Nghị quyết 128 nq cp 2023

[TTĐN] - "Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

Hải Phòng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình khác. [Ảnh minh họa: TTXVN]

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết để kịp thời hỗ trợ người dân và khôi phục phát triển nền kinh tế; trong đó, có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" [Nghị quyết 128/NQ-CP]. Sau 1 năm triển khai Nghị quyết, đây được coi là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và tạo sức bật cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn.

"Nghị quyết 128/NQ-CP đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế đất nước", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bước tạo đà quan trọng

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế…, từ đầu tháng 10/2021 Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại. Đặc biệt Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành vào thời điểm này đã "cởi trói" cho nền kinh tế đúng thời điểm.

Những ách tắc trong lưu thông hàng hóa, đứt gẫy chuỗi cung ứng đã dần dần được gỡ bỏ, các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tại từng doanh nghiệp địa phương, nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III/2021 [-6,02%] đã khởi sắc trong quý IV/2021 [+5,22%] với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng năm 2021 ước chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

"Việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP là hết sức phù hợp, đúng thời điểm và có lộ trình là quyết sách mạnh bạo nhất và hiệu quả của Chính phủ. Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Những thành công lớn trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, duy trì sản xuất kinh doanh trong năm 2021 là những tiền đề "tạo đà" cho tăng trưởng kinh tế của năm 2022.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, kinh tế - xã hội cả nước đã có bước tăng trưởng nhanh chóng. 9 tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,83% - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%... Cùng với đó, đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế là một thành công, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.

Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022 cả nước đã có 112.791 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đã có 50.509 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163.300 doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt với tác động bất ổn của kinh tế thế giới tìm kiếm các giải pháp vượt qua khó khăn về: giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động; khó khăn về vốn; thiếu hụt linh kiện...

Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, nhưng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Những điểm sáng về cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 9 tháng năm 2022 là minh chứng khi nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định" là do năng lực kinh tế Việt Nam đang trở lên mạnh mẽ; chắc chắn về thể chế; sức mạnh tài chính được nâng lên. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 trên thế giới.

"Đây không phải những con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi", ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Lắng nghe tháo gỡ các rào cản

Theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, kinh tế thế giới đang diễn ra trong sự biến động khó lường. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, đặc biệt tác động từ các nền kinh tế là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam.

Đặc biệt, do đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ luỵ của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga gây nên khủng hoảng năng lượng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp và khá mạnh đến kinh tế Việt Nam.

Vừa qua, một số tổ chức quốc tế đưa ra cảnh báo về một số khó khăn, thách thức trong thời gian tới đối với kinh tế Việt Nam; trong đó nhấn mạnh rủi ro kinh tế thế giới suy giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và cán cân thương mại.

Ngân hàng Phát triển châu Á [ADB] dự báo cán cân vãng lai của Việt Nam có thể thâm hụt 1,5% GDP trong năm 2022. Việc các nước quyết liệt thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ cũng sẽ gia tăng rủi ro "nhập khẩu lạm phát", tác động đến tỷ giá và thị trường tài chính. Dự báo, lạm phát Việt Nam ở mức 3,8% năm 2022, tiếp tục tăng lên mức 4% năm 2023.

Về các thách thức trong dài hạn, ADB đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 32 nền kinh tế còn có "độ trễ" và dư địa lớn để cải thiện về môi trường kinh doanh và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp số.

Theo đó, ADB đề xuất một số khuyến nghị đối với kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2022 và 2023, bao gồm: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh và Việt Nam còn dư địa về tài khóa, tiền tệ; tiếp tục chủ động nâng cao năng lực thích ứng, ứng phó với yếu tố bên ngoài như khả năng dịch COVID-19 bùng phát trở lại; bám sát các diễn biến thị trường tài chính; trong đó chú trọng theo dõi, báo cáo về tình hình nợ xấu của các ngân hàng.

Trong khi đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản [JICA] đánh giá năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện nhưng còn ở mức thấp, chỉ cao hơn Campuchia, Timor-Leste và Myanmar trong khu vực Đông Nam Á. JICA nhận định việc năng suất lao động có xu hướng đình trệ sẽ tạo rào cản lớn đối với người lao động tham gia thị trường việc làm 4.0 cũng như hạn chế tăng trưởng, phát triển của đất nước trong dài hạn.

Hiện nay, xu hướng phân mảnh của kinh tế thế giới đang được chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia thảo luận, từ đó định hình chiến lược phát triển cho riêng mình. Xu hướng này sẽ gây tổn hại cho các quốc gia đang hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu. Khi những xu hướng này diễn ra sẽ gây khó khăn và thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Mặc dù, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng còn có những khó khăn, thách thức. Nhưng có thể khẳng định, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 có ý nghĩa rất quan trọng, Nghị quyết đã làm xoay chuyển cục diện ở cả khía cạnh chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội./.


Nguồn: Bnews.vn

Chủ Đề