Các tín hữu hiệp thông với nhau như thế nào

Hiệp thông các thánh” [communio sanctorum]

Phan Tấn Thành

Thuật ngữ communio sanctorum đã được đưa vào “Tín biểu các thánh tông đồ”, và dịch sang tiếng Việt là “các thánh thông công”. Trong việc giải thích tín điều này, các tác giả cổ điển nói sự thông hiệp giữa ba “tình trạng của Giáo hội” [tres status Ecclesiae]: Giáo hội chiến đấu, Giáo hội đau khổ, Giáo hội khải hoàn. Công đồng Vaticanô II [LG 48] đã đổi danh xưng thành “Giáo hội lữ hành – thanh luyện – hiển vinh”. Đây không phải là ba Giáo hội nhưng là ba chặng của một Giáo hội duy nhất, với Chúa Kitô là nguyên thủ. Cả ba đều chung một niềm mong đợi, đó là sự quang lâm của Chúa Kitô. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo [số 954] viết như sau [trích lại LG 49]:

Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng ‘cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như Ngài là… Tuy nhiên, tất cả chúng ta, theo mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và cùng hát lên bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người”.

Chúng ta có thể mô tả đặc điểm của mỗi trạng thái như thế này:

1/ Giáo hội thanh luyện chia sẻ vài điều kiện chung với Giáo hội lữ hành và Giáo hội hiển vinh: sự kết hợp với Chúa Kitô bằng đức tin và đức mến; niềm hy vọng chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Tuy nhiên, Giáo hội thanh luyện không còn các bí tích và cơ cấu phẩm trật nữa.

2/ Giáo hội lữ hành hướng đến Giáo hội trên trời. Giáo hội lữ hành đã hưởng phần nào những phúc lộc cánh chung, nhưng còn trong tình trạng khởi đầu và trông mong sự viên mãn. Đây là giai đoạn của đức tin, chứ chưa phải của vinh quang, vì thế thánh Tôma đặt tên là congregatio fidelium [cộng đoàn những kẻ có đức tin, đang trên đường lữ hành viatores; khác với các phúc nhân được gọi là comprehensores, những người chiêm ngưỡng Chúa nhãn tiền]. Họ sống trong chế độ của đức tin và các bí tích. Trước đây trạng thái này được gọi là giáo hội “chiến đấu”, bởi vì họ phải nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, tỉnh thức cầu nguyện đang khi mong đợi Chúa quang lâm. Họ phải hoán cải và canh tân liên lỉ

3/ Giáo hội hiển vinh cũng được gọi là Giáo hội “quê nhà” [in patria], nghĩa là đã đến nhà [so sánh với người đi đường]. Các thiên sứ cũng được thánh Tôma Aquinô kể vào số thành phần của Giáo hội này. Đặc trưng của Giáo hội này là họ đã thực hiện hoàn toàn sự kết hợp với Chúa Kitô. So với giai đoạn trước đây, điều mới mẻ là họ không cần đến đức tin và các bí tích nữa [x. Kh 21,9tt]. Tuy nhiên, dưới một mặt khác, họ vẫn chưa được thành tựu hoàn toàn, bởi vì họ vẫn còn “trông đợi” ngày được chia sẻ vinh quang hoàn toàn như Chúa Kitô, nghĩa là với thân xác phục sinh, cũng như sự thông hiệp trọn vẹn với toàn thân thẻ Người là tất cả mọi anh chị em [x. Rm 8,23].

Sự thông hiệp giữa ba “trạng thái” của Hội thánh được gọi là communio sanctorum. Tuy nhiên thuật ngữ này được hiểu theo hai nghĩa, tùy theo từ sanctorum được hiểu nghĩa đối thể [sancta] hay là nghĩa chủ thể [sancti].

1/ Nghĩa đối thể [những sự thánh] áp dụng cách riêng cho Giáo hội lữ hành, nghĩa là các phần tử thông dự vào các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể.

2/ Nghĩa chủ thể [những người thánh][1]. Sự hiệp thông được hiểu về sự chia sẻ giữa các tín hữu, trên trời hay dưới thế, về sự nâng đỡ, cầu nguyện, đền tội. Điều này có thể giải thích theo nhiều chiều hướng:

a. Giữa lòng Giáo hội lữ hành. Các giáo phụ đề cập đến sự chia sẻ giữa các tín hữu về các ơn huệ [thánh sủng cũng như đặc sủng]. Thông điệp Mystici corporis nêu bật rằng tất cả những gì tốt lành [cầu nguyện, hy sinh] mà một người thực hiện đều giúp ích cho người khác.

b. Giữa Giáo hội lữ hành và Giáo hội thanh luyện. Các linh hồn đang thanh luyện có thể nhận được sự trợ giúp của các thánh nhân cũng như các tín hữu còn lữ hành. Các linh hồn đang thanh luyện có thể chuyển cầu cho các tín hữu lữ hành không? Đây là vấn đề còn tranh cãi. Nhiều người cho rằng các linh hồn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Nhưng thánh Tôma Aquinô nghĩ ngược lại: Các linh hồn còn phải thanh luyện chưa nhìn thấy nhan Chúa, vì thế họ không thể biết lời van nài của chúng ta.[2] Dĩ nhiên, khi nào lên thiên đàng, họ sẽ không quên ơn chúng ta đâu. Vì không muốn giải quyết cuộc tranh luận thần học vừa nói, nên khi ban hành Hiến chế tín lý về Hội thánh, công đồng Vaticanô II đã cắt bỏ một câu nằm trong các lược đồ dự thảo tương đương với số 50a: “Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ những người đã chết, và đối lại, nhờ họ cầu nguyện cho mình [atque vicissim se orationibus eorum sedulo commendando]”[3]

c. Giữa Giáo hội lữ hành và Giáo hội vinh quang. Các thánh trên trời cộng tác vào sứ vụ của Giáo hội lữ hành nhờ lời chuyển cầu cũng như nhờ gương tốt.

Sự hiệp thông giữa ba tình trạng của Giáo hội diễn ra cách đặc biệt trong buổi cử hành phụng vụ, cách riêng là Thánh Lễ.

Tóm lại, communio sanctorum bao hàm ba khía cạnh:

1/ Sự thông hiệp trong những “sự thánh”, những phương tiện giúp nên thánh [đức tin, cậy, mến và các ơn huệ Thánh Linh].

2/ Thông hiệp giữa “các thánh” với nhau: Giáo hội là một gia đình. Gia đình này có thể được hiểu:

a] Giữa các phần tử của Giáo hội lữ hành: chia sẻ một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức sống, các bí tích … họ họp thành một thân thể của Chúa Kitô, một gia đình của Thiên Chúa.

b] Giữa các phần tử của ba “trạng thái” của Giáo hội [lữ hành, thanh luyện, vinh quang], chia sẻ những công trạng, lời cầu nguyện.

Như đã nói trên, Đức Maria và các thiên thần cũng họp thành “Giáo hội vinh quang”. Như vậy, communio sanctorum diễn tả rất trọn vẹn khía cạnh hiệp thông của Giáo hội, bao gồm cả chiều ngang lẫn chiều dọc.

Xem thêm Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo ở các số  946-959.

———————————-

[1] Các “thánh” là những ai? Trong Tân ước, các thánh ám chỉ các Kitô hữu [x. Cv 9,13.32.41; 26,10.18; 1Cr 1,2; 6,1-2; 14,33, Ep 1,15 …]: Họ được thánh hoá nhờ bí tích Thánh tẩy [x. Ep 5,26], họ trở nên phần tử của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Dần dần [cách riêng từ thế kỷ IV, với những cuộc trở lại đạo cách ồ ạt], các Kitô hữu mất dần ý thức về yêu sách nên thánh của mình, và các “thánh” được hiểu là các phúc nhân trên trời.

[2] X. Summa theologica II-II, q. 83, a. 4, ad 3m; a. 11. ad 3m.

[3] Modi ad c. 7 De Ecclesia ad n. 50, modus 44: Acta Synodalia vol. III/8, tr. 145: “Ne dirimi videretur quaestio disputata de imploranda intercessione”.

946823

Sau khi tuyên xưng: “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này”, tín biểu các Tông Đồ thêm: “Các Thánh thông công.” Một cách nào đó, mục này là lời giải thích cho mục trước: “Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn của tất cả các Thánh?.”505 Quả thật, Hội Thánh là sự hiệp thông của các Thánh.

947790

“Bởi vì tất cả các tín hữu là một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác… Bởi đó, giữa những điều khác,… phải tin là có sự truyền thông những điều thiện hảo trong Hội Thánh. Thành phần chủ yếu là Đức Ki-tô, bởi vì Người là Đầu… Do đó, điều thiện hảo của Đức Ki-tô được truyền thông… cho tất cả các chi thể; và sự truyền thông này được thực hiện qua các bí tích của Hội Thánh.”506 “Thật vậy, Thần Khí duy nhất điều khiển Hội Thánh làm cho bất cứ điều gì được thu thập trong Hội Thánh, đều là của chung.”507

9481331

Vì vậy, thuật ngữ “các Thánh thông công” có hai nghĩa: “hiệp thông trong các thực tại thánh [sancta]” và “hiệp thông giữa những người thánh [sancti].”

“Sancta sanctis! [Các thực tại thánh cho những người thánh]” là lời chủ tế xướng lên trong nhiều phụng vụ Đông phương, lúc nâng cao Mình Máu Thánh trước khi cho rước lễ. Các Ki-tô hữu [sancti] được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Ki-tô [sancta] để tăng trưởng trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần [Koinônia] và truyền thông sự hiệp thông đó cho trần gian.

I. Hiệp thông của cải thiêng liêng [949–953]

949185

Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” [Cv 2,42]. Sự hiệp thông trong đức tin. Đức tin của các tín hữu là đức tin của Hội Thánh, được đón nhận từ các Tông Đồ, là kho tàng của sự sống, một kho tàng khi được truyền thông thì lại thêm phong phú.

9501130, 1331

Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Ki-tô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích… Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên, danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này.”508

951799

Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh.509 “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” [1 Cr 12,7].

9522402

“Đối với họ, mọi sự đều là của chung” [Cv 4,32]: “Ki-tô hữu thật sự không sở hữu một điều gì, mà không cho rằng đó là của chung cho mình cùng với tất cả những người khác; vì vậy, họ phải mau mắn và sẵn sàng làm nhẹ bớt sự cùng khốn của những người túng thiếu.”510 Ki-tô hữu là người quản lý tài sản của Chúa.511

9531827, 2011, 845, 1469

Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” [Rm 14,7]. “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Ki-tô và mỗi người là một bộ phận” [1 Cr 12,26-27]. Đức mến “không tìm tư lợi” [1 Cr 13,5].512 Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nền trong mầu nhiệm “các Thánh thông công.” Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.

II. Sự hiệp thông giữa Hội Thánh thiên quốc và Hội Thánh trần thế [954–959]

954771, 1031, 1023

Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng ‘cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như Ngài là’”:513

“Tuy nhiên, tất cả chúng ta, theo mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và cùng hát lên bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Ki-tô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người.”514

955

“Vì vậy, sự kết hợp giữa những người còn đi đường với các anh em đã yên nghỉ trong bình an của Đức Ki-tô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng.”515

9561370, 2683

Sự chuyển cầu của các Thánh: “Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Ki-tô, các Thánh trên trời củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện… Các ngài không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta, trong khi dâng các công nghiệp các ngài đã lập được nơi trần thế nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Ki-tô Giê-su… Nhờ vậy sự yếu đuối của chúng ta được giúp đỡ rất nhiều bằng sự quan tâm huynh đệ của các ngài”:516

“Anh em đừng khóc, bởi vì tôi sẽ có ích cho anh em hơn, ở nơi tôi sắp tới, hơn là lúc tôi ở đây.”517

“Tôi muốn ở trên trời, để làm việc lành dưới thế.”518

9571173

Hiệp thông với các Thánh. “Chúng ta không chỉ kính nhớ các Thánh trên trời vì gương sáng của các ngài, nhưng hơn thế nữa, còn để sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh trong Thần Khí được tăng cường nhờ việc thực thi đức mến huynh đệ. Thật vậy, cũng như sự hiệp thông giữa những người đi đường đưa chúng ta tới gần Đức Ki-tô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng kết hợp chúng ta với Đức Ki-tô, tự nơi Người, với tư cách là nguồn mạch và là Đầu, tuôn chảy mọi ân sủng và sự sống của chính dân Thiên Chúa”:519

“Quả vậy, chúng ta tôn thờ Đức Ki-tô vì Người là Con Thiên Chúa; và chúng ta yêu mến một cách chính đáng các vị Tử Đạo, xét như là những môn đệ và những người bắt chước Chúa, vì sự hết sức tốt lành của các ngài đối với Đấng là Vua và Thầy của mình; ước gì chúng ta được là bạn đồng hành và đồng môn với các ngài.”520

9581371, 1032, 1689

Hiệp thông với những người đã qua đời. “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giê-su Ki-tô, nên ngay từ buổi đầu của Ki-tô Giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ [2 Mcb 12,45], nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ.”521 Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu.

9591027

Trong gia đình duy nhất của Thiên Chúa. “Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Ki-tô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh.”522

Tóm lược [960–962]

960

Hội Thánh là “sự hiệp thông của các Thánh”: thuật ngữ này trước hết chỉ sự hiệp thông trong “các thực tại thánh” [sancta], nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích này “biểu thị và thực hiện sự hợp nhất của các tín hữu, những người hợp thành một Thân Thể trong Đức Ki-tô.”523

961

Thuật ngữ này cũng chỉ sự hiệp thông của “những người thánh” [sancti] trong Đức Ki-tô, Đấng “đã chết cho mọi người.” Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Ki-tô, cũng đều mang lại hoa trái cho mọi người.

962

“Chúng tôi tin sự hiệp thông của tất cả các Ki-tô hữu, nghĩa là của những người lữ hành nơi trần thế, những người đã qua đời và đang được thanh luyện, và những người đang vui hưởng vinh phúc thiên quốc, tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất; và chúng tôi cũng tin rằng trong sự hiệp thông đó, chúng tôi được hưởng nhờ tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của các Thánh của Ngài, các Đấng luôn lắng nghe những lời cầu khẩn của chúng tôi.”524

Chú thích

505 Thánh Nicetas Remesianae, Instructio ad competentes, 5, 3, 23 [Explanatio Symboli, 10]: TPL 1,119 [PL 52,871].

506 Thánh Tô-ma A-qui-nô, In Symbolum Apostolorum scilicet “Credo in Deum” Expositio, 13: Opera omnia, v. 27 [Parisiis 1875] 224.

507 Catechismus Romanus, 1, 10, 24: ed. P. Rodríguez [Città del Vaticano-Pamplona 1989] 119.

508 Catechismus Romanus, 1, 10, 24: ed. P. Rodríguez [Città del Vaticano-Pamplona 1989] 119.

509 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 [1965] 16.

510 Catechismus Romanus, 1, 10, 27: ed. P. Rodríguez [Città del Vaticano-Pamplona 1989] 121.

511 X. Lc 16,1-3.

512 X. 1 Cr 10,24.

513 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 [1965] 54.

514 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 [1965] 54-55.

515 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 [1965] 55.

516 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 [1965] 55.

517 Thánh Đôminicô, khi hấp hối, nói với các anh em mình: Relatio iuridica 4 [Frater Radulphus de Faventia] 42: Acta sanctorum, Augustus I, 636; x. Iordanus de Saxonia, Vita 4, 69: Acta Sanctorum, Augustus I, 551.

518 Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su, Verba [17-7-1897]: Derniers Entretiens [Paris 1971] 270.

519 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 50: AAS 57 [1965] 56.

520 Martyrium sancti Polycarpi 17, 3: SC 10bis, 232 [Funk 1,336].

521 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 50: AAS 57 [1965] 55.

522 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 51: AAS 57 [1965] 58.

523 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 [1965] 6.

524 ĐGH Phao-lô VI, Sollemnis Professio fidei, 30: AAS 60 [1968] 445.

Video liên quan

Chủ Đề