Gia trị cốt lõi của Trường Đại học Cần Thơ


1. Sứ mệnh
Trường ĐHCT là trung tâm đào tạo, NCKH & CGCN hàng đầu của quốc gia đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng và quốc gia. Trường ĐHCT là nhân tố động lực có ảnh hưởng quyết định cho sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Trường ĐHCT sẽ trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, NCKH trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2022.
3. Giá trị cốt lõi
Đồng thuận - Tận tâm - Chuẩn mực - Sáng tạo
4. Mục tiêu chiến lược
Trường Đại học Cần Thơ [ĐHCT] được thành lập năm 1966, là một trường đại học đa ngành đa lĩnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học [NCKH] trọng điểm của Nhà nước ở Đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL].
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường không ngừng cải tiến năng lực nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ [CGCN] và các hoạt động khác để nâng cao uy tín trong nước, phấn đấu trở thành một trường dẫn đầu trong cả nước và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, Trường ĐHCT có trên 2.000 cán bộ, 51.000 sinh viên đại học và học viên sau đại học.
Trường Đại học Cần Thơ có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ - viên chức tận tâm, nhiệt tình trong công tác. Trường luôn quan tâm đến sự phát triển chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy nhằm đạt chất lượng và hiệu quả. Hiện tại, Trường đang thực hiện chương trình đào tạo theo hệ thống Tín chỉ chuẩn mực quốc tế. Để thực hiện tốt công tác này, Trường luôn khuyến khích cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm khoa học, ứng dụng các phương pháp mới vào việc giảng dạy nhằm giúp sinh viên phát triển năng lực bản thân trong tư duy độc lập và sáng tạo. Để xây dựng học hiệu, Trường ĐHCT không ngừng xây dựng và mở rộng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các viện, trường trong nước và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong đào tạo, NCKH & CGCN. Đặc biệt, Trường đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo sinh viên quốc tế.
Tất cả những nỗ lực nêu trên đã phản ánh cam kết mạnh mẽ của Trường ĐHCT trong quá trình cải tiến chất lượng, nâng cao uy tín trong và ngoài nước. Trường ĐHCT rất hân hoan chào đón và mong đợi sự hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực với các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương, các ban ngành, các cá nhân, doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL và nhân dân cả nước.
4.1. Đào tạo
Trường ĐHCT đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có đầy đủ các ngành nghề đào tạo, đáp ứng mọi lĩnh vực chuyên môn mà người học yêu thích và xã hội cần; có chương trình đào tạo tiên tiến và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế. Trường đang đào tạo 100 ngành/chuyên ngành bậc đại học thuộc các nhóm ngành đào tạo: Sư phạm, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Chính trị, Pháp luật, Kinh tế, Kinh doanh và quản lý, Khoa học Tự nhiên, Nông nghiệp, Thủy sản, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Kỹ thuật và Công nghệ, Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên với hơn 34.000 sinh viên hệ chính quy, 12.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học và hệ đào tạo từ xa.
Trường đang đào tạo 47 ngành và 04 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 19 chuyên ngành trình độ tiến sĩ với 2.867 học viên cao học và 371 nghiên cứu sinh. Trường không ngừng phát triển đào tạo sau đại học quốc tế, hiện tại Trường có 03 ngành thạc sĩ đào tạo bằng tiếng Anh; Trường đã tiếp nhận học viên từ các truờng đại học nước ngoài [Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Nigeria, Ethiopia, Kenya, Rwanda,Tanzania,...] đến học tập, nghiên cứu tại Trường trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Mặt khác, Trường tăng cường đào tạo sau đại học theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước.
Trường ĐHCT đào tạo theo học chế tín chỉ, giúp người học chủ động và linh hoạt học tập những kiến thức và kỹ năng phù hợp; có phương tiện, trang thiết bị giảng dạy, hệ thống các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu hiện đại, giúp người học củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận với công nghệ mới, tự tin và có năng lực sáng tạo trong hoạt động chuyên môn.
Trường ĐHCT có đội ngũ giảng viên giỏi, được đào tạo từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, có kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp tiên tiến, gắn bó với thực tế cuộc sống và yêu cầu phát triển kinh kế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trường ĐHCT có Trung tâm học liệu và hệ thống các thư viện cấp khoa với đầy đủ tài liệu học tập chuyên môn sâu, được tin học hóa, nối mạng internet và liên thông với hệ thống thư viện các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, đáp ứng mọi yêu cầu học tập và nghiên cứu của SV, giảng viên.
Trường ĐHCT có ký túc xá rộng, tiện nghi, an toàn, với sức chứa hơn 10.000 chỗ ở. Bên cạnh khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và cảnh quan thoáng mát, Trường còn có nhiều sân chơi, bãi tập rộng rãi giúp sinh viên luyện tập thể dục thể thao và vui chơi giải trí.
Trường có quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, các cơ quan quản lý các địa phương tạo nhiều cơ hội cho sinh viên khi thực tập, làm luận văn tốt nghiệp cũng như tìm việc làm sau khi tốt ngiệp.
Trường quan hệ rộng với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới; những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi có rất nhiều cơ hội để đi du học ở nước ngoài bằng nhiều nguồn học bổng khác nhau.
4.2. Nghiên cứu khoa học
ĐHCT đã và đang chủ trì nhiều đề tài NCKH cấp Quốc gia, Bộ ngành, Trường, địa phương, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Việc mở rộng hợp tác NCKH & CGCN với các viện trường, các đơn vị trong và ngoài nước nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Phát huy lợi thế của trường đại học đa ngành, hiện nay Nhà trường tập trung vào 5 lĩnh vực NCKH ưu tiên, bao gồm: [1] Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản và môi trường; [2] Khoa học giáo dục, luật và xã hội nhân văn; [3] Công nghệ và công nghệ thông tin - truyền thông; [4] Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; và [5] Phát triển kinh tế, thị trường. Hằng năm, Nhà trường sử dụng các nguồn kinh phí khác nhau cho hoạt động khoa học và công nghệ [KH&CN], trong đó gần 70% từ hợp tác với địa phương, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Thành quả quan trọng trong chuyển giao kết quả NCKH là đã áp dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là cải thiện độ phì nhiều đất và phòng chống dịch bệnh trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đã và đang góp phần quan trọng cho phát triển nông nghiệp bền vững và kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Kết quả sinh sản nhân tạo cá Tra thành công và quy trình nuôi cải tiến của Trường đã đóng góp lớn vào sự phát triển cá da trơn đặc thù của vùng ĐBSCL và Việt Nam. Thông tin KH&CN qua Bản tin Trường và Tạp chí Khoa học ĐHCT xuất bản định kỳ [tiếng Việt và tiếng Anh] góp phần thông báo và chuyển giao nhanh kết quả NCKH cho địa phương, doanh nghiệp và nông dân vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời với NCKH ứng dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tế, Nhà trường luôn đẩy mạnh NCKH cơ bản thông qua các chương trình, dự án, nhất là đề tài hợp tác với các đối tác nước ngoài và đề tài cấp cơ sở nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ mới, nền tảng cho NCKH cấp cao. Các hoạt động KH&CN của Nhà trường đã và đang góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghệ 4.0 và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trường ĐHCT cũng là một trong các trường đại học có hoạt động NCKH của sinh viên phát triển mạnh, hằng năm nhận được nhiều giải thưởng cao tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học và KH&CN dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc.
Hoạt động KH&CN của Nhà trường gắn liền với công tác đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội đã góp phần phát huy tính sáng tạo và tính năng động của giảng viên và người học, tạo cho sinh viên và học viên khi ra trường tiếp cận và thích nghi tốt với môi trường làm việc. Với những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN đã tạo tiền đề cho Nhà trường trở thành thành viên của các hiệp hội viện trường trong và ngoài nước, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, là địa chỉ đáng tin cậy cho công tác đào tạo và NCKH.
4.3. Hợp tác quốc tế
Trường đã ký kết hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học và đào tạo với Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam. Trường cũng đã ký Thỏa thuận Hợp tác với hầu hết UBND các tỉnh vùng ĐBSCL trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Trường đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác trong đào tạo và NCKH với 10 trường đại học khối Nông-Lâm-Ngư trong cả nước.
Trường đang tập trung mở rộng năng lực đào tạo sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có trình độ cao của Trường, các trường đại học, cao đẳng và các viện, trung tâm nghiên cứu ở các tỉnh vùng ĐBSCL.
Mối quan hệ, giữa Trường với các tỉnh trong vùng ngày càng được thắt chặt, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực. Sự ưu ái của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là của Thành phố Cần Thơ đối với Trường ĐHCT, là một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Trường.
Hợp tác quốc tế là một trong những mặt mạnh của Trường. Thông qua các chương trình hợp tác với các tổ chức và các viện, trường đại học trên thế giới, Trường ĐHCT đã mở rộng và nâng tầm hoạt động về các mặt: quản lý, qui hoạch, giảng dạy, năng lực cán bộ, NCKH, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin KHKT, từng bước nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường.
Hiện nay, Trường ĐHCT đã có quan hệ hợp tác với trên 130 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Trong đó có một số dự án hợp tác lớn với Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Hợp tác với các quốc gia ở Châu Á như Ấn Độ, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan Trung Quốc, ... rất đa dạng và phát triển.
Trường đang triển khai Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng kinh phí lên đến 105,9 triệu USD để nâng cao năng lực đào tạo, NCKH và CGCN các lĩnh vực thế mạnh của Trường [nông nghiệp, thủy sản, môi trường], đây sẽ là nền tảng phát triển bền vững Trường ĐHCT trong tương lai.
Trường đã và đang triển khai có hiệu quả Chương trình Học phần Nhiệt đới và Chương trình Mekong 1000:
- Học phần nhiệt đới là một chương trình đặc biệt, được thiết kế để giới thiệu cho sinh viên quốc tế về môi trường, đời sống và sản xuất ở vùng nhiệt đới, giúp sinh viên khám phá đời sống văn hóa vùng ĐBSCL.
- Chương trình Mekong 1000 nhằm mục đích đào tạo 1000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bằng nguồn ngân sách của các địa phương, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình giao lưu hội nhập quốc tế, đặc biệt về khía cạnh khoa học công nghệ , đưa vùng ĐBSCL nhanh chóng trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Trường ĐHCT có vai trò quan trọng trong việc đàm phán, liên kết, tìm trường giới thiệu cho các địa phương gửi học viên và đào tạo ngoại ngữ cho học viên đáp ứng các yêu cầu của các nước học viên sẽ đến học. Chương trình Mekong 1000 được xem là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL.
5. Liên kết khu vực
5.1. Liên kết đào tạo bậc đại học
Trường Đại học Cần Thơ đã chủ trì liên kết đào tạo bậc đại học theo loại hình vừa làm vừa học và học từ xa tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung tâm GDTX cấp tỉnh trong và ngoài vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với hình thức đào tạo phù hợp theo nhu cầu người học và địa phương, dành cho các đối tượng tốt nghiệp PTTH, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học theo học hình thức đại học, liên thông cao đẳng lên đại học, bằng đại học thứ 2.
Hiện nay, Trường đã phối hợp với các đơn vị liên kết là các trường Đại học, Cao đẳng, Trung tâm GDTX, các địa phương để đào tạo, bồi dưỡng như:
- Trường Đại học An Giang
- Trường Đại học Bạc Liêu
- Trường Đại học Tiền Giang
- Trường Đại học Kinh tế-Công nghiệp Long An
- Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ
- Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
- Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng
- Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long
- Trung tâm GDTX Kiên Giang
- Trung tâm GDTX Cà Mau
Tập trung hơn 18 ngành đào tạo chiến lược bao gồm: Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Luật, Thú y, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Phát triển nông thôn,Tuyển sinh hằng năm khoảng 3.000 chỉ tiêu sinh viên tập trung các ngành hệ vừa làm vừa học và 2.000 sinh viên học từ xa.
Do đó, với các loại hình liên kết đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, cũng như uy tín thương hiệu của Trường với các đơn vị liên kết để đáp ứng nhu cầu học tập cho người học, các doanh nghiệp, tổ chức và các địa phương.
5.2. Liên kết đào tạo bậc sau đại học
Trường Đại học Cần Thơ đã liên kết với các viện, trường trong và ngoài nước để mở đào tạo trình độ thạc sĩ đối với những ngành mà Trường chưa đủ nhân lực.
- Trong nước: Trường đã liên kết với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Huế, Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Báo chí tuyên truyền. Các ngành liên kết mở thuộc nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Xây dựng, Kiến trúc, Quản lý đô thị, Chính sách công, Giáo dục thể chất, Kinh tế biển, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Điều tra trinh sát, Kinh tế chính trị nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Nước ngoài: Trường đã liên kết với Trường Đại học Nantes, Cộng hòa Pháp mở ngành Khai thác tri thức từ dữ liệu đào tạo bằng tiếng Pháp; liên kết với chương trình MEKARN mở ngành Chăn nuôi đào tạo bằng tiếng Anh.

6. Các thành tích mà trường đạt được

NămDanh hiệu thi đuaSố, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định
2005Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mơiQuyết định số 1122/2005/QĐ-CTN ngày 28 tháng 9 năm 2005 của Chủ tịch nước
1995Huân chương lao động hạng NhấtQuyết định số 707/QĐ/CT ngày 22/11/1995 của Chủ tịch nước
2016Huân hương Lao động hạng NhấtQuyết định số 591/QĐ-CTN ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Chủ tịch Nước
2011Huân chương Độc lập hạng NhìQuyết định số 1732/QĐ-CTN ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Chủ tịch nước
1981Huân chương lao động hạng baLệnh số 09/LCT ngày 20 tháng 01 năm 1981 của Chủ tịch nước
2004Huân chương lao động hạng baQuyết định số 548 QĐ/CTN ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Chủ tịch nước
2011Cờ thi đua của Chính phủQuyết định số QĐ 928/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ
2014Cờ thi đua của Chính phủQuyết định số 1741/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ
2010Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạoQuyết định số 3792/QĐ-BGDĐT ngày 31/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
2011Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạoQuyết định số 4430/QĐ-BGDĐT ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Bộ GD&ĐT
2015Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạoQuyết định số 6176/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Bộ GD&ĐT
2013Tập thể lao động xuất sắc cho Trường Đại học Cần ThơQuyết định số 5380/QĐ-BGDĐT ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Bộ GD&ĐT
2014Tập thể lao động xuất sắc cho Trường Đại học Cần ThơQuyết định số 6043/QĐ-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ GD&ĐT
2013Bằng khenQuyết định số 12/QĐ-BCA ngày 02 tháng 01 năm 2013 của Bộ Công an
2013Bằng khenQuyết định số 3043/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2013 của UBND TP Cần Thơ
2013Bằng khenQuyết định số 713 QĐ/TWĐTN ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Trung ương Đoàn
2015Bằng khenQuyết định số 1793/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang
2015Bằng khenQuyết định số 6176/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Bộ GD&ĐT
2016Bằng khenQuyết định số 510/QĐ-BVHTTDL ngày 22/ 02/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và DL
2016Bằng khenQuyết định số 823/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 3 năm 2016 của UBND TP Cần Thơ
2016Bằng khenQuyết định số 6187/QĐ-BGD ĐT ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ GD&ĐT
2017Bằng khenQuyết định số 688/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2017 của UBND TP Cần Thơ
2017Bằng khenQuyết định số 5343/QĐ-BNN-TCCB ngày 22/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
2018Bằng khenQuyết định số 460/QĐ-BCA ngày 30 tháng 01 năm 2018 của Bộ Công an

7. Lãnh đạo trường

7.1. Hội đồng Trường
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch
Email:
ĐT: 0292 3872099

7.2. Ban giám hiệu
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng
Email:
ĐT: 0292 3830604

PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền
Bí Thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và công tác sinh viên
Email:
ĐT: 0292 3872098

PGS.TS. Lê Việt Dũng
Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Email:
ĐT: 0292 3687666

PGS.TS. Trần Trung Tính
Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất trang thiết bị
Email:
ĐT: 0292 3872073

Địa chỉ liên hệ:
ThS. Dương Thanh Long, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp
E-mail:
Điện thoại: 0292 3832663

TS. Lê Văn Lâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế
Email:
Điện thoại: 0292 3872161

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề