Năng lực nội sinh là gì

Bài viết đề cập đến một trong những vấn đề được quan tâm của nền kinh tế hiện nay là việc chuyển nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có, nguồn lao động rẻ và tăng qui mô vốn đầu tư sang mô hình tăng trưởng bền vững, luận giải tính cấp thiết của tăng trưởng bền vững đối với nền kinh tế nước ta hiện nay và chỉ ra vai trò của đầu tư đối với tăng trưởng bền vững. Các mô hình tăng trưởng kinh tế nội sinh cho thấy để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, cần phải đầu tư cho vốn vật chất, trước hết là đầu tư cho máy móc và thiết bị, đầu tư cho vốn con người và khu vực tri thức. Trong đó, đầu tư cho vốn con người và tri thức hiệu quả hơn theo nghĩa các khoản đầu tư cho vốn con người và tri thức tạo ra những tiền đề cho sự xuất hiện những tiến bộ khoa học công nghệ, đến lượt nó tiến bộ khoa học công nghệ sẽ là các tác nhân nội sinh của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Mở đầu

Tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và ổn định là một nhiệm vụ quan trọng của một quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao cho phép giải quyết những nhiệm vụ cơ bản của đất nước như bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao mức sống nhân dân, tăng cường an ninh quốc phòng và khẳng định vị thế của đất nước trong quan hệ quốc tế. Điều này giải thích tại sao tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề trung tâm trong các chính sách kinh tế và chiến lược phát triển của mọi quốc gia. Vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết hơn đối với các nước kém phát triển, bởi vì đây là con đường duy nhất để các nước này có thể thu hẹp khoảng cách và tiến tới đuổi kịp các nước
phát triển.
Vấn đề tăng trưởng là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng trưởng kinh tế chững lại trong năm 2016, đạt 6,2%, thấp hơn so với mức 6,8% của năm 2015. Nguyên nhân tăng chững lại trong năm qua về cơ bản là do sụt giảm trong các ngành nông nghiệp và khai khoáng, trong khi ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,6% và dịch vụ tăng lên gần 7% .
Năm 2017, nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 6,41% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quí III năm 2017 tăng 7,46%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng GDP chín tháng đầu năm 2017 là khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng 7,6%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12,8%, khu vực dịch vụ tăng 7,6%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,9%. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, hai doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành điện tử, điện thoại [như nhà máy Samsung], ngành thép [như nhà máy Formosa] [4].
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này vẫn là đặc điểm của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng vốn đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài, nguồn lao động rẻ và khai thác các nguồn tài nguyên, chất lượng tăng trưởng thấp, chỉ số ICOR vẫn ở mức lớn hơn 6. Điều này cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu để tăng trưởng, từng bước chuyển sang con đường phát triển trên cơ sở đổi mới sáng tạo để đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Sự phát triển vốn con người - nguồn gốc nội sinh của tăng trưởng kinh tế

Các nghiên cứu trên thế giới về các cơ sở phương pháp luận để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế bền vững chỉ ra rằng vai trò chủ yếu để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững là đầu tư hợp lý. Điều này lần đầu tiên được chỉ ra trong các nghiên cứu của Romer, Lucas và Rebelo. Theo Lucas [1988], đối với hệ thống kinh tế, tích luỹ vốn con người là nội sinh và cho phép giải thích một cơ chế cộng dồn tăng trưởng mà không cần phải viện đến một tăng trưởng ngoại sinh. Còn theo Romer [1990], tiến bộ kĩ thuật là nguồn gốc nội sinh của tăng trưởng, mà vốn con người lại là yếu tố hàng đầu cho việc sáng tạo ra tiến bộ khoa học công nghệ. Tác giả đưa ra khái niệm kho vốn con người và khái niệm kho tri thức hiện có trong một xã hội, kho tri thức này là một hàng hóa công cộng. Đóng góp quan trọng nhất của Romer và Lucas là các tác giả hình thành và đưa ra xu hướng mới cho tăng trưởng kinh tế dài hạn, gọi là học thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh [2; 3]. Các mô hình tăng trưởng kinh tế nội sinh được hình thành tùy thuộc vào nguồn gốc tăng trưởng kinh tế và đối tượng đầu tư.
Trong các mô hình với sự tích lũy vốn vật chất, giả định rằng công nghệ và tri thức được phản ánh trong vốn vật chất sẽ chuyển hóa thành hàng hóa công cộng và dưới sự tác động của hiệu ứng tràn [spillover effect] sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng năng suất của nền kinh tế.
Sự suy đoán của Lucas về khả năng tăng trưởng kinh tế liên lục dựa vào đầu tư cho vốn con người cho phép tác giả đề xuất mô hình, trong đó việc đầu tư cho vốn con người tạo ra hiệu quả làm cho trình độ phát triển công nghệ tăng nhanh hơn so với đầu tư vào vốn vật chất.
Những nghiên cứu về nguồn gốc của tiến bộ công nghệ, cơ chế xuất hiện và triển khai các đổi mới sáng tạo cho phép xây dựng các mô hình, trong đó nêu ra 2 khu vực chủ yếu tham gia vào quá trình hình thành tiến bộ khoa học công nghệ là: Khu vực sáng tạo và tích lũy tri thức [ý tưởng] và khu vực sản xuất hàng hóa [vật chất]. Trong hai khu vực trên thì ý tưởng là công cụ tạo ra những hàng hóa có giá trị gia tăng cao và do đó khu vực này là nhân tố có ý nghĩa hơn đối với tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, cần phải đầu tư cho vốn vật chất, trước hết là đầu tư cho máy móc và thiết bị, đầu tư cho vốn con người và khu vực tri thức. Trong đó, đầu tư cho vốn con người và tri thức hiệu quả hơn theo nghĩa các khoản đầu tư cho vốn con người và tri thức tạo ra những tiền đề cho sự xuất hiện những tiến bộ khoa học công nghệ, đến lượt nó tiến bộ khoa học công nghệ sẽ là các tác nhân nội sinh của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Việc đầu tư cho vốn con người cho phép đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Ở đây, vốn con người được hiểu là tổng thể các tài nguyên bao gồm kiến ​​thức, tài năng, kỹ năng, năng lực, kinh nghiệm, trí thông minh, động lực, trí tuệ sở hữu riêng và chung của các cá nhân được hình thành và tích lũy lại từ những kết quả đầu tư hợp lý có mục đích trong quá trình tái sản xuất xã hội, có vai trò thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, qua đó làm tăng thu nhập của người lao động [1].

Hạn chế đầu tư vào vốn con người và khoa học công nghệ - Tăng trưởng kinh tế không bền vững và cản trở đổi mới sáng tạo

Như vậy, vốn con người được thể hiện trong bản thân con người bằng tiềm năng mang lại thu nhập trên cơ sở những khả năng bẩm sinh về thể lực và trí lực, cũng như những kiến thức và kỹ năng nhận được trong quá trình xã hội hóa, giáo dục và hoạt động thực tiễn của con người, có khả năng tích lũy và nhân lên. Vốn con người được hình thành trước hết từ đầu tư nâng cao trình độ và chất lượng cuộc sống của dân cư, trong đó đặc biệt quan trọng là đầu tư cho giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật,... Nghĩa là việc đầu tư vào các lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện phát triển vốn con người. Nhưng việc đầu tư cho vốn cố định của các ngành hướng vào sự phát triển vốn con người trong ba năm gần đây không có gì thay đổi. Nhịp độ tăng vốn đầu tư vào các ngành hướng tới sự phát triển vốn con người trong các năm 2014-2016 có xu hướng giảm. Năm 2014 mức tăng vốn đầu tư vào các ngành này là 123%, năm 2015 chỉ còn 105%, và năm 2016 cũng chỉ đạt 117%. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình này là do trong cả thời kỳ này tỷ trọng của vốn đầu tư vào các ngành hướng tới sự phát triển vốn con người của nước ta không thay đổi và chỉ giữ ở mức 7% tổng đầu tư xã hội, tương đương 2 - 3% GDP.
Cho dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng việc đầu tư còn chưa đủ với nhu cầu và còn thiếu đồng bộ vào các ngành bảo đảm phát triển vốn con người dẫn đến chất lượng vốn con người được cải thiện còn chậm, nhịp độ tăng bộ phận dân số tích cực cho phát triển kinh tế và lực lượng lao động của nền kinh tế còn thấp, từ đó hạn chế tăng tổng sản phẩm trong nước.
Trong những thập niên gần đây, tri thức có vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Tri thức tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo và hình thành lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao. Không phải ngẫu nhiên mà tỷ trọng của các ngành công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ chiếm phần lớn và có xu hướng ngày càng tăng trong cấu trúc của GDP của các nước công nghiệp phát triển. Tỷ trọng bình quân của các ngành có cầu cao về tri thức như công nghệ cao, thông tin truyền thông, dịch vụ tài chính và dịch vụ kinh doanh trong GDP ở các nước này là 30-35% [4]. Chính vì vậy, các ngành này có nhịp độ tăng trưởng sản lượng, lao động, đầu tư, thương mại cao nhất. Mặt khác, ở các nước phát triển đầu tư cho nghiên cứu cơ bản được coi như một hướng chi ngân sách có hiệu quả cao, do đó, đầu tư cho tri thức ở các nước này tăng nhanh hơn so với đầu tư vào vốn cố định.
Năm 2017 Việt Nam đã có bước tiến rất quan trọng trong xếp hạng của thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo, từ vị trí 59/128 năm 2016 nâng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế. Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam vẫn còn thấp về các chỉ số như số người làm nghiên cứu khoa học trên 1 triệu dân. Chỉ số này của Việt Nam là 700 người trong khi Singapore là 6500 người, Hàn Quốc 6000 người, Nhật Bản 5000, Mỹ 4000, Malaysia 1600 người và Trung Quốc 900 người [5].
Trong khi đó đầu tư cho khoa học còn hạn chế. Ngân sách dành cho khoa học công nghệ của nước ta đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng với tầm vóc vàyêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá, vốn đầu tư cho khoa học trong giai đoạn từ 2013-2016, chỉ ở mức khiêm tốn gần 1% GDP. Trong khi đó, mức đầu tư của Trung Quốc cho khoa học công nghệ từ năm 2010 đã là 2,2% GDP, của Hàn Quốc là 4,5% GDP.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2013-2015 tỷ trọng nhóm hàng thô và mới sơ chế có xu hướng giảm dần từ 25,5% năm 2013 xuống 18,7% năm 2015, tương ứng nhóm hàng chế biến và đã tinh chế tăng từ 74,3% năm 2013 lên 81,3% năm 2015. Đây là xu hướng thay đổi khá tích cực, nhưng nếu tính đến yếu tố xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì tình hình vẫn đáng lo ngại, cụ thể là trong giai đoạn này thì tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tương ứng 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 và 70,6% năm 2015, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hầu hết là hàng hóa chế biến hoặc đã tinh chế. Như vậy, phần đóng góp vào xuất khẩu hàng hóa chế biến hoặc đã tinh chế của khu vực kinh tế trong nước còn nhỏ và chủ yếu giá trị kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn là doanh thu từ nhóm hàng hàng thô và mới sơ chế. Đây chính là hệ quả của thời kỳ duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô, khai thác tài nguyên sẵn có và huy động vốn đầu tư ở mức cao, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ tác động hạn chế sự phát triển kinh tế của đất nước, mà còn tạo những nguy cơ bất ổn cho sự tăng trưởng bền vững, bởi vì để đạt được sự tăng trưởng, chúng ta phải bán đứt khoáng sản, sức lao động giản đơn rẻ mạt, đất đai và thậm chỉ là quyền tự chủ, sáng tạo[7]. Ngoài ra, mô hình này còn cản trở sự phát triển đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. [Bảng 1]

Bảng 1: CƠ CẤU HÀNG XUẤT KHẨU 2013-2015
Đơn vị tính: %

Tên chỉ tiêu201320142015
Tổng kim ngạch xuất khẩu100100100
Hàng thô hoặc mới sơ chế25,523,818,7
Hàng chế biến hoặc đã tinh chế74,376.281,3
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài66,867,370,6


Nguồn: Tổng cục Thống kê

Kết luận và một số khuyến nghị

Tóm lại, vấn đế mấu chốt để Việt Nam ra khỏi tình thế hiện nay là vốn. Cần phải nhấn mạnh rằng ở các nền kinh tế phát triển đầu tư cho khoa học công nghệ được Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhưng cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế cũng dành nhiều vốn cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ áp dụng cho từng sản phẩm của mình.Ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân thì Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước tính trên GDP của Việt Nam là 0,5%, không thấp so với thế giới. Nhưng mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho KHCN còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho KHCN hằng năm vẫn dưới 1% GDP[7].
Như vậy, vấn đề hiện đại hóa nền kinh tế nhằm khắc phục tình trạng kỹ thuật lạc hậu, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng các nhu cầu phát triển vốn con người, khoa học công nghệ và đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi khối lượng vốn đầu tư rất lớn. Để giải quyết vấn đề này cần phải: Thứ nhất, hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, lao động rẻ và đầu tư theo chiều rộng hiệu quả thấp như hiện nay sang mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở đầu tư cho khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, đầu tư cho phát triển vốn con người để thúc đẩy sự phát triển đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. Thứ hai, điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển khoa học công nghệ một cách phù hợp theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, tạo được thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ. Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp về vai trò của khoa học công nghệ và lĩnh vực tri thức, từ đó thay đổi cách thức tiếp cận và nâng cao sự quan tâm của xã hội cho phát phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện cho người lao động, qua đó thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Thứ tư, cần có những thay đổi trình tự công nhận các kết quả nghiên cứu cho phù hợp hơn, nên công bố rộng rãi để các chuyên gia trong và ngoài nước có thể thẩm định, phản biện và thực tiễn đánh giá, thừa nhận và đặt hàng hoặc mua các kết quả nghiên cứu. Điều này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của người thực hiện các nghiên cứu và của cả các hội đồng thẩm định đối với hiệu quả của từng đồng vốn đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và tạo ra nguồn nội sinh của đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ.

Tài liệu tham khảo:

1. Di-a-lốp X.A.[1994], Cơ sở lý thuyết về vốn con người, NXB. XPBYEF, Moscow.
2. Đỗ Văn Đức [2016], Xác định nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, Tạp chí Ngân hàng, số 9/2016, tr.18, 2 - 8.
3. Ki-rơ-sin I.A. [2008], Sự biến đổi các quan niệm về sự tác động củ cơ chế hiệu suất tăng dần trong học thuyết phát triển kinh tế, Tạp chí Học thuyết Kinh tế, số 4, tr.128-146, Moscow.
4. Milner B. [2008], Quản lý tri thức trong nền kinh tế hiện đại,Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Moscow.
5. Báo điện tử CafeBiz [2015], Khoa học Việt Nam đang đứng ở đâu, cafebiz.vn/thi.../khoa-hoc-viet-nam-dang-dung-o-dau-20150618115712654.chn
6. Báo điện tử Đầu tư [2017], FDI là nhân tố chính thúc tăng trưởng kinh tế quý III, //baodautu.vn/fdi-la-nhan-to-chinh-thuc-tang-truong-kinh-te-quy-iii-d70407.html:
7. Báo điện tử Đại biểu Nhân dân [2017], Ngân sách - sự tôn trọng khoa học công nghệ,//www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=69&ItemId=221922&GroupId=1218.

PGS.,TS. Đỗ Văn Đức Học viện Ngân hàng

Video liên quan

Chủ Đề