Cholesterol bao nhiêu là thấp

Cholesterol là một thành phần mỡ máu cơ bản. Chúng ta đều biết cholesterol cao gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy còn chỉ số cholesterol thấp thì có nguy hiểm không?

Mục lục

  • Cholesterol là gì?
  • Cholesterol bao nhiêu là thấp?
  • Triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của cholesterol thấp
  • Cholesterol trong máu thấp có nguy hiểm không?
    • Chỉ số HDL cholesterol thấp nguy hiểm ra sao?
    • Chỉ số LDL cholesterol thấp có nguy hiểm không?
  • Các yếu tố liên quan đến thiếu HDL cholesterol
  • Cholesterol thấp nên ăn gì?
  • Làm sao để cholesterol tăng lên?

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một thành phần của mỡ máu và là thành phần thiết yếu trong hệ thống sinh học. Cholesterol được sử dụng trong quá trình sản xuất tế bào não và chuyển hóa hormone, sản xuất axit mật, vitamin D, hormone cortisol. Nghiên cứu y khoa cũng chứng minh cholelsterol có liên quan đến dẫn truyền xung thần kinh, sửa chữa mạch máu bị hư hỏng, liên kết và vô hiệu hóa vi khuẩn để tăng khả năng chống nhiễm trùng.

Cholesterol được hình thành từ hai nguồn, thứ nhất là do cơ thể tự tổng hợp [nguồn nội sinh], thứ hai là từ việc ăn uống các chất mỡ động vật [nguồn ngoại sinh]. Khoảng 75% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể, mỗi ngày khoảng 1,5 2g. Cholesterol không tan trong nước nên nếu muốn di chuyển cần kết hợp với apoprotein để tạo thành Lipoprotein.

Lipoprotein có hai loại chính là: Lipoprotein tỉ trọng thấp LDL c và Lipoprotein tỉ trọng cao HDL c.

LDL cholesterol [cholesterol xấu]: có vai trò vận chuyển cholesterol trong cơ thể. Nếu hàm lượng LDL c tăng cao dễ dẫn đến tình trạng mỡ thừa tích tụ trong thành mạch máu gây xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ vữa càng nhiều sẽ làm cho mạch máu bị thu hẹp lại, hạn chế việc lưu thông máu, thậm chí có thể làm vỡ mạch máu đột ngột dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim.

Nồng độ LDL c tăng có thể do các yếu tố gia đình, chế độ ăn uống kém, các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, lười vận động, hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường,

HDL cholesterol [cholesterol tốt]: chiếm từ 20 30% tổng hàm lượng cholesterol trong máu. HDl c đóng vai trò vận chuyển cholesterol từ máu về gan, mang cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa, từ đó hạn chế xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Cholesterol bao nhiêu là thấp?

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một định nghĩa chính xác về mức cholesterol thấp. Giới hạn xác định còn tùy thuộc vào các yếu tố giới tính, chủng tộc, độ tuổi,

Xét nghiệm máu là cách tiêu chuẩn để chẩn đoán mức cholesterol. Đối với người trưởng thành, trung bình các giá trị được đo bằng miligam trên mỗi decilit [mg / dL], có thể được hiểu như sau:

  • Giá trị HDL từ 60 trở lên được coi là tốt, trong khi mọi chỉ số dưới 40 được coi là thấp.
  • Giá trị LDL < 100 được coi là tối ưu, từ 100 129 là gần tối ưu, trong khoảng từ 130 159 là đường biên giới và lớn hơn 160 là cao.

Thông thường, các bác sĩ sẽ đánh giá mức LDL-c dưới 50mg/dL hoặc tổng cholesterol [TC] dưới 120 mg/dL là người có cholesterol thấp. Mức LDL lý tưởng nằm trong khoảng từ 70 đến 100 mg / dL.

Triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của cholesterol thấp

Ở những bệnh nhân có cholesterol cao thường không có các triệu chứng rõ rệt cho đến khi xuất hiện cơn đau tim hoặc đột quỵ xảy ra. Ngoại trừ trường hợp trong cơ thể người bệnh có quá nhiều chất béo tích tụ, gây ra tình trạng tắc nghẽn động mạch vành nghiệm trọng, khi đó có thể gặp phải tình trạng đau tức ngực do lượng máu đến cơ tim giảm. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra đối với người có chỉ số cholesterol thấp.

Thay vào đó, ở những người có cholesterol thấp, họ thường cảm thấy lo lắng, bồn chồn. Các triệu chứng tương tự bệnh trầm cảm, có thể gặp phải như:

  • Thường xuyên cảm thấy lo lắng, bồn chồn.
  • Bất an, bi quan, thất vọng.
  • Thần kinh không tập trung, đãng trí.
  • Tâm trạng thay đổi đột ngột, dễ kích động.
  • Cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định.
  • Mất ngủ kéo dài.
  • Chán ăn, ăn không ngon.

Khi bạn cảm thấy bản thân xuất hiện một vài các dấu hiệu nêu trên hoặc nghi ngờ mình có mức cholesterol thấp hãy tới khám tại các cơ sở y tế uy tín để có thể xác định được chính xác bệnh lý gặp phải và được bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Cholesterol trong máu thấp có nguy hiểm không?

Chỉ số HDL cholesterol thấp nguy hiểm ra sao?

Khi lượng HDL cholesterol ở mức thấp [dưới 40 mg/dL], lượng LDL-c được đào thải giảm, gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

HDL-c có khả năng tương tự chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ động mạch, hạn chế các nguy cơ do lipid tích tụ trong máu gây ra. Khi HDL thấp làm đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng bám ở mạch máu, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch.

Chế độ ăn nhiều carbonhydrate không chỉ liên quan đến bệnh đái tháo đường, chúng còn gây ảnh hưởng nhiều đến chỉ số HDL

Chỉ số LDL cholesterol thấp có nguy hiểm không?

Vì LDL-c được biết đến là chỉ số cholesterol xấu, do đó, chúng ta thường cho rằng LDL thấp là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, có một vài trường hợp hiếm gặp, trong đó nồng độ LDL-c thấp mãn tính đã gây ra nhiều nguy cơ gặp phải bệnh lý nguy hiểm.

Nồng độ LDL thấp mãn tính, có thể gây ra tình trạng:

  • Giảm hoạt động của não bộ và nội tiết tố.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh hạ beta lipoprotein máu [một loại bệnh làm cản trở sự hấp thụ chất béo và các vitamin có trong chất béo của cơ thể đến từ việc cơ thể thiếu hụt beta-lipoprotein và sự bất thường trong tế bào hồng cầu hoặc sự bất thường của nồng độ cholesterol].
  • Tình trạng lo lắng, trầm cảm kéo dài. Cholesterol đóng vai trò vào việc sản xuất hormone và vitamin D, do đó, khi cholesterol thấp gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não, các tế bào kém khỏe mạnh dẫn đến tình trạng lo lắng, trầm cảm.
  • Rối loạn protein u alpha [TNF-a], tình trạng có thể liên quan đến ung thư, trầm cảm nặng và bệnh Alzheimer.
  • Gây mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai có cholesterol thấp có thể sinh hoặc con nhẹ cân.

Các yếu tố liên quan đến thiếu HDL cholesterol

  • Béo phì và hội chứng chuyển hóa
  • Đái tháo đường tuýp 2
  • Hút thuốc lá
  • Nồng độ chất béo trung tính triglyceride tăng cao
  • Dùng thuốc lợi tiểu thiazide liều cao
  • Thuốc chẹn beta liều cao
  • Bệnh gan nặng [gan nhiễm mỡ, viêm gan]
  • Bệnh thận giai đoạn cuối
  • Bệnh Tangier một bệnh di truyền hiếm gặp liên quan đến việc giảm HDL nghiêm trọng, mãn tính
  • Lối sống ít vận động

Mặc dù chế độ ăn ít chất béo không được liệt kê là nguyên nhân làm HDL thấp mãn tính, tuy nhiên những người suy dinh dưỡng cũng cần lưu ý.

Cholesterol thấp nên ăn gì?

Một số thực phẩm lành mạnh dành cho người có cholesterol thấp, đó là:

Dầu ô liu: Các nhà khoa học tìm thấy trong dầu ô liu có chứa chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch. Dầu ô liu có khả năng làm tăng nồng độ HDL-c và hạn chế tác động xấu của LDL-c. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, nên sử dụng dầu ô liu ở nhiệt độ thấp, ưu tiên dùng dầu ô liu trong các món trộn salad, chế biến nước sốt, tẩm ướp thực phẩm.

Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như hạt chia, hạt diêm mạch, lúa mạch, yến mạch, gạo lức, vừng, đậu, được coi là nguồn thực phẩm lành mạnh. Chúng có chứa lượng chất xơ dồi dào làm tăng mức độ HDL-c. Tiêu thụ ít nhất 2 phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Cá béo: Chất béo tốt omega-3 được tìm thấy nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích, cá ngừ, Đây là nguồn thực phẩm có lợi, giúp tăng nồng độ HDL-c hiệu quả. Mỗi người nên tiêu thụ tối thiểu 2 phần cá mỗi tuần.

Hạt chia: Bạn có thể bổ sung axit béo omega-3 và chất xơ cùng lúc từ nguồn thực phẩm lành mạnh có tên là hạt Chia. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra khả năng làm tăng nồng độ HDL-c và giảm LDL-c của hạt chia là đáng kể. Bạn có thể bổ sung chúng vào thực đơn hàng ngày nhờ vào các món ăn sáng, sữa chua, các món trộn hoặc sinh tố.

Quả bơ: Bơ là một trong những loại trái cây đem đến nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe con người. Hàm lượng folate chất béo bão hòa đơn, có trong bơ giúp tăng mức HDL và giảm LDL, giảm nguy cơ đột quỵ và các rối loạn sức khỏe. Tiêu thụ 5 trái bơ/tuần có thể giúp cung cấp chất xơ và các vitamin, hỗ trợ thị giác, ngăn ngừa loãng xương, bệnh lý tim mạch,

Rượu vang đỏ: Một lượng nhỏ rượu vang đỏ [1 ly/ngày cho nữ giới và 2 ly/ngày đối với nam giới] được chứng minh là có tác dụng tích cực đối với chỉ số cholesterol, đặc biệt là người có cholesterol thấp. Hơn thế rượu vang đỏ có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.

Làm sao để cholesterol tăng lên?

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đối với bệnh nhân cholesterol thấp hay thuốc có tác dụng làm tăng cholesterol toàn phần cũng như LDL.

Còn tăng HDL có thể được đề nghị sử dụng thuốc statin. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng đi kèm một vài tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, việc sử dụng cần có sự đồng ý và kê đơn từ bác sĩ điều trị.

Mặc dù khó có thể đẩy chỉ số cholesterol tăng đúng như mong muốn, ta vẫn có thể duy trì mức cholesterol ổn định bằng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

Một vài biện pháp tích cực mà bạn có thể thực hiện ngay từ bây giờ đó là:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, các axit béo tốt, trái cây giàu vitamin, Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ,
  • Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý.
  • Hạn chế rượu bia: Uống quá nhiều bia rượu khiến suy giảm chức năng của gan, giảm chỉ số HDL.
  • Không hút thuốc: Bỏ thuốc lá có thể giúp bạn cải thiện được chỉ số HDL-c trong máu, đồng thời hồi phục chức năng của phổi, điều hòa nhịp tim, huyết áp, ngừa suy tim và đột quỵ.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Dành ra tối thiểu 30 phút mỗi ngày để tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao. Việc này sẽ giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức bền, khỏe hơn, cân nặng hợp lý, giảm mức LDL và tăng HDL hiệu quả.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ.

Tóm lại, mức cholesterol thấp hay cao đều có thể khiến bạn phải đối mặt với những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Bạn cần thường xuyên theo dõi các chỉ số mỡ máu và thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo có được sức khỏe tốt nhất.

Theo Fremo.vn

Chia sẻ

Video liên quan

Chủ Đề