Cách làm bài tập về nhà

Ý tưởng dạy học

9 Cách giao bài tập về nhà khiến học sinh cảm thấy hấp dẫn

Bài tập về nhà thường là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh, không chỉ vậy, nó còn là nỗi ám ảnh với cả giáo viên khi phải dành thời gian để chấm những bài tập lặp đi lặp lại, cho điểm và phê các lỗi sai. Làm thế nào để việc giao bài tập về nhà trở nên hấp dẫn và thú vị hơn đối với học sinh? Làm thế nào để các nhiệm vụ về nhà giúp học sinh có thể ôn tập củng cố được các nội dung kiến thức đã học trên lớp đồng thời phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của bản thân?

Last updated Th4 5, 2021

Bài tập về nhà thường là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh, không chỉ vậy, nó còn là nỗi ám ảnh với cả giáo viên khi phải dành thời gian để chấm những bài tập lặp đi lặp lại, cho điểm và phê các lỗi sai. Làm thế nào để việc giao bài tập về nhà trở nên hấp dẫn và thú vị hơn đối với học sinh? Làm thế nào để các nhiệm vụ về nhà giúp học sinh có thể ôn tập củng cố được các nội dung kiến thức đã học trên lớp đồng thời phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của bản thân? Dưới đây là là 9 dạng bài tập về nhà thú vị mà giáo viên có thể cân nhắc để sử dụng trong lớp học của mình.

  1. Xem video trên YouTube và viết tóm tắt/phản hồi

Ngày nay, việc tiếp cận các video trên youtube không còn là điều khó khăn đối với giáo viên và học sinh. Các nội dung trên youtube cũng khá phong phú và đa dạng, có thể hỗ trợ đắc lực việc học của học sinh. Giáo viên nên chọn các video ý nghĩa có liên quan đến nội dung bài học để học sinh có thể xem và sử dụng nó như một bài tập về nhà. Ví dụ, học sinh có thể xem bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ để hiểu về sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Học sinh cũng có thể xem bộ phim Cuộc sống tươi đẹp 1997 để hiểu hơn về cuộc sống của những người Do Thái trước và trong giai đoạn bị giam trong các trại tập trung,

Sau khi xem xong, học sinh sẽ viết một bài nhận xét, phản hồi về nội dung của video [250 300 từ].

Sau đó, giáo viên có thể tổ chức một hoạt động thảo luận trên lớp về những gì chúng đã xem. Học sinh có thích video đó không? Có điểm nào mà học sinh thấy ấn tượng? Điểm nào có liên quan đến bài học, điểm nào không phù hợp với bài học?

  1. Chọn một chủ đề và thuyết trình

Chúng ta hẳn đã trải qua thời sinh viên và quá quen thuộc với nhiệm vụ tìm kiếm tài liệu, chọn vấn đề và thuyết trình trước lớp. Đó thực sự là một nhiệm vụ thú vị, giúp phát huy được năng lực tự học, sự sáng tạo, tìm tòi và suy ngẫm của học sinh. Nó cũng giúp học sinh phát triển được các kĩ năng diễn đạt nói hiệu quả. Tuy nhiên, đối với học sinh phổ thông, thường bị hạn chế về thời gian và các nguồn tài liệu, giáo viên có thể gợi mở các vấn đề có liên quan đến nội dung bài học, sau đó yêu cầu học sinh được tự lựa chọn một vấn đề và chuẩn bị bài thuyết trình. Đây là một bài tập về nhà khá hấp dẫn mà giáo viên có thể giao cho các nhân hoặc theo nhóm.

Ví dụ, khi học về Chiến tranh thế giới thứ Nhất [1914 1918], giáo viên có thể học sinh chuẩn bị các vấn đề sau cho bài thuyết trình:

  • Cuộc sống trong các chiến hào
  • Phụ nữ trong chiến tranh
  • Chính sách tuyên truyền của chính phủ được sử dụng trong cuộc chiến
  • Hậu quả của chiến tranh
  • Những bức thư từ chiến hào
  • Thơ ca được sáng tác trong cuộc chiến

Giáo viên cũng cần có hướng dẫn chi tiết về các bước thực hiện bài thuyết trình cũng như những tiêu chí chấm điểm cụ thể để học sinh có định hướng trong quá trình làm bài tập ở nhà.

  1. Mang một cuốn sách hoặc một đồ vật đến lớp học và thảo luận

Giáo viên có thể giao cho học sinh nhiệm vụ về nhà chuẩn bị một cuốn sách hoặc một đồ vật nào đó có liên quan đến nội dung bài học để học sinh mang đến và thuyết trình trong bài học của mình. Hãy nhớ, điều quan trọng nhất không phải là việc học sinh mang đồ vật đó đến lớp mà là việc học sinh phải chỉ ra được mối liên hệ giữa đồ vật với những nội dung kiến thức đã học trong bài học. Ví dụ, học sinh phải chỉ ra được những ứng dụng của lực ma sát trong từng loại phanh của các loại phương tiện giao thông, phải lý giải được vì sao các loại phanh lại có cách thiết kế khác nhau Hoặc, học sinh có thể mang đến lớp một cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm và chỉ ra những địa danh, sự kiện đã học được nhắc đến trong cuốn sách,

  1. Một cuộc phỏng vấn

Điều này khá dễ dàng để thực hiện. Học sinh có thể phỏng vấn chính những người thân trong gia đình hoặc có thể phỏng vấn những người sống trong cộng đồng. Bài tập về nhà này rất phù hợp với các môn học như Lịch sử, Địa Lý, các môn học có ứng dụng trong thực tiễn. Ví dụ, khi dạy đến phần Du Lịch trong môn Địa Lý, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thiết kế các câu hỏi để phỏng vấn những người sống trong khu dân cư về số tiền họ dành cho du lịch, những nơi họ đã đi, những điều họ thích và không thích ở các địa điểm du lịch, Sau đó, học sinh sẽ tổng kết hoạt động phỏng vấn bằng một bản báo cáo và trình bày trước lớp.

Đối với môn Lịch sử, khi dạy về Lịch sử Việt Nam hiện đại, tôi thường cho học sinh phỏng vấn chính các thành viên trong gia đình, về cuộc sống của gia đình trong các giai đoạn lịch sử. Thậm chí, học sinh có thể phỏng vấn sâu hơn về phong tục, cách ăn, nghỉ, vui chơi giải trí của gia đình cũng như những biến cố xảy ra. Từ đó học sinh viết thành một cuốn lịch sử gia đình và trình bày/trưng bày vào tiết học sau.

  1. Nghe/sáng tác một bài hát

Âm nhạc có sức mạnh rất kì diệu, đặc biệt là đối với những học sinh có năng khiếu về ca hát. Hãy cho phép học sinh được phổ nhạc cho các bài thơ trong môn Ngữ văn, hay sáng tác một bài nhạc rap, pop, thậm chí là bolero, về các nội dung đã học. Điều này sẽ khiến học sinh cảm thấy vô cùng hứng thú. Tôi đã từng được nghe rất nhiều bài hát do chính học sinh sáng tác khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

  1. Vẽ/ sáng tác poster

Hình ảnh đôi khi còn có giá trị hơn cả hàng ngàn từ, hãy để học sinh được tối đa hóa năng lực tư duy hình ảnh bằng việc sáng tác các bức tranh, poster có nội dung liên quan đến bài học. Đó có thể là việc tái hiện lại nội dung bài học dưới dạng hình ảnh hoặc có thể là các poster thể hiện các thông điệp mà học sinh muốn gửi gắm.

Một hình thức khác, giáo viên cho phép học sinh được vẽ/thiết kế các truyện tranh trong đó mô tả lại nội dung của bài học dưới hình thức những câu chuyện hấp dẫn.

Hãy nhớ là, một khi đã giao nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên phải cho học sinh có cơ hội được trưng bày, trình bày, được nhận xét và đánh giá. Chỉ có như vậy, mới có thể thúc đẩy quá trình suy ngẫm của học sinh, từ đó hình thành nên các phẩm chất và năng lực mới.

  1. Chụp ảnh một thứ gì đó

Yêu cầu học sinh chụp các bức ảnh có liên quan đến nội dung của bài học đã học. Đó có thể là các loại cây cối, cảnh quan, môi trường trong môn sinh học. Đó cũng có thể là hình ảnh của các di tích lịch sử ở địa phương. Hoặc cũng có thể là các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó thực sự là một bài tập về nhà có ý nghĩa. Nó không chỉ đòi hỏi học sinh phải biết quan sát, lựa chọn hình ảnh, liên hệ với nội dung bài học mà còn giúp học sinh biết cách sử dụng hình ảnh như một phương tiện trong quá trình tư duy.

Ngoài ra, giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh chụp ảnh một thứ gì đó để chuẩn bị cho bài học tiếp theo. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh gửi email trước buổi học hoặc in ra để trình bày trước lớp.

  1. Đọc một một cuốn sách/bài báo

Ngày nay, sách, báo và tài liệu trở nên phổ biến trên mạng internet. Thay vì chỉ yêu cầu học sinh làm các bài tập có sẵn. Giáo viên hãy cho học sinh được mở rộng, đào sâu hơn vấn đề bằng viêc yêu cầu học sinh đọc các cuốn sách tham khảo. Đối với các lớp nhỏ, đó có thể là các câu chuyện cùng thể loại, những tác phẩm phù hợp với năng lực đọc hiểu. Đối với các lớp lớn hơn, đó là các cuốn sách tham khảo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, thậm chí là các bài báo khoa học.

Sau khi học sinh đọc xong, giáo viên nên thiết kế sẵn các mẫu phiếu tóm tắt nội dung đọc hoặc nhật ký đọc sách. Đó coi như sản phẩm về nhà để học sinh nộp lại. Bằng cách này, giáo viên không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức đã học mà còn đánh giá được năng lực đọc hiểu của chúng.

  1. Mô hình hóa

Mô hình hóa cũng là một hoạt động về nhà mà học sinh rất yêu thích. Giáo viên có thể cho học sinh mô hình hóa các thí nghiệm, các công trình kiến trúc, các phát minh, các cấu trúc nguyên tử, phân tử, tế bào, Việc mô hình hóa có thể được thực hiện bằng những vật dụng tái chế có sẵn, nó không quá đắt tiền nhưng lại giúp học sinh ghi nhớ nội dung bài học một cách rất hiệu quả.

Giáo viên có thể tạo một showroom để học sinh trưng bày các sản phẩm mô hình hóa, thuyết trình nó trước lớp, đánh giá và phản hồi cho học sinh về những điều đã làm tốt cũng như những điểm cần hoàn thiện.

Trên đây là 9 ý tưởng giúp cho bài tập về nhà không còn nhàm chán và nặng nề đối với học sinh. Nó cũng làm cho việc dạy học của giáo viên trở nên sáng tạo và hiệu quả hơn. Nếu thầy cô có thêm các ý tưởng khác trong việc giao bài tập về nhà, hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.

Táo Giáo Dục

Video liên quan

Chủ Đề