Khả năng bảo hộ sáng chế và bí mật kinh doanh của chương trình máy tính và phương pháp kinh doanh

06[118]/2018

Mục lục

  • 1.Cơ chế bảo hộ chương trình máy tính tại Việt Nam
  • 2.Các quan điểm về bảo hộ chương trình máy tính
  • 3.Tài liệu tham khảo

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính

NGUYỄN TRỌNG LUẬN

06[118]/2018 - 2018, Trang 63-68

Ngày đăng: 25/07/2018

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, chương trình máy tính là đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả và không được bảo hộ bằng cơ chế cấp bằng độc quyền sáng chế [patent]. Thế nhưng, liệu rằng việc xem chương trình máy tính như một loại hình tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả trong pháp luật Việt Nam đã hợp lý hay chưa? Có những quan điểm nào liên quan đến cơ chế bảo hộ chương trình máy tính? Bài viết phân tích cơ chế bảo hộ chương trình máy tính tại Việt Nam theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009], đồng thời đánh giá những quan điểm khác nhau về bảo hộ chương trình máy tính. Từ đó bài viết đề xuất phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này.


ABSTRACT:

According to the current intellectual property law of Vietnam, computer programs are subject to copyright protected and are not protected by patents. But is it reasonable or not to protect, under Vietnamese law, computer programs by copyright? Are there different views regarding the protection mechanism of computer programs? This article analyzes the protection mechanism of computer program in Vietnam according to the provisions of the 2015 Intellectual Property Law [amended and supplemented in 2009] and at the same time evaluates different views on the protection of computer programs. From that point of view, the paper proposes perspectives for improving Vietnamese law in this matter.

TỪ KHÓA: quyền tác giả, sáng chế, phần mềm, sở hữu trí tuệ, chương trình máy tính,

KEYWORDS: computer program, intellectual property, software, copyright, invention,

Trích dẫn:

×

NGUYỄN TRỌNG LUẬN, Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 06[118]/2018, Trang 63-68

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=8a2d4d00-8808-4443-a88b-b9876f184e08

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Theo báo cáo của Hội Sở hữu trí tuệ [SHTT] và Liên minh phần mềm BSA trình bày trong buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự [sửa đổi]” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] tổ chức vào tháng 4 năm 2018 thì:“tỷ lệ cài đặt phần mềm không bản quyền của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực APAC đạt 78%, tức là 4/5 trường hợp Để so sánh, nước đạt kết quả tốt nhất ở khu vực APAC là New Zealand với tỷ lệ 18% và nước đứng đầu thế giới là Mỹ với 17%”.[1]

So với các đối tượng khác được bảo hộ quyền tác giả thì chương trình máy tính [CTMT] là loại tác phẩm ra đời muộn hơn cùng với sự ra đời và phát triển của ngành khoa học máy tính. Thế nhưng nếu CTMT không có tên trong danh sách các loại hình tác phẩm được bảo hộ thì rõ ràng các quy định pháp luật đã không tương thích với trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, phạm vi bảo hộ và cách thức bảo hộ đối với đối tượng này còn tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia. Đây cũng là vấn đề pháp lý gây ra tranh cãi tại nhiều nước.

Bảo hộ CTMT bằng quyền tác giả, bằng cơ chế cấp độc quyền sáng chế [patent] hay bằng một cơ chế riêng luôn là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới. Thật ra, câu hỏi về việc lựa chọn hệ thống bảo hộ nào cho CTMT đã được đặt ra từ rất lâu. Vào những năm 1970 và nửa đầu những năm 1980, các cuộc thảo luận quốc tế tập trung liên quan đến việc bảo hộ CTMT đã diễn ra, chủ yếu tập trung vào việc giải quyết vấn đề liệu việc bảo hộ nên theo luật bản quyền tác giả hay luật sáng chế, hoặc có thể theo hệ thống pháp luật riêng.[2]

1. Cơ chế bảo hộ chương trình máy tính tại Việt Nam

Về khái niệm, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009],CTMTlà tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.Nói cách khác, CTMT là một chuỗi các lệnh, được viết để thực hiện một nhiệm vụ nhất định trên máy tính. Không có CTMT thì máy tính sẽ không thể hoạt động được. Về thuật ngữ, Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009], Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ [U.S. Copyright Act 1976] và Hiệp định TRIPS[3]đều sử dụng thuật ngữ “chương trình máy tính” [tiếng Anh:computer program; tiếng Pháp:programme d’ordinateur]. Theo Luật Sở hữu trí tuệ của Cộng hòa Pháp, nhà lập pháp sử dụng thuật ngữ “phần mềm máy tính” [tiếng Anh:software; tiếng Pháp:logiciel]. Thật ra hai khái niệm này không đồng nhất. Phần mềm máy tính được định nghĩa là tập hợp các chương trình, cách thức, nguyên tắc và cả các dữ liệu [nếu có] liên quan đến sự vận hành của một hệ thống xử lý dữ liệu.[4]Tương tự, theo từ điển công nghệ thông tin trực tuyến thì phần mềm máy tính có thể là một hoặc là tập hợp của nhiều CTMT và các dữ liệu liên quan.[5]Như vậy, thuật ngữ “phần mềm máy tính” có nội hàm rộng hơn “chương trình máy tính”. Trong bài viết này, chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ “chương trình máy tính” để phù hợp với quy định của Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009].

Điểm m khoản 1 Điều 14 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] liệt kê CTMT là đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả. Đồng thời, khoản 1 Điều 22 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] khẳng định: “chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”. Ngoài ra, khoản 2 Điều 59 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] cũng liệt kê CTMT vào phạm vi các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế tại Việt Nam. Như vậy, cho dù CTMT là giải pháp kỹ thuật đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] thì CTMT cũng không thể được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam do thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế tại Điều 59 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009].

Quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của CTMT [tức mã nguồn], mà không bảo hộ nội dung và ý tưởng sáng tạo [tức ngôn ngữ lập trình, thuật toán]. Chủ sở hữu CTMT độc quyền sử dụng, khai thác [hoặc cho phép người khác sử dụng, khai thác] đối với CTMT mà mình sở hữu như quyền sao chép CTMT; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao CTMT; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao CTMT.

Như vậy, Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] chỉ thừa nhận CTMT như một loại hình tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả mà không công nhận bảo hộ đối tượng này với danh nghĩa sáng chế.

[1] Nguyễn Long, “Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam lên đến 78%”, Báo điện tử VCCI, //vcci.com.vn/ty-le-vi-pham-ban-quyen-phan-mem-o-viet-nam-len-den-78, truy cập ngày 24/5/2018.

[2] WIPO, Cẩm nang sở hữu trí tuệ: Chính sách, pháp luật và áp dụng, 2001, tr. 438. [Quyền tác giả đối với bản dịch tiếng Việt thuộc về Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam].

[3] Hiệp định TRIPS ngày 15/4/1994 về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại [Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights].

[4] Định nghĩa về phần mềm máy tính trong Nghị định ngày 22/12/1981 về việc làm phong phú thêm từ vựng về công nghệ thông tin tiếng Pháp của Bộ Giáo dục quốc gia và Bộ Công nghiệp Pháp. Nguyên văn: Logiciel de l’ensemble des programmes, procédés et règles, et éventuellement de la documentation, relatifs au fonctionnement d’un ensemble de traitement de données. [Arrêté du 22 décembre 1981 relatif à l’enrichissement du vocabulaire de l’informatique].

[5] Từ điển công nghệ thông tin trực tuyến: //www.techdictionary.com.

2. Các quan điểm về bảo hộ chương trình máy tính

Bảo hộ CTMT với cơ chế nào vẫn là vấn đề gây ra nhiều tranh luận. Hiện nay có 4 quan điểm đang tồn tại trên thế giới liên quan đến vấn đề này.

2.1. Quan điểm 1: Bảo hộ chương trình máy tính bởi quyền tác giả

Việc xem CTMT như một loại hình tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả sẽ thúc đẩy phát triển lĩnh vực này vì CTMT sẽ chỉ được bảo hộ hình thức thể hiện mà không được bảo hộ ý tưởng. Nhờ vậy, việc phân tích ngược giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của CTMT sẽ giúp phát triển CTMT hơn nữa. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp phần mềm nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Với cơ chế bảo hộ bởi quyền tác giả, CTMT được bảo hộ tự động mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, chủ sở hữu nên tiến hành đăng ký CTMT để bảo vệ CTMT tốt hơn khi có tranh chấp xảy ra. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn, xử lý đơn đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với CTMT là Cục Bản quyền tác giả [thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch]. Theo quy định của Thông tư số 211/2016/TT-BTC thì chi phí cho việc đăng ký quyền tác giả đối với CTMT chỉ là 600.000 đồng.[6]

Bảo hộ CTMT bằng quyền tác giả cũng có những ưu điểm so với việc cấp độc quyền sáng chế.Thứ nhất, việc bảo hộ là tự động từ khi CTMT được sáng tạo ra mà không phải đăng ký hay phải trải qua bất kỳ một thủ tục nào. Ngược lại, đối với bằng sáng chế, cần phải nộp đơn đăng ký, trải qua giai đoạn xét nghiệm đơn [về cả hình thức và nội dung] và phải nộp phí đăng ký đơn cũng như lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng hàng năm. Ngoài ra, CTMT được bảo hộ sáng chế phải bộc lộ công khai và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận những thông tin này. Trong đơn đăng ký sáng chế, chủ sở hữu phải có bản mô tả sáng chế trong đó“bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó”.[7]Thứ hai, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT dài hơn so với bảo hộ sáng chế. Theo quy định tại Điều 27 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] thì thời hạn bảo hộ các quyền tài sản đối với đối tượng này là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Trong khi đó, thời hạn bảo hộ đối với sáng chế chỉ là 20 năm. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng dù là bảo hộ CTMT bởi quyền tác giả hay bằng cơ chế cấp độc quyền sáng chế thì thời hạn bảo hộ đều là quá dài đối với vòng đời của CTMT.[8]Thật vậy, CTMT là lĩnh vực có tốc độ phát triển rất nhanh nên một thời hạn bảo hộ dài sẽ không phù hợp với sự phát triển của chúng. Ta có thể lấy ví dụ về sự phát triển liên tục của hệ điều hành Windows qua các thời kỳ: Windows 1.0 [năm 1985], Windows 2.0 [năm 1987], Windows 3.0 [năm 1990], Windows 95 [năm 1995], Windows 98 [năm 1998], Windows XP [năm 2001], Windows Vista [năm 2007], Windows 7 [năm 2009], Windows 8 [năm 2012]...

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Liên bang Nga theo quan điểm bảo hộ CTMT bởi quyền tác giả và loại trừ đối tượng này khỏi phạm vi bảo hộ sáng chế. Cụ thể, khoản 5 Điều 1350 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định:“CTMT không phải là đối tượng cấp bằng sáng chế, bên cạnh các đối tượng khác như lý thuyết khoa học, phương pháp toán học, nguyên tắc và phương pháp thực hiện các trò chơi, các hoạt động trí óc và kinh doanh”.

2.2. Quan điểm 2: Bảo hộ chương trình máy tính bằng cơ chế cấp bằng độc quyền sáng chế

CTMT được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nếu nó đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ như giải pháp kỹ thuật có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Với sự phát triển hiện nay, CTMT cũng có thể là một giải pháp kỹ thuật liên quan đến việc tạo ra một sản phẩm hoặc một quy trình nào đó, chứ nó không chỉ là tập hợp của những thuật toán đơn thuần. Do đó, theo quan điểm tác giả, việc loại trừ CTMT khỏi các đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế khi mà đối tượng này cũng có khả năng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế là điều chưa thật sự thuyết phục.[9]Việc cấp bằng sáng chế cho CTMT là nhằm mục đích bảo hộ về mặt nội dung nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bảo hộ. Rõ ràng việc bảo hộ CTMT bằng sáng chế là một giải pháp hữu hiệu nhằm chống lại những sự sao chép về thuật toán [algorithm], điều mà việc bảo hộ bằng cơ chế quyền tác giả không làm được. Tuy nhiên, nếu bảo hộ CTMT bằng cơ chế cấp độc quyền sáng chế thì có nhiều vấn đề hạn chế phát sinh.Thứ nhất, như đã nói ở trên thì thời hạn bảo hộ 20 năm là khá dài so với “vòng đời” của CTMT. Điều này xuất phát từ sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực này tạo nên tính đặc thù riêng của CTMT so với các giải pháp kỹ thuật khác.Thứ hai, để được cấp độc quyền sáng chế thì đơn đăng ký CTMT cũng phải trải qua quy trình tiếp nhận đơn, xử lý đơn tương đối phức tạp và kéo dài như tiếp nhận đơn hợp lệ, thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung, cấp [hoặc từ chối cấp] văn bằng. Toàn bộ quá trình này có thể tiêu tốn khoảng thời gian 4 đến 5 năm, thậm chí là nhiều hơn trong khi vòng đời của CTMT lại khá ngắn.Thứ ba, thuật toán [algorithm] là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với mỗi CTMT. Việc mô tả, bộc lộ thuật toán khi đăng ký sáng chế có thể tiềm ẩn nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh khai thác.

2.3. Quan điểm 3: Dành cho chương trình máy tính một sự bảo hộ kép

CTMT được bảo hộ kép [tiếng Anh:double protection, tiếng Pháp:cumul de protection], tức là bảo hộ bằng cả hai cơ chế quyền tác giả và cấp độc quyền sáng chế. Sở dĩ điều này được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ vì nội dung bảo hộ CTMT bằng quyền tác giả và bằng việc cấp độc quyền sáng chế là khác nhau. Do vậy có thể bổ sung cho nhau để bảo vệ tốt hơn đối với đối tượng này. Quyền tác giả bảo hộ hình thức của CTMT [mã nguồn], không bảo hộ về mặt nội dung. Ngược lại, quyền về sáng chế bảo hộ nội dung của CTMT [ngôn ngữ lập trình, thuật toán…].

Pháp luật sở hữu trí tuệ Cộng hòa Pháp[10]bảo hộ CTMT bởi quyền tác giả. Theo đó, khoản 13 Điều L.112-2 liệt kê CTMT như một loại hình tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Đồng thời điểm c khoản 2 Điều L.611-10 loại trừ CTMT khỏi phạm vi bảo hộ sáng chế. Điều này cũng tương tự ở Liên minh châu Âu, Điều 52 Công ước châu Âu về sáng chế năm 1973 đã loại trừ CTMT khỏi các đối tượng được cấp bằng sáng chế.[11]Tuy nhiên, cần lưu ý là pháp luật Pháp nói riêng và pháp luật châu Âu nói chung chỉ loại trừ khả năng cấp độc quyền sáng chế đối với bản thân tổng thể CTMT chứ những yếu tố mang tính kỹ thuật trong CTMT nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ sáng chế thì vẫn có khả năng được cấp độc quyền sáng chế. Theo khoản 3 Điều L.611-10 Luật Sở hữu trí tuệ Cộng hòa Pháp, bản thân tổng thể CTMT [logiciel en tant que tel][12]không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế vì nó được coi như một tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Tuy nhiên, những phần kỹ thuật của CTMT thì không bị loại trừ khả năng được cấp bằng sáng chế. Trên thực tế, sáng chế liên quan đến CTMT được chấp nhận ở châu Âu từ hơn 20 năm nay. Hàng chục nghìn bằng sáng chế đã được cấp cho đối tượng này bởi Cơ quan châu Âu về sáng chế.[13]

Tại Hoa Kỳ, Bộ luật Liên bang [United States Code] tại quyển 17 về bản quyền [Title 17 - Copyrights] quy định bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT. Tuy nhiên không có bất kỳ quy định nào trong pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận một cách rõ ràng rằng CTMT không thể được cấp bằng sáng chế. Do vậy, CTMT vẫn có khả năng được cấp độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ nếu nó là giải pháp kỹ thuật đáp ứng điều kiện về tính mới, tính không hiển nhiên và tính hữu ích. Thật ra, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong ánlệ Diamond v. Diehr[14]năm 1981 đã thừa nhận một CTMT vận dụng thuật toán để giải quyết một vấn đề kỹ thuật có khả năng được cấp bằng sáng chế. Với án lệ này, Tòa án Hoa Kỳ đã mở ra khả năng cấp độc quyền sáng chế cho CTMT. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều phần mềm [software] được cấp độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ. Bên cạnh Hoa Kỳ thì Ấn Độ cũng là một cường quốc về CTMT. Luật pháp Ấn Độ quy định bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT nhưng trên thực tế, các CTMT vẫn được cấp độc quyền sáng chế khi tuân thủ những điều kiện nhất định. Rất nhiều chương trình, phần mềm của Microsoft, Apple, Google, Facebook đã được cấp bằng sáng chế tại quốc gia này.[15]Xu hướng toàn cầu là ngày càng chấp nhận rộng rãi việc cấp bằng sáng chế cho CTMT. Australia, Brazil, Ấn Độ và cả Nhật Bản đã chấp nhận việc cấp độc quyền sáng chế cho đối tượng này. Trong tương lai, số lượng các quốc gia cấp bằng sáng chế cho CTMT sẽ không ngừng tăng lên.[16]

Như vậy, có thể thấy tại nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia phát triển, CTMT nhận được một sự bảo hộ kép là bảo hộ tự động bởi quyền tác giả [hay bản quyền] và bảo hộ trên cơ sở đăng ký theo cơ chế cấp độc quyền sáng chế. Cách thức bảo hộ CTMT ở các nước phát triển là nguồn tư liệu tham khảo dành cho Việt Nam để hoàn thiện pháp luật về CTMT và bảo hộ hiệu quả hơn đối tượng này tại Việt Nam.

2.4. Quan điểm 4: Bảo hộ chương trình máy tính bằng cơ chế riêng [gọi là sui generis]

Quan điểm này xuất phát từ tính đặc thù của CTMT so với các đối tượng khác nên cần có cơ chế bảo hộ riêng. Điều này có nghĩa là chúng ta tách CTMT thành một đối tượng độc lập của quyền sở hữu trí tuệ và với những quy định bảo hộ riêng chứ không coi đây là tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả, cũng không coi đây là giải pháp kỹ thuật được bảo hộ bởi sáng chế. Việc bảo hộ với cơ chế riêng như vậy gọi là “sui generis”. Điều này cũng tương tự như cách mà chúng ta bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Tại Pháp, các học giả, các luật gia cũng bàn luận về cơ chế bảo hộ riêng đối với CTMT [droit sui generis des logiciels] tương tự cách thức bảo hộ riêng hiện nay dành cho cơ sở dữ liệu [base de données].

Quan điểm bảo hộ CTMT bằng cơ chế riêng được một số học giả đồng tình. Xuất phát từ tính đặc thù của CTMT, đối tượng này cần có một cách thức bảo hộ riêng, điều kiện bảo hộ riêng và thời hạn bảo hộ riêng.[17]

Việc xếp CTMT vào nhóm đối tượng nào của quyền sở hữu trí tuệ vẫn là câu hỏi pháp lý gây ra tranh cãi tại nhiều quốc gia: bảo hộ bởi quyền tác giả, bảo hộ bởi quyền đối với sáng chế, bảo hộ kép [vừa bởi quyền tác giả, vừa bởi quyền về sáng chế] hay thậm chí tạo ra một cơ chế bảo hộ riêng [sui generis] cho đối tượng này? Theo Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009], CTMT được bảo hộ như tác phẩm văn học bởi quyền tác giả mà không thể được cấp độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, như đã phân tích, việc chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT nảy sinh nhiều bất cập và chưa phù hợp với xu thế của thế giới. Theo quan điểm tác giả, một mặt, chúng ta vẫn ghi nhận bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT. Mặt khác, chúng ta chỉ loại trừ khả năng cấp độc quyền sáng chế đối với bản thân tổng thể CTMT, còn những yếu tố, giải pháp mang tính kỹ thuật trong CTMT hoàn toàn đáp ứng điều kiện bảo hộ sáng chế thì nên xem xét để cấp độc quyền sáng chế cho chúng. Việc mở rộng khả năng cấp độc quyền sáng chế cho CTMT dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ những quy định pháp luật cũng như thực tiễn ở các nước phát triển và cũng phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

[6] Thông tư số 211/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

[7] Điểm a khoản 1 Điều 102 Luật SHTT năm 2005 [sửa đổi, bổ sung năm 2009].

[8] Trần Văn Hải, “Bảo hộ chương trình máy tính như đối tượng độc lập của quyền sở hữu trí tuệ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11, 2012, tr. 33-42.

[9] Điều 27 Hiệp định TRIPS quy định: độc quyền sáng chế phải được cấp cho bất kỳ một sáng chế nào, dù là sản phẩm hay là quy trình, thuộc mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó phải mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp”. Điều này có nghĩa là CTMT hoàn toàn có khả năng được cấp độc quyền sáng chế nếu thỏa mãn Điều 27. Hơn nữa, Hiệp định TRIPS không có bất kỳ quy định nào loại trừ CTMT khỏi đối tượng được cấp độc quyền sáng chế.

[10] Code de la Propriété Intellectuelle de la France [Luật SHTT Cộng hòa Pháp].

[11] Công ước về cấp bằng sáng chế châu Âu [tiếng Anh: Convention on the Grant of European Patents, tiếng Pháp: Convention sur la délivrance de brevets européens] ngày 05/10/1973, còn gọi là Công ước châu Âu về sáng chế [viết tắt là EPC trong tiếng Anh và CBE trong tiếng Pháp] hay Công ước Munich.

[12] Thuật ngữ pháp lý en tant que tel” trong tiếng Pháp đồng nghĩa với “dans cette qualité, à ce titre”, có thể được hiểu là “với tư cách là chính nó”, “bản thân nó”.

[13] Conseils en Propriété Industrielle, “La brevetabilité des.logiciels”,//www.cncpi.fr/iaa145-45-brevetabilite-logiciels-brevet-logiciel-innovation-licence.htm, truy cập ngày 25/5/2018

[14] Xem toàn bộ nội dung án lệ này của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại địa chỉ://supreme.justia.com/cases/federal/us/450/175/case.html, truy cập ngày 25/5/2018.

[15] “Software Patents: Prohibited under Indian law but granted in spirit”, //www.firstpost.com/tech/news-analysis/software-patents-prohibited-under-indian-law-but-granted-in-spirit-3702725.html, truy cập ngày 26/5/2018.

[16] “IP and Software”, //www.wipo.int/wipo_magazine/en/2008/06/article_0006.html, truy cập ngày 26/5/2018.

[17] Trần Văn Hải, “Bảo hộ chương trình máy tính như đối tượng độc lập của quyền sở hữu trí tuệ”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2012, tr. 33-42.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] U.S. Supreme Court, Diamond v. Diehr, 450 U.S. 175, 1981, //supreme.justia.com/cases/federal/us/450/175/case.html, accessed on the 24/5/2018.

[2] U.S. Copyright Act 1976.

[3] Thông tư số 211/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. [trans: Circular No. 211/2016/TT-BTC dated November 10, 2016 of the Ministry of Financeon providing for the fees for processing applications for registration of copyright and related rights, the collection, transfer and management thereof].

[4] Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights [TRIPS], 15/4/1994

[5] Devika Agarwal, “Software Patents: Prohibited under Indian law but granted in spirit”, //www.firstpost.com/tech/news-analysis/software-patents-prohibited-under-indian-law-but-granted-in-spirit-3702725.html, accessed on the 26/5/2018.

[6] Arrêté français du ministre de l’Education nationale et du ministre de l’Industrie du 22 décembre 1981 relatif à l’enrichissement du vocabulairede l’informatique [trans: French Order of the Minister of National Education and the Minister of Industry of 22 December 1981 relating to the enrichment of computer vocabulary]

[7] Civil Code of the Russian Federation

[8] CNCPI, “La brevetabilité des logiciels [trans: the French Patent and Trademark Attorneys Institute [CNCPI], the patentability of software], //www.cncpi.fr/iaa145-45-brevetabilite-logiciels-brevet-logiciel-innovation-licence.htm, accessed on the 25/5/2018.

[9] Code de la Propriété Intellectuelle de la France [trans: The French Intellectual Property Code]

[10] Convention on the Grant of European Patentsof 5 October 1973 [European Patent Convention - EPC]

[11] Trần Văn Hải, “Bảo hộ chương trình máy tính như đối tượng độc lập của quyền sở hữu trí tuệ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11, 2012 [trans: Tran Van Hai, “Protection of computer programs as an independent object of IPRs”, State and law journal, 11, 2012]

[12] Kamil Idris, Intellectual Property: A Power Tool for Economic Growth,WIPO, 2003

[13] Rockport Custom Publishing, “Top companies”, //www.rcpbuyersguide.com/top-companies.php, accessed on the 24/5/2018

[14] Software Magazine, “Top 500 software companies in 2016”, //www.softwaremag.com/2016-software-500-companies/, accessed on the 24/5/2018

[15] Nguyễn Long, “Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam lên đến 78%”, Báo điện tử VCCI [trans: Nguyen Long, “The rate of software piracy in Vietnam is up to 78%”, website VCCI], //vcci.com.vn/ty-le-vi-pham-ban-quyen-phan-mem-o-viet-nam-len-den-78, accessed on the 24/5/2018

[16] WIPO, Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use, 2001

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề