Làm thế nào để xây dựng được đội ngũ khởi nghiệp thành công

Làm sao để tạo nên một đội ngũ hoàn hảo?

Một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ nắm trong tay mọi tiềm năng để phát triển, nhưng không gì khiến tình hình trở nên khó khăn nhanh chóng hơn là vấn đề “con người”. Trong nghiên cứu về quá trình hình thành một startup, những nhà đầu tư mạo hiểm góp 65% vào thất bại của doanh nghiệp vì những mâu thuẫn trong đội ngũ quản lý. Ở bài viết này, chúng ta sẽ được học về “Bí kíp tạo dựng một đội ngũ sáng lập chất phát ngất”:

Nội dung:

1. Tại sao lại là một đội ngũ?

2. Con số ma thuật

3. Một đội ngũ sáng lập nên trông như thế nào?

4. Bạn cần mẫu đội ngũ sáng lập nào?

5. Một đội ngũ hoàn hảo cần có những gì?

6. Xây dựng đội ngũ sáng lập ở đâu?


"Hãy thật sự cẩn trọng ở vấn đề này nhiều nhất, sự tồn vong của các doanh nghiệp khởi nghiệp là nằm trong tay của những nhà sáng lập."

Captain Planet sẽ không thể tồn tại với làn da màu lam, mái tóc màu lục và câu slogan của anh ấy nếu không có sự trợ giúp từ 5 cư dân ở hành tinh đó. Đúng vậy, bao gồm cả Ma-Ti và sức mạnh trái tim “hơi” vô dụng của cậu.

Ý tưởng có thể thay đổi và nâng cấp khi chúng được triển khai, vốn liếng luôn được tìm thấy ở đâu đó, và thương trường thì luôn chuyển dịch với vô vàn các đối thủ. Nhưng một đội ngũ giải quyết tất cả vấn đề trên chính là bộ mã DNA của doanh nghiệp.

Đó là lý do vì sao Paul Graham của Y-Combinator cho rằng mối quan hệ giữa những nhà sáng lập là một trong nhiều yếu tố quan trọng tạo nên thành công của startup.

“Mỗi cá nhân đều có thể tham gia cuộc chơi, nhưng một đội ngũ thì sẽ chiến thắng cuộc chơi đó” - Biệt kích hải quân SEAL [Navy SEAL]

Vậy thì hãy bắt đầu thôi, xem điều gì sẽ tạo nên một đội ngũ tuyệt vời!

1. Tại sao lại là một đội ngũ?

Là một doanh nhân độc lập không có gì sai, nhưng bạn phải nhận ra ngay từ ban đầu rằng, mình đang ở vị trí giống như một người khuyết tật.

“So sánh giữa cá nhân với một đội từ hai người trở lên thì việc ông bố/bà mẹ đơn thân nuôi dạy con cái là hoàn toàn khả thi, nhưng chắc chắn sẽ khó khăn và gian nan nhiều hơn để họ có thể đạt được kết quả như nhau” - Drew Houston, nhà sáng lập và CEO của Dropbox.

Theo Startup Genome Report, những nhà sáng lập cá nhân sẽ dành gấp 3.6 lần thời gian để phát triển doanh nghiệp so với một đội ngũ startup từ hai người trở lên. Và nó cũng cho thấy rằng đội ngũ sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và thành công hơn người kinh doanh độc lập.

Tại sao? Bởi vì đối với nhà đầu tư, đó là sự thể hiện của thiếu bản lĩnh. Không quan trọng bạn chăm chỉ hay tài giỏi hay ý tưởng của bạn đột phá như thế nào thì đối với nhà đầu tư, có vẻ như chẳng ai đặt lòng tin vào ý tưởng đó ngoài bạn. Kể cả khi bạn là Superman và có thể quản thúc mọi thứ một mình, bạn sẽ đánh mất đi những lợi thế như là có đa dạng nhiều kỹ năng khác nhau, có người để đối chiếu lại ý tưởng và có người để thuyết phục bạn khỏi những quyết định sai lầm.

Nhưng quan trọng hơn hết, bạn không có cộng sự để an ủi, động viên những khi tiến trình gặp khó khăn. Trong giới khởi nghiệp, tiềm năng rất nhiều, nhưng rủi ro cũng không ít. Khi không thể tránh khỏi cảm giác bị rơi xuống đáy vực, bạn đau đớn. So với việc phải đứng lên để đi tiếp là cực hình thì có một người bạn thấu hiểu những gì bạn đang trải qua để tâm sự và luôn có mặt khi cần sẽ tạo nên sự khác biệt trong thế giới này.

Để thành công trong việc một mình khởi nghiệp là hoàn toàn có khả năng, chính Foundr là minh chứng. Nhưng bạn đã bao giờ để ý rằng chỉ có một vài doanh nghiệp tự khỏi nghiệp đơn lẻ là thành công không?

Một nghiên cứu gần đây về những lợi thế cạnh tranh trong một đội ngũ bao gồm: “Nỗ lực của một người là không đủ cho những hoạt động mạo hiểm, và thông thường thì phải cần một đội ngũ hợp tác để mang lại những nguồn tài nguyên quan trọng và tương trợ lẫn nhau”.

Chắc chắn rằng ngoài kia có nhiều công ty mà trong đó, một nhà sáng lập nổi trội hơn những người còn lại, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phó mặc nhau.

Hiển nhiên, Steve Jobs không phải là nhà sáng lập duy nhất của Apple. Thương hiệu trở nên nổi tiếng đòi hỏi nỗ lực của một đội ngũ bao gồm Jobs, Steven Wozniak và Ron Wayne để có thể phát triển.

Bill Gates có Paul Allen, Richard Branson có Nik Powell và đối với Huffington Post thì Arianna Huffington đảm nhiệm biên tập chính, nhứng nó vẫn cần một đội ngũ 4 người để tồn tại. Mặc dù Batman được biết đến với những cuộc phiêu lưu đơn độc, nhưng nếu không có đội ngũ thân cận kề bên thì Batman cũng không thể là Batman.

Bạn có thể khởi nghiệp một mình, nhưng startup thôi cũng đã khó lắm rồi, thế thì tại sao phải làm việc đơn độc?

2. Con số ma thuật

Đây là một thông tin thú vị. Sau khi phân tích vài doanh nghiệp khởi nghiệp thành công thì có vẻ như con số hoàn hảo cho những nhà đồng sáng lập là 2.09. Một số người sẽ cho rằng 3 mới là con số hoàn hảo. Nhưng chung quy thì tối đa sẽ là 4, và nếu nhiều hơn thế thì chỉ có dẫn đến rắc rối mà thôi.

“Trong cuộc nghiên cứu của YC, 2 hoặc 3 nhà đồng sáng lập là hoàn hảo. 4 người thì vẫn khả thi, nhưng theo tôi thì chúng ta nên nhắm đến 2 hoặc 3” - Sam Altman, chủ tịch của Y Combination.

Lý do là vì đội ngũ sáng lập phải tinh tuý nhất có thể. 2 thì ổn bởi vì nó giúp phân chia đầy đủ những công việc cần thiết và lòng tin ở lẫn nhau rất cao. 3 thì sẽ đem lại sự đa dạng sở trường và vai trò cụ thể của mỗi người, nhưng đồng thời cũng sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn. 4 thì trên lý thuyết vẫn khả thi, hoàn thành nhiều việc hơn, nhưng lòng tin sẽ thấp hơn và quan điểm chính trị sẽ xen vào. Nhiều hơn con số đó có nghĩa là bạn sẽ có một người đại diện và dễ dàng bị chi phối bởi quyền lực và cái tôi thay vì phải hợp tác với nhau như ban đầu để cùng tạo dựng nên một sản phẩm nào đó.

Điều này đã được kiểm chứng đầy đủ, rằng một công việc đòi hòi càng nhiều người để hoàn thành thì quá trình thực hiện càng kém hiệu quả.

Có một thông tin thú vị dành cho bạn đây. Theo quan niệm của Trung Quốc, con số 4 được xem là xui xẻo. Bạn sẽ không bao giờ thấy nút số 4 trong thang máy ở Trung Quốc. Nhưng số 8 lại là số may mắn. Mọi quyết định đều phụ thuộc vào bạn từ đây.

Dù bạn chọn đội ngũ gồm 2, 4 hay 8 thì quan trọng nhất vẫn là các vai trò, kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Bởi vì nếu cộng sự là bản sao y hệt bạn, bạn nên chuẩn bị tinh thần đón chờ cơn bão đến đi là vừa.

3. Một đội ngũ sáng lập nên trông như thế nào?

Thứ cuối cùng bạn cần ở đội ngũ của mình là sự đa dạng của nhiều kỹ năng và chúng không được bù trừ nhau. Số lượng chắc chắn sẽ không bao giờ quan trọng bằng chất lượng mà từng cá nhân mang lại trong đội.

Một đội ngũ hoàn hảo sẽ gồm 3 nhân tố: nhà chiến lược, nhà phát triển và một hacker. 3 nhân tố này sẽ tạo ra một tam giác vàng - nền móng cho sự thành công.

Không quan trọng về số lượng trong đội, bạn cần phải bổ sung đủ 3 vai trò này nếu muốn thành công. Những vai trò khác, dù có hữu ích thế nào thì đều không cần thiết ở những giai đoạn đầu. Nếu có một người không đáp ứng được vai trò nào cả, hãy loại bỏ họ, bởi vì họ không hỗ trợ được bạn ngay lúc này và chỉ làm chậm tiến độ thôi. Nhớ rằng bạn đang cần những gì tinh tuý nhất có thể.

Sau đây là những tóm tắt cụ thể về 3 nhân tố này và lý do vì sao bạn cần chúng.

Không phải trong mọi trường hợp, nhưng thông thường thì CEO - nhà chiến lược là trái tim của cả đội. Dù mọi người đều nắm rõ mục tiêu chung và các khó khăn, nhưng nhà chiến lược là người tìm ra giải pháp và có thể nhìn thấy trước tương lai. Họ có khả năng truyền đạt hoài bão của mình đến cho người khác: đó là thuyết phục những khách hàng, thị trường và nhà đầu tư khỏi các mối nghi ngại và tạo cảm hứng cho cả đội. Công việc của họ luôn luôn phải đối mặt với mọi người.

 Nhà chiến lược thường không giỏi trong những khoản đòi hỏi sự tỉ mĩ vì họ thường nhìn nhận mọi thứ theo cách tổng quát. Dù đó có là đưa ra chiến lược, chiêu mộ và tuyển dụng những nhân tài cho công ty hay làm hài lòng những nhân vật quan trọng thì nhiệm vụ của họ chính là tập trung xử lý cả “bề chìm”, chứ không chỉ là mỗi “bề nổi”.

Nhà chiến lược phải bám sát mục tiêu và nắm bắt những cơ hội dù là nhỏ nhất. Họ luôn tìm cách để phát triển và mở rộng doanh nghiệp, và sẵn sàng thích ứng, thay đổi khi cần thiết. Kể cả nếu đó là tiếng nói bên trong họ, nhà chiến lược sẽ không để khó khăn níu chân họ, và luôn tiến về phía trước, gắn kết toàn đội ngũ lại với nhau.

“Để doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn thành công, bạn cần một người phát hiện ra những vấn đề và đưa ra giải pháp. Doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với khó khăn, nhưng để giữ lửa cho hoài bão của mình, bạn cần một người giỏi thuyết phục và người đó có thể vạch định con đường dẫn đến thành công” - Kalman Victor, Giám đốc sản xuất và nhà đồng sáng lập của Research Connection.

Nhà chiến lược gắn kết cả đội và quan trọng hơn hết là truyền tải cảm hứng cho họ.

Nếu nhà chiến lược là trái tim của cả đội thì nhà phát triển chính là tứ chi. Nhà phát triển đồng thời là người làm việc và phân công nhiệm vụ cho đội ngũ, họ đưa ra lịch trình và chắc chắn mọi người sẽ theo kịp tiến độ. Khi không biết điều gì đó, họ sẵn sàng học hỏi, và nếu công việc chưa được hoàn thành hiệu quả, họ sẽ dành hàng giờ để tìm ra giải pháp. Nhà phát triển không được định nghĩa bằng chức vụ hay danh hiệu, mà là bằng thái độ.

“Nhà phát triển sẽ hoá từng giây phút và mỗi nỗ lực của bạn thành con đường đến thành công. Thời khắc nào cũng đều có giá trị.” - Gary Vaynerchuk.

Nhà chiến lược có thể thấy bức tranh tổng quát thì nhà phát triển sẽ chú tâm vào những thứ nhỏ hơn. Mọi chi tiết, các mục tiêu mỗi ngày đều cần phải hoàn tất thì mới có thể mở rộng tầm nhìn. Nhà chiến lược xây nên một con tàu thì nhà phát triển là người khiến nó hoạt động.

Có sự hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, công nghệ, phát triển doanh nghiệp hay tài chính là lý tưởng nhất. Nhưng nhà phát triển sẽ “cân” tất cả, họ có khả năng đảm nhận mọi vị trí cần thiết cho đến khi tìm được người thích hợp hơn.

Hãy lưu ý rằng điều này không có nghĩa là nhà phát triển có thể dễ dàng được thay thế. Để tìm kiếm một người có đầy đủ chí cầu tiến và sự thúc đẩy là vô cùng hiếm có. Nhà phát triển bảo đảm sự cân bằng giữa nhà chiến lược và hacker và giúp họ làm việc cùng nhau. Họ luôn để mắt đến các chi tiết để đảm bảo con tàu sẽ tiếp tục tiến về phía trước.

Hacker chỉ quan tâm đến 3 thứ: sản phẩm, sản phẩm và sản phẩm.

Là bộ não của tổ chức, toàn bộ công việc của họ là đảm bảo những thiết bị công nghệ và phần cứng đều hoạt động hiệu quả. Nếu bạn chọn khởi nghiệp mảng công nghệ, bạn cần một nhà lập trình giỏi; nếu kinh doanh nhà hàng, bạn cần một đầu bếp giỏi; nếu bạn là nhà đầu tư mạo hiểm, bạn cần một người hiểu rõ về thị trường.

Dù doanh nghiệp của bạn là gì đi nữa, bạn luôn cần một người “ăn nằm” cùng sản phẩm.

“Trong kinh doanh, không có cảm giác nào tuyệt vời hơn là việc phát triển sản phẩm có tác động tích cực đến đời sống con người một cách sâu sắc nhất.” - Elliot Bisnow, CEO và nhà sáng lập của Summit Series.

Ngay từ lúc bắt đầu, hacker phải xác định được ý tưởng cho mẫu mã thiết kế của sản phẩm: mọi người đang mong đợi điều gì và tại sao nó lại tuyệt vời. Từ đó, họ chuẩn bị tâm lý để giải bài toán phức tạp này và luôn tìm ra nhiều phương thức khác nhau để phát triển và cải thiện giá trị mặt hàng của mình.

Trong những giai đoạn đầu của quá trình khởi ngiệp, sản phẩm là cực kỳ quan trọng, đơn giản bởi vì không có sản phẩm thì làm sao có doanh nghiệp. Cuối cùng, chất lượng và giá trị sản phẩm phụ thuộc vào chuyên môn của hacker. Thế nên hãy chắc chắn rằng bạn tuyển chọn hacker thật kỹ lưỡng vì sản phẩm được sinh ra và mất đi cũng là do chính họ.

Như bạn đã thấy, mỗi nhân tố đều có tầm quan trọng đặc biệt, và không cái nào có thể tồn tại nếu thiếu đi hai thứ còn lại. Do đó lại một lần nữa giải thích vì sao startup đơn lẻ khó đến vậy. Gần như là không thể để một người có thể gánh vác cả ba vai trò cùng lúc mà hiệu quả cả.

Đúng là cần một người dành cả tâm huyết cho mỗi vai trò, nhưng điều đó là không bắt buộc. Vẫn không thiếu những đội ngũ sáng lập chỉ gồm hai người mà trong đó một người đảm nhiệm song song cả vai trò chiến lược và phát triển, hay nhóm gồm bốn người và hai trong số đó là hacker.

Vài đội ngũ chú trọng hơn vào thế mạnh công nghệ, trong khi những nhóm khác lại muốn có nhiều thành viên quan tâm doanh nghiệp hơn. Chung quy thì phải tuỳ thuộc vào loại hình kinh doanh bạn muốn phát triển và sự đồng thuận từ đội xem nhân tố nào nên được ưu tiên.

Đây là một thông tin thú vị đến từ việc xây dựng đội ngũ sáng lập của Startup Genome Report.

“Một nhóm sáng lập đặt nặng vấn đề kinh doanh có cơ hội thành công gấp 6.2 lần trong lĩnh vực sale hơn là một nhóm chú trọng vào sản phẩm.
Một nhóm sáng lập đặt nặng vấn đề kỹ thuật công nghệ với startup tập trung vào sản phẩm mà không cần hiệu ứng mạng có cơ hội thành công gấp 3.3 lần so với startup cần hiệu ứng mạng.
Một đội ngũ cân bằng với một nhà sáng lập mặt kỹ thuật và một nhà sáng lập mặt kinh doanh kiếm được nhiều hơn 30% số tiền và tăng trưởng người dùng gấp 2.9 lần và giảm đi 19% rủi ro phát triển khi chưa đủ “chín muồi” so với đội ngũ đặt nặng một vấn đề kỹ thuật hay kinh doanh”. 

4. Bạn cần mẫu đội ngũ sáng lập nào?


Khi đã đến lúc xác định xem nhóm sáng lập hoàn hảo là như thế nào, Steve Blank gợi ý sử dụng Business Model Canvas. Nó là một công cụ đơn giản cho phép bạn tập trung vào 9 yếu tố quan trọng trong một loại hình kinh doanh, tất cả đều được sắp xếp để mô tả cách chúng tác động lên nhau.

Tất cả những gì bạn cần là công cụ cực kỳ đơn giản này khi cần tìm ra đội hình sáng lập thích hợp nhất. Đầu tiên, khung Key Activities sẽ miêu tả sản phẩm và cách truyền bá chúng đến khách hàng. Sau đó hãy so sánh với khung Key Resources, nơi mà bạn liệt kê những thứ cần thiết để vận hành kế hoạch. Đừng chỉ liệt kê mỗi nguồn vật chất như tiền bạc và cơ sở hạ tầng mà hãy đảm bảo có đủ trình độ chuyên môn nữa.

Có một khoảng cách khá lớn giữa những thứ bạn có khả năng đáp ứng và trình độ chuyên môn cần thiết để giúp doanh nghiệp vận hành, thế nên bạn phải bắt đầu tìm cho mình những nhà đồng sáng lập.

Trước khi chọn cộng sự và chia sẻ cho họ một nửa cổ phần, hãy xem xét thật kỹ lưỡng nguồn tài nguyên của mình. Suy nghĩ xem liệu bạn có thể tiếp tục cùng một nhà chuyên môn hay là một người làm theo hợp đồng.

Rất nhiều nhà sáng lập gặp phải tình trạng này khi bắt đầu mở rộng đội ngũ của họ. Một mặt thì bạn có thể có đồng sáng lập để cùng phát triển doanh nghiệp lâu dài, những bạn cũng sẽ mất đi một phần cổ phần của mình [xem qua Co-Founder Equity Calculator để khám phá thêm]. Một mặt khác thì bạn sẽ trả lương để họ làm việc cho bạn và khi đã hoàn thành xong, bạn hết vốn và họ cũng sẽ ra đi theo đó.

Vài doanh nhân sẽ không muốn chia sẻ cổ phần với ai cả, và họ phải phá sản vì cứ liên tục tuyển nhân viên theo hợp đồng để “trám” những lỗ hỏng chuyên môn. Một trong hai thứ hay xảy ra nhất đó là họ sẽ thất bại ngay từ các giai đoạn đầu tiên hoặc là là khi doanh nghiệp bắt đầu phát triển, họ nhận ra những nhân viên này chỉ có thể làm việc ngắn hạn, nhưng họ thì cần một ai đó cống hiến nhiều hơn. Nhiều doanh nhân sẽ hoảng loạn và ngay lập tức chia cổ phần cho người khác, rồi nhận ra kỹ năng của người này là không cần thiết trong chặng đường dài. Bạn sẽ làm gì tiếp theo đây?

Câu trả lời súc tích nhất là: Nếu bạn có một nguồn vốn cố định, không chỉ ở những giai đoạn đầu mà xét trên cả chặng đường phía trước thì lúc này hãy tìm cho mình một nhà đồng sáng lập. Nếu kỹ năng của họ có thể được thay thế thì nhìn nhận khả năng tài chính một lần nữa để xem bạn có thể chi trả những gì và trong thời gian bao lâu.

Đây là một quyết định khó khăn, nhưng nhớ rằng, đội ngũ sáng lập phải tinh tuý nhất có thể. Hãy tận dụng tối đa Business Model Canvas và hiểu rõ khả năng của mình. Hãy cho phép bạn được vây quanh bởi những người tài giỏi.

5. Một đội ngũ hoàn hảo cần có những gì?

Những fan hâm mộ thể thao sẽ bảo rằng: Kể cả khi đội ngũ sáng lập của bạn được khởi tạo bởi những “bản thảo” sơ cấp ban đầu, sẽ không có gì đảm bảo để cả đội thành công. Nhưng suy cho cùng thì một đội ngũ tuyệt vời không phải là do tài năng của từng cá nhân, mà là cách làm việc hiệu quả của toàn đội.

“Các cá nhân sẽ không chiến thắng trong kinh doanh, nhưng một đội nhóm thì có thể” - Sam Walton.

Cho nên dù các thành viên đa tài đa năng như thế nào, bạn sẽ không đi xa được trừ khi đội ngũ đáp ứng ba yếu tố quan trọng sau.

  • Sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau

Đây là hai thứ quyết định một mối quan hệ, chưa kể đến quan hệ trong kinh doanh. Nếu bạn không tin tưởng và tôn trọng cộng sự của mình - người mà bạn sẽ gặp hàng ngày khi vận hành doanh nghiệp, thì họ không phải nhà đồng sáng lập bạn đang cần.

Một việc mà các nhà sáng lập cực kỳ ghét đó là họ phải từ bỏ quyền tự chủ của mình. Thứ mà nhiều doanh nhân trẻ thường làm là quản lý vi mô. Tôi chắc chắn là chúng ta luôn có một người sếp hay “bới lông tìm vết”. Điều này khó chịu không tả được, và bạn sẽ cảm thấy bực tức vì có vẻ như họ chẳng tin tưởng bạn. Họ cũng không tôn trọng chuyên môn của bạn đủ để rời mắt khỏi công việc bạn đang làm. Và việc tiếp theo là bạn sẽ kể về họ trong một bài viết về kinh doanh như thế này.

Hình thành thói quen tin tưởng và tôn trọng bằng cách lắng nghe lẫn nhau, học cách trân trọng ý kiến của họ kể cả khi nó khác với bạn và tôn trọng những đóng góp của nhau. Có cho đi thì sẽ có nhận lại, bạn không thể có thứ bạn không cho đi được.

Nếu đội ngũ toàn là những người giống hệt bạn, thế thì xin “chúc mừng”. Những điểm yếu sẽ tăng lên theo cấp số nhân tuỳ thuộc vào số lượng thành viên trong đội.

Đừng phạm sai lầm này, đa dạng sẽ dẫn đến thành công. Đừng tạo dựng một đội ngũ toàn là phiên bản của bạn. Tài giỏi thì tài giỏi, nhưng bạn cần phải tỉnh táo tìm ra những người khác biệt so với mình để bảo đảm đội ngũ của bạn hoàn thiện về mọi mặt.

“Sự đa dạng: Nghệ thuật tư duy kết hợp một cách độc lập” - Malcolm Forbes.

Theo nghiên cứu của Journal of Business Strategy, có 3 khía cạnh các nhà đồng sáng lập tạo nên sự khác biệt: tư duy, chuyên môn và quyền lực. Nghiên cứu này đưa ra kết luận một đội ngũ thành công sẽ có sự đa dạng về tư duy ở mức trung bình, cao ở chuyên môn và thấp ở quyền lực.

Điều này có nghĩa là một đội ngũ hoàn hảo bao gồm những người sẵn sàng chấp nhận thử thách và thúc đẩy lẫn nhau, và chắc chắn không phải phiên bản copy của một ai đó trong mặt chuyên môn và kinh nghiệm, và đều được đối xử công bằng.

Các thành viên trong đội trò chuyện với nhau mỗi ngày. Đồng ý giao tiếp là chưa đủ, mà họ phải chú tâm vào câu chuyện nữa. Những cuộc thảo luận công khai là yếu tố quan trọng nhất để tạo phong cách và môi trường làm việc. Tuy nhiên là một đội nhưng các thành viên ghét bỏ lẫn nhau vẫn có thể thành công nếu họ chịu trò chuyện.

Giao tiếp cần nhiều hơn là chỉ nói chuyện với ai đó và nghĩ rằng họ đang lắng nghe. Thứ bạn cần là một cuộc đối thoại nghiêm túc mà trong đó mọi người đều được lắng nghe, chứ không phải là chỉ để nghe người khác mải mê nói.

“Hai chữ “thông tin” và “giao tiếp” thường được thay thế lẫn nhau, nhưng chúng lại có nhiều nghĩa khác biệt. Thông tin là để truyền đạt; giao tiếp là để hiểu về nhau” - Sydney Harris.

Tôi luôn là fan hâm mộ của bài kiểm tra DISC [Bài test hàng đầu về thấu hiểu nhân tâm], nó giúp bạn hiểu rõ kiểu giao tiếp và tương tác của mình. Mặc dù không phải là bài kiểm tra chính xác 100%, nhưng nó sẽ đưa ra một gợi ý nào đó hợp với bạn và các nhà đồng sáng lập còn lại.


6. Xây dựng đội ngũ sáng lập ở đâu?

Tôi biết bạn có thể làm việc cùng với cộng sự. Nhưng hãy hỏi bản thân rằng: Liệu bạn có thể kết hôn với người đó không?

Có lẽ bạn đã nghe qua phép so sánh này rồi, nhưng mối quan hệ giữa các bạn rất giống với một cuộc hôn nhân. Bởi vì sao? Bởi vì bạn sẽ đối mặt với người đó hàng ngày cho đến khi nào doanh nghiệp dừng hoạt động. Stress và áp lực sẽ khiến bạn bứt tóc và thậm chí là muốn “cứa cổ” đối phương. Nghe giống hôn nhân đúng không nào?

Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ chiếm trọn cuộc sống của bạn, không có lối thoát. Cho nên người bạn chọn làm đồng sáng lập sẽ phải là người bạn quyết định làm bạn đời.

Để tìm được người đó sẽ không dễ dàng. Trở lại với phép so sánh trên thì việc tìm kiếm giống như là hẹn hò vậy. Chỉ cần thay thế tuần trăng mật bằng những buổi tối làm việc muộn ở văn phòng và la hét với cộng sự rằng ý tưởng của họ thật ngu ngốc.

Với những ai đang tìm kiếm đồng sáng lập. Nơi thích hợp nhất để làm việc đó là mạng lưới chuyên nghiệp của bạn. Những người bạn từng học chung trường hay từng làm việc với nhau, hoặc thậm chí là ai đó ở chỗ làm hiện tại - tóm lại đó là người bạn biết rõ mình có thể cùng hợp tác.

Bạn cũng có thể làm việc cùng bạn bè hay gia đình. Điều này cũng mang lại nhiều ưu điểm vì bạn hiểu họ và tin tưởng nhau nhiều hơn. Nhưng bạn hãy nhớ rằng công tư phân minh, không phải ai cũng làm được đâu.

Tất nhên bạn cũng có thể sáng lập đội ngũ với những người chưa quen biết. Dù không là ý hay cho lắm, nhưng hãy cố gắng đặt cược vào đúng người. Đừng mời gọi ai đó làm nhà đồng sáng lập nếu bạn không muốn tuyển dụng họ làm nhân viên.

Sau đây là danh sách những nguồn để bạn gặp gỡ và kết nối với những ai đang tìm kiếm cộng sự:

  • FounderDating

  • CoFoundersLab

  • Founder2Be

  • StartupWeekend

  • YouNoodle

  • Meetup for Entrepreneurs

Kết luận

Mặc dù thế giới thích ý tưởng nhà sáng lập độc lập hơn và cho rằng nó sẽ đem lại sự đổi mới, nhưng thực tế khác xa lý thuyết. Bạn không thể trở thành nhà lãnh đạo nếu không có ai để bạn lãnh đạo cả.

Mỗi đội ngũ sẽ khác biệt về số lượng và loại hình, nhưng 3 nhân tố cốt lõi là nhà chiến lược, nhà phát triển và hacker vẫn luôn giống nhau trong đội startup thành công. Có lẽ sẽ có lúc bạn không thể gánh vác tất cả mọi thứ, cho nên hãy chia sẻ phần công việc với người khác. Là doanh nhân, bạn phải giải quyết cả bề chìm và bề nổi của tảng băng. Vì thế, hãy hợp tác với những người thông minh và để họ làm việc của họ và bạn làm việc của bạn.

Nhưng một đội ngũ “chất phát ngất” chỉ chất khi họ gắn kết với nhau, chứ không phải vì khả năng của mỗi cá nhân. Khởi nghiệp sẽ có tác động đến các mối quan hệ giống như những chú chó thích tất vớ vậy, chúng sẽ tìm mọi cách để xé toang nó ra. Cho nên hãy cẩn thận chọn nhà đồng sáng lập bạn có thể tin tưởng thay vì tìm người bổ sung khuyết điểm cho bạn.

Thế là xong, bạn đã nắm trong tay bí kíp tạo dựng đội ngũ sáng lập chất phát ngất của Foundr. Bạn là nhà chiến lược, nhà phát triển hay là hacker? Và vì sao?

----------  

Tác giả: Jonathan Chan

Link bài gốc: The Ultimate Guide To Creating The Perfect Founding Team

Dịch giả: Phan Thái Hiền - ToMo - Learn Something New 

[*] Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phan Thái Hiền - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

[**] Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

[***] Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: //bit.ly/ToMo-hiring.

361 lượt xem

Video liên quan

Chủ Đề