Mối quan hệ giữa học sinh với giáo viên

Trong bất kỳ môi trường sư phạm nào, sợi dây liên kết giữa giáo viên và học sinh luôn được nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là nền tảng, để tạo nên một môi trường giáo dục nhân văn và hiệu quả. Với chương trình Đào tạo giáo viên hiệu quả T.E.T, tiến sỹ Thomas Gordon cho rằng cần thiết phải tồn tại một kiểu quan hệ đặc biệt – một kiểu kết nối, liên kết hoặc cầu nối đặc biệt giữa người dạy [giáo viên] và người học [học sinh]. Đơn giản hơn, Thomas Gordon muốn chúng ta tập trung vào chất lượng của lời nói và cách nói chuyện phù hợp nhất cho các tình huống khác nhau để giao tiếp giữa giáo viên và học sinh sẽ kéo họ lại gần nhau hơn và giúp nâng cao tính hiệu quả của giáo viên trong giảng dạy, của học sinh trong học tập.

“Một bạn học sinh […] cảm thấy không tự tin. […] Con nói chuyện với cô qua tin nhắn để tâm sự. Thay vì đưa ra lời khuyên, mình đã lắng nghe chủ động và đặt một số câu hỏi gợi mở. Con đã trải lòng nói ra vấn đề của mình. Kết thúc buổi nói chuyện đó, mình cảm nhận được cảm xúc của con đang rất phấn khích như vừa phát hiện ra điều gì mới mẻ nhưng thực ra con vẫn là người chủ động phát hiện ra vấn đề và tự đưa ra giải pháp phù hợp với mình. Về phía bản thân, mình cảm thấy rất vui khi con đã cởi lòng để chia sẻ suy nghĩ thầm kín mà vẫn không phải đưa ra giải pháp mang tính áp đặt cho con. Cám ơn T.E.T. Cám ơn các cô giáo đã mang khóa học đến với mình và các con.” – Đó là tâm sự của một giáo viên cấp Trung học phổ thông của trường PTLC Olympia với chúng tôi sau một thời gian “sống T.E.T” của mình.

Các giáo viên Olympia trong buổi đào tạo T.E.T tại trường.

Câu chuyện nhỏ đầy ấm áp ấy là một phần của bức tranh giao tiếp giữa giáo viên và học sinh mà chúng ta quan tâm trong môi trường nhà trường – nơi được coi là một xã hội thu nhỏ và ở đó chất lượng của mối quan hệ giữa người dạy và người học có vai trò vô cùng quan trọng. 

Lắng nghe chủ động


Lắng nghe dường như là việc giáo viên thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên, những gì giáo viên nghe thấy liệu có phải là những thông điệp mà học sinh muốn gửi đi? Những gì giáo viên hiểu liệu có phải là điều học sinh đang cố gắng truyền tải? Với kỹ năng LẮNG NGHE CHỦ ĐỘNG được giới thiệu trong chương trình T.E.T, giáo viên không những biết cách lắng nghe, kiểm tra tính chính xác của hoạt động lắng nghe mà còn thấu hiểu những thông điệp thực sự của học sinh. Điều đặc biệt hơn nữa, là khi giáo viên lắng nghe học sinh với sự chấp nhận, chân thành và thấu cảm, học sinh sẽ có cơ hội để được phát triển bản thân mình: điều hòa cảm xúc, nhận diện vấn đề thực sự của bản thân và tự mình đưa ra những giải pháp cho vấn đề mà mình đang vướng phải. 

Đương đầu với hành vi không mong đợi


Trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, có nhiều thời điểm hành vi của người này gây cản trở cho việc đáp ứng nhu cầu của người kia. Thông thường giáo viên dễ sa vào đổ lỗi, chỉ trích học sinh và đòi hỏi học sinh phải chấm dứt hành vi đó hoặc thực hiện một hành vi mà giáo viên mong muốn. Với cách đó, học sinh thường phản ứng gay gắt và không thay đổi hành vi của mình. Khi đó, tiến sỹ Thomas Gordon đề nghị giáo viên sử dụng các THÔNG ĐIỆP TÔI thay thế cho những cách tiếp cận thông thường để khiến học sinh chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc điều chỉnh hành vi của mình, cho chúng cơ hội để thay đổi hành vi xuất phát từ việc quan tâm đến nhu cầu của giáo viên. Bằng cách này học sinh sẽ trưởng thành hơn và phát triển khả năng tự chịu trách nhiệm.

Giải quyết xung đột ổn thoả
Xung đột trong nhà trường, cũng như tất cả những xung đột trong đời sống, là một phần tất yếu không thể tránh khỏi. Những xung đột chính là thời khắc sự thật trong một mối quan hệ, là bài kiểm tra tình trạng sức khỏe của mối quan hệ, là một cuộc khủng hoảng khiến mối quan hệ đó yếu đi hoặc mạnh hơn, đẩy những người liên quan ra xa nhau hoặc kéo họ lại gần nhau và tạo nên sự hòa hợp và tình thân. Vậy nên, chúng ta không thể tránh được xung đột, điều quan trọng nhất là giải quyết xung đột đó như thế nào để cả hai có thể cùng thắng và mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Cách tiếp cận cơ bản của giáo viên, cũng như phụ huynh, thường là nghĩ tới cách giải quyết xung đột theo hướng ai đó thắng và ai đó thua. Điều đó không chỉ đặt giáo viên vào tình huống băn khoăn xem mình cần trở nên nghiêm khắc [để thắng] hoặc dễ dãi [để học sinh thắng] mà còn gặp phải nhiều phản kháng và cự tuyệt từ học sinh. 

“Khi tôi đang giảng bài thì học sinh nói chuyện riêng nhiều đến mức át cả tiếng của giáo viên. Sau khi tôi yêu cầu học sinh trật tự, nhắc lại nguyên tắc về âm lượng và tôn trọng, chỉ một vài phút sau tiếng xôn xao lại nổi lên. Điều đó lặp đi lặp lại nhiều lần trong khoảng 30 phút. Trước đây tôi sẽ bắt đầu cảm thấy giận giữ vì không được tôn trọng. Nhưng sau khi tham gia khóa Đào tạo Giáo viên Hiệu quả tôi hiểu rằng đằng sau việc học sinh nói chuyện riêng như thế hẳn phải có những lý do nhất định. Tôi quyết định tạm dừng bài dạy, dành thời gian nói chuyện với các con và cùng các con sử dụng phương pháp giải quyết xung đột ổn thỏa để quản lý xung đột này. Chúng tôi mất khoảng 15 phút để nhìn ra nhu cầu của nhau, đưa ra các giải pháp cho vấn đề, phân tích đánh giá và lựa chọn giải pháp, phân công trách nhiệm thực hiện giải pháp. Sau đó tôi đã có 45 phút hoàn toàn được dạy và học với đúng nghĩa của nó và cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái, được tôn trọng và được đáp ứng nhu cầu của bản thân. Bài học lớn nhất ở đây là sự tôn trọng học sinh và chính mình, là tinh thần dân chủ thực chất tôn trọng quyền và tiếng nói của từng cá nhân học sinh và giáo viên. Đồng thời, giáo viên cũng cần “dũng cảm” để không sử dụng quyền lực của mình trong giải quyết những mâu thuẫn về nhu cầu với học sinh.” – Một giáo viên cho biết về tình huống sử dụng phương pháp Giải quyết xung đột ổn thỏa của chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu quả trong thực tế lớp học của mình.

Rất tò mò về hiệu quả của việc xử lý tình huống đó trong lớp học, chúng tôi đã tìm tới một bạn trong lớp học của giáo viên ngày hôm đó và con cho biết “Đó là một tiết học rất tuyệt, vì giáo viên đã xử lý một vấn đề có thực trong lớp bằng chính lý thuyết mà cô dạy bọn con. Và nó rất mượt!”  Với tinh thần dân chủ và sự cởi mở, chân thành trong việc giao tiếp, giáo viên và học sinh đã thể hiện sự tôn trọng những nhu cầu và giá trị của nhau cũng như quyền được đáp ứng những nhu cầu đó. Các kỹ năng như Lắng nghe chủ động, Đương đầu với hành vi không mong đợi, Phương pháp giải quyết xung đột ổn thỏa,… của chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu quả, nhờ đó được sử dụng là công cụ để phát triển những mối quan hệ lành mạnh - là tiền đề để cả giáo viên và học sinh phát triển thành những phiên bản tốt hơn của chính mình, đồng thời tiếp tục gắn kết với nhau trong tôn trọng, yêu thương và hòa thuận.

Dường như tinh thần và hiệu quả của những kỹ năng mà giáo viên trường PTLC Olympia được cung cấp từ chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu quả trong thời gian qua đang hiện diện nhiều hơn trong không gian lớp học, nhà trường, giúp giáo viên và học sinh hợp tác tốt hơn để cùng nhau đạt được những mục tiêu giáo dục của cá nhân và của cả nhà trường.

Cô Phạm Thị Hoài Thu,

Giảng viên được chứng nhận [Certitified Instructor] tại Việt Nam của Chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu Quả; Phụ trách chương trình T.E.T tại Olympia.

Việc cải thiện mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên đến nhiều kết quả quan trọng, tích cực và lâu dài đối với sự phát triển về cả mặt học tập và xã hội của học sinh. Chỉ đơn thuần cải thiện mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên sẽ không mang lại lợi ích trong các thành tựu. Tuy nhiên, những học sinh có các mối quan hệ thân thiết, tích cực và khích lệ với giáo viên của chúng sẽ đạt được những thành tựu ở mức cao hơn những học sinh có nhiều mâu thuẫn trong các mối quan hệ này.

Hãy tưởng tượng một người học sinh cảm nhận được một mối liên kết cá nhân mạnh mẽ với giáo viên của mình, thường xuyên trò chuyện cùng người giáo viên này, và nhận được sự dẫn dắt mang tính xây dựng và lời khuyên nhiều hơn sự chỉ trích từ người giáo viên. Người học sinh này sẽ có xu hướng tin tưởng giáo viên của mình hơn, thể hiện sự cam kết trong học tập nhiều hơn, cư xử tốt hơn trên lớp và đạt được nhiều thành tựu học thuật ở các mức cao hơn. Mối quan hệ học sinh – giáo viên tích cực hướng học sinh vào quá trình học tập và đẩy mạnh ham muốn được học hỏi [với điều kiện rằng nội dung tài liệu của lớp học có sự thu hút, phù hợp với lứa tuổi và cân xứng với kĩ năng của học sinh].

Hướng dẫn học tập chất lượng cao

Các hướng dẫn học tập chất lượng cao được thiết kế để phù hợp với trình độ học vấn của học sinh. Nó còn tạo cơ hội cho tư duy và phân tích, sử dụng các phản hồi một cách hiệu quả để điều hướng quá trình tư duy, và mở rộng các kiến thức từ trước của học sinh.

Các mối quan hệ học sinh – giáo viên tốt là như thế nào và vì sao các mối quan hệ này lại quan trọng?

Các giáo viên nuôi dưỡng được mối quan hệ tích cực với học sinh của mình tạo ra môi trường lớp học thuận lợi hơn cho sự tiếp thu và đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhu cầu cảm xúc và học tập của học sinh. Sau đây là một vài ví dụ điển hình về sự thân thiết giữa giáo viên và học sinh:

Một học sinh trung học phổ thông chọn chia sẻ với giáo viên của mình về việc mình vừa nhận được một vai diễn trong một vở kịch cộng đồng bởi vì cậu ấy biết giáo viên của cậu ấy sẽ bày tỏ sự hứng thú chân thành với thành công của cậu.

Một cậu bé lớp bốn đang vật lộn với môn toán tỏ ra thoải mái khi thừa nhận với giáo viên của mình rằng cậu bé cần giúp đỡ trong việc nhân chia phân số, mặc dù đa số các học sinh khác trong lớp đều đã làm qua bài toán này.

Một bé gái trung học cơ sở bị bắt nạt bởi các học sinh khác và tìm đến giáo viên dạy khoa học xã hội của mình để trao đổi về việc đó, bởi vì cô ấy tin tưởng rằng người giáo viên sẽ lắng nghe và giúp đỡ mà không khiến cô ấy cảm thấy như mình mù mờ kĩ năng xã hội.

Mối quan hệ giáo viên-học sinh tích cực sẽ góp phần vào sự điều chỉnh trường học và vào hoạt động học thuật và cộng đồng

Các mối quan hệ giáo viên-học sinh tích cực – được thể hiện qua việc giáo viên cho biết có ít mâu thuẫn, mức độ thân thiết và khích kệ cao, và có ít sự phụ thuộc – đã được nhận thấy có thể hỗ trợ khả năng thích nghi của học sinh với trường học, góp phần vào kỹ năng xã hội, đẩy mạnh thành tích học tập và nuôi dưỡng sức bật của học sinh trong các hoạt động học thuật. [Battistich, Schaps, & Wilson, 2004; Birch & Ladd, 1997; Curby, Rimm-Kaufman, & Ponitz, 2009; Ewing & Taylor, 2009; Hamre & Pianta, 2001; Rudasill, Reio, Stipanovic, & Taylor, 2010].

Các giáo viên trải nghiệm qua những mối quan hệ thân thiết với học sinh cho biết rằng học sinh của họ ít có xu hướng né tránh trường học, tỏ ra có khả năng điều phối bản thân, có tinh thần hợp tác và có tập trung tham gia học tập hơn [Birch & Ladd, 1997; Decker, Dona, & Christenson, 2007; Klem & Connell, 2004]. Các giáo viên sử dụng những phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trọng điểm [tức các phương pháp nhạy cảm với sự khác biệt của các cá thể học sinh, bao gồm quá trình đưa ra quyết định của học sinh, và nhận thức được các nhu cầu phát triển, cá nhân và quan hệ của chúng] tạo ra động lực lớn hơn cho các học sinh của họ, hơn là những người ít dùng các phương pháp này [Daniels & Perry, 2003].

Học sinh tham dự các lớp dạy toán với sự hỗ trợ tinh thần cao hơn đã ghi nhận sự tăng dần thái độ tích cực trong việc tiếp thu kiến thức toán học. Ví dụ, các học sinh lớp năm nói rằng chúng sẵn sàng dồn nhiều sức hơn để hiểu những bài dạy môn toán. Chúng thích việc suy nghĩ và giải quyết các vấn đề toán học và sẵn lòng giúp đỡ bạn cùng trang lứa học những khái niệm mới [Rimm-Kaufman, Baroody, Larsen, Curby, & Abry, 2014]. Đối với trẻ mẫu giáo, báo cáo cho thấy các học sinh thích trường lớp hơn và cảm thấy ít cô đơn hơn nếu chúng có mối quan hệ gần gũi với giáo viên của chúng. Hơn thế nữa, trẻ mẫu giáo có các mối quan hệ tốt hơn với giáo viên thể hiện tốt hơn trong các bài đánh giá về các kĩ năng học tập từ sớm [Birch & Ladd, 1997].

Chất lượng của các mối quan hệ giáo viên-học sinh từ sớm có những ảnh hưởng lâu dài. Cụ thể hơn, các học sinh có nhiều mâu thuẫn với giáo viên hoặc thể hiện sự lệ thuộc vào giáo viên ở mẫu giáo cũng có các thành quả học tập thấp hơn [được phản ánh thông qua điểm số trong toán học và nghệ thuật ngôn ngữ] và có nhiều vấn đề về hành vi hơn [các thói quen học tập kém, các vấn đề về kỉ luật] đến tận lớp tám. Các kết quả này lớn hơn ở các bé nam so với các bé nữ [Hamre & Pianta, 2001]. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy trẻ mẫu giáo thân thiết và ít mâu thuẫn với giáo viên của mình phát triển được các kĩ năng xã hội tốt hơn khi chúng tiến gần đến cấp trung học cơ sở so với các trẻ mẫu giáo có các mối quan hệ nhiều mâu thuẫn trong quá khứ [Berry & O’Connor, 2009]. Một nghiên cứu gần đây về mối quan hệ giáo viên-học sinh xuyên suốt thời tiểu học [từ lớp một đến lớp năm] phát hiện rằng sự thân thiết giữa giáo viên và học sinh có liên kết với các thành quả trong việc đọc, trong khi sự mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh có liên quan đến các thành quả đọc thấp hơn [McCormick & O’Connor, 2014].

Ngược lại, mối quan hệ giáo viên-học sinh tiêu cực là như thế nào?

Các giáo viên có quan hệ tiêu cực với một học sinh thể hiện sự bực dọc, khó chịu và tức giận với học sinh đó. Các giáo viên có thể thể hiện sự tiêu cực của mình qua các lời bình mang tính xỉa xói và mỉa mai đối với học sinh đó, hoặc miêu tả cảm giác mình luôn vất vả và mâu thuẫn với một học sinh nhất định. Thông thường, các giáo viên sẽ miêu tả một học sinh là “người khiến họ kiệt sức” hoặc “một đứa học trò làm họ cảm thấy bị vắt kiệt và cháy sức.”

Các mối quan hệ giáo viên-học sinh tiêu cực có thể bị khuếch đại khi giáo viên tỏ sự khó chịu và tức giận với một vài hoặc nhiều học sinh trong lớp. Trong các loại lớp học này, các giáo viên thường bắt gặp việc mình phải sử dụng đến việc la hét hoặc kiểm soát bằng hình phạt khắc nghiệt. Giao tiếp giữa giáo viên và học sinh có thể tỏ ra mỉa mai và thiếu tôn trọng. Phân biệt đối xử và bắt nạt học sinh là các diễn biến thường thấy trong những lớp học tiêu cực như vậy [Pianta, La Paro, & Hamre, 2006].

Mối quan hệ tiêu cực gây căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh [Jennings & Greenberg, 2009; Lisonbee, Mize, Payne, & Granger, 2008] và có thể gây hại cho sự phát triển của học sinh trong học tập và cảm xúc-xã hội [McCormick & O’Connor, 2014; O’Connor, Collins, & Supplee, 2012].

Các quan điểm lý thuyết nhằm giải thích hành vi của học sinh

Ba quan điểm lý thuyết dưới đây – thuyết gắn bó, thuyết nhận thức xã hội và thuyết tự hệ thống – giúp giải thích vì sao học sinh cư xử theo những cách nhất định trong lớp học và làm cách nào để sử dụng các mối quan hệ để tăng cường việc học tập.

Thuyết gắn bó – “Attachment Theory”

Thuyết gắn bó giải thích vì sao học sinh sử dụng những mối quan hệ tích cực với người lớn để tổ chức các trải nghiệm của mình [Bowlby 1969]. Trọng tâm của học thuyết này là việc học sinh có các mối quan hệ tích cực với giáo viên xem người giáo viên là “nền tảng vững chắc” để tự do khám phá môi trường lớp học. Trong thực tế, học sinh có được “nền tảng vững chắc” này sẽ cảm thấy an toàn khi phạm lỗi và cảm thấy thoải mái hơn trong việc tiếp nhận các thử thách cần thiết cho việc học. Các mối quan hệ giáo viên-học sinh vững chắc còn có thể đóng vai trò như một màng đệm chống lại những ảnh hưởng đối nghịch có thể xảy ra do sự gắn bó phụ huynh-con trẻ không an toàn tác động lên thành tích học tập của học sinh [O’Connor & McCartney, 2007].

Thuyết nhận thức xã hội – “Social Cognitive Theory”

Thuyết nhận thức xã hội nhận định rằng học sinh phát triển một lượng lớn các kỹ năng chỉ đơn thuần bằng cách nhìn người khác thực hiện các kỹ năng này. Do đó, hành vi mẫu có thể là một phương thức tích cực và hiệu quả trong giảng dạy [Bandura, 1986]. Áp dụng vào môi trường lớp học, các giáo viên đóng vai trò quan trọng là những hình mẫu thực tế để học sinh có thể học các hành vi xã hội và kĩ năng giao tiếp tích cực. Thuyết nhận thức xã hội còn giải thích tầm quan trọng của các phản hồi và động viên từ giáo viên lên sự vận hành của học sinh. Các giáo viên đóng vai trò những khuôn mẫu và giúp điều phối hành vi của học sinh thông qua tương tác và các mối quan hệ.

Thuyết tự hệ thống

Thuyết tự hệ thống nhấn mạnh tầm quan trọng của động lực nơi học sinh và từ đó giải thích tầm quan trọng của mối quan hệ giáo viên-học sinh [Harter, 2012; McCombs, 1986]. Học sinh đến với lớp học với ba nhu cầu tâm lý chính – nhận thức về năng lực, tự do ý chí và được kết nối – và đều có thế được đáp ứng trong một lớp học thông qua tương tác của học sinh với giáo viên và với môi trường học tập [Deci & Ryan, 2002].

Hoạt động lớp học nuôi dưỡng được nhận thức về năng lực, sự tự do ý chí và cảm giác được kết nối có xu hướng tạo ra sự hăng hái và động lực cần thiết cho công tác học tập và thành tựu học thuật.

Nhận thức về năng lực nói về nhu cầu cảm nhận rằng mình có khả năng thực hiện công việc học thuật của học sinh. Tự do ý chí là cảm giác rằng một người có sự lựa chọn và khả năng đưa ra các quyết định. Cảm giác được kết nối chỉ ra rằng người học sinh cảm thấy được kết nối xã hội với các giáo viên hoặc bạn cùng trang lứa.

Các mối quan hệ giáo viên-học sinh tích cực giúp học sinh đáp ứng các nhu cầu này. Giáo viên đưa ra các phản hồi cho học sinh để nâng đỡ cảm nhận về năng lực của chúng. C ác giáo viên biết được sở thích và xu hướng lựa chọn của học sinh, để tâm và tôn trọng những khác biệt cá nhân này, sẽ thúc đẩy cảm giác tự do ý chí của học sinh. Các giáo viên tạo lập được mối quan hệ thân thiết và quan tâm cũng như nuôi dưỡng các tương tác xã hội tích cực trong phạm vi lớp học đáp ứng được nhu cầu về sự kết nối [hoặc kết nối xã hội với trường học]. Kết hợp lại với nhau, các mối quan hệ giáo viên-học sinh hiệu quả khẳng định với học sinh rằng người giáo viên quan tâm đến chúng và ủng hộ các nỗ lực học tập của chúng.

Các tác nhân gây căng thẳng với học sinh và giáo viên

Với học sinh

Mối quan hệ giáo viên-học sinh tích cực có thể cản trở một số những tác nhân gây căng thẳng thường gặp khi học sinh lớn lên và phát triển. Sự chuyển tiếp lên trung học cơ sở có thể là một khoảng thời gian căng thẳng với trẻ nhỏ; học sinh trung học cơ sở thường bị giảm động lực, giảm lòng tự trọng và biểu hiện sa sút trong học tập vấn [Feldlaufer et al., 1988].

Học sinh cảm nhận được sự hỗ trợ lớn từ giáo viên ít trải nghiệm trầm cảm và có sự phát triển lòng tự trọng lớn hơn trong giai đoạn từ lớp sáu đến lớp tám [Reddy, Rhodes, & Mulhall, 2003]. Các học sinh nhận thấy giáo viên có sự tôn trọng, sẵn sàng trong việc nâng đỡ tự do ý chí của mình, tập trung vào việc đặt ra các kì vọng thực tế và cá nhân hóa, và đưa ra các phản hồi mang tính nuôi dưỡng và xây dựng thường có động lực hơn trong trường học [Wentzel, 1997]. Cụ thể hơn, nếu một học sinh tin rằng “giáo viên của tôi tin tưởng tôi” hoặc “giáo viên của tôi trông cậy vào tôi để đưa ra đáp án”, học sinh đó sẽ hứng thú hơn với lớp học, sẵn sàng đồng nhất với các chuẩn mực xã hội tích cực của lớp học, và hào hứng hơn trong việc quán triệt các nội dung học thuật đang được giảng dạy [Wentzel, 1997].

Với giáo viên

Cũng giống như những chuyên gia khác trong các vai trò có tính đòi hỏi cao, các giáo viên có thể trải qua việc bị cạn kiệt năng lượng và căng thẳng tăng dần hoặc bị kiệt sức. Các giáo viên bị tiêu hao năng lượng về thể chất và cảm xúc gặp vất vả trong việc kéo dài các mối quan hệ vững vàng với học sinh [Jennings & Greenberg, 2009]. Giáo viên là những nhân tố phát triển và sức khỏe tâm lý của họ là vô cùng quan trọng đối với thành công của họ trong lớp học, đặc biệt đối với khả năng tạo các mối quan hệ có chất lượng cao với học sinh [Rimm-Kaufman & Hamre, 2010]. Các giáo viên cần phải dành thời gian quan tâm đến bản thân và nhận được sự giúp đỡ từ những người khác để cải thiện khả năng làm việc với học sinh.

Trong những thời khắc khó khăn, một nguồn hỗ trợ lớn cho các giáo viên đến từ cộng đồng người lớn trong phạm vi trường học [Bryk et al., 2010]. Sự đẩy mạnh hợp tác và giao tiếp giữa các giáo viên và các giáo vụ khác có thế cung cấp sự hỗ trợ xã hội cần thiết để giảm thiểu cảm giác căng thẳng và tái hồi phục năng lượng của giáo viên. Giáo viên cảm thấy tích cực về khả năng đối mặt với các tình huống thử thách và tạo các mối quan hệ thân thiết với người khác của mình thường có thể tạo ra các môi trường chất lượng hơn để có cải thiện đầu ra của học sinh [Brown, Jones, LaRusso, & Aber, 2010]. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc giáo viên cần chăm sóc cho sức khỏe tâm lý và phúc lợi của họ.

———-

Nguồn: Sara Rimm-Kaufman, PhD, and Lia Sandilos, PhD [Unknown], Improving Students’ Relationships with Teachers to Provide Essential Supports for Learning, American Psychological Association website, retrieved 18/11/2017 //www.apa.org/education/k12/relationships.aspx Người dịch: Trần Bích Hằng Người biên tập:  Nguyễn Kiều Anh Trang

Video liên quan

Chủ Đề