Nghĩa quân Lam Sơn đã đối phó như thế nào trước âm mưu mới của quân địch

Trong suốt tiến trình cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân đã “lấy xưa nghiệm nay, xét suy mọi cơ hưng phế”, “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức”, biết đặt thượng sách giữ nước ở trong lòng dân, lấy “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”... mà khơi dậy và phát huy toàn dân đứng lên giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trên khắp mọi miền đất nước, các đội nghĩa quân Lam Sơn phối hợp với nhân dân địa phương dựngnênthế trận làng-nước cùng đánh giặc. Trải 10 năm chiến đấu gian khổ (1418-1427), cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn từ miền núi Lam Sơn (Thanh Hóa) buổi đầu đã phát triển rộng ra phạm vi toàn quốc. Từ lực lượng ban đầu (năm 1418) chỉ có khoảng 2.000 người, đến năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã có đến 350.000 quân, bao gồm các vệ bộ binh, các đội tượng binh, thủy binh và kỵ binh. Sự phát triển vượt bậc về cả phạm vi, quy mô hoạt động lẫn tổ chức và lực lượng không chỉ thể hiện tình yêu nước, căm thù giặc cao độ của nhân dân mà còn phản ánh truyền thống đoàn kết một lòng cứu nước của cộng đồng cư dân Đại Việt. Nhờ đó, cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từng bước đánh bại các đội quân, đồn lũy, tiến tới đánh sụp cả hệ thống chính quyền đô hộ, đánh bại các cuộc tiếp viện của triều Minh, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường, buộc quân Minh phải tiến hành Hội thề Đông Quan (Hà Nội), giành lại nền độc lập tự chủ.

Từ những mất mát, đau thương của một dân tộc liên tục phải đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập, những nhà lãnh đạo, chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn cũng như các cuộc kháng chiến khác đã khơi dậy và trở thành biểu tượng trung tâm phát huy tinh thần tự lực tự cường, ý chí bất khuất, trí thông minh, sáng tạo của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chính nghĩa bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, tự do của nhân dân. Công cuộc chống xâm lăng trong hành trình giữ nước đã nâng “mưu giỏi” và “đánh giỏi” của nhân dân thành nghệ thuật quân sự dân tộc độc đáo.

Nhận rõ sức mạnh to lớn của nhân dân trong hành trình dựng nước và giữ nước, Đảng ta đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam phát huy cao độ truyền thống toàn dân đánh giặc, vận động và tổ chức nhân dân nhất tề tự giác vùng lên “mang sức ta mà giải phóng cho ta”, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ, đánh thắng thù trong giặc ngoài, lập nên nhiều thắng lợi vẻ vang, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Từ bài học kinh nghiệm của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, kế thừa và phát huy truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, Đảng ta đã vận dụng để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu “củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội”(1). Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, trước hết là tập trung quán triệt và nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới. Cần tuyên truyền, phổ biến để mỗi người dân, cán bộ, chiến sĩ nắm chắc mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh hiện nay là phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cần hiểu nội dung bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, cần tập trung xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát huy mạnh mẽ vai trò, nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong việc quyết định và giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Nêu cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, tự lực tự cường. Lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng và tôn trọng những điểm mới không trái với lợi ích chung quốc gia-dân tộc nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức mạnh của mọi người dân Việt Nam để xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế, dựa vào sức mạnh của cộng đồng quốc tế và sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Đồng thời, cần vận dụng và phát huy sáng tạo bài học không ngừng bồi dưỡng, nâng cao sức dân; nắm chắc và thực hiện đúng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân là gốc rễ sự trường tồn của đất nước và chế độ. Ra sức phát triển việc sản xuất và thực hành tiết kiệm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chú trọng giữ gìn sức dân, tiết kiệm sức dân, giảm yêu cầu đóng góp của nhân dân mà tăng đáp ứng yêu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, không gây phiền hà, tốn kém cho nhân dân. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự là người đày tớ trung thành, yêu quý của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và làm mọi công việc vì lợi ích của nhân dân, giải quyết thấu đáo, trọn vẹn mọi bức xúc của nhân dân...

Tập trung xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên cơ sở xây dựng về chính trị để làm nòng cốt cho vũ trang toàn dân. Đặc biệt, cần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về con đường, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN; thường xuyên định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ cả về thời cơ và thách thức trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của đất nước ta; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhất là những âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch để xây dựng niềm tin vững chắc, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng. Chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm đoàn kết quân-dân cho cán bộ, chiến sĩ; kết hợp chặt chẽ giáo dục, rèn luyện về đạo đức, lối sống với chống chủ nghĩa cá nhân. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT...

Cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với LLVT nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo về quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quân sự và quốc phòng; xây dựng các tổ chức đảng trong LLVT nhân dân và trong các tổ chức quân sự, quốc phòng của Nhà nước vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT nhân dân,đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách đối với dân quân, tự vệ, quân đội và công an, chính sách hậu phương quân đội...

Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống toàn dân đánh giặc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung, của Khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng vào thời kỳ mới là cách để chúng ta biến các giá trị lịch sử dân tộc trở thành động lực, sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, hội tụ và nhân lên thành sức mạnh vô địch của toàn dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thiếu tướng, TSNGUYỄN HOÀNG NHIÊN,Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

------------------

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.148

Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới...

Nghĩa quân Lam Sơn đã đối phó như thế nào trước âm mưu mới của quân địch

Lê Lợi sinh ngày 10-9-1385 (6-8 năm Ất Sửu) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư). Ông nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn. Khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất. Ông nói: "Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?". Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách.

Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa. ở đó có đủ các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham... Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ mở đầu tới kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), qua các giai đoạn phát triển và chiến lược, chiến thuật của nó đã chứng minh Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng. Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới. Không có Lê Lợi, không có phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng Lê Lợi không chỉ là người nhen nhóm, tạo lập ra tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn mà ông còn là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất. Một nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi của nó, một đặc điểm nổi bật không có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử quý giá.

Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh "vây thành diệt viện" theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng". Chiến thuật "Vây thành diệt viện" của Lê Lợi kết hợp với chủ trương "mưu phạt nhị tâm công", uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cuộc vây hãm Vương Thông ở Đông Quan và tiêu diệt viện binh giặc tại Chi Lăng, Xương Giang cuối năm 1427 là kết quả thắng lợi của tư tưởng quân sự của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Lê Lợi làm vua được 5 năm thì mất (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu của vương triều Lê, Lê Lợi đã có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Năm 1428, lên ngôi vua, năm sau (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2, 1429), Lê Lợi đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426 trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở một khoa thi đặc cách lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, một nhà ngoại giao xuất sắc thời Lê Lợi. Nhưng, nhiệm vụ chính trị lớn nhất phải quan tâm giải quyết hàng đầu sau khi đất nước được giải phóng là việc tăng cường củng cố, giữ vững nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Về phương diện này, Lê Lợi đã làm được hai việc có ý nghĩa lịch sử. Thứ nhất, ông đã thành công trong cuộc đấu tranh ngoại giao, thiết lập quan hệ bình thường giữa triều Lê và triều Minh. Thứ hai, Lê Lợi đã kiên quyết đập tan những âm mưu và hành động bạo loạn muốn cát cứ của một số ngụy quân trước, điển hình là vụ Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. Trong bài thơ làm khắc vào vách đá núi Pú Huổi Chò (bên sông Đà, thuộc Lai Châu) năm 1431 khi đánh Đèo Cát Hãn, Lê Lợi đã nói rõ ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:

Đất hiểm trở từ nay không còn,

Núi sông đã vào chung một bản đồ.

Đề thơ khắc vào núi đá

Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.

Sau bài thơ trên, Lê Lợi còn viết bài thơ thứ hai khắc vào vách núi Hào Tráng bên Chợ Bờ, Hòa Bình.

Lê Lợi trong 5 năm làm vua, có những công lao to lớn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp. "
(Nguồn Báo Văn hóa Đời sống)