Đền thờ thánh gióng ở đâu

Quần thể di tích Đền Gióng Sóc Sơn nằm ở khu vực núi Vệ Linh – hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khởi nguồn của quần thể di tích này chỉ là một miếu thờ Đổng Thiên Vương rất nhỏ và chùa Non Nước được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong cuộc đấu tranh chống giặc Tống, vua Lê Đại Hành cùng các tướng sĩ trên đường hành quân đã vào làm lễ cầu Thánh Gióng phù hộ cho trận đấu và trong trận đấu này, quân Tống thua lớn nên khi quay về, vua Lê Đại Hành đã vào lễ tạ và sai người tìm gốc trầm hương để tạc tượng thần và cho xây dựng khu vực này thành khu vực đền rất uy nghi và phong thành Đền Phù Đổng Thiên Vương. Khu vực này được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1962.

Quần thể di tích Đền Sóc này gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân.  Truyền thuyết kể rằng, xưa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời vua Hùng Vương thứ 6 có một cậu bé tên là Gióng, cậu bé là “người trời” đầu thai, tuy đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa hề biết nói biết cười, chưa biết đi đứng. Khi giặc Ân tràn sang xâm lược đất nước thì cậu bé Gióng bỗng nhiên cất tiếng gọi mẹ, nhờ ba mẹ gọi sứ giả của nhà Vua vào xin “một cái roi sắt, một áo giáp sắt và một con ngựa sắt” để đi đánh giặc. Sau khi nhà Vua cho người mang những thứ Gióng yêu cầu đến thì Gióng vươn vai lớn nhanh như thổi thành một chàng trai cường tráng. Cậu bé Gióng đi đến đâu, quân giặc khiếp sợ và bỏ chạy tới đó, truyền thuyết còn kể rằng cậu đánh nhau với quân giặc gẫy cả roi sắt Vua ban nên nhổ bụi tre bên đường quật vào giặc và Gióng đuổi quân giặc đến chân núi Sóc. Gióng lên đỉnh núi Sóc quỳ lạy ba mẹ rồi cùng ngựa sắt bay lên trời. Từ đó, mọi người đều gọi cậu là Thánh Gióng, Vua nhớ công lao của Thánh Gióng nên cho lập miếu thờ ở chân núi Sóc và ở quê nhà của Thánh Gióng.

Thánh Gióng còn là một trong 4 vị Tứ Bất Tử của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Ông là vị Thánh tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ. Hiện nay, quần thể di tích Đền Sóc bao gồm Đền Trình, Đền Mẫu, chùa Non Nước, Chùa Đại Bi, Đền Thượng, Hòn đá Trồng, Tượng đài Thánh Gióng và các bia đá ghi lại lịch sử Lễ hội Đền Sóc. Gần đó còn có Học viện Phật giáo Việt Nam.

HƯỚNG DẪN ĐI ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN

Bằng xe bus

Từ điểm trung chuyển xe bus Long Biên các bạn bắt xe số 15, lối rẽ vào khu Quần thể đền Sóc Sơn trước điểm cuối cùng là Phố Nỉ một chút.
Từ ngã ba đi vào đền Sóc khoảng 3km nữa nên tùy tình hình mà các bạn có thể bắt xe ôm hoặc đi bộ. Lưu ý là vào đền Sóc các bạn cũng phải đi bộ khá nhiều nữa, nên đi xe ôm vào cổng đền cho đỡ mệt.

Đi ô tô hoặc xe máy

Các bạn đi từ Cổ Loa thì chỉ cần quay lại quốc lộ 3 đi thêm hơn 20km nữa là có biển chỉ đường vào đền Sóc ở bên tay trái.

Còn nếu các bạn không đi qua Cổ Loa mà đi thẳng đền Sóc thì cũng có 2 sự lựa chọn về đường đi:

  • Đường đi qua cầu Nhật Tân, không rẽ vào quốc lộ 5 kéo dài mà cứ đi thẳng cho đến khi gặp quốc lộ 18 [Phù Lỗ] thì rẽ phải vào quốc lộ 18 một đoạn, tiếp tục rẽ trái vào quốc lộ 3, đi thêm 1 đoạn sẽ đến ngã ba có biển chỉ dẫn vào Quần thể di tích đền Sóc.
  • Đường thứ 2 là đường đi qua cầu Thăng Long về phía sân bay Nội Bài, đến ngã tư với quốc lộ 18 thì đi theo quốc lộ 18 vòng ra sau lưng sân bay Nội Bài đi theo đường 131, đến khi gặp quốc lộ 3 thì rẽ trái đi thêm 1 đoạn là đến.

NÊN ĐI ĐỀN SÓC VÀO THỜI GIAN NÀO

Lễ hội Gióng Đền Sóc diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, vì vậy nếu các bạn thích không khí lễ hội thì thời điểm này là thời điểm phù hợp nhất để ghé thăm Đền Sóc.

Lễ hội Gióng, Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ thánh Gióng. Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang – tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc[thờ Thánh Gióng] và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh [đá thành tinh].

Còn nếu các bạn không thích không khí lễ hội thì có thể đi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, khu vực này có không gian thiên nhiên, nhiều hồ nước ở xung quanh nên không khí khá dễ chịu, thích hợp với việc cắm trại, picnic.

DU LỊCH ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN

1. Đền Hạ – Đền Trình

Ngay từ cửa khu Di tích đi vào, các bạn gặp đầu tiên là Đền Hạ – hay còn gọi là Đền Trình ở phía bên tay trái. Đền thờ một tượng sơn thần bằng đồng nặng 7 tấn đang ngồi, hai tay đặt ở đầu gối,c có nét mặt uy nghi, oai vệ. Theo truyền thyết thì đây là thần Nứa – vị thần đã cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời, nhân dân tôn xưng ông là “Thánh Thần Vương”, danh hiệu này được khắc ở trên đỉnh mũ của bức tượng.

Ngoài cửa Đền Trình là một gốc đa cổ thụ bên hồ nước xanh biếc, dưới gốc đa là tượng những linh vật đang ngồi chầu về phía đền.

2. Chùa Đại Bi

Qua Đền Trình theo một con đường lát gạch là đến chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ nhưng có lối kiến trúc độc đáo với những khung cửa được phủ sơn đỏ, mái vòm uống cong hai đầu rồi vút lên đẹp mắt, những hàng ngói đỏ phủ rêu cổ kính…

Bên trong ngôi chùa là những hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy và uy nghiêm.

3. Đền Mẫu

Đối diện với Chùa Đại Bi là Đền Mẫu, nơi thờ mẹ Thánh Gióng. Đây cũng là một ngôi đền nhỏ nhưng có những nét chạm trổ hết sức tinh xảo. Trước cổng đền có dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”.

Phía trong đền có tượng Mẫu với nét mặt hiền từ, khoan dung sơn son thiếp vàng; bên ngoài có giếng Mẫu với màu nước quanh năm xanh ngắt.

4. Đền Thượng

Đi thêm vài bước qua Đền Mẫu là đến Đền Thượng. Con đường với những tượng đá nhỏ khắc hình hươu, nai, ngựa… và những rặng thông hàng trăm năm tuổi, những cây cổ thụ um tùm…
Đền Thượng là ngôi đền cuối cùng trong quần thể 4 công trình nằm dưới chân núi Vệ Linh, ẩn trong những tán lá cây rậm rạp của ngọn núi này.

Đền thờ Đức Thánh Gióng, có nhà Đại Bái và Hậu cung. Trước cửa đền có một đôi ngựa gỗ, tượng trưng cho ngựa sắt mà Thánh Gióng đã cưỡi khi đánh đuổi quân thù. Nhà Đại Bái được trang trí bằng nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía, đôi hạc… Hậu cung thờ Thánh Gióng là một bức tượng khá lớn bằng gỗ trầm hương, khoác áo bào đỏ, khuôn mặt phương phi. Bên cạnh có 6 vị công thần đã giúp ông đánh thắng giặc. So với Đền Trình và Đền Mẫu thì đền Thượng rộng hơn, có kiến trức phức tạp hơn, mang đậm lối kiến trúc cổ chủa nhà Phật. Đền có hai tầng mái, các mái đều uốn cong và chạm trổ hình rồng.

5. Nhà bia

Từ chân núi Vệ Linh lên Tượng Đài Thánh Gióng có hai đường đi, một đường đi từ Đền Thượng lên và một đường đi từ cổng ngoài khu di tích lên. Con đường đi từ cổng lên các bạn sẽ đi qua Nhà bia và có đường rẽ xuống Chùa Non Nước. Nhà bia này hoàn toàn khác với các nhà bia ở các đình chùa khác, hoàn toàn được xây dựng bằng đá phiến, phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông xa giống như chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa. Theo người dân nơi đây, nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm.

6. Tượng đài Thánh Gióng

Tượng đài Thánh Gióng tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành vào năm 2010. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao11,07m; độ vươn ra là 16m, nặng 85 tấn, là hình ảnh Thánh Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời trong dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng. Đây là công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hiện nay du khách ngoài việc leo bộ lên Tượng đài Thánh Gióng còn có thể đi xe máy hoặc ô tô theo đường mòn từ chân núi lên đỉnh núi.

7. Chùa Non Nước

Từ đường lên Tượng Đài Thánh Gióng cũng có lối rẽ xuống Chùa Non Nước hay từ chân núi cũng có đường vào Chùa Non Nước.

Chùa Non Nước tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, ở độ cao 110m so với chân núi. Chùa có không gian thiên nhiên khoáng đạt, yên tĩnh. Chùa có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất nước ta, tượng nặng 30 tấn, cao hơn 8m [kể cả bệ đá], đươc đặt chính giữa chùa. Pho tượng là một kiệt tác lớn nhất trong tất cả các pho tượng Phật liền khối ở khu vực Đông Nam Á.

Theo các nhà nghiên cứu, chùa Non Nước được xây dựng với thế “Long chầu Hổ phục”, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Đồng Sóc, Đá Đen, Voi Phục, Mũi Cày, Vẩy Rồng, Đá Chồng…

Thiền sư trụ trì ngôi chùa này đầu tiên là Ngô Chân Lưu [933-1011]. Năm 971, Ngài được Vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại sư và là vị Quốc sư đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam – người phù trợ cho Tam triều Đinh – Tiền Lê – Lý và cùng Thiền sư Vạn Hạnh phù trợ đắc lực đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Vua, mở đầu triều đại nhà Lý – một triều đại có nền văn hóa phát triển rực rỡ nhát thời kỳ phong kiến Việt Nam.

8. Học viện Phật giáo Việt Nam

Trên đường xuống núi, bạn cũng có thể ghé thăm Học viện Phật giáo Việt Nam. Đây là một khu vực lớn với quảng trường, tượng đài, giảng đường, thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ, ký túc xá, sân vận động… dành cho việc đào tạo Tăng – Ni trẻ ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.

NHỮNG LƯU Ý KHI ĐI THAM QUAN CỔ LOA VÀ DU LỊCH ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN

  • Nếu bạn tự đi tham quan những khu vực này bằng phương tiện cá nhân thì nên tuân thủ luật lệ giao thông.
  • Nếu các bạn đi theo hướng quốc lộ 3 thì đường khá hẹp và đông xe, cần di chuyển thận trọng.
    Đây đều là những khu vực đền, chùa nên khi tham quan các bạn nhớ ăn mặc lịch sự.
  • Nếu các bạn định leo bộ lên Tượng đài Thánh Gióng cần chuẩn bị đồ đạc mang theo gọn nhẹ, đi giầy thoải mái, chuẩn bị sẵn nước uống.
  • Quanh khu vực Cổ Loa hay Đền Sóc có nhiều cây cối um tùm, xanh mát, nhiều hồ nước thơ mộng… các bạn có thể mang theo đồ ăn để cắm trại ngoài trời nhưng nhớ thu dọn rác trước khi ra về để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Video liên quan

Chủ Đề