Cách viết chữ số nhẹ

Một trong những cái lỗi mà học sinh [và nhiều người, trong đó có không ít quan chức và cả giới báo chí nữa] hay mắc là viết sai chính tả.

Chính tả [cách viết chữ được coi là chuẩn] luôn luôn là vấn đề cần quan tâm khi xử lí văn bản của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Bởi giữa cách phát âm với các văn tự ghi âm [như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga] luôn luôn có sự bất hợp lí [nhiều khi không thể căn cứ vào con chữ mà đọc chính xác]. Dĩ nhiên, sự bất hợp lí đó bắt nguồn từ nhiều lí do. Với tiếng Việt ta, từ khi có sự ra đời của chữ Quốc ngữ [do các nhà truyền giáo người Pháp và Bồ Đào Nha sáng tạo ra từ thế ki 17] cho đến nay, hệ thống con chữ Latin ghi âm vị đã ổn định và không thay đổi là mấy. Hiện tại, chúng ta phải chấp nhận một hiện trạng đã có từ lâu: văn tự ghi âm cách đọc không phải lúc nào cũng phù hợp. Mà ngôn ngữ [cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác], có nhiều cái do cộng đồng dùng mãi mà thành quen, chứ nếu đem xét dưới góc độ khoa học thì không hợp lý. Chính tả là một ví dụ. Viết sao cho đúng với cách viết phổ biến, được coi là chuẩn - đó là vấn đề của chuẩn chính tả.

Điều mà chính tả tiếng Việt đáng lưu ý chỉ rơi vào một số trường hợp [còn đa số không bị lầm lẫn]. Thí dụ âm [x/s] [tiếng Việt viết bằng s, x và đọc lúc là [x], lúc là [s]] hay âm [z/gi] [tiếng Việt viết r, d, gi và đọc lúc là [z], lúc là [gi]], hay âm [ch/tr] [tiếng Việt viết ch, tr và đọc lúc là [ch], lúc là [tr]...11 Vì điều kiện kĩ thuật [báo không có kí tự phiên âm quốc tế] nên chúng tôi phải dùng ngay con chữ tiếng Việt để thể hiện. Mong bạn đọc thông cảm [LĐCT].

Đôi khi chúng ta hay đùa nhau: Chữ này phải sờ nặng, chữ kia phải xờ nhẹ; hoặc Không được viết dờ trên mà phải viết giờ dưới; Sung sướng thì là sờ nặng, xấu xí phải xờ nhẹ; Dung dăng dung dẻ dờ trên/ Giấu gia giấu giếm đừng quên giờ dưới mà!... Những câu đùa tếu như vậy không chỉ góp vui mà có giá trị nhắc nhở mọi người cần phải ghi nhớ các trường hợp, phải lưu ý cách viết, nhiều khi rất máy móc như thế. Chúng ta biết, việc phân biệt s/x, tr/ch, gi/d, d/r là phụ thuộc vào vùng miền.

Một số vùng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam vẫn duy trì lối đọc các âm quặt lưỡi [tr, s, r, gi] [đọc nặng hơn các vùng khác]. Trong khi các vùng ở miền Bắc [điển hình là Hà Nội] lại không có sự phân biệt: trời trong trẻo đọc là chời chong chẻo, rung ra rung rinh đọc là dung da dung dinh, sạch sành sanh đọc là xạch xành xanh, gia giáo đọc là da dáo Nếu một người ngoại quốc học tiếng Việt [theo chính tả chữ Quốc ngữ] mà nghe các em thanh nữ Thủ đô nói lần đầu thì chắc chắn họ sẽ ghi âm sai [tr thành ch, r thành d, s thành x...] những trường hợp như thế. Nhưng ta không thể bảo người Hà Nội nói sai, vì người ta vẫn nói ngon lành như vậy bao đời nay mà có chết ai đâu? [không hề có sự hiểu sai lệch về ngữ nghĩa, mà nếu có, bắt buộc người ta phải có sự điều chỉnh để khu biệt]. Thế cho nên, mới có chuyện giáo viên tiểu học bắt buộc phải dạy các em đầu cấp một lối phát âm giả tạo, tức là phải đọc cong/rung lưỡi các âm tr, s, r, gi để các em phân biệt mà viết chính tả cho đúng, chứ sau đó cả cô và trò đều trở lại cách nói năng bình thường.

Nói năng là chuyện giao tiếp bằng lời, còn đọc là công việc của giao tiếp bằng văn tự. Trong văn bản mà ta bắt gặp những lỗi chính tả, thì dù đoán được ý đồ diễn đạt, ta cũng không thể chấp nhận. Nếu ai đó mà viết chân thành thành trân thành, trân trọng thành chân trọng, đơn xin gia nhập thành đơn xin ra nhập, dấm dẳn thành rấm rẳn thì sẽ bị coi là mắc lỗi nặng. Ấy vậy mà nhiều người vẫn cứ mắc những lỗi ngớ ngẩn như thế đó. Còn nhiều trường hợp khó phân biệt, ít gặp thì cả những người quen nghề viết [trong đó nhiều người có cương vị, có học thức] vẫn lúng túng, ví dụ phân biệt viết các từ: tựu trung/tựu chung, vô hình trung/vô hình chung, sơ suất/sơ xuất, suất ăn/xuất ăn, han gỉ/han rỉ, sum suê/xum xuê, tuềnh toàng/tuyềnh toàng, giàng thun/ràng thun [những chữ đứng sau, in nghiêng là viết sai]. Bản thân tôi cũng không ít lần lúng túng khi gặp những ca khó, thậm chí phải tra từ điển mới vỡ lẽ được.

Chữ viết là vấn đề của ngôn ngữ văn hoá. Mà văn hoá là những giá trị mang tính quy ước của cộng đồng, là cái phải trải qua kinh nghiệm thực tế, phải trau dồi thì mới tạo nên cách ứng xử phù hợp. Không một ai dám nói mình chưa bao giờ mắc lỗi chính tả. Có điều, nếu ta lưu ý quan sát và chịu khó sửa sai thì khi vấp phải các tình huống như thế, chúng ta sẽ nhanh chóng khắc phục. Ta sẽ ít bị mắc lỗi và đặc biệt là không mắc những lỗi nặng, bị coi là chưa sạch nước cản.

PGS TS PHẠM VĂN TÌNH

Video liên quan

Chủ Đề