hôn, không phải hiểu đơn giản là tình yêu giữa vợ và chồng không còn nữa mà Điều đó nói lên thực tế quan hệ hôn nhân đã tan vỡ, quan hệ vợ chồng khó lòng mà tiếp tục, bởi vì mục đích của hôn nhân một phần mong muốn vợ và chồng phải sống hạnh phúc trong chính sự lựa chọn của mình.

4. Làm thế nào để cải thiện mục đích hôn nhân trong thực tế?

– Nên quy định mục đích hôn nhân trở thành Điều luật cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình.

– Chủ thể nam nữ trong xã hội chỉ tiến hành xác lập quan hệ hôn nhân khi đủ tuổi, đảm bảo các nguyên tắc của luật như bình đẳng, tự nguyện và phải xuất phát từ tình yêu, có khả năng gắn kết lâu dài.

– Tiến hành xử lý đối với những cá nhân có hành vi vi phạm dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được.

– Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, tránh tình trạng vi phạm dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được.

– Nhà nước cần giáo dục, tuyên truyền về nội dung hôn nhân và gia đình, tác động trực tiếp vào nhận thức và hành vi của cá nhân trong xã hội.