Nét đẹp trong trang phục của người Hà Nội

[HNMCT] - Người Hà Nội tự hào với câu nói “ăn Bắc, mặc Kinh" - chỉ nét đẹp trong cách ăn mặc của người kinh kỳ - Kẻ Chợ. Để rồi khi chứng kiến những biến đổi không ngừng, những người nặng lòng với mảnh đất này lại băn khoăn: Nét lịch thiệp trong văn hóa mặc của người Thăng Long xưa có còn tồn tại? Nó đang biến đổi theo hình thức nào và quan trọng hơn là làm thế nào để giữ gìn, phát huy được vẻ đẹp lịch sự, trang nhã trong cách ăn mặc của người Hà Nội mà vẫn phù hợp với không gian của một Thủ đô đang trên đà phát triển?

Người Hà Nội không chỉ thanh lịch, tinh tế trong lời ăn, tiếng nói, mà còn cả trong cách ăn mặc khi ra nơi công cộng. Ảnh: Hữu Nguyên

Vàng son một thuở

Có một nhà văn từng nói rằng, người Hà Nội kể cả trong những bộ quần áo cần lao giản dị vẫn đượm vẻ phong lưu. Để ý văn hóa mặc của người Hà Nội qua từng giai đoạn sẽ thấy, nhận xét ấy không phải là không có lý. Trang phục của người Hà Nội ngay cả trong thời chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, những năm bao cấp khó khăn hay trước cơn lốc thị trường thời mở cửa, tuy mỗi thời kỳ có một xu hướng riêng nhưng tất cả đều tuân theo "mẫu số chung", đó là sự thanh lịch. 

Trong bút ký Một ngày chủ nhật của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nét đẹp trong cách ăn mặc của người Hà Nội trên đường phố hiện ra giản dị và thanh tao thế này: “Gần mép hè, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau đi. Người phụ nữ có bộ mặt xinh tươi, bộ tóc uốn mềm mại, bộ áo dài cắt khéo. Sau một thời gian dè dặt, phụ nữ Hà Nội lại bắt đầu trang điểm. Nhưng họ vẫn chưa được tự nhiên lắm. Dù sao bộ áo của người phụ nữ trẻ kia cũng là mảng màu tươi duy nhất trong đám người đồng phục trên quãng đường này”... 

Người Hà Nội còn nổi tiếng vì sự tinh tế. Sự tinh tế ấy thể hiện trong lời ăn, tiếng nói, đặc biệt là việc ăn mặc bên ngoài không gian sống của mình. Trong cuốn Phố phường Hà Nội xưa, nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy đã viết về sự thanh lịch trong cách ăn mặc của người Hà Nội như sau: “Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị. Ghét lòe loẹt mà thích diểm dắn. Tránh tiếng xa hoa. Dù giàu sang, áo có mớ năm, mớ bảy, cũng phủ một chiếc áo thâm hay tam giang ra ngoài”... Đặc biệt, một hình ảnh đẹp về người Hà Nội xưa mà đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến, đó là khi người Hà Nội ra đường, đến những nơi công cộng, cơ quan công quyền... bao giờ cũng mặc quần áo chỉnh tề, đến những nơi tôn nghiêm [đền, chùa], phụ nữ Hà Nội bao giờ cũng mặc áo dài...

Văn hóa mặc nơi công cộng cần được giáo dục từ tấm bé. Ảnh: Minh Trần

Thời gian trôi đi, trước những biến đổi nhanh chóng, văn hóa mặc của người Hà Nội cũng đã và đang có nhiều thay đổi. Đối với những người nhanh nhạy, họ nhanh chóng thích ứng với nhiều xu hướng, trường phái, phong cách thời trang hiện đại để rồi tự sàng lọc cho mình một phong cách ăn mặc hài hòa, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Số khác, nhất là những người đã gắn bó đủ lâu với đất kinh kỳ lại tự “trang bị” cho mình một phong cách “miễn nhiễm” với nhịp sống hiện đại và níu giữ bằng được nét truyền thống trong trang phục. Cho dù đi đâu, ở đâu họ vẫn luôn âm thầm gìn giữ nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc bảo ban con cháu cách ứng xử đúng mực ở nơi công cộng, và tất nhiên là không thể thiếu văn hóa mặc mà họ luôn tự hào. Cũng vì điều này, dù thời cuộc có thay đổi đến đâu, ta thấy trong những bộ trang phục, váy áo cách điệu theo kiểu cách hiện đại, trẻ trung vẫn lộ ra vẻ Tràng An thanh lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những người Hà Nội giữ gìn được nét đẹp trong văn hóa mặc của cha ông, vẫn còn một bộ phận nhỏ, đặc biệt là các bạn trẻ, thế hệ luôn nhanh chóng tiếp cận với những cái mới, đang có xu hướng ăn mặc lệch chuẩn để gây sự chú ý hoặc để thể hiện mình. Thôi thì đủ kiểu “mặc như không mặc”, “thiếu trước hụt sau”, "xé ngang, xé dọc"... phô bày lồ lộ trên đường phố hay giữa chốn đền, chùa linh thiêng. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận dân cư xuề xòa, coi nhẹ văn hóa mặc nơi công cộng. Không ít người “tiện gì mặc nấy”, thậm chí mặc cả quần áo ngủ, quần soóc, váy ngắn cũn cỡn... ra đường, vào trung tâm mua sắm, thậm chí tới nơi thờ tự... 

Lựa chọn trang phục phù hợp cũng là một nét thanh lịch. Ảnh: Trịnh Minh

“Ăn cho mình, mặc cho người”

Nhà văn Nam Cao khi viết về văn hóa mặc nơi công cộng đã từng “triết lý”: “Cái ăn bất tất nói làm gì. Người ta ăn ở trong nhà. Vậy thì ai muốn ăn thế nào tùy thích. Ông cũng vậy mà tôi cũng vậy. Ít ra chúng ta còn có một xó để tự do. Khi cửa nhà chúng ta khép kín. Ta có thể lố lăng mà không bận gì đến ai. Nhưng chúng ta mặc áo chỉnh tề để ra đường. Vậy thì quần áo sở dĩ có, một phần lớn không phải vì chúng ta, mà lại vì những con mắt nhìn ta. Đã vì chúng thì chiều chúng một tý kể cũng là phải lẽ”.

Để “vì những con mắt nhìn chúng ta”, từ những năm tháng xa xưa cho đến tận bây giờ, Hà Nội đã đưa ra nhiều văn bản về việc ăn mặc sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh sống cụ thể. Trong các hương ước xưa, người kinh kỳ - Kẻ Chợ đã quy định rất rõ, phụ nữ, đàn ông khi đi ra đường ăn vận ra sao, khi nhà có đám hỷ, đám hiếu thì mặc những gì, thậm chí còn nêu chi tiết từ màu sắc quần áo [dân thường khác với vua quan] tới kiểu cắt may, đội mũ, vấn tóc thế nào cho phù hợp với vị trí và bối cảnh sống. Duy trì nét đẹp văn hóa đó, tại Hà Nội bây giờ, đa số cơ quan, công sở, trường học đều có quy định về trang phục, thậm chí là quy định mặc đồng phục theo ngày hoặc cả tuần để bảo đảm sự nghiêm túc trong môi trường văn hóa. Tại một số di tích như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tượng đài Vua Lê, 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, để khắc phục tình trạng du khách ăn mặc chưa phù hợp vào tham quan, những nơi này đã may sẵn những chiếc áo choàng cho họ mượn để mặc...

Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với quy định rõ mọi người nên có trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội ở nơi công cộng, đã được triển khai và đi vào cuộc sống được hơn 3 năm. Ông Ngô Văn Nam -  Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình [Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội] khẳng định: “Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng đã khiến văn hóa mặc của người Hà Nội có những chuyển biến rõ rệt. Những hình ảnh phản cảm ở chốn tôn nghiêm đã được hạn chế, thậm chí có những bạn trẻ còn tự may cho mình trang phục dành riêng cho những ngày đi lễ chùa. Hình ảnh người Hà Nội ăn mặc thanh lịch, nhã nhặn xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố”.

Trang phục phản cảm, không phù hợp nơi công cộng, nhất là những chốn tôn nghiêm, là điều khó chấp nhận. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Ngô Văn Nam cũng cho rằng, hiện tượng ăn mặc phản cảm là ít nhưng không phải là không có, muốn ngăn chặn hiện tượng ăn mặc lệch chuẩn thì bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các đơn vị quản lý văn hóa, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người khi đến nơi công cộng. Ông Ngô Văn Nam chia sẻ, người xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức”, nghĩa là “ăn mặc phải tương xứng với địa vị xã hội”. Khi có một trình độ học vấn, nhận thức nhất định, có một vị trí nhất định trong xã hội, người ta sẽ tự trang bị cho mình một phong cách ăn mặc và trang phục, hành vi ứng xử tương xứng. Ăn mặc, quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp với từng hoàn cảnh, nhưng nhận biết thế nào là phù hợp với hoàn cảnh lại phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Bản thân mình phải nhận thức được điều đó chứ không phải chờ các cơ quan chức năng hướng dẫn, đặt ra các quy chế, quy định cụ thể. 

“Ăn cho mình, mặc cho người" - ăn mặc chỉn chu, làm đẹp cho mình chính là tôn trọng mình và tôn trọng những người xung quanh.

Trải qua hàng thập kỷ nay, cách ăn mặc của người Hà Nội dù có sự thay đổi theo mỗi thời đại, nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch. Trong các triều đại phong kiến, có thể có sự phân biệt giữa tầng lớp vua, quan và dân chúng. Nam giới thuộc tầng lớp bình dân trong trang phục lao động thường ngày, có thể vẫn là đóng khố, phù hợp với sản xuất cũng như thời tiết nóng ẩm. Nữ giới mặc váy cho đến thời Minh Mạng. Có thể nói trang phục bình dân không có sự thay đổi nhiều suốt gần hai ngàn năm. Tầng lớp quý tộc ở kinh đô Thăng Long - Đông Đô thì trang phục khá cầu kỳ và được ghi chép rất kỹ càng trong sử sách.

Theo như Đại Việt sử ký toàn thư thì Từ thời Lê về sau, trang phục quý tộc có quy định chặt chẽ hơn dựa trên phẩm hàm: Các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm thì á xuân, hạ dùng sa tàu; thu, đông dùng đoạn tàu; đều màu huyền; khăn: hàng văn thì hai tao [vòng], hàng võ thì một tao. Các quan tứ phẩm thì áo được dùng sa và đoạn nhưng bằng hàng ta. Các thị nội giám khăn binh đinh, sau đổi làm khăn lục lăng. Các quan văn võ và nội giám, được sung vào chấp sự, khi hành lễ và làm việc đều mặc áo thanh cát và đội mũ sa thâm. Quan văn khi vào hầu ở Nội các cũng vậy.

Người Hà Nội thời cận đại rất chú ý đến cách ăn mặc. Khâu đầu tiên là chọn lựa chất liệu của quần áo. Chất liệu may áo ưa chuộng, lúc đó là the mà phải là the dệt bằng tơ tằm, dệt thưa, nhuộm thâm, thường là the làng La Cả. Chất liệu may quần của nữ là lĩnh làng Bưởi mới là hàng tốt nhất, sợi mịn, mặt bóng. Quần của nam giới là lụa trắng làng Cổ Đô. Ngoài ra, một số chất liệu vải cao cấp cũng hay được dùng như: sa, xuyến, băng, là, xồi, đũi, nhiễu.... đều là sản phẩm của các làng nghề ở Hà Nội hay các tỉnh lân cận sản xuất. Một số hàng đặc biệt hơn dành cho vương hầu là đoạn, gấm, vóc,...

Trong đó cũng phải kể đến công lao của các thợ may Hà thành rất khéo tay, thể hiện ở những kiểu áo quần, áo tứ thân [4 thân] là một trong những loại áo phụ nữ cổ nhất mà nay được biết. Khi mặc, người ta còn có thắt lưng bao xanh duyên dáng kèm theo. Một vài trường hợp thực dụng hơn, người ta thắt một cái "ruột tượng: thay cho thắt lưng để đựng tiền và các thứ lặt vặt. Một số người còn đeo bên cạnh thắt lưng một chiếc xà tích bằng bạc đựng vôi ăn trầu. Có khi áo tứ thân còn thêm một vạt để cài khuy, thường là 5 khuy. Bên trong áo tứ thân là yếm trắng, yếm đào.

Đáng chú ý nhất trong trang phục phụ nữ là những tà áo dài. Áo dài có từ bao giờ cũng khó xác định, có thể đã hơn trăm năm, nhưng ngày nay trở thành trang phục đẹp nhất, tiêu biểu cho cách ăn mặc đậm đà tính dân tộc của phụ nữ Việt Nam. Tại nhiều hoạt động đối ngoại của đất nước, áo dài trở thành lễ phục không thể thiếu được.

Có thể chiếc áo dài Huế cùng với chiếc nón lá Huế chóp nhọn du nhập ra Hà Nội từ lâu, nhưng chỉ đến nửa đầu thế kỷ XX, áo dài mới được người Hà Nội tiếp nhận và cải tiến nhiều. Áo dài cũng từ đó trở thành trang phục gắn bó với phụ nữ thủ đô.

Nam giới mặc áo có 5 thân, cài khuy tết chỉ hay khuy đồng, khuy bạc, khuy ngọc. Mùa đông thì cả nam và nữ thường dùng áo bông.

Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XX có những phố nổi tiếng về bán vải như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Vải. Các phố may quần áo nổi tiếng là Hàng Trống, Hàng Gai.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, ngoài những trang phục đã trở thành lễ phục của cả nước như áo dài cho phụ nữ, áo vest, sơ mi, quần Tây cho nam giới, người Hà Nội còn sáng tạo ra muôn vàn mốt quần áo mới thích hợp với mọi tầng lớp nhân dân và cũng chịu ảnh hưởng của thời trang quốc tế. Hà Nội đã trở thành 1 trong 2 trung tâm thiết kế và biểu diễn thời trang lớn nhất nước.

Cho đến nay con gái Hà Nội không còn mặc áo dài, nón lá như ngày xưa nữa nhưng họ vẫn có một nét rất riêng ở họ cho dù cách ăn mặc có thay đổi thế nào họ vẫn giữ được sự tinh tế và nhạy cảm riêng từ cách chọn màu sắc cho đến trang phục sao cho phù hợp và nền nã xứng với vóc dáng của mình. Chính vì vậy mà nhiều người nhận xét rằng ngày nay để tìm được những người Hà Nội gốc không nhiều nhưng nếu đã gặp thì ta sẽ nhận ra ngay đó là người Hà Nội gốc cho dù thời gian có thay đổi thì người Hà Nội xưa và nay vẫn được cho là ăn mặc đẹp và tinh tế nhất trên dải đất có hình chữ “S” này.

Link gốc:

Video liên quan

Chủ Đề