Khu di tích K9 có ý nghĩa như thế nào

Tại đây, đoàn đã được nghe Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu tổng quan về Khu di tích K9. Nằm trên địa bàn huyện Ba Vì [Hà Nội], Khu di tích K9 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Tháng 7-1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36 tập mẫu chiến thuật, Bác Hồ đã dừng chân nghỉ, ăn trưa ở nơi có 3 ngọn đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác Hồ đã chọn vị trí này làm nơi làm việc của Bác và Trung ương. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969, thi hài của Bác chủ yếu được lưu giữ tại thủ đô Hà Nội và Khu di tích K9. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 19-5-2017, Khu di tích K9 bắt đầu tổ chức đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến tham quan và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Pha-bốt-cô Giê-mi-xlo ghi lưu bút tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn TVQS các nước chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích.

Bày tỏ vui mừng được đón Đoàn TVQS các nước đến tham quan Khu di tích, Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương hy vọng qua chuyến thăm, TVQS các nước và Phu nhân sẽ hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, từ đó sẽ tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh ra bạn bè thế giới; đồng thời góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân Việt Nam với quân đội và nhân dân các nước.

Sau khi nghe giới thiệu về Khu di tích, Đoàn TVQS các nước đã đến thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm Người; thăm khu nhà sàn nơi Bác từng làm việc và khu nhà từng để thi hài Bác.

Thay mặt Đoàn TVQS các nước tại Việt Nam, Đại tá Pha-bốt-cô Giê-mi-xlo[Farbotko Przemyslaw], Tùy viên Quốc phòng Ba Lan, Trưởng đoàn TVQS các nước tại Việt Nam phát biểu bày tỏ vinh dự là đoàn khách quốc tế đầu tiên đến tham quan Khu di tích K9 đúng vào ngày kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tá Pha-bốt-cô Giê-mi-xlo cho rằng đây là cơ hội tốt để TVQS các nước hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội các nước.

Tin, ảnh: ANH VŨ – ĐỨC ANH

Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền Trưởng ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;Đại táĐinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đồng chủ trì tọa đàm.

Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần; thủ trưởng các học viện, nhà trường trong quân đội; đại diện lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Quang cảnh tọa đàm.

Đá Chông K9 - Khu di tích mang những giá trị đặc biệt

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Đại tá Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại lý do tại sao Bác Hồ chọn Đá Chông làm nơi làm việc của Người và Bộ Chính trị. Đại tá Đinh Quốc Hùng nêu rõ: Tháng 5-1957, trong lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật “Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi cạnh sông Đà, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau, nên đồng bào thường gọi Đá Chông. Thấy nơi đây có địa thế thuận lợi, Người đã trao đổi với các đồng chí cùng đi nghiên cứu xây dựng thành căn cứ cho cơ quan Trung ương. Ngày 23-02-1958, Người trở lại và quyết định chọn Đá Chông để xây dựng căn cứ cho cơ quan Trung ương.

Tháng 9-1959, Cục Doanh trại Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ xây dựng khu căn cứ. Ngày 15-3-1960, công trình được khánh thành, mang mật danh “Khu căn cứ K9”. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp quan trọng, bàn thảo về chiến lược cách mạng Việt Nam, đây cũng là nơi Người tiếp bạn bè quốc tế thân thiết với cách mạng Việt Nam.

Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu kết luận tọa đàm.

Ngày 02-9-1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về với “thế giới Người hiền”, để giữ gìn lâu dài bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và xây dựng Lăng của Người, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định lựa chọn K9 là nơi địa điểm chủ yếu để giữ gìn thi hài Bác.

Kể từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn xây dựng căn cứ, cho đến thời gian dài được sử dụng làm nơi giữ gìn thi hài Người, Khu Đá Chông - K9 thực sự trở thành một di tích đặc biệt, nơi ghi nhận và lưu giữ nhiều kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm của đồng bào cả nước và khách quốc tế dành cho Người.

“Với tấm lòng thành kính trước anh linh Bác, với tinh thần, trách nhiệm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, với những đúc rút từ thực tiễn công tác, cuộc tọa đàm hôm nay nhằm làm rõ hơn những giá trị, đề ra các giải pháp để phát huy di tích Đá Chông - K9” – Đại tá Đinh Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thể hiện tư duy chiến lược quân sự

Hầu hết các đại biểu tham luận tại tọa đàm đều thống nhất cho rằng, sự lựa chọn Đá Chông để xây dựng căn cứ Trung ương đã thể hiện tư duy chiến lược quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện rõ tư tưởng xây dựng hậu phương, căn cứ địa của Người, thể hiện phong cách chiến lược nhưng hết sức cụ thể của Hồ Chí Minh. Người nhận thấy nơi đây hội đủ điều kiện của một căn cứ chiến lược: Ở đó có rừng nguyên sinh che phủ, có nhân dân đoàn kết, hết lòng vì cách mạng; thế núi thế sông đảm bảo “tiếnkhả dĩcông, thoát khả dĩ thủ”, lại là địa bàn không quá xa Thủ đô Hà Nội, trong điều kiện địch đánh phá ác liệt vẫn đảm bảo an toàn cho cơ quan Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại tọa đàm.

Thực tiễn qua 9 năm đưa vào vận hành, Khu căn cứ K9 đã phát huy được vai trò căn cứ Trung ương trong điều kiện miền Bắc phải chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; miền Nam đấu tranh chống lại các chiến lược quân sự của Mỹ ngụy. Tại nơi này, nhiều quyết sách quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Đảng bàn bạc đi đến quyết định, trong đó có quyết sách về lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Thành công đó đã để lại kinh nghiệm cho chúng ta lựa chọn xây dựng các căn cứ cho các cơ quan lãnh đạo trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Quyết sách quan trọng có tính lịch sử của Đảng, Nhà nước

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, gìn giữ lâu dài thi hài của Người là nhiệm vụ vô cùng hệ trọng và đầy khó khăn, lại trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Trước yêu cầu cần có địa điểm bí mật, an toàn để thực hiện nhiệm vụ, Bộ Chính trị đã quyết định chọn Căn cứ K9 để làm nơi bảo quản, gìn giữ thi hài Bác.

Kể từ đây, K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”. Trong 6 năm [1969-1975], thi hài Bác được giữ gìn, bảo quản tại K84 ba lần, với tổng thời gian là: Bốn năm, bốn tháng, 19 ngày. Với vị trí không quá xa Hà Nội đảm bảo cho sự di chuyển, lại giữ được bí mật, nên Khu căn cứ K84 đã hoàn thành trọng trách giữ an toàn thi hài của Bác trong những năm chiến tranh, thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất, trước sự đe dọa của thiên tai.

Thực tiễn đó càng chứng minh quyết định hết sức đúng đắn của Bộ Chính trị, đồng thời, khẳng định vị trí hết sức chiến lược của vùng đất Đá Chông - K9.

Phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích K9

GS, TS Hoàng Chí Bảo tham luận tại tọa đàm.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội di sản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Cùng với khẳng định giá trị to lớn của Khu Di tích K9, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp pháp thiết thực nhằm phát huy giá trị của di tích đối với cuộc vận động học tập và làm theo tưtưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy hơn nữa ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử của Khu Đá Chông - K9 trong giai đoạn mới.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng, “cần có kế hoạch khoa học, bài bản đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xác minh một cách hệ thống các sự kiện lịch sử gắn liền với Khu di tích Đá Chông, đặc biệt là các sự kiện gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra tại đây”. Theo ông Đỗ Văn Trụ, công việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích.

Đồng tình với quan điểm với PGS,TS Đỗ Văn Trụ, Thiếu tướng, PGS,TS Kim Ngọc Đại, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị cho rằng: “nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa Khu di tích Đá Chông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “mạch nguồn” để trau dồi lý tưởng, đạo đức cách mạng; phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới cho học viên đào tạo sĩ quan trong quân đội.

Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng đưa ra những giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm bảo quản các hiện vật liên quan đến Hồ Chí Minh được tốt hơn, từ bảo quản phòng ngừa đến bảo quản tu bổ, tu sửa, phục chế; là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thiết kế lộ trình tham quan đến quảng bá tuyên truyền giá trị của di tích. Đề xuất các giải pháp về đào tạo nhân lực, đội ngũ thuyết minh, về ứng dụng công nghệ, về nội dung của thuyết minh để làm tăng thêm tính hấp dẫn của di tích, tuyên truyền sâu rộng hơn giá trị của di tích Đá Chông - K9.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Những báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia tọa đàm là những tài liệu quý giúp Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng có những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan học tập và sinh hoạt chính trị tại Khu Đá Chông – K9; nâng cao chất lượng bảo tồn, tôn tạo và phát huy những hiện vật, di tích gắn liền với những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người tại Đá Chông. Đây cũng là cơ sở khoa học để Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu Đá Chông – K9 là Di tích quốc gia đặc biệt; Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông – K9.

Bài và ảnh: ĐỨC THI - VŨ DUY

Video liên quan

Chủ Đề