Hạch toán kế toán sử dụng phương pháp nghiên cứu

Để quan sát phản ánh và giám đốc các quá trình sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn một cách đầy đủ kịp thời chính xác phục vụ nhạy bén việc chỉ đạo và quản lý kinh tế đòi hỏi phải sử dụng các loại hạch toán khác nhau. Mỗi loại hạch toán có đặc điểm và nhiệm vụ riêng.

* Hạch toán nghiệp vụ

Hạch toán nghiệp vụ [còn gọi là hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật] là sự quan sát, phản ánh và giám đốc trực tiếp từng nghiệp vụ kinh tế kỹ thuật cụ thể, để chỉ đạo thường xuyên và kịp thời các nghiệp vụ đó. Đối tượng của hạch toán nghiệp vụ là các nghiệp vụ kinh tế hoặc kỹ thuật sản xuất như tiến độ thực hiện các hoạt động cung cấp, sản xuất, tiêu thụ, tình hình biến động và sử dụng các yếu tố của quá trình tái sản xuất, các nghiệp vụ cụ thể về kết quả sản xuất kinh doanh v.v.. Đặc điểm của hạch toán nghiệp vụ là không chuyên dùng một loại thước đo nào, mà căn cứ vào tính chất của từng nghiệp vụ và yêu cầu quản lý mà sử dụng một trong ba loại thước đo thích hợp. Hạch toán nghiệp vụ thường sử dụng các phương tiện thu nhập, truyền tin đơn giản như chứng từ ban đầu, điện thoại, điện báo hoặc truyền miệng. Với đối tượng rất chung và phương pháp rất đơn giản nên hạch toán nghiệp vụ chưa trở thành môn khoa học độc lập. 

* Hạch toán thống kê

Hạch toán thống kê [hay còn được gọi là thống kê] là khoa học nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể nhằm rút ra bản chất và tính qui luật trong sự phát triển của các hiện tượng đó. Như vậy hạch toán thống kê nghiên cứu trong mối qua hệ hữu cơ các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn sảy ra trong không gian và thời gian cụ thể như tình hình tăng năng suất lao động, giá trị tổng sản lượng, thu nhập quốc dân, tình hình giá cả, tình hình phát triển dân số… Do vậy, thông tin do hạch toán thống kê thu nhận và cung cấp không mang tính chất thường xuyên, liên tục mà chỉ có tính hệ thống. Hạch toán thống kê đã xây dựng một hệ thống phương pháp khoa học riêng như điều tra thống kê, phân tổ thống kê, số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân và chỉ số. Với đối tượng và phương pháp nêu trên, hạch toán thống kê có thể sử dụng tất cả các loại thước đo.

* Hạch toán kế toán

Hạch toán kế toán [ hay còn được gọi là kế toán]  là khoa học thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về tài sản và sự vận động của tài sản trong các đơn vị nhằm kiểm tra toàn bộ tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị đó.

Theo điều 4, Luật kế toán Việt Nam “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin về kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động”. 

So với hạch toán nghiệp vụ và hạch toán thống kê thì hạch toán kế toán có những đặc điểm sau:

- Hạch toán kế toán phản ánh và giám đốc một cách liên tục, toàn diện và có hệ thống về tình hình hiện có và sự vận động của tất cả các loại tài sản và  nguồn hình thành tài sản trong các tổ chức, các đơn vị. Nhờ đó mà hạch toán kế toán thực hiện được sự giám đốc liên tục cả trước trong và sau quá trình sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn. 

- Hạch toán kế toán sử dụng cả ba loại thước đo nhưng thước đo tiền tệ là bắt buộc. Nghĩa là trong kế toán mọi nghiệp vụ kinh tế đều được ghi chép theo giá trị và biểu hiện bằng tiền. Nhờ đó mà hạch toán kế toán cung cấp được các chỉ tiêu tổng hợp phục vụ cho việc giám đốc thực hiện kế hoạch kinh tế tài chính 

-  Hạch toán kế toán sử dụng một hệ thống các phương pháp nghiên cứu khoa học riêng như chứng từ, đối ứng tài khoản, tính giá, tổng hợp -cân đối. Trong đó phương pháp lập chứng từ kế toán là thủ tục hạch toán đầu tiên và bắt buộc phải có đối với mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Nhờ đó mà số liệu do kế toán phản ánh bảo đảm tính chính xác và có cơ sở pháp lý vững chắc. 

Ba loại hạch toán trên tuy có nội dung nhiệm vụ và phương pháp riêng, nhưng có mối quan hệ mật thết với nhau trong việc thực hiện chức năng phản ánh và giám đốc quá trình tái sản xuất xã hội. mối quan hệ này thể hiện ở chỗ: 

- Cả ba loại hạch toán đều nhằm thu thập, ghi chép và truyền đạt những thông tin về kinh tế tài chính, là những khâu cơ bản trong hệ thống thông tin kinh tế thống nhất. Mọi thông tin kinh tế trong đơn vị phải dựa trên cơ sở số liệu thống nhất do ba loại hạch toán cung cấp.

- Mỗi loại hạch toán đều phát huy tác dụng của mình trong việc giám đốc tình hình thực hiện các kế hoạch kinh tế tài chính, nên cả ba đều là công cụ quan trọng để quản lý kinh tế, phục vụ đắc lực cho việc quản lý, điều hành và chỉ đạo của đơn vị cũng như của cấp trên.

- Giữa ba loại hạch toán còn có quan hệ cung cấp số liệu cho nhau và quan hệ thống nhất về mặt số liệu trên cơ sở tổ chức công tác hạch toán ban đầu.

1. Đối tượng của hạch toán kế toán.

1.1. Khái quát chung về đối tượng của hạch toán kế toán.

Hạch toán kế toán là một môn khoa học kinh tế có đối tượng nghiên cứu riêng. Đối tượng của hạch toán knh tế là quá trình tái sản xuất xã hội. Hạch toán kế toán là một bộ phận của hạch toán kinh tế, nghiên cứu đối tượng hạch toán là nghiên cứu các mặt, các bộ phận của quá trình tái sản xuất xã hội mà kế toán phản ánh và giám đốc.

Với vai trò là công cụ quản lý kinh tế, hạch toán kế toán được thực hiện ở tất cả các tổ chức, xí nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan hành chính sự nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng kinh phí của nhà nước hoặc tập thể. Đồng thời với đặc trưng của hạch toán kế toán là sử dụng thước đo tiền tệ là thước đo chuyên dùng. Do đó đối tượng của hạch toán kế toán là tài sản, nguồn hình thành tài sản, sự biến động của tài sản và các quá trình sản xuất kinh doanh, các quan hệ kinh tế pháp lý ngoài tài sản của đơn vị.

Mỗi đơn vị, tổ chức khi thành lập và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhất định đã được xác định đều cần một lượng tài sản nhất định. Trong quá trình hoạt động các đơn vị phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả mọi tài sản hiện có. Quản lý tài sản một mặt phải biết được tài sản của đơn vị hiện có là bao nhiêu, nó bao gồm các loại gì, số lượng của từng loại, mặt khác phải biết được tài sản của đơn vị được hình thành từ nguồn nào? Tài sản và nguồn hình thành tài sản là hai mặt khác nhau của cùng một khối lượng tài sản. Kế toán là công cụ quản lý trong từng đơn vị phải ghi nhận, phản ánh được tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản, như vậy tài sản và nguồn hình thành tài sản là đối tượng của hạch toán kế toán.

Trong quá trình hoạt động của đơn vị do tác động của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tài sản và nguồn hình thành tài sản luôn biến động nó chuyển hoá từ hình thái này sang hình thái khác: ví dụ hàng hoá được mua vào và bán ra, tiền mặt thu vào và chi ra… Quản lý một mặt phải biết được tài sản hiện có, mặt khác phải biết được sự biến động của tài sản qua các quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó kế toán một mặt phản ánh tài sản hiện có mặt khác phải phản ánh sự biến động của tài sản, các hoạt động sản xuất kinh doanh tức là sự biến động tài sản và quá trình sản xuất kinh doanh là đối tượng của hạch toán kế toán.

Trong các đơn vị, ngoài các quan hệ kinh tế liên quan đến tài sản của doanh nghiệp còn phát sinh các quan hệ kinh tế liên quan đế tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp; ví dụ quan hệ vật tư hàng hoá nhận gửi hộ, bán hộ, quan hệ TSCĐ thuê ngoài, quan hệ hợp đồng kinh tế… Kế toán là công cụ quản lý một mặt phải phản ánh các quan hệ kinh tế liên quan tài sản của doanh nghiệp mặt khác phải phản ánh cả các quan hệ kinh tế liên quan đến tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, do đó quan hệ kinh tế pháp lý ngoài tài sản của đơn vị là đối tượng của hạch toán kế toán .

1.2. Nội dung cụ thể của đối tượng hạch toán kế toán trong doanh nghiệp

Để nghiên cứu đầy đủ, rõ ràng đối tượng hạch toán kế toán cần đi sâu nghiên cứu nội dung cụ thể của đối tượng hạch toán kế toán trong đơn vị cụ thể – doanh nghiệp thương mại một đơn vị cơ sở của nền kinh tế. Việc nghiên cứu nội dung cụ thể đối tượng kế toán trong doanh nghiệp thương mại một cách khoa học là cơ sở để xác định nội dung cụ thể của đối tượng kế toán trong các đơn vị khác.

Doanh nghiệp thương mại là đơn vị kinh tế cơ sở thực hiện chúc năng lưu thông hàng hoá đưa hàng hoá từ lĩnh vực sản xuất đến lĩnh vực tiêu dùng thông qua các hoạt động mua và bán. Để thực hiện chức năng của mình các doanh nghiệp phải có lượng tài sản nhất định như cửa hàng, nhà kho, phương tiện vận chuyển, hàng hoá… Quản lý tài sản trong doanh nghiệp thương mại cần biết rõ các loại tài sản, nguồn hình thành tài sản để sử dụng hợp lý có hiệu quả các loại tài sản, để khai thác huy động triệt để nguồn vốn, có nghĩa là cần phải phân loại tài sản theo kết cấu và theo nguồn hình thành

1.2.1 Phân loại tài sản theo kết cấu :

Trong các doanh nghiệp thương mại, tài sản xét theo tính chất bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định.

  • Tài sản lưu động: là những tài sản có giá trị thấp, thời gian sử dụng ngắn không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định và một bộ phận tài sản tồn tại dưới hình thái tiền tệ. Tài sản lưu động của doanh nghiệp thương mại tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh và thường xuyên thay đổi hình thái giá trị. Trong doanh nghiệp thương mại, tài sản lưu động bao gồm:
    • Tài sản bằng tiền: là bộ phận tài sản lưu động tồn tại dưới hình thái tiền tệ như tiền mặt ở quỹ, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển.
    • Tài sản là khoản đầu tư ngắn hạn: là bộ phận tài sản đơn vị đem đầu tư ra bên ngoài với mục đích để đem lại lợi nhuận như giá trị các loại chứng khoán, giá trị vốn góp liên doanh, các khoản cho vay mà thời hạn thu hồi trong vòng một năm.
    • Tài sản trong thanh toán: là bộ phận giá trị tài sản của doanh nghiệp đang nằm ở khâu thanh toán như các khoản phải thu người mua, khoản tạm ứng, khoản thu bồi thường vật chất… đây chính là bộ phận tài sản của đơn vị để cá nhân và đơn vị khác chiếm dụng một cách hợp pháp hoặc không hợp pháp.
    • Tài sản là hàng tồn kho: là toàn bộ giá trị công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu, hàng hoá đang trong quá trình kinh doanh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Nó chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ tài sản lưu động của doanh nghiệp như: công cụ dụng cụ, nguyên vật liệu, hàng hoá trong kho, hàng mua đang đi đường, hàng hóa gửi đi bán chưa xác định tiêu thụ…
  • Tài sản cố định và các khoản đầu tư dài hạn.
    • Tài sản cố định: là những tài sản có giá trị lớn, thời gia sử dụng lâu dài, tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh. Theo chuẩn mực kế toán, các tài sản được ghi nhận là tài sản cố định khi thoả mãn đồng thời các tiêu chuẩn sau:
      • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
      • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy.
      • Thời gian sử dụng ước tính trên một năm.
      • Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định [từ 5.000.000đ trở lên].

Tài sản cố định trong doanh nghiệp thương mại bao gồm :

      • Tài sản cố định hữu hình: là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định như nhà kho, cửa hàng, phương tiện vận tải…
      • Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị, do doanh nghiệp nắm giữ và phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định như quyền sử dụng đất, bằng sáng chế, bản quyền…
    • Các khoản đầu tư dài hạn: là bộ phận tài sản của doanh nghiệp được đem đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp với mục đích để sinh lời, có thời hạn thu hồi lớn hơn một năm như các loại chứng khoán dài hạn, vốn góp liên doanh dài hạn, đầu tư kinh doanh bất động sản…

Trong các doanh nghiệp thương mại khác nhau kết cấu các loại tài sản khác nhau và trong cùng một đơn vị kết cấu tài sản giữa các thời kỳ cũng khác nhau. Do đó để quản lý chặt chẽ và đảm bảo sử dụng tài sản có hiệu quả cần phải nghiên cứu có các giải pháp, quyết định sao cho kết cấu tài sản của đơn vị hợp lý nhất. Hạch toán kế toán phản ánh tài sản của đơn vị không chỉ phản ánh tổng số tài sản mà phản ánh cụ thể từng loại tài sản .

1.2.2. Phân loại tài sản theo nguồn hình thành

Trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, tài sản được hình thành từ các nguốn khác nhau đó là:

  • Nợ phải trả: là nguồn vốn mà đơn vị kinh doanh thương mại huy động khai thác trên cơ sở các chính sách chế độ nhà nước quy định và các thoả thuận giữa đơn vị với các cá nhân, tổ chức, đơn vị khác. Đó là toàn bộ các khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh đơn vị phải trả cho các chủ nợ nhưng chưa trả bao gồm các khoản nợ ngắn hạn, nợ dài hạn. Trong đó bao gồm các khoản nợ tiền vay [nợ tín dụng] và các khoản nợ phải trả người cung cấp, phải trả công nhân viên, các khoản phải nộp nhà nước… Thực chất nợ phải trả là tài sản đơn vị đi chiếm dụng một cách hợp pháp hay không hợp pháp của cá nhân, tổ chức, các đơn vị khác.
  • Nguồn vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của đơn vị, đơn vị có quyền sử dụng lâu dài trong quá trình hoạt động và không phải cam kết thanh toán. Nguồn vốn chủ sở hữu được hình thành từ sự đầu tư đóng góp ban đầu của các chủ sở hữu và được bổ sung từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong một đơn vị có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu. Đối với nền kinh tế nhiều thành phần: doanh nghiệp nhà nước vốn hoạt động do nhà nước cấp hoặc đầu tư nên nhà nước là chủ sở hữu. Đối với các doanh nghiệp liên doanh thì chủ sở hữu là các thành viên tham gia góp vốn hoặc các tổ chức cá nhân tham gia hùn vốn. Đối với các công ty cổ phần thì chủ sở hữu là các cổ đông, đối với doanh nghiệp tư nhân chủ sở hữu là cá nhân ông chủ.

Nguồn vốn chủ sở hữu trong đơn vị bao gồm nguồn vốn kinh doanh, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các quỹ hình thành trong quá trình hoạt động như quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng tài chính…

Trong quá trình hoạt động của đơn vị nhu cầu vốn giữa các thời kỳ khác nhau thì khác nhau do đó việc nhận biết nguồn hình thành tài sản [nguồn vốn] để có biện pháp khai thác huy động đảm bảo nhu cầu về vốn nhằm thúc đẩy hoạt động của đơn vị có hiệu quả. Do đó hạch toán kế toán phải phản ánh giám đốc nguồn hình thành tài sản của đơn vị.

1.2.3 Sự biến động của tài sản trong quá trình hoạt động.

Trong quá trình kinh doanh, các hoạt động kinh tế tài chính phát sinh gây nên sự biến động, thay đổi, chuyển hoá của tài sản, nguồn hình thành tài sản tạo thành các quá trình kinh tế khác nhau và được diễn ra liên tục kế tiếp nhau. Các đơn vị kinh doanh thương mại các quá trình kinh tế bao gồm:

  • Quá trình mua hàng là quá trình tài sản của đơn vị chuyển hoá từ tiền sang hàng, đơn vị nhận quyền sở hữu về hàng và mất quyền sở hữu về tiền hoặc có trách nhiệm thanh toán cho người cung cấp.
  • Quá trình dự trữ là quá trình chuẩn bị hàng hoá cho quá trính bán ra, nó là khâu quan trọng đảm bảo cho quá trình kinh doanh được tiến hành liên tục.
  • Quá trình bán hàng là khâu cuối cùng của quá trình kinh doanh là quá trình tài sản từ hàng hoá chuyển sang hình thái tiền tệ. Đơn vị mất quyền sở hữu về hàng hoá nhưng được quyền sở hữu về tiền tệ hoặc được quyền đòi tiền ỏ người mua.

Như vậy trong quá trình hoạt động tài sản và nguồn hình thành tài sản biến động, thay đổi, chuyển hoá hình thái gắn liền với quá trình kinh doanh trong doanh nghiệp thương mại.

Vì vậy nghiên cứu sự biến động của tài sản trong doanh nghiệp thương mại phải nghiên cứu nó trong các giai đoạn, các quá trình kinh doanh hay nói cách khác sự biến động của tài sản, các quá trình kinh doanh Mua-Dự trữ-Bán là đối tượng của hạch toán kế toán trong doanh nghiệp thương mại.

1.2.4. Các quan hệ kinh tế pháp lý ngoài tài sản trong DNTM

Trong quá trình hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh thương mại ngoài các quan hệ kinh tế liên quan đến tài sản thuộc quyền sở hữu của đơn vị còn phát sinh các quan hệ kinh tế liên quan đến tài sản không thuộc quyền sở hữu của đơn vị như quan hệ về hàng hoá nhận giữ hộ, quan hệ về TSCĐ thuê ngoài, quan hệ về các hợp đồng… Các quan hệ đó thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cần nhận thức đầy đủ đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện đúng có hiệu quả, do đó kế toán trong doanh nghiệp thương mại phải ghi chép phản ánh, tức là các quan hệ kinh tế pháp lý ngoài tài sản của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình hoạt động là đối tượng của hạch toán kế toán.

Tóm lại đối tượng của hạch toán kế toán nói chung là tài sản, sự biến động của tài sản và các quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đơn vị kinh doanh thương mại, nội dung cụ thể của đối tượng kế toán là các loại tài sản, các loại nguồn vốn và các quá trình kinh doanh: Mua – Dự trữ – Bán và các quan hệ thanh toán, quan hệ kinh tế pháp lý ngoài tài sản của đơn vị.

Video liên quan

Chủ Đề