Nạo va cho trẻ có tốt không

Phẫu thuật nạo VA được chỉ định khi nhiễm trùng tái phát trên 6 lần mỗi năm, nhiễm trùng gây biến chứng viêm tai giữa, chứng ngưng thở khi ngủ…

Theo BSNT.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, phẫu thuật nạo VA là cách điều trị cuối cùng cho tình trạng nhiễm trùng nếu bệnh nhi không đáp ứng với điều trị y tế thông thường.

VA là tên viết tắt của végétations adénoïdes trong tiếng Pháp. Đó là một vùng mô bạch huyết nằm ở trên và sau vòm miệng, nơi các khoang mũi tiếp xúc với hầu và chúng ta không thể nhìn thấy các tổ chức này từ miệng. VA thường giảm kích thước khi trẻ 7 tuổi và chúng chỉ còn rất nhỏ hoặc không tồn tại khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên khoảng 10 tuổi trở lên.

VA cùng với amidan đều có nhiệm vụ bẫy vi khuẩn và vi rút khi chúng xâm nhập qua mũi họng và tạo ra kháng thể để chống lại nhiễm trùng. Nhưng đôi khi, VA có thể bị viêm và trở thành ổ nhiễm trùng làm tắc mũi hoặc ống Eustachian nối phía sau mũi họng với tai. Trong trường hợp viêm tái phát nhiều lần, VA cần được loại bỏ để ngăn ngừa nhiễm trùng tai mũi họng xảy ra thường xuyên.

Phẫu thuật nạo VA là gì?

Phẫu thuật nạo VA là một phẫu thuật nhằm loại bỏ các tổ chức VA bị viêm và nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần, làm tăng nguy cơ viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.

Tại sao cần phẫu thuật nạo VA?

Bác sĩ Hằng cho biết, các ống Eustachian kết nối tai và cổ họng, nếu xảy ra viêm sưng VA sẽ làm tắc các ống dẫn này khiến trẻ có thể bị nhiễm trùng tai thường xuyên dẫn đến các vấn đề về tai giữa và mất thính giác.

Ngưng thở khi ngủ và chứng ngáy to cũng là một biến chứng liên quan đến sưng VA gây ra giấc ngủ kém ở trẻ. Trẻ ngủ không ngon giấc có thể dẫn đến khó tập trung ở trường, gặp các vấn đề trong học tập hoặc tâm lý như chứng tăng động, bốc đồng… Đó là lý do vì sao viêm VA tái phát nhiều lần cần phải được phẫu thuật nạo bỏ.[1]

Đối tượng chỉ định nạo VA

Bác sĩ tai mũi họng sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ VA cho trẻ từ 1 tuổi trở lên khi có các triệu chứng như sau:

  • Viêm VA tái phát trên 6 lần mỗi năm.
  • VA quá phát to lên gây bít đường thở, viêm mũi xoang trẻ em, ảnh hưởng đến tình trạng hô hấp của trẻ.
  • Vòi nhĩ bị tắc gây nhiễm trùng tai giữa, có thể thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến chức năng nghe.
  • Không đáp ứng với điều trị kháng sinh kéo dài.

Bác sĩ Hằng cho biết, viêm VA gây viêm tai giữa tái phát đôi khi phẫu thuật cắt bỏ VA có thể được kết hợp với việc lắp đặt ống thông vòi nhĩ. Việc loại bỏ VA không gây suy giảm miễn dịch hoặc tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng.

Các phương pháp nạo VA hiện nay

Bệnh nhi có thể được chỉ định hoặc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật nạo VA như sau.

1. Phẫu thuật kinh điển

Đây là phẫu thuật truyền thống dưới gây mê toàn thân. Sau khi trẻ ngủ do tác dụng của thuốc gây mê, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ Sluder Ballenger vào trong tổ chức VA để nạo các mô nhiễm trùng. Hoặc bác sĩ có thể bóc tách bằng thòng lọng hoặc dao kéo thông thường.

Phương pháp phẫu thuật truyền thống thường gây chảy máu và thời gian lâu lành hơn.

2. Phẫu thuật bằng dao điện

Dao điện sử dụng tần số đơn cực hoặc lưỡng cực để nạo VA. Phương pháp này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề cao và rất cẩn trọng vì nhiệt điện dễ gây ra vết bỏng sâu.

3. Phẫu thuật VA bằng dao siêu âm

Đây là phương pháp được sử dụng sóng siêu âm tần số cao khoảng 55.000 Hz để loại bỏ các mô VA. Sóng siêu âm ít gây đau nhưng cầm máu kém và thời gian phẫu thuật kéo dài.

4. Phẫu thuật bằng tia laser CO2

Phương pháp này sử dụng chùm tia laser CO2 để đốt và phá hủy các mô VA. Mặc dù có ưu điểm cầm máu nhanh, thời gian phẫu thuật ngắn nhưng việc sử dụng tia laser CO2 khó thao tác chính xác nên đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao.

5. Phẫu thuật VA bằng hệ thống Coblator

Hiện nay Coblator là phương pháp phẫu thuật VA được đánh giá hiệu quả nhất vì thời gian phẫu thuật nhanh chỉ 20-30 phút, ít đau, ít chảy máu, ít xâm lấn, thực hiện tốt ở cả các vị trí khó.

Coblator là một hệ thống phẫu thuật sử dụng công nghệ plasma với sóng năng lượng ở nhiệt độ thấp mức nhiệt khoảng 60-70 độ C để vừa cắt, hút, vừa tưới nước giúp loại bỏ VA triệt để.[2]

Quy trình nạo VA

1. Chuẩn bị trước khi nạo

Vài giờ trước khi phẫu thuật, trẻ sẽ phải ngừng ăn và uống.

Bác sĩ sẽ gây mê cho trẻ. Tác dụng của thuốc gây mê sẽ khiến trẻ ngủ trong quá trình phẫu thuật khoảng 30 phút, vì vậy bé không cảm thấy đau, cũng như không phải trải qua nỗi sợ hãi.

Người bệnh có thể lựa chọn hoặc được chỉ định phương pháp phẫu thuật VA

2. Thực hiện nạo VA

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ mở rộng miệng của trẻ bằng một dụng cụ nạo để loại bỏ các u tuyến bằng một trong số các kỹ thuật trong khi trẻ đang ngủ. Bác sĩ có thể sử dụng một thiết bị điện để giúp cầm máu. Hoạt động sẽ kéo dài từ 20 đến 30 phút.

3. Sau phẫu thuật nạo VA

  • Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ được đưa đến phòng hồi sức để chờ thức dậy trong khoảng 1-2 giờ. Sau đó, trẻ sẽ được chuyển đến phòng bệnh nội trú để, bác sĩ và điều dưỡng theo dõi sau thủ thuật cho trẻ.
  • Trẻ sẽ được kiểm tra nhiệt độ, hơi thở, nhịp tim và các dấu hiệu khác thường xuyên.
  • Bé có thể được dùng thuốc giảm đau khi cần thiết.
  • Khi hoàn toàn tỉnh táo, trẻ có thể đứng dậy để đi vệ sinh.
  • Trẻ có thể ăn uống bình thường sau mổ 3-4 giờ.
  • Nếu không có vấn đề gì xảy ra, trẻ có thể được xuất viện ngay trong ngày hoặc sáng hôm sau.

4. Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật nạo VA

Bác sĩ Hằng cho biết, sau phẫu thuật trẻ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc tốt để phục hồi vết thương. Theo đó, cha mẹ nên chăm sóc trẻ như sau:

  • Nếu trẻ được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau trước khi xuất viện thì sau khi về nhà cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc theo liều lượng trong kê đơn. Những loại thuốc giảm đau theo toa này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách.
  • Cha mẹ không được tự mua thuốc an thần, thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng histamine cho con dùng.
  • Vệ sinh miệng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối ấm hoặc hướng dẫn trẻ đánh răng nhẹ nhàng.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để bù dịch cho cơ thể.
  • Sau phẫu thuật tình trạng đau vẫn tiếp diễn trong vài ngày vì vậy trẻ có thể ăn thức ăn lỏng như cháo, súp. Sau khi hết đau, bé có thể ăn cơm bình thường với các bữa ăn giàu dinh dưỡng.
  • Không nên cho trẻ ăn/uống các loại trái cây giàu axit như họ nhà cam, táo vì axit gây sót, kích ứng niêm mạc khiến trẻ khó chịu.
  • Không nên cho trẻ ăn thức ăn cay, nóng, khô cứng.
  • Dạy trẻ cách hắt hơi khi há miệng. Đừng để bé xì mũi ít nhất một tuần sau khi phẫu thuật. Cha mẹ nên dùng khăn giấy để lau nhẹ nếu có sổ mũi.
  • Để giúp trẻ thở tốt hơn, cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để dùng trong phòng ngủ.
  • Trẻ nên hạn chế hoạt động mạnh trong 5-7 ngày sau khi phẫu thuật. Tốt nhất, cha mẹ nên chủ động hỏi bác sĩ khi nào bé có thể hoạt động bình thường trở lại.
  • Trẻ có thể tắm bình thường sau phẫu thuật.
  • Trẻ cần tránh xa đám đông để phòng nguy cơ cảm lạnh cũng như mắc các bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến tai mũi họng.
  • Trẻ có thể trở lại trường học hoặc nhà trẻ sau phẫu thuật 5-7 ngày.

Sau phẫu thuật trẻ nên được ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng và uống nhiều nước để phục hồi

Biến chứng sau nạo VA

Nếu trong quá trình phẫu thuật nạo VA có sai sót xảy ra, hoặc sau khi phẫu thuật trẻ không được điều trị để phục hồi đúng cách, đôi khi một số biến chứng phẫu thuật nạo VA có thể xảy ra như.

  • Chảy máu: Đây là một biến chứng ít gặp, nếu xảy ra trẻ cần phải đến bệnh viện để bác sĩ cầm máu cho trẻ.
  • Tổn thương vùng họng miệng: Đôi khi do họng miệng trẻ hẹp, có thể gây tổn thương môi, lưỡi, răng.
  • Thay đổi giọng nói: Sau khi vết thương đã lành, giọng nói của trẻ có thể bị thay đổi do thay đổi cấu trúc trong mũi họng, đây là biến chứng hiếm xảy ra. Trẻ gặp biến chứng này sau phẫu thuật cần điều trị bằng liệu pháp ngôn ngữ để lấy lại giọng nói.
  • Nhiễm trùng vết mổ: trẻ sẽ được bác sĩ kê toa thêm kháng sinh và hướng dẫn vệ sinh mũi họng sau mổ.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện ngay nếu sau phẫu thuật nạo VA có xuất hiện các tình trạng sau:

  • Trẻ bị sốt từ 38,5°C trở lên.
  • Bị nôn ói liên tục.
  • Trẻ ăn kém, bỏ ăn.
  • Trẻ bị chảy máu vùng mũi họng.

Các thắc mắc thường gặp về phẫu thuật nạo VA

1. Nạo VA có nguy hiểm không? Có gặp rủi ro không?

Nạo VA là một phẫu thuật nhỏ nhanh chóng, mau phục hồi và hiếm khi xảy ra biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng nguy hiểm hiếm gặp có thể xảy ra nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm, thiết bị y tế không đầy đủ. Do vậy điều quan trọng là trẻ cần được nạo VA ở các cơ sở y tế uy tín với bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm và tốt nhất là bệnh viện có hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại, chuyên nghiệp.

2. Nạo VA mang lại kết quả thế nào?

Phẫu thuật nạo VA giúp loại bỏ các mô bạch huyết vùng vòm mũi họng bị nhiễm trùng. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng viêm họng và phòng ngừa nhiễm trùng tai giữa, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc viêm mũi xoang.

3. Nạo VA có phải nằm viện không?

Thông thường, trẻ nạo VA cần nhập viện, sau phẫu thuật nạo VA trẻ có thể xuất viện trong ngày hoặc ngay sáng hôm sau.

4. Nạo VA có phải kiêng nói không?

Sao nạo VA, trẻ không cần phải kiêng nói nhưng không nên nói quá to, la hét gây ảnh hưởng đến vết thương.

5. Nạo VA có bị tái phát không?

Viêm VA có thể tái phát sau phẫu thuật nhưng chỉ xảy ra với một tỷ lệ rất nhỏ vì vậy không đáng lo ngại. Khi nạo VA qua nội soi, bác sĩ sẽ quan sát rõ các vị trí VA quá phát cần nạo nên hiếm khi bỏ sót VA.

6. Nạo VA bao nhiêu tiền?

Tuỳ vào dịch vụ hoặc loại phẫu thuật cũng như đơn vị y tế mà bạn lựa chọn phẫu thuật sẽ có các mức giá khác nhau. Để biết cụ thể chi phí nạo VA giá bao nhiêu, bạn có thể liên hệ trực tiếp bộ phận chăm sóc khách hàng của cơ sở y tế mình muốn phẫu thuật để được tư vấn cụ thể.

Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị thăm khám, chẩn đoán, điều trị chuyên sâu các bệnh lý về tai mũi họng, đặc biệt phẫu thuật nạo VA bằng kỹ thuật tiên tiến. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, được hỗ trợ bởi hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại cùng với sự kết hợp mật thiết trong chẩn đoán và điều trị giữa các chuyên khoa Tai Mũi Họng, Tim mạch, Thần kinh, Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh… giúp công tác khám chữa bệnh chuyên nghiệp, toàn diện, hiệu quả cao.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Bác sĩ Hằng nhấn mạnh, trẻ có thể gặp phải 2 loại viêm VA, đó là viêm VA cấp tính gây tắc nghẽn mũi, sốt và dẫn đến viêm tai giữa cấp tính hoặc viêm VA mạn tính gây cảm lạnh thường xuyên, rối loạn chức năng vòi nhĩ gây viêm tai giữa, viêm họng thanh quản, viêm phế quản tái phát, rối loạn sức khỏe [chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, sốt không rõ nguyên nhân], vấn đề về tiêu hóa do nuốt đờm. Và phẫu thuật nạo VA rất cần thiết để loại bỏ các mô VA bị nhiễm trùng nhằm phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng tai, mũi, họng do viêm VA gây ra.

Chủ Đề