Chuyên đề dạy học theo hướng nghiên cứu bài học

Chuyên đề:

ĐỔI MỚI SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THEO

NGHIÊN CỨU BÀI HỌC

I. MỞ ĐẦU:

Trong các nhà trường nói chung, trường tiểu học nói riêng, hoạt động chuyên môn là hoạt động chủ yếu thực hiện Chương trình, kế hoạch giáo dục; Chuẩn kiến thức – kĩ năng; Đổi mới phương pháp dạy học; Đổi mới kiểm tra đánh giá, … theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để hực hiện tốt hoạt động chuyên môn, cần phải có một tổ chức chặt chẽ đó chính là tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn là nơi trực tiếp triển khai và thực hiện các hoạt động dạy và học trong nhà trường, là nơi tốt nhất để người thầy rèn luyện nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, đồng thời tổ chuyên môn cũng chính là nơi quản lí theo dõi sát nhất chất lượng học tập của học sinh.

Như chúng ta đã biết, mọi hoạt động trong nhà trường đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và giáo dục trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và trong quản lí. Trong đó, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt của các tổ chuyên môn cũng luôn được coi trọng.

Nhằm tạo cơ hội cho giáo viên được học tập lẫn nhau thông qua hoạt động cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học, cùng nhau dự giờ, phân tích bài học, qua đó giúp giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, kĩ năng giảng dạy, phát triển khả năng sáng tạo, …Tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ. Nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Đảm bảo cho tất cả học sinh có cơ hội tham gia thực sự vào quá trình học tập, giáo viên quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh.

Chính vì những lý do trên mà tổ khối 4 đã chọn chuyên đề: “ Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học” coi đây là một bước thay đổi cơ bản để nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học.

II. NỘI DUNG:                                                   

1. Quan niệm và mục đích đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên NCBH.

a] Quan niệm:

Là hoạt động chuyên môn mà ở đây GV tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học [học sinh]; Không tập trung vào việc đánh giá giờ học, xếp loại GV mà nhằm khuyến khích GV tìm ra nguyên nhân tại sao HS chưa đạt kết quả như mong muốn và có biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho HS được tham gia vào quá trình học tập; giúp GV có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng HS.

Vậy vấn đề đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Thực tế là việc dự giờ và đánh giá tiết dạy của GV thông qua quan sát HS.

b] Mục đích:

- Làm thay đổi hình thức sinh hoạt chuyên môn.

- GV nâng cao năng lực CM, kỹ năng sư phạm, khả năng sáng tạo.

- HS có cơ hội tham gia vào quá trình học tập, GV quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh.

- Nâng cao chất lượng dạy - học và văn hóa ứng xử trong nhà trường.

2. Các bước tiến hành sinh hoạt chuyên môn dựa trên NCBH

*Bước 1. Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu

 a] Xác định mục tiêu:

 Cần xác định mục tiêu kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt được [theo chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng môn học, đặc biệt cần chú ý xây dựng mục tiêu về thái độ của học sinh], đảm bảo phù hợp với trình độ và lứa tuổi của HS khi chọn bài học nghiên cứu.

b] Xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu [Thiết kế bài dạy minh họa]:

- Bài dạy minh họa không phải do một giáo viên thiết kế mà do giáo viên trong tổ cùng thiết kế, thảo luận, thống nhất lựa chọn phương án tối ưu nhất.
- Việc thiết kế bài soạn không nhất thiết phụ thuộc máy móc vào quy trình bước dạy theo SGK hoặc SGV mà dựa vào mục tiêu bài học đã đề ra để thiết kế cho phù hợp.

- GV trong tổ thảo luận nội dung bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao, cách tổ chức dạy học, cách rèn kỹ năng, hướng dẫn học sinh cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn...

- Dự kiến những thuận lợi, khó khăn của HS khi học tập và các tình huống xảy ra cùng với cách xử lý tình huống [nếu có] …

Sau khi kết thúc cuộc thảo luận, GV thực hiện dạy minh họa sẽ nghiên cứu,    phát triển … các ý kiến góp ý của tổ CM [nhóm]. GV thực hiện hoàn thiện GA dạy minh họa và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho tiết dạy. 

*Bước 2. Tiến hành dạy bài học [bài giảng minh họa] và dự giờ

- Sau khi hoàn thành xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, GV sẽ dạy minh hoạ bài học nghiên cứu ở một lớp đã chuẩn bị trước.

- Các yêu cầu cụ thể của giờ dạy minh họa như sau:

+ Chuẩn bị lớp dạy minh hoạ, bố trí lớp có đủ chỗ ngồi quan sát thuận lợi cho người dự.

+ Điều chỉnh số lượng người dự ở mức vừa phải, không quá đông.

+ Việc dự giờ cần đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, không gây khó khăn cho người dạy minh hoạ.

- GV dạy và dự cần quan sát việc học của tất cả học sinh, cách làm việc nhóm, thái độ tình cảm của học sinh... Khi dự giờ GV tập trung vào việc học của học sinh, theo dõi nét mặt, hành vi, sự quan tâm đến bài học của học sinh đặc biệt cần ghi chép cụ thể thái độ của học sinh khi tham gia trả lời các câu hỏi của GV, thông qua đó tìm mối liên hệ giữa việc học của HS với tác động của giáo viên về cách sử dụng các phương pháp dạy học, cách tổ chức lớp học.

- Điều chỉnh thói quen đánh giá giờ dạy qua hoạt động của giáo viên, người dự cần hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy, đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện những khó khăn trong việc học tập của học sinh nhằm tìm cách giải quyết.

*Bước 3. Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu

Giáo viên dạy minh họa chia sẻ về bài học: những ý tưởng mới; những thay đổi, điều chỉnh về nội dung; phương pháp dạy học; những điều hài lòng và chưa hài lòng trong quá trình dạy minh họa.

Sau đó, người dự suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến của GV về bài học sau khi dự giờ:

- Người dự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe mang tính xây dựng.

- Thảo luận xem HS học như thế nào? [mức độ tham gia, hứng thú và kết quả học tập của từng em].

- Cùng suy nghĩ: vì sao học sinh chưa tích cực tham gia vào hoạt động học, học chưa đạt kết quả... và đưa ra các biện pháp thay đổi cách dạy phù hợp.

- Mọi người phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau khi thảo luận, không nên quan tâm đến các tiêu chuẩn truyền thống của một giờ dạy.

- Không nên phê phán đồng nghiệp.

- Không đánh giá xếp loại giờ dạy minh hoạ.

- Lấy hành vi học tập của HS làm trung tâm thảo luận.

- Tổ trưởng không nên áp đặt, tạo cơ hội cho GV trong tổ phát biểu, có sự dẫn dắt để GV trong tổ cùng thảo luận.

* Bước 4. Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày

Thông qua tiết dạy minh họa, thông qua thảo luận tiết dạy của đồng nghiệp, giáo viên tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, kiểm nghiệm những vấn đề đã được dự giờ và thảo luận, áp dụng vào bài giảng hàng ngày trên lớp

3. Điều kiện để thực hiện nghiên cứu bài học:

- Sử dụng tiết học bình thường để tiến hành.

- Tổ cùng hợp tác xây dựng giáo án.      

- Gửi giáo án của tiết học cho giáo viên dự giờ.

- Sắp xếp vị trí dự giờ có thể quan sát được nét mặt, thái độ của HS.

- Giáo viên có hồ sơ minh chứng cụ thể về tiết dự [biên bản, phiếu dự giờ, kế hoạch bài dạy].

4. Một số điểm cần lưu ý khi tổ chức sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học:

*Thứ nhất: Soạn giáo án và thực hiện giờ dạy minh họa

Nhóm GV hợp tác xây dựng giáo án; cử GV dạy minh họa; tổ chức lớp dạy đúng yêu cầu dự giờ mới.

*Thứ hai: Hình thành cách dự giờ, cách suy ngẫm, xây dựng quan hệ đồng nghiệp.

- Luyện tập cách quan sát và cách nắm bắt suy nghĩ về việc học của học sinh trong giờ học; có khả năng phán đoán nhanh nhạy, chính xác để điều chỉnh việc dạy phù hợp việc học tập của học sinh.

- Thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cảm nhận của giáo viên về học sinh trong từng hoàn cảnh khác nhau.

- Hình thành thói quen lắng nghe lẫn nhau; rèn luyện cách chia sẻ ý kiến. Xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện, cộng tác và học tập lẫn nhau.

*Thứ ba: Tập trung phân tích các nguyên nhân, các mối quan hệ trong giờ học và tìm biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng các bài học.

- Đi sâu nghiên cứu, phân tích các phương án dạy học đáp ứng việc học của học sinh, các mối quan hệ trong lớp học, các kĩ năng cần thiết để nâng cao chất lượng việc học của HS.

- Tăng cường, vận dụng, thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo khi dạy minh hoạ theo hướng lấy HS làm trung tâm.

5. Lợi ích khi tham gia sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học:

Giúp GV rèn luyện, củng cố, phát triển kĩ năng quan sát; hiểu học sinh hơn. Đồng thời, giúp GV tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học, kĩ thuật dự giờ theo hướng dạy học tích cực, lấy việc học của học sinh làm trung tâm khi tham gia sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

III. KẾT LUẬN:

Tóm lại, đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, không chỉ bảo đảm cho tất cả học sinh có cơ hội tham gia thực sự vào quá trình học tập, giáo viên có thể quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh, đặc biệt những học sinh có khó khăn về học tập mà còn tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

                                                                             Tổ khối 4 thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề