Kinh tế ở đà nẵng như thế nào

Cách đây tròn 25 năm, ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính, Đà Nẵng bước vào một chặng đường phát triển mới với tư cách là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hiện nay quy mô và trình độ nền kinh tế của thành phố thuộc nhóm phát triển của Việt Nam. "Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9% mỗi năm", ông nói, cho hay GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997.

Diện mạo đô thị Đà Nẵng cũng đã được thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Từ một đô thị chỉ có 360 đường phố, hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 2.300 con đường. Sự phát triển hai bên bờ sông Hàn cân đối, hài hòa với 9 chiếc cầu bắc qua dòng sông, nối liền hai bờ Đông - Tây.

Ngoài ra, theo ông Quảng, nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố "5 không", "3 có", "4 an" đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân...

Tuy nhiên, qua các đợt dịch Covid-19, Đà Nẵng đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có vấn đề cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, khi du lịch và dịch vụ chiếm hơn 60%. Năm 2020, lần đầu tiên kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm; GRDP chỉ đạt 63.907 tỷ đồng, giảm 7,99% so với năm 2019.

Năm 2021, GDRP Đà Nẵng ước đạt 63.875 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2020. Tuy tăng trưởng dương trong năm nay [0,18%], nhưng Đà Nẵng lại là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm: Thừa Thiên Huế tăng 4,36%; Quảng Nam tăng 5,04%; Quảng Ngãi tăng 6,05% và Bình Định tăng 4,11%.

Cùng với đó, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng giảm đáng kể, khi chỉ còn ước đạt 87,9 triệu đồng [giảm hơn 9 triệu đồng so với năm 2019].

Hiện thành phố chuyển sang trạng thái "bình thường mới", nhưng lĩnh vực du lịch và dịch vụ vẫn giảm sâu. Nhà ga quốc tế đóng cửa suốt gần 2 năm qua, thi thoảng đón chuyến bay giải cứu. Thành phố muốn khai thác khách nội địa và đã mở cửa song suốt tháng 11, Đà Nẵng không đón được bất cứ đoàn khách nào.

Khu vực Trung tâm thành phố nhìn về Vịnh Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình

Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Thống kê Đà Nẵng, nhìn nhận khi dịch bệnh được kiểm soát thì du khách sẽ trở lại, qua đó du lịch và dịch vụ của Đà Nẵng dần được phục hồi. Nhưng đây là trong ngắn hạn. Việc cơ cấu lại nền kinh tế Đà Nẵng cần tính đến trung hạn và dài hạn, không thể giải quyết trong vòng 4-5 năm và nhanh chóng "hái ra tiền" như ngành du lịch, dịch vụ những năm trước đây.

Ông Vũ nói chuyển dịch cơ cấu từ du lịch và dịch vụ sang công nghiệp "nghe thì dễ nhưng làm rất khó". "Quỹ đất của thành phố không còn nhiều, khó phát triển các khu công nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn của các ngành nghề đầu tư lớn", ông Vũ nêu một trong các lý do. Từ cách tiếp cận này, ông kiến nghị thành phố cần xây dựng đề án cụ thể, có lộ trình và tính toán kỹ lưỡng các ngành, nghề muốn định hướng phát triển.

TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cũng cho rằng trong ngắn hạn thành phố vẫn cần thiết phát triển du lịch, thương mại để tận dụng cơ sở hạ tầng và các nguồn lực đã có.

Về dài hạn, Đà Nẵng cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển công nghệ thông tin; dịch vụ logistic và cảng biển...

Phân tích xu thế tăng trưởng của Đà Nẵng, TS Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay GRDP giảm từ mức 10-11% giai đoạn 1997-2010 xuống còn khoảng 8% giai đoạn 2011-2019; riêng 2020 do đại dịch Covid-19 giảm còn -8%. "Điều này cho thấy rõ mô hình phát triển dựa trên tài nguyên chủ yếu là nguồn lực đất đai của Đà Nẵng đã đến hạn, dư địa về đất đai không còn nhiều", ông Đông nói.

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng định hướng trở thành "thành phố đáng sống". Theo TS Đông, một thành phố đáng sống của thế kỷ XXI được xem xét và đánh giá trên 8 yếu tố cơ bản, gồm: Khí hậu thời tiết; hiện tượng tự nhiên bất thường; an ninh, an toàn cá nhân; chính trị và chất lượng không khí; dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ; nhà ở và tiện ích công cộng đầy đủ với chi phí hợp lý, đa dạng, phù hợp nhu cầu của các tầng lớp cư dân; tiếp cận với mạng lưới xã hội và giải trí; kết cấu hạ tầng đô thị.

Hiện nay Đà Nẵng cơ bản đáp ứng được một số yếu tố đầu tiên. Tuy nhiên, để đạt được các yếu tố còn lại, thành phố cần định hướng quy hoạch, xây dựng dựa trên các nguyên tắc như: Bảo tồn tự nhiên, di tích lịch sử; ưu tiên quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng [metro, xe buýt]; phát triển đô thị đầy đủ tiện ích...

Về du lịch - thương mại, TS Đông đề xuất Đà Nẵng phát triển tối đa từ lõi trung tâm thành phố, với các dịch vụ đa dạng và sôi động. Đưa trung tâm thành phố trở thành nơi du khách muốn trải nghiệm trước khi rời đi. "Khu trung tâm phát triển sẽ tạo sự lan toả tới những dự án khác trong thành phố", ông nói.

Ngoài ra, thành phố nên phát triển đô thị sân bay, nâng cao hiệu quả khai thác sân bay quốc tế Đà Nẵng; xây dựng trung tâm chế biến, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ logistic vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đặt gần cảng biển Liên Chiểu [không quá 10 km].

Về phía lãnh đạo Đà Nẵng, tại cuộc toạ đàm kỷ niệm 25 năm trực thuộc Trung ương diễn ra hôm 28/12, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch thành phố, cho biết định hướng phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030, khu vực dịch vụ sẽ phấn đấu tăng trưởng ở mức cao và ổn định, tiếp tục đóng góp lớn nhất trong cơ cấu GRDP.

Tuy nhiên ngoài du lịch, thành phố sẽ đẩy nhanh việc xây dựng và hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan... để kỳ vọng thương mại chiếm 15-16% GRDP. "Chúng tôi đang nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hài hòa, cân đối hơn và tìm kiếm động lực mới cho sự phát triển", ông Lê Trung Chinh nói.

Trong cuộc trao đổi với VnExpress trước đó, ông Chinh cũng cho hay vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế đã được lãnh đạo thành phố tính đến để phát triển bền vững.

"Với những ưu đãi của thiên nhiên, Đà Nẵng vẫn xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng không phải là duy nhất. Đi cùng với đó là phát triển về công nghệ thông tin và công nghiệp", ông nói, cho hay thành phố xác định công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh là một trong ba đột phá chiến lược từ nay đến 2030.

Nguyễn Đông

Video liên quan

Chủ Đề