Đạo đức nhà báo trong cơ chế thị trường

Trong xã hội, bất kể là ai, làm việc gì cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với người làm báo thì yếu tố đạo đức nghề nghiệp càng phải được đề cao.

Bởi, sản phẩm của các nhà báo luôn có tính định hướng dư luận, có tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội về nhận thức, tư tưởng và đạo đức. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, bên cạnh những thành tựu về kinh tế - khoa học kỹ thuật, cũng có nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến ngòi bút của người làm báo. Vì vậy, ngoài những yếu tố về năng lực nghiệp vụ, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh vững vàng, có lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng. 

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, báo chí Hà Nam luôn đồng hành cùng với sự phát triển chung của tỉnh và đã có những đóng góp tích cực đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo Hà Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về nhu cầu thông tin trong thời đại 4.0, người làm báo phải đối diện với rất nhiều thách thức. Muốn vượt qua điều đó, đòi hỏi người làm báo phải phát huy cao độ năng lực, lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng. Để làm sáng tỏ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng nhà báo Bùi Hữu Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam.

Đạo đức nhà báo trong cơ chế thị trường
Là người say nghề nên mặc dù trực tiếp tham gia công tác quản lý nhưng nhà báo Bùi Hữu Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam vẫn luôn dành thời gian đi thực tế để tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Ảnh: Ngọc Minh

P.V: Có người nói, “Lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng chính là chiếc la bàn đạo đức của những người làm báo”, là người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với công tác báo chí, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tài và đức ở đây được hiểu là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau và chỉ khi có đủ cả đức lẫn tài thì con người mới trở nên hoàn thiện được; trong đó, đức là yếu tố quyết định nhất. Nếu chiếu sang nghề báo, cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định như xương sống, rường cột bảo đảm cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng của cả một nền báo chí nói chung. Thực tế cho thấy, người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại thuộc về tư chất cá nhân, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo. Điều đáng nói là những yếu tố này chỉ có thể hình thành trên cơ sở nhận thức và ý thức của người làm báo. Đạo đức vốn là những tiêu chuẩn nguyên tắc được xã hội thừa nhận, qui định hành vi của con người đối với nhau, đối với xã hội. Các nguyên tắc đạo đức được hiểu như những chiếc máy điều chỉnh hành vi của con người, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà mang tính tự giác. Trên cơ sở lý tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của người làm báo chuyên nghiệp. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, người làm báo phải biết xấu hổ, tự lên án những hành vi trái đạo đức, lạm dụng hoạt động báo chí vì lợi ích riêng.

P.V: Hoạt động báo chí trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Điều đó, rất dễ dẫn đến sự lạm dụng của báo chí. Với mục đích tăng lợi nhuận cho đơn vị, nhiều phóng viên đã “câu view” bằng những thông tin phi nhân bản, nhất là đối với hệ thống báo điện tử. Theo ông, trong trường hợp này, làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa mục tiêu về lợi nhuận của tờ báo và vấn đề lương tâm, trách nhiệm, lòng tự trọng của người làm báo?

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Thực tế, những năm qua, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa đã dẫn đến áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông trong nước. Các phương tiện truyền thông đang mất dần vị trí độc quyền về thông tin trong xã hội. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khuynh hướng thương mại hóa báo chí đang diễn ra khá phức tạp ở một số cơ quan báo chí. Nhiều loại hình tư liệu mang tính chất tiếp thị, quảng cáo xuất hiện trên các phương tiện thông tin, nhiều cơ quan báo chí vì mục tiêu doanh số nên phải chịu rất nhiều áp lực từ đơn vị chi tiền quảng cáo. Điều đó, làm cho độ tin cậy đối với báo chí giảm đi. Một bộ phận công chúng vì thế đã quay lưng với phương tiện truyền thông. Thêm vào đó, những bài báo phê phán một chiều, thiếu khách quan, minh bạch của một số phóng viên vô trách nhiệm cũng gây tác động tiêu cực đến công chúng. Vì vậy, để tạo dựng niềm tin bền vững với công chúng, trước hết, mỗi nhà báo cần có những ứng xử phù hợp với qui tắc đạo đức nói chung, qui tắc đạo đức người làm báo nói riêng. Đối với các cơ quan báo chí, bất cứ một tin tức nào thiếu chính xác đều không được chấp nhận và phải bị xử lý. Lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo phải được đề cao. Nên chăng, có những cuộc trao đổi thường niên về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo; đặc biệt, là đối với các nhà báo trẻ. Đây phải được coi là vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí. Căn cứ vào nội dung “Qui ước đạo đức báo chí Việt Nam” để rút ra những bài học thực tiễn. Một trong những chức năng cơ bản của báo chí Việt Nam là giáo dục. Nhà báo là nhà giáo dục bằng thông tin. Nói như Các-Mác “Nhà giáo dục lại rất cần được giáo dục”.

P.V: Trong thời đại bùng nổ thông tin, rất nhiều nhà báo tham gia các diễn đàn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Một số người đã lạm dụng danh nhà báo đi ngược với đạo đức nghề nghiệp chân chính, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất đối với cá nhân tôi, đó là được làm báo. Quan điểm của tôi, trước hết làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì vậy, 95 năm qua, cùng với báo chí cả nước, đội ngũ những người làm báo Hà Nam luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Để xây dựng một đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh, có lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng, các cơ quan báo chí của tỉnh Hà Nam rất chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, về lĩnh vực báo chí nói riêng. Thực hiện nghiêm túc “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Đặc biệt, cụ thể hoá Điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, quy định nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

Bước sang thời đại công nghiệp 4.0, báo chí là kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có định hướng liên quan đến đất nước, đời sống nhân dân. Ngay khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, lực lượng báo chí của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung được ví như một “binh chủng” xung kích trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ngoài nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch, khi những tin đồn, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, báo chí cũng là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ  đó, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chung sức đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh. Rõ ràng, ở trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những người làm báo cũng luôn luôn được phát huy.

Đạo đức nhà báo trong cơ chế thị trường
Phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh tác nghiệp trong ngày ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở tại huyện Duy Tiên tháng 4/2019. Ảnh: Trần Minh

P.V: Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có muốn  chia sẻ gì với các nhà báo trẻ hiện nay?

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Trước hết, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Trong hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí. Vì vậy, trong bất kỳ giai đoạn nào, đòi hỏi người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Phải khẳng định rằng, thế hệ các nhà báo trẻ hôm nay rất giỏi. Họ có thế mạnh hơn các nhà báo cao niên ở năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện; ngoại ngữ “siêu” hơn; hiểu biết hơn về các phương tiện kỹ thuật công nghệ. Những điểm mạnh này giúp các nhà báo trẻ có khả năng phân tích, tổng hợp để thể hiện những tác phẩm báo chí tốt.

Tuy nhiên, để trở thành nhà báo thành công, các nhà báo trẻ phải có kiến thức, có tư duy trong đó quan trọng nhất là tư duy kết nối, tư duy phản biện và dẫn dắt dư luận. Những điều này có được khi các bạn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, có sự rèn luyện của riêng mình, nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, “va chạm” nhiều; từ đó mới có được kiến thức, kinh nghiệm, kiến giải thuyết phục về vấn đề mình viết.

P.V:  Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Bùi Hữu Tuấn! Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam chúc ông sức khỏe và tiếp tục có những cống hiến cho sự nghiệp báo chí Hà Nam!  

Nhìn vào thực tiễn hoạt động báo chí của tỉnh Hà Nam nói riêng, của cả nước nói chung, có thể khẳng định, vai trò to lớn với những đóng góp tích cực của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tư cách là chủ thể sáng tạo các tác phẩm báo chí, hoạt động báo chí luôn đòi hỏi những người làm báo phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như: phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và kỹ năng nghiệp vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...” (Hồ Chí Minh: Toàn tập). Đặc biệt, ngày nay, trong thời đại 4.0, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng thì vấn đề đạo đức người làm báo càng phải được đề cao; phải coi đó là vấn đề cốt lõi trong hoạt động báo chí. 

Đạo đức nhà báo trong cơ chế thị trường
Phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nam - Thái Bình - Ninh Bình trao đổi nghiệp vụ tại lớp tập huấn nghiệp vụ.

Những năm gần đây, hòa với dòng chảy của báo chí Việt Nam, báo chí Hà Nam cũng không ngừng phát triển về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động báo chí cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, thực sự đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới hệ thống chính trị và thực hiện tốt vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội. Đội ngũ những người làm báo Hà Nam đã trưởng thành, vững vàng, tự tin làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm trong thực tiễn cuộc sống cũng như nền tảng lý luận để tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều người làm báo Hà Nam luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có được những tác phẩm báo chí hay, có tính phản biện cao và tính nhân văn sâu sắc. Không ít tấm gương nhà báo - hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, sẵn sàng lăn xả vào khó khăn, vào vùng nguy hiểm để có những tác phẩm báo chí vừa mang tính thời sự, vừa có giá trị tư tưởng cao. Hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam đã có hơn 40 tác phẩm báo chí xuất sắc tham dự giải Báo chí quốc gia, nhiều tác phẩm đã đạt giải và được ghi nhận đánh giá cao.

Để có được kết quả đó, hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh, tổ chức, tạo điều kiện tham gia học tập, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, giúp cho hội viên nắm rõ quan điểm, đường lối, chính sách, chấp hành và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, hội viên tham gia các hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội. Các chi hội đã vận dụng, gắn việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thấm nhuần lời dạy của Bác về vai trò, vị trí người làm báo cách mạng, học tập phong cách làm báo của Bác. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng được các cấp hội triển khai thực hiện tốt trong tổ chức Hội cũng như trong công tác tuyên truyền, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Tổ chức quán triệt, triển khai Luật Báo chí 2016; 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội đến toàn thể cán bộ, hội viên.

Tuy nhiên, ngày nay, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của hội nhập nên xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí. Không ít cơ quan báo chí trong phạm vi cả nước chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; lãng quên việc cần phải tuyên truyền biểu dương những mô hình hay, điển hình tiên tiến hoặc cổ vũ các nhân tố mới. Đặc biệt, tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ” diễn ra với một số báo điện tử đã gây không ít bức xúc đối với bạn đọc và dư luận xã hội. Một số người làm báo đã bị đồng tiền thao túng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Nguyên nhân chính xuất phát từ nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức người làm báo trong điều kiện thu nhập của họ không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một nguyên nhân nữa phải nhắc tới đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị - văn hóa, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một bộ phận người làm báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí. Để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế này, nhà báo Lê Hồng Kỳ, TUV, Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Nam cho rằng: Việc quán triệt, học tập Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo thông qua tổ chức Hội và cơ quan báo chí phải được đặc biệt chú trọng thường xuyên; các chương trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo cần được Hội các cấp tổ chức lồng ghép trong các hội nghị và tập huấn nghiệp vụ. Nhìn từ thực tiễn hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua có thể khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Nam đã làm tốt việc quán triệt, học tập và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo tới các hội viên. Cùng với đó, các cơ quan báo chí đã tạo cơ chế thuận lợi và môi trường cạnh tranh lành mạnh cho  hoạt động báo chí của các nhà báo trên địa bàn. Đặc biệt, tạo điều kiện khuyến khích, động viên bản thân mỗi người làm báo tự rèn luyện đạo đức, tác phong, nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động nghiệp vụ. Nhờ đó, đội ngũ những người làm báo Hà Nam luôn thực hiện nghiêm túc, không vi phạm luật pháp, đạo đức người làm báo. Hiệu quả công việc và uy tín của mỗi người làm báo chính là sự kết hợp hài hòa giữa trình độ và đạo đức cùng với sự say mê nghề nghiệp.