Khoa quốc tế đại học khoa học xã hội và nhân văn

Học quốc tế, có người đi bán củ cải làm giàu, có người làm ngân hàng, có người làm quảng cáo hay như mình bây giờ, đi trông trẻ chẳng hạn! Đấy, mà không chỉ quốc tế thôi đâu, ngành gì bây giờ cũng vậy. Thế nên bớt hỏi những câu kiểu như là “ra trường em sẽ làm được gì?”, “cơ hội nghề nghiệp như thế nào?”... - N.T.T.N K60 Quốc tế học - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân Văn

Sau khoảng vài lần mình gõ phím về ngành Quốc tế học này khi còn là sinh viên thì lần này, sau khi đã cầm được tấm bằng cử nhân và được gọi với cái tên cũ kỹ - cựu sinh viên, mình quyết định viết bài này, về những thứ mình trải nghiệm suốt 4 năm qua ở khoa Quốc tế học và một tuần sau khi cầm bằng đại học - cử nhân ngành Quốc tế học.
1. Học gì tại FIS?
Khi mà có một bạn nào đó muốn hỏi về khoa, mình luôn sẵn lòng. nhưng mình sợ nhất câu “Anh chị ơi, Quốc tế học là học những gì? Quốc tế học sau ra làm gì?”... Thú thực mình rất khó chịu khi bị hỏi chúng bởi nếu thật sự đam mê thì trên web trường đã có đủ cả... Một bài review cơ bản nhất, chính xác nhất và đầy đủ nhất Giới thiệu khoa Quốc tế học USSH hoặc là website của khoa vẫn luôn ở đó, chờ các bạn truy cập và tìm hiểu: Website khoa Quốc tế .Vì thế, nên các bạn đừng hy vọng gì nhiều dù cái tên của phần này mình đặt như vậy.Bỏ qua các môn chung khô khan và khó hiểu [Đối với phần lớn sinh viên], mình chỉ nói một chút ít về các môn chuyên ngành và sâu hơn nữa là chuyên ban [mà thực ra mình cũng chỉ biết đến châu Âu học]. Nếu bạn từng nghiện địa lý lớp 11 như mình, hay đơn giản thích khám phá, tìm hiểu thêm nhiều điều mới mẻ về thế giới ngoài kia, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thất vọng. Bạn được học Các tổ chức quốc tế, được học Lịch sử quan hệ quốc tế, Nhập môn quan hệ quốc tế, Khu vực học đại cương, So sánh văn hóa, Tiếp xúc liên văn hóa.... nghe tên đã có cảm hứng để khám phá thế giới hơn nhiều rồi. Thầy cô thì luôn để mở các bạn trong các tiết học, và để các bạn tự tìm tòi, khám phá nhiều hơn. Giữa giảng viên và sinh viên Quốc tế học khá gần gũi nên các bạn sẽ không phải quá áp lực. Cũng nhờ việc các thầy cô liên tục đi các nước nên các bạn gần như sẽ được cập nhật những thứ mới nhất, nên yên sờ tâm, sẽ không bị lạc hậu.

Khoa có bốn chuyên ban [bắt đầu từ K60 mới có IDS] và theo như mình thấy xu hướng mọi người đổ dồn về Nghiên cứu phát triển quốc tế và Quan hệ quốc tế nhiều hơn, Châu Âu ít hơn một chút và Châu Mỹ là ít nhất. Thế nhưng, mình không phải là một người theo chủ nghĩa đám đông, và khi cầm bằng, thứ chúng ta nhận đó là “cử nhân Quốc tế học”, vậy thì học chuyên ban nào mình thích và có hứng thú thôi. Mình chọn Châu Âu dù trước đó mình có nghe một vài anh chị nói rằng “học mà để sau ra làm thì phải học Quan hệ Quốc tế”. Mình thích châu Âu, đơn giản vậy. Và chắc chắn, mình chưa bao giờ chọn sai. Ngay từ những môn đầu tiên mình đã được thoải mái viết về những gì mình thích ở châu Âu với tựa đề “Ấn tượng ban đầu của bạn về châu Âu?”. Ở Châu Âu học, mình được học, được tìm hiểu, xem những thước phim về Châu Âu, về Pháp, Ý, về các nước Bắc Âu, về luật pháp, kinh tế châu Âu... xen kẽ những buổi học thì được cô dẫn đi ăn buffet Ý, được lên Uma, được lên Viện Nghiên cứu châu Âu... Hay một trong những ngày lễ lớn diễn ra ở châu Âu là Noel thì tại một góc nhỏ của Khoa Quốc tế học, năm nào cũng vậy, cô trò chuyên ban Châu Âu luôn tất bật để có một buổi Noel vui vẻ và ý nghĩa nhất. Nói thật thì châu Âu quá tuyệt vời.! Mình không nói đến các chuyên ban khác, vì các bạn biết đấy, mình chỉ đi học có 4 năm thôi nên chưa được thử mùi vị của ba chuyên ban khác để viết sao cho chính xác.

FIS - Chuyên ban Châu Âu học

Thực ra, mình tin rằng, trong chương trình học của khoa, sinh viên luôn hứng thú nhất với môn Thực tập/thực tế. Như năm mình, K60, cả lớp đi thực tế bên Thái Lan, và chắc chắn đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất. Năm ngày tung hoành ở Bangkok, ở Pattaya cùng thầy cô và bạn bè cùng lớp sẽ là ký ức đẹp. Bạn được khám phá thế giới xung quanh, không còn là bó hẹp trong Việt Nam nữa. Năm rồi, K61 cũng được đi Phượng Hoàng cổ trấn - cổ trấn đẹp như mơ ở nước bạn mà ai cũng muốn một lần được đến trong đời. Thế rồi, sau bốn năm, cũng có thể vỗ ngực tự hào... ừ, tao cũng được đi nước ngoài rồi đấy, đi để học, đi để trải nghiệm và đi để gắn bó với nhau hơn.

K60 FIS - Chuyến đi thực tế Thái Lan

Tiếng anh chuyên ngành là thứ mình sợ nhất trên đời. Nhưng sợ hay không thì cũng phải cố mà học. Dù sau bốn năm, mình vẫn ngu tiếng anh thì nó vẫn là ở một tầm khác so với ngày xưa rồi. Nói chung thì đây là một trong những vũ khí để sinh viên Quốc tế có thể vênh mặt với đời :v cố lên, và lên chuyên ban thì vẫn sẽ có một môn được học bằng tiếng Anh nữa. Mình được học môn Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu từ một giáo sư người Pháp, dù thế, mình vẫn lơ ngơ vì tội ngu tiếng anh...
2. Quốc tế học làm gì?Học quốc tế, có người đi bán củ cải làm giàu, có người làm ngân hàng, có người làm quảng cáo hay như mình bây giờ, đi trông trẻ chẳng hạn! Đấy, mà không chỉ quốc tế thôi đâu, ngành gì bây giờ cũng vậy. Thế nên bớt hỏi những câu kiểu như là “ra trường em sẽ làm được gì?”, “cơ hội nghề nghiệp như thế nào?”..., những cái đó, như phía trên mình đã nói rồi đó, web khoa và web trường đủ cả, không thiếu, nào là đối ngoại, làm việc ở đại sứ quán rồi thì nghiên cứu giảng dạy... Nói hết rồi thì mình không nói làm gì nữa.

Như mình này, mình thích báo chí, thích truyền thông, mình đã từng hối hận khi không học báo. Nhưng ngay từ hè năm 2 lên năm 3, mình đã tự đi làm và kiếm tiền. Nó khá muộn so với những người khác nhưng là do mình quan niệm về việc đi làm: chỉ làm những thứ tích lũy được kinh nghiệm và giúp ích cho mình sau này. Vì bố mẹ mình cũng vẫn gửi tiền cho mình, đủ sống, đủ tiêu, mình không thích việc đi học cả ngày, tối lại sấp mặt đi bưng bê, phục vụ, không còn thời gian nghĩ đến những thứ khác. Khi mình bắt đầu đi làm, mình làm thứ mình thích - báo chí, và làm về cái mình đam mê - bóng đá. Thành ra kiếm được tiền khá là vui vẻ và nhẹ nhàng. Hiện tại, ra trường, mình vẫn đang tạm thời gắn bó với những công việc từ thời sinh viên - lương cao so với quỹ thời gian mình bỏ ra, vẫn có tiền và thời gian để tự đi du lịch với đứa bạn thân... Nói để thấy, đâu cứ nhất thiết phải làm quy chụp làm gì. Nhiều đứa lớp mình mới ra trường, làm nhân sự, làm truyền thông, dự án, sự kiện, lương vẫn 6 7 triệu thậm chí là nhiều hơn đấy thôi. Nên đừng lo. Cứ cố gắng, tích lũy, mọi thứ sẽ mỉm cười! Đừng lo! học Quốc tế học sẽ không lo thất nghiệp.


3. Quốc tế học đi đâu - Quốc tế học chơi gì?

Việc được đi trao đổi, đi nước ngoài là những thứ được sinh viên quan tâm đặc biệt. Cứ có ngoại ngữ, học ổn hoạt động năng nổ, muốn gì chẳng được. Hiện tại lớp mình có mấy đứa đang ở Ấn Độ 2 tháng nè, có bé K62 đang đi Đức một năm nè. Các anh chị khóa trên đang bay nhảy khắp trời Âu nè... Trong năm học thì thỉnh thoảng đi Thái, đi Trung, đi Cam nè... Nói chung là thoải mái nếu đủ điều kiện thôiiiiiiỞ Quốc tế học thì có vô vàn thứ để chơi. CLB Tiếng Anh - vừa chơi - vừa học - vừa giao lưu và nâng cao khả năng của mình này. Đội bóng khoa ngày ngày đá bóng uống trà chanh hồ Văn Quán, thỉnh thoảng đi hát vài bài thất tình ở quán Karaoke Triều Khúc chẳng hạn. Hay mùa đông buồn chán cả khoa lại xách nhau lên Ba Vì đốt lửa trại leo rừng xương rồng.... Nói chung là vui phải biết....


4. Các anh chị khóa trên [gọi tắt là tiền bối ]Mình từng nghĩ rằng các anh chị khóa trên khá khó gần, một hai khóa trước thôi cũng vậy chứ đừng nói gì vài chục khóa trước đó - tức những người đã hơn mình cả 10, 20 tuổi, những người đã thành đạt và được cả xã hội công nhận. Nhưng rồi, mình đã nhận ra, mình quá sai lầm. Ở đâu cũng có người này, người kia. Nhưng nhìn chung các anh chị cựu thì khá vui vẻ, hòa đồng và yêu thương các em khóa dưới. Buổi tối Ba Vì, các bạn có thể ngồi uống rượu, ăn nem chua, chém gió tưng bừng với các anh chị khóa trên mà chẳng phải giữ ý tứ gì. Hoặc cũng có thể, đấy là nếu bạn có quan hệ tốt đẹp chẳng hạn, bạn thỉnh thoảng được uống coffee, được uống trà sữa, hoặc có cả một ngân hàng tiền cho vay khi bạn cần thiết... Chính các anh chị là những người các bạn có thể học được nhiều vì như những gì mình được biết, cựu sinh viên QTH đều là những người giỏi giang... Một ông anh K58 mà mình vẫn hay nói với mấy đứa khác là “sinh ra phải chạy lùi về vạch đích”, vẫn ra trường với tấm bằng xuất sắc, đi Anh du học được đến Emirates chẳng hạn, mà vẫn không chảnh hay kiêu gì, cũng chẳng nghiêm túc để người khác cảm thấy khó gần. Một ông anh buồn cười K59, đang đi du học TQ chẳng hạn, nếu không thích học hỏi về vấn đề học tập, bạn có thể nhờ anh ấy tán gái giúp,.... Một vài ví dụ vui vui vậy, để thấy, bạn có thể học hỏi bất kỳ thứ gì từ các anh chị khóa trên, hoặc một vài cơ hội các anh chị sẽ mang đến cho các bạn...Vừa hôm trước, một ngày sau khi nhận bằng, mình và đội bóng khoa có đá giao lưu với các anh cựu sinh viên các khóa. Đá xong, dù mấy anh em có cách nhau hàng chục tuổi vẫn ngồi uống nước, nghe bọn trẻ trâu gáy về chức vô địch lịch sử vừa rồi của khoa... gần trưa, trước khi về, các anh còn ủng hộ đội, để đội có thể duy trì,... mỗi năm kiếm một cái cup. Hồi đá UCL2018, đội cũng được cựu sinh viên đồng hành, ủng hộ từ vật chất đến tinh thần, cả quả bóng World cup hơn 3 củ xách từ Nga về... Đấy, cách nhau rất nhiều khóa, mỗi người một công việc, nhưng cứ Quốc tế, cứ các em cùng khoa mình, các anh chị chẳng ngần ngại gì cả!...Nói thế, nhưng dù có thành cựu sinh viên rồi thì mình cũng không được như các anh chị đâu các bạn nhé :v

5. Thầy cô so cute

Thứ lúc nào mình cũng muốn khoe cho thiên hạ thấy đó là thầy cô Quốc tế học cute đến nhường nào... Cô Lena, chủ nhiệm K60 của bọn mình, chưa khi nào quên bọn mình trong những dịp quan trọng dù là khi cô đang ở Úc, đang trên máy bay đi công tác,... Một vài dòng gửi đến lớp đôi khi cũng làm những giọt nước mắt chợt lăn, nhất là những ngày cuối cùng, trước khi chúng mình được “thả tự do”,... cô mình lúc nào cũng vậy, yêu thương và dành tất cả tình cảm cho sinh viên của mình. Hồi cấp 3, mình cũng khá thân với thầy cô và cũng được quý bởi ở đội tuyển, nhưng mãi sau này, khi ra trường mình mới có thể thoải mái ngồi uống nước với thầy cô. Nhưng đại học thì khác. Mình có vài lời thề chà xữa với cô Lena, và cũng may, có một hai lần gì đó. Một là trước khi cô đi sang Úc, trở thành học giả của ANU, một là vừa mới hôm nọ, ngồi chờ cô trông thi xong, hai cô trò dắt nhau ra Tocotoco chém gió banh nóc quán nhà họ. Sắp tới thì còn một lời thề chà xữa Phúc Long giảm đường giảm đá để nghe cô kể về những ngày ở Thượng Hải. Hay cũng có lần, thầy giáo “không hòa cũng chẳng thua” bảo vệ luận án xong, cũng được dẫn ra Goky [mà giờ thì dẹp tiệm lâu rồi] uống trà sữa, rồi còn mua cả chục cốc cho các thầy cô trong khoa. Hay có lần lên khoa lấy giấy khen cho đội, được anh Đáp [mà sau này từ K61 đã gọi bằng thầy] dẫn đi uống sinh tố ở canteen Tự nhiên.... Nói chung thì những cái điều không bao giờ nghĩ tới, nó lại quá bình thường ở khoa này.Bỏ qua vụ ăn uống, chà xữa các kiểu thì thầy cô ở khoa lúc nào cũng tâm lý và yêu thương sinh viên của mình. Hôm trước, prom, mình có đứng nói chuyện với thầy Nam - thầy trưởng khoa giản dị nhất VBB, nghe thầy khuyên và góp ý về con đường sau này mình đi rồi động viên... tự nhiên thấy hơi nghẹn. Cô Thủy chụp cùng lớp những bức ảnh đẹp, rồi khi chưa một ai đăng, cô đã đăng những bức ảnh bên những đứa nhỏ 60, cô cũng là người hay cmt trên facebook lắm, tiếc là mình chưa được học cô môn nào cả. Đêm prom về, cô Thảo gửi tin nhắn, hẹn ngày cô trò nhậu trước khi đi SG. Hôm đó, cũng là lần đầu uống bia với cô Trang và cô Vân Anh...Năm hai, mình học môn Nghiệp vụ công tác đối ngoại, lần đầu học cô Anh Thư. Một ngày đẹp trời, khi đang chuẩn bị máy lên thuyết trình, cô kể “hôm trước, cô đi grab, có một bạn hỏi cô dạy ở đâu, cô bảo cô dạy Nhân văn. Thế là bạn ấy hỏi cô có biết bạn Nga Chelsea không,...”, cô tôi, lần đầu nói chuyện với cô đó... Vẫn năm hai, lần đầu thấy hứng thú với một môn mang cái tên khô khan “quản trị kinh doanh” bởi cứ đến tiết của thầy Thành Nam, thầy lại lấy những ví dụ sinh động về bóng đá. thế là hào hứng cả buổiNăm ba, học tiếng anh chuyên ngành cô Mai Mai, cô đi Thái về nhưng chẳng quên mua quà cho cả lớp, cứ ai nỗ lực, tiến bộ trong ngày hôm đó là có quà. Ngày tốt nghiệp, cô Trang phó giơ điện thoại lên tự sướng cùng một lũ lít nhít phía sau. Vậy là người chứng kiến khoảnh khắc từng đứa nhỏ K60 nhận bằng tốt nghiệp, là cô...Các thầy cô ở chuyên ban châu Âu thì tuyệt vời. Cứ lanh chanh nên hay bị cô Hạnh mắng, nhưng cũng được cô quý nhiều lắm. Cô Hằng hay trêu “nhà báo hôm qua đi làm hay sao nay đi học muộn”, thầy Thành với những chai rượu vang chưa hiện hữu...Thầy cô trong khoa thì nhiều, ai cũng đáng yêu và cute, nhưng mình vẫn chưa có may mắn được học hết,... nhưng bật mí tạm, để các em hào hứng vào và tìm hiểu

Viết thì dài mà thành viết dại cũng không biết có ai đọc không... Nhưng thế này, Quốc tế học lúc nào cũng tuyệt vời như thế và Quốc tế luôn chào đón các em... Cảm ơn Quốc tế vì 4 năm thanh xuân tuyệt vời

N.T.T.N

K60 Quốc tế học - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân Văn

Nếu bạn muốn bổ sung thông tin/ đóng góp bài viết thì liên hệ theo đường link Fanpage: //www.facebook.com/cauchontruongnaothe

Video liên quan

Chủ Đề