Khoảng cách quyền lực ở Thụy Điển

Các chiều hướng văn hóa khác biệt giữa các quốc gia

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, các tổ chức đứng trước nhu cầu suử dụng lực lượng lao động đa dạng hóa, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Làm thế nào để quản lý và sử dụng lực lượng lao động đa dạng hóa đó một cách hợp lý và hiệu quả, xây dựng nền văn hóa chung của tổ chức trên cơ sở hiểu biết văn hóa của lực lượng lao động và văn hóa của các quốc gia nơi tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh, luôn là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản trị trong các tập đoàn đa quốc gia. Để làm được điều đó, trước hết các nhà quản trị và từng thành viên tham gia trong các tổ chức đó cần có sự hiểu biết về đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia khác nhau. Một trong những cách tiếp cận phổ biến nhất được sử dụng để phân tích sự khác nhau giữa các nền văn hóa được Geert Hofstede thực hiện vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, giúp chúng ta hình dung về khác biệt giá trị văn hóa giữa các quốc gia ảnh hưởng đến cách thức suy nghĩ, đánh giá, hành động và cách giải quyết vấn đề của những người từ những nền văn hóa khác nhau. Những khác biệt về chiều hướng văn hóa giữa các quốc gia theo nghiên cứu của Hofstede gồm 5 chiều hướng:

Khoảng cách quyền lực: là mức độ mà người dân của một quốc gia chấp nhận rằng quyền lực trong các cơ quan quản lý và các tổ chức được phân bố không công bằng. Khoảng cách quyền lực lớn có nghĩa là sự bất bình đẳng lớn về quyền lực và tài sản trong một nền văn hóa. Khoảng cách quyền lực thấp là đặc trưng của các xã hội chú trọng vào sự công bằng và cơ hội nắm giữa các vị trí quan trọng trong tổ chức cho mọi người. Những nước có khoảng cách quyền lực cao như Ấn Độ [77], Malaixia [104], Singapor [74],... Những nước có khoảng cách quyền lực thấp như Đan Mạch [18], Thụy Điển [31],  Na Uy [31], Israel [13],...

Chủ nghĩa cá nhân ngược với chủ nghĩa tập thể: chủ nghĩa cá nhân là mức độ con người thích hoạt động riêng lẻ hơn so với hoạt động theo nhóm. Tính cộng đồng nhấn mạnh vào một chế độ xã hội chặt chẽ trong đó con người muốn ở trong cùng một nhóm với người khác để bảo vệ và tương trợ lẫn nhau. Những nước có chủ nghĩa cá nhân cao như Canada [80], Mỹ [91], Australia [90], Anh [89], Thụy Điển [71], Đan Mạch [74],.... Những nước có chủ nghĩa cá nhân thấp [hay có nghĩa là chủ nghĩa tập thể cao] như Singapor [20], Hàn Quốc [18], Thái lan [20], Đài Loan [17], Indonesia [14],...

Nam tính: là mức độ mà một nền văn hóa coi trọng vai trò truyền thống của nam giới như thành tựu, quyền lực, sự kiểm soát, trái ngược với việc coi nam giới và nữ giới bình đẳng với nhau. Mức độ nam tính cao cho thấy nền văn hóa phân biệt vai trò của nam giới và nữ giới, và nam giới thống trị xã hội. Mức độ nam quyền thấp thể hiện nền văn hóa ít phân biệt vai trò của nam giới và nữ giới, đối xử với nữ giới công bằng như với nam giới ở mọi khía cạnh. Những quốc gia có chiều hướng nam tính cao như Nhật Bản [95], Mỹ [62], Đức [66], Italy [70], .... Những quốc gia có chiều hướng nam tính thấp như Na Uy [8], Thụy Điển [5], Đan Mạch [16], ...

Tránh né bất ổn: là mức độ mà các cá nhân trong quốc gia đó thích những tình huống ổn định hơn là những tình huống bất ổn. Tại các nền văn hóa có mức độ tránh né bất ổn cao, người dân lo lắng hơn về các tình huống không chắc chắn và mơ hồ, và thường sử dụng nhiều luật lệ và quy định để hạn chế sự bất ổn. Các nền văn hóa có mức độ tránh né bất ổn thấp dễ chấp nhận tình huống mơ hồ, ít tập trung vào luật lệ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn và tiếp nhận thay đổi dễ dàng hơn. Những nước có mức tránh né bất ổn cao gồm Bỉ [94], Bồ Đào Nha [104], Hy Lạp [112], Nhật Bản [92], Italy [75], Pháp [86],... Những nước có mức độ tránh né bất ổn thấp bao gồm Singapor [8], Thụy Điển [29], Đan Mạch [23],...

Định hướng dài hạn ngược với định hướng ngắn hạn: đây là đặc điểm mới nhất được bổ sung vào hệ thống đặc điểm của Hofstede để đo sự cam kết của xã hội với các giá trị truyền thống. Người dân trong một nền văn hóa có định hướng dài hạn thường hướng về tương lai và các giá trị tiết kiệm, kiên trì và truyền thống. Trong xã hội thiên về định hướng ngắn hạn, con người nhắm đến giá trị liên quan đến hiện tại, họ dễ chấp nhận thay đổi hơn. Các quốc gia có định hướng dài hạn cao như Nhật Bản [80], Hàn Quốc [75], Ấn Độ [61],... Các quốc gia có định hướng ngắn hạn hơn như Mỹ [29], Tây Ban Nha [19], Anh [25], Đức [31], Pháp [39],...

Các khía cạnh văn hóa có ảnh hưởng lớn đến các nhà nghiên cứu và các nhà quản trị trong các tổ chức đa dạng về văn hóa trong lực lượng lao động. Mặc dù thế giới đã có nhiều thay đổi, những nghiên cứu và số liệu nghiên cứu đưa ra chỉ từ nghiên cứu trong công ty IBM. Tuy nhiên những nghiên cứu về khác biệt giá trị văn hóa trên cũng trở thành một nền tảng quan trọng, được trích dẫn nhiều và định hướng cho những hiểu biết về giá trị giữa các nền văn hóa khác nhau. 

Nhắc tới Thụy Điển, chúng ta thường chỉ nghĩ tới giải Nobel, ban nhạc ABBA hay đồ điện tử Electrolux. Tuy nhiên, quốc gia vùng Bắc Âu này còn có nhiều điều đặc biệt hơn thế.

Hành trình đi tới đỉnh cao dân chủ

Năm 2006, báo cáo của Phòng tình báo kinh tế [EIU] thuộc tờ The Economist, đánh giá Thụy Điển là quốc gia dân chủ nhất thế giới, với điểm số 9,88/10. “Thụy Điển, một nền dân chủ gần như hoàn hảo, đã đứng đầu bảng xếp hạng của chúng tôi, theo sau là nhiều quốc gia Bắc Âu nằm gần đó,” báo cáo viết.

Thụy Điển giữ vị trí đầu bảng đó cho đến năm 2010, khi bị Na Uy soán ngôi. Nhưng tới nay, Thụy Điển vẫn nằm trong top 3 các quốc gia dân chủ nhất thế giới, theo xếp hạng của EIU.

“Thụy Điển, một nền dân chủ gần như hoàn hảo, đã đứng đầu bảng xếp hạng của chúng tôi, theo sau là nhiều quốc gia Bắc Âu nằm gần đó,” trích báo cáo của EIU

Lẽ dĩ nhiên, không phải tự dưng mà Thụy Điển có được thành tựu như vậy. Quá trình hình thành nền dân chủ như hiện nay của Thụy Điển là một lịch sử kéo dài, với một số sự kiện xảy ra trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 được cho là có tác động đặc biệt quan trọng, đóng vai trò đặt những viên gạch ban đầu.

Trước tiên phải kể tới sự ra đời của Hiến pháp 1809, gồm Luật Công cụ điều hành Chính quyền. Luật này chịu ảnh hưởng sâu sắc của nguyên tắc chia tách các quyền lực, với tư tưởng chủ đạo là việc phân lập giữa các quyền lực lập pháp, tư pháp và hành pháp.

Theo Luật Công cụ điều hành Chính quyền, nhà vua Thụy Điển không còn là người nắm quyền lực duy nhất trong đất nước. Thay vì thế, quyền lực được chia làm 4 phần. Quyền điều hành nằm trong tay nhà vua. Quyền liên quan tới các loại thuế được đặt vào tay Quốc hội. Quốc hội và nhà vua cũng chia nhau quyền ban hành luật. Quyền phán xử được trao cho tòa án.

Dù quyền lực đã được chia theo luật mới, vẫn chưa có sự dân chủ rõ ràng ở Thụy Điển. Tuy nhiên luật đã tạo ra nền móng và mang tới cơ hội để dân chủ được phát triển. Ngoài việc phân chia lại quyền lực, Luật Công cụ điều hành Chính quyền 1809 còn tăng cường sự tự do và quyền lợi của cá nhân, như quyền tự do biểu đạt quan điểm, quyền tự do lựa chọn tôn giáo.

Hoạt động phổ cập giáo dục tiểu học được triển khai ở Thụy Điển vào năm 1842. Điều này có nghĩa mọi đứa trẻ đều phải tới trường. Ngày càng có nhiều người học đọc và viết khiến dân trí dần cao hơn và đây là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của dân chủ ở Thụy Điển.

Năm 1909, đại đa số đàn ông Thụy Điển giành được quyền bỏ phiếu. Tới năm 1919, đến lượt phụ nữ có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Năm 1921, toàn bộ người Thụy Điển, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đủ năng lực hành vi đã được quyền bỏ phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử.

Video giới thiệu về đất nước Thụy Điển. [Nguồn: YouTube]

Vào cuối thế kỷ 19, các phong trào như đi nhà thờ tự do, phong trào phụ nữ, phong trào lao động và các đảng phái chính trị dần xuất hiện ở Thụy Điển. Thông qua việc tự đưa mình vào các phong trào nêu trên, người ta dễ dàng thúc đẩy những điều trong xã hội mà họ muốn thay đổi.

Các phong trào này dạy người ta cách thức tổ chức mình, cách tiến hành hội họp và cần phải làm những gì để thúc đẩy sự thay đổi. Gây ảnh hưởng mạnh nhất trong số đó là phong trào lao động, vốn lớn mạnh cùng với quá trình công nghiệp hóa diễn ra vào cuối thế kỷ 19. Chính phong trào này đã đóng vai trò động lực cải cách khi Thụy Điển bước vào thế kỷ 20.

Năm 1914, Dân chủ Xã hội trở thành đảng phái chính trị lớn nhất tại Thụy Điển và tới năm 1930 thì chính thức cầm quyền. Nhờ áp dụng chính sách đề cao thỏa hiệp và đối thoại với các đảng phái chính trị mang đường lối dân chủ khác, chính quyền của đảng Dân chủ Xã hội đã có thể thiết kế mô hình nhà nước phúc lợi, với nguồn vốn hoạt động dựa trên một chính sách thuế tiến bộ.

Trong những năm 1940 và 1950, chính quyền tiến hành hàng loạt cuộc đại cải cách để đặt nền móng cho một nhà nước phúc lợi. Cùng lúc, đã có những lời kêu gọi cần hiện đại hóa bản Hiến pháp 1809.

Kết quả là một Hiến pháp mới, với Luật Công cụ điều hành Chính quyền mới được thông qua vào năm 1974. Văn bản mới nêu rõ rằng toàn bộ công quyền ở Thụy Điển đều do nhân dân tạo ra. Nhân dân cũng là những người bầu thành viên Quốc hội Thụy Điển trong các cuộc tuyển cử tự do.

Quyền lực của nhà vua Thụy Điển tiếp tục bị cắt giảm. Theo đó, vua Thụy Điển vẫn nắm vai trò nguyên thủ quốc gia, nhưng chỉ là hình thức. Quyền lực thực sự nằm ở Quốc hội, cơ quan đại diện thực sự của nhân dân.

Người dân mừng ngày Quốc khánh Thụy Điển. [Nguồn: Swedish Institute]

Một đất nước tự do và hạnh phúc

Quá trình phát triển liên tục nêu trên khiến cho Thụy Điển hiện có nền dân chủ vô cùng cởi mở và minh bạch. Hiến pháp Thụy Điển quy định rõ mọi công dân đều có quyền tự do tìm kiếm thông tin, tổ chức các cuộc biểu tình, hình thành các đảng chính trị và thực hành tôn giáo của họ.

Năm 1766, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vấn đề tự do báo chí vào Hiến pháp. Những người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm phát ngôn và phải cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin cho báo chí. Những người cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản, biên tập viên hoặc cơ quan truyền thông đều được bảo vệ, và các nhà báo không bao giờ bị ép buộc phải tiết lộ nguồn tin của họ.

Những người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm phát ngôn và phải cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin cho báo chí.

Luật cơ bản về Tự do ngôn luận được điều chỉnh vào năm 1991, đã mở rộng thêm việc bảo vệ nguồn tin của các phương tiện truyền thông ngoài báo in, chẳng hạn như truyền hình, các hãng phim hay đài phát thanh. Luật nhằm bảo đảm quyền tự do trao đổi quan điểm, thông tin và sự sáng tạo nghệ thuật.

Công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng có quyền tiếp cận các văn kiện, tài liệu chính thức của nhà nước. Điều này cho phép công dân Thụy Điển hiểu rõ hơn về hoạt động của chính phủ và chính quyền địa phương.

Việc kiểm tra được coi là có giá trị đối với một nền dân chủ, và chính sự minh bạch làm giảm nguy cơ lạm quyền. Tiếp cận tài liệu chính thức cũng có nghĩa là công chức nhà nước và những người làm việc cho chính phủ được quyền thông tin cho giới truyền thông hoặc những người bên ngoài.

Tuy nhiên, các tài liệu có thể được giữ kín nếu chúng liên quan đến các vấn đề về an ninh quốc gia; mối quan hệ của Thụy Điển với một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế; chính sách tài khóa, tiền tệ; việc kiểm tra, kiểm soát và các hoạt động giám sát khác của các cơ quan công quyền; hoạt động phòng, chống tội phạm; lợi ích kinh tế của công chúng; vị thế và tài chính của cá nhân…

Ở Thụy Điển, nhân quyền cũng được bảo vệ trong Hiến pháp, theo đó các quy định nên được thực thi với sự tôn trọng quyền bình đẳng của mọi người và sự tự do cũng như phẩm cách của cá nhân.

Các cơ quan nhà nước đặc biệt bảo vệ quyền được làm việc, được có nhà ở và được giáo dục. Chính quyền cũng thúc đẩy phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh và môi trường tốt cho người dân.

Chính sách phúc lợi ưu việt của Thụy Điển cho phép cha mẹ được nghỉ làm tới 16 tháng để chăm sóc đứa con của họ. [Nguồn: YouTube]

Về mặt phúc lợi, có lẽ ít nước nào sánh được với Thụy Điển. Trẻ em sinh ra tại đây được trợ cấp tài chính cho tới khi đủ 16 tuổi. Các bậc phụ huynh cũng được nghỉ phép tới 480 ngày để chăm con. Trẻ bị đau ốm hoặc tật nguyền được hưởng trợ cấp đặc biệt.

Những người không có đủ tiền mua nhà sẽ được trợ cấp nhà ở. Người đau ốm, tật nguyền hoặc không thể làm việc được hưởng một khoản trợ cấp riêng. Người thất nghiệp sẽ được trợ cấp trong vòng 300 ngày. Ngoài ra còn vô số các khoản phúc lợi khác khó có thể kể hết trong nội dung bài viết này.

Vì thế, không ngạc nhiên khi Thụy Điển là 1 trong 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2017 do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững [SDSN] công bố trong ngày 20/3/2017 – đúng Ngày Quốc tế Hạnh phúc hàng năm, Thụy Điển cùng với Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Hà Lan, Canada, New Zealand, Australia, Thụy Sĩ là 10 nước đứng đầu danh sách các quốc gia mà người dân hài lòng nhất với cuộc sống.

Danh sách xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc dựa trên 6 tiêu chí, gồm mức thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ người dân, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và không có tình trạng tham nhũng trong chính phủ hoặc doanh nghiệp.

Hình ảnh đồ họa cho thấy Thụy Điển thuộc top 10 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới trong năm 2017. [Nguồn: Bloomberg]

Quê hương của các thương hiệu toàn cầu

Nền tảng khuyến khích tự do và dân chủ đã khiến Thụy Điển đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Mảnh đất này là nơi xây dựng, sáng tạo ra rất nhiều thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng, với sức ảnh hưởng toàn cầu.

Đó là IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, được ông Ingvar Kamprad, một doanh nhân Thụy Điển, thành lập năm 1943. Tên gọi IKEA bắt nguồn từ các chữ cái đầu của tên của người sáng lập Ingvar Kamprad Elmtaryd Agunnaryd.

Các tín đồ thời trang cao cấp không thể không biết H&M – một thương hiệu nổi tiếng với các thiết kế có tính tiện dụng cao, hiện đại, hợp thời trang. Xuất hiện đầu tiên ở Thụy Điển, đến nay, H&M đã có mặt tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Cùng với Zara của Mỹ, H&M là một thương hiệu thời trang bán lẻ lớn nhất nhì thế giới.

Ericsson là tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng mang quốc tịch Thụy Điển với trên 130 năm kinh nghiệm hoạt động. Liên doanh giữa Ericsson và Sony của Nhật Bản được thành lập năm 2001, nhanh chóng trở thành thương hiệu có tiếng.

IKEA là một trong những thương hiệu toàn cầu mạnh nhất của Thụy Điển. [Nguồn: How Stuffs Work]

Những chiếc điện thoại Sony Ericsson từng làm bao tín đồ công nghệ thích thú, tuy nhiên, với sự ra mắt của hàng loạt các loại điện thoại thông minh, Sony Ericsson dần trở nên thất thế trên thị trường với sự thống trị của Apple và Samsung. Tháng 10/2011, Sony đã bán cổ phần của Ericsson, khai tử thương hiệu Sony Ericsson.

Electrolux, thương hiệu hàng điện tử-điện lạnh gia dụng quen thuộc với nhiều người, cũng có nguồn gốc từ Thụy Điển. Electrolux là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về các sản phẩm điện như tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, điều hòa nhiệt độ, cưa xích, máy cắt cỏ, máy dọn vườn…

Volvo là thương hiệu xe hơi Thụy Điển được đánh giá cao với những dòng xe có độ an toàn cao. Volvo đã từng có thời kỳ “làm mưa làm gió” ở thị trường châu Âu và Mỹ, nơi người tiêu dùng khá kỹ tính.

Skype là ứng dụng gọi video, chat, nhắn tin, gọi điện, gọi nhóm… miễn phí, tiện lợi và phổ biến trên thế giới. Niklas Zennström, người Thụy Điển và Janus Friis, người Đan Mạch, là hai người khai sinh ra Skype. Năm 2011, hãng Microsoft đã mua lại Skype với giá “khủng” – 8,5 tỷ USD.

Với 50 triệu người dùng trả phí, Spotify tiếp tục nới rộng khoảng cách với các đối thủ và khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Thương hiệu của Thụy Điển được đánh giá cao với ưu điểm là dịch vụ dễ sử dụng và kho âm nhạc đa dạng. Spotify hiện bỏ khá xa Apple Music, sản phẩm của “Quả táo cắn dở” Apple.

Người Việt Nam hẳn không còn lạ lẫm với giai điệu của ca khúc “Happy New Year.” [Nguồn: YouTube]

Cũng cần phải nhắc lại rằng Thụy Điển chính là nơi sinh ra giải Nobel danh giá. Alfred Bernhard Nobel [1833-1896] là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí, người phát minh ra thuốc nổ và một triệu phú người Thụy Điển. Ông dùng tài sản của mình để sáng lập ra Giải thưởng Nobel – giải thưởng danh giá dành cho những phát minh khoa học vĩ đại.

ABBA, ban nhạc lừng danh thế giới một thời, được thành lập vào năm 1972 tại Thụy Điển. Nhắc đến ABBA, người yêu nhạc không ai không nhớ đến ca khúc nổi tiếng “Happy new year,” luôn vang lên vào những dịp Năm mới. Tính đến nay, ABBA đã tiêu thụ được gần 370 triệu đĩa và là một trong những ban nhạc thành công nhất trong lịch sử âm nhạc.

Thụy Điển còn là nơi khai sinh của Pippi Tất dài, cô bé 9 tuổi, khỏe mạnh nhất, sáng dạ nhất và giàu nhất thế giới. Pippi Tất dài là tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi của nhà văn Thụy Điển Astrid Lindgren.

Câu chuyện kể về cô bé kỳ lạ – với mái tóc đỏ hoe tết thành hai cái đuôi sam cứng như hai cái que, mũi to như quả cà chua và khuôn mặt đầy tàn nhang – đã được xuất bản tại hơn 90 nước và bảy lần dựng thành phim tại các quốc gia khác nhau. Pippi Tất dài trở thành một trong những nhân vật kinh điển được yêu quý nhất của văn học thiếu nhi châu Âu và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chiều 6/4/2017. [Ảnh: Trọng Đức/TTXVN] 

Đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam [11/1/1969]. Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất [8/1966]. Tháng 10/1968, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại Stockholm.

Tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Stockholm. Ngày 4/9/1982, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức quyết định đặt quan hệ với Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển.

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam [11/1/1969]  

Tháng 12/2010, Chính phủ Thụy Điển, với lý do cắt giảm ngân sách, đã quyết định đóng cửa 5 sứ quán Thụy Điển trên thế giới vào năm 2011, trong đó có Sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 2/8/2011, sau khi thỏa thuận được vấn đề ngân sách với liên minh đối lập, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố giữ lại Đại sứ quán tại Việt Nam.

Đầu tháng 11/2012, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội xin phép mở thêm Văn phòng Thương mại trực thuộc Cơ quan xúc tiến thương mại-đầu tư Thụy Điển “Business Sweden” nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Giữa tháng 9/2013, Văn phòng Thương mại chính thức đi vào hoạt động.

Việt Nam và Thụy Điển thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao giữa 2 bên.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 6-8/4/2017 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin.

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trên một số lĩnh vực cụ thể, trong đó tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Thụy Điển sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1993.

Đại sứ Thụy Điển nói về quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam cũng đã thăm Thụy Điển như Thủ tướng Phạm Văn Đồng [1974], Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Thụy Điển [1995], Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu [1999], Thủ tướng Phan Văn Khải [1999], Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên [2002], Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng [2008], Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên [4/2010], Trưởng ban đối ngoại Hoàng Bình Quân [9/2012], Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu [12/2013], Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh [4/2014].

Nhiều lãnh đạo cấp cao Thụy Điển từng đã đến thăm Việt Nam như Thủ tướng Carl Bildt [1994]; Chủ tịch Quốc hội Birgiha Dahl [1995]; Nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gusstaf và Hoàng hậu [2004]; Thủ tướng Thụy Điển Goran Persson và Ngoại trưởng Laila Freivals dự Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt dự Hội nghị FMM 9 [2009]. Tháng 3/2014, Thứ trưởng Ngoại giao Frank Belfrage chủ trì Hội nghị các Đại sứ Thụy Điển khu vực châu Á tại Hà Nội]; Chủ tịch Quốc hội Urban Ahlin thăm chính thức tháng 4/2015.

Thụy Điển là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế; tài chính; ngân hàng; quản lý kinh tế; hành chính; luật pháp… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế [IMF, WB…]. Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU [PCA].

Thời gian qua, đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh với 52 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 92,7 triệu USD [tháng 12/2016], đứng thứ 43/115 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Các dự án của Thụy Điển có mặt tại 7 tỉnh, thành phố [Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên].

Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam [bắt đầu từ năm 1967], tổng viện trợ trên 3,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu…

Quan hệ song phương Việt Nam – Thụy Điển

Sau năm 2013, Thụy Điển chấm dứt cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi.

Trước đây, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển, hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ hai nước phát triển mạnh. Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa Việt Nam với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo viết của Việt Nam.

Hai bên đã ký hai Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông.

Sự hợp tác giữa các đối tác Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo báo chí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam.

Viện đào tạo báo chí Fojo, Thụy Điển đã cùng hợp tác với Việt Nam từ năm 1988 khi các giảng viên đầu tiên của Fojo đặt chân sang Hà Nội theo lời mời của các đồng nghiệp Việt Nam và Bộ Văn hóa Thông tin [nay là Bộ Thông tin và Truyền thông].

Đến nay, 175 khóa học với khoảng 500 tuần học đã được tiến hành, tập trung vào các chủ đề khác nhau và được tổ chức dưới nhiều hình thức. Khoảng 40 nhà báo Thụy Điển đã có cơ hội làm việc, hợp tác với 5.000 lượt phóng viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng các trợ giảng người Việt Nam.

Về giáo dục-đào tạo, Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sỹ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng, công nghệ sinh học, y học, báo chí.

Bên cạnh đó, một số trường đại học lớn của Thụy Điển, như trường Đại học Uppsala, đã liên kết với trường Đại học Quốc gia Hà Nội mở các khóa đào tạo tại Việt Nam.

Trong buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định hai nước có quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau nên Việt Nam và Thụy Điển cần mở rộng hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực./.

Công nhân tại Nhà máy giấy Bãi Bằng – một trong những nhà máy giấy lớn và hiện đại mà Thụy Điển giúp Việt Nam xây dựng trong thập niên 1970.[Nguồn: TTXVN] 

Video liên quan

Chủ Đề