Nguyên tắc tư vấn tâm lý học đường

Ở Olympia, bên cạnh hoạt động dạy học, nhà trường rất quan tâm đến chất lượng đời sống tâm thần của học sinh; do đó đã ưu tiên đến việc xây dựng phòng tâm lý học đường. Cùng với các hoạt động giáo dục khác thì phòng Tâm lý học đường có chức năng thúc đẩy sức khỏe tâm thần ở học sinh và góp phần tạo dựng môi trường học lành mạnh, thuận lợi nhất cho sự phát triển tối đa tiềm năng của bản thân học sinh trong các lĩnh vực học tập, xã hội, hành vi và cảm xúc, hướng tới học ở các cấp độ khác nhau: cá nhân, nhóm, toàn trường.

Ở cấp độ toàn trường, phòng Tâm lý học đường tham gia vào việc xây dựng, phát triển và triển khai chương trình phòng ngừa. Ở cấp độ nhóm, có các hoạt động hỗ trợ nhóm cho từng vấn đề cụ thể của học sinh. Ở cấp cá nhân, những can thiệp chuyên sâu sẽ được tiến hành phù hợp với vấn đề của từng cá nhân.

 Trong hầu hết các hoạt động của học sinh đều có sự tham gia và góp ý của phòng tâm lý học đường. Đến thời điểm này, phần lớn học sinh, phụ huynh và giáo viên đều cảm thấy được hỗ trợ khi đến với phòng Tâm lý học đường. Ưu tiên số một của hoạt động Tâm lý học đường tại Olympia là triển khai các chương trình phòng ngừa thông qua các chương trình giáo dục trên toàn bộ học sinh, trong đó, rõ nét hơn cả là các giờ học về kỹ năng cảm xúc - xã hội, lồng ghép trong các hoạt động học tập, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, và đặc biệt là thực hiện đồng bộ văn hóa nhà trường. Bên cạnh chương trình phòng ngừa, phòng Tâm lý cũng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, hiểu biết thêm về ngành nghề tâm lý học thông qua các dự án sức khỏe tâm thần, Câu lạc bộ Tâm lý học, dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần GVNV và các hội thảo dành cho phụ huynh, học sinh.

Nguyên tắc hỗ trợ

Trong công tác hỗ trợ và tư vấn tâm lý, Phòng Tâm lý học đường Olympia cam kết tuân thủ các nguyên tắc sau: Nguyên tắc số 1: Lắng nghe và tôn trọng Lắng nghe, tôn trọng là thầy/cô, phụ huynh và các con sẽ được chia sẻ bất cứ điều gì mình muốn, chúng tôi không đánh giá đúng hay sai và hoàn toàn chấp nhận và tôn trọng quan điểm cũng như chính con người bạn. Nguyên tắc số 2: Bảo mật thông tin Phòng tâm lý học đường luôn tôn trọng sự riêng tư của mỗi người vì vậy chúng tôi cam kết mọi vấn đề thầy/ cô, phụ huynh và học sinh chia sẻ với chúng tôi sẽ được giữ bí mật. Nguyên tắc số 3: Cung cấp giải pháp Đến với phòng Tâm lý học đường Olympia thầy/cô, phụ huynh và các con không chỉ được lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ mà còn được cung cấp những thông tin mới cập nhật cũng như trao đổi để tìm ra các giải pháp cho những tình huống cụ thể đang gặp phải. Nguyên tắc số 4: Làm việc theo qui trình Tại phòng tâm lý học đường, các dịch vụ đều được thực hiện theo quy trình năm bước khép kín, đảm bảo tính khoa học và tính bảo mật. Quy trình chung như sau: - Phỏng vấn trực tiếp người phát hiện vấn đề [phụ huynh, học sinh, giáo viên] - Gặp người cần tư vấn và mở hồ sơ tham vấn/ trị liệu - Sau 2-3 buổi gặp người cần hỗ trợ, chuyên viên tâm lý học đường lên kế hoạch tư vấn [số buổi, tần suất, những hỗ trợ cần thiết] và trao đổi với phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. - Đánh giá mỗi 3 buổi tư vấn và giữ liên hệ thường xuyên với phụ huynh và giáo viên [chủ nhiệm và bộ môn] đối với đối tượng tư vấn là học sinh.

- Kết thúc ca, đánh giá ca và kế hoạch theo dõi tiếp theo

 Đối với việc hỗ trợ những vấn đề riêng biệt của học sinh thì cứ đầu mỗi năm học, phòng Tâm lý học đường sẽ tiến hành sàng lọc dựa trên công cụ đánh giá tâm lý. Dữ liệu sàng lọc kết hợp với những thông tin đề xuất từ các giáo viên, phụ huynh sẽ giúp cán bộ tâm lý đưa ra được danh sách học sinh cần hỗ trợ, có khó khăn ở các lĩnh vực như cảm xúc, hành vi, mối quan hệ, hay nhận thức.

Sau đó, cùng với sự cho phép của phụ huynh, những học sinh trong danh sách này sẽ được các cán bộ tâm lý đánh giá sâu hơn thông qua quan sát, phỏng vấn lâm sàng và đôi khi có thể được đánh giá bằng các trắc nghiệm Tâm lý chuyên sâu tại trường hoặc ở các đơn vị độc lập. Kết quả đánh giá này sẽ giúp cán bộ tâm lý xác định mức độ ưu tiên của từng vấn đề và quyết định hình thức hỗ trợ. 

Liên hệ phòng tâm lý học đường Olympia Ở mỗi cấp học đều có những Chuyên viên dày dặn kinh nghiệm phụ trách Tâm lý học đường, thầy/cô và học sinh có thể tìm gặp chuyên viên tại văn phòng của mỗi cấp học. Học sinh có thể viết thư gửi vào hòm thư trước cửa phòng Tâm lý học đường tại tầng 1 tòa Mind. Hoặc nhắn tin vào fanpage The Connected SPACE

Bố mẹ có thể liên hệ với Chuyên viên Tâm lý qua giáo viên chủ nhiệm, cố vấn trường học hoặc địa chỉ email .

                                                                               

Thạc sĩ Tô Thị Hoan - Phòng Tâm lý Olympia trên Cafe sáng VTV3 về những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học tập mất tập trung của con và những giải pháp “gỡ rối” tình trạng buồn ngủ khi học online.

1. Bảo mật thông tin tham vấn Tất cả những thông tin mà bạn trao đổi với nhà tham vấn/nhà trị liệu đều được giữ bí mật. Có nghĩa là, chỉ bạn và nhà tham vấn/nhà trị liệu được biết. Trong một số trường hợp thì một người nữa có thể biết đó là người làm công tác giám sát cho nhà tham vấn/nhà trị liệu, tuy nhiên người giám sát chỉ nắm những thông tin cơ bản về vấn đề của bạn để có những khuyến cáo về chuyên môn cho nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý chứ không phải biết tất cả các thông tin về bạn. Dù đó là người thân của bạn, nhà tham vấn/trị liệu tâm lý cũng không được phép tiết lộ khi chưa được sự đồng ý của bạn. Tất cả những thông tin trên đều được lưu trữ ở tủ hồ sơ tham vấn/trị liệu tâm lý và khóa rất cẩn thận. Những người khác không được tiếp cận những tài liệu này. Khi nhà tham vấn/nhà trị liệu muốn ghi âm, ghi hình quá trình làm việc để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện phải xin phép bạn trước. Nếu bạn đồng ý, họ mới được phép thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, phải tuân thủ nguyên tắc là người nghe và người xem không thể nhận diện ra bạn. Vì thế, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật khi đi tham vấn và trị liệu tâm lý.

2. Thân chủ trọng tâm

Tham vấn/trị liệu tâm lý là một tiến trình tương tác giữa nhà tham vấn/nhà trị liệu và thân chủ [người có nhu cầu cần được giúp đỡ] để bạn thấy rõ về bản thân mình và thấy rõ vấn đề của mình hơn nữa, đồng thời khơi gợi tiềm năng của bạn để bạn tự giải quyết vấn đề của mình. Vì thế, nhà tham vấn/trị liệu không thể giải quyết thay cho bạn mà nhờ sự gởi mở đó mà bạn sáng tỏ vấn đề của mình, tìm cho mình được lối đi riêng. Hay nói cách khác, đó là quá trình bạn trở về với chính bản thân mình, đối diện với chính mình và vấn đề của mình để tìm cách giải quyết nó dưới sự hỗ trợ của nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý. Vì thế, bạn hãy cẩn thận với những nhà tham vấn/nhà trị liệu thường xuyên đưa ra lời khuyên cho bạn vì đó có thể là nhà tham vấn/nhà trị liệu chất lượng kém.

3. Tôn trọng và chấp nhận

Bạn được chào đón trong không khí thân tình, cởi mở và thoải mái khi bắt đầu mối quan hệ này. Bạn được phép là chính mình mà không phải lo lắng bất cứ điều gì từ họ. Nhà tham vấn/nhà trị liệu sẽ chấp nhận bạn và vấn đề của bạn một cách vô điều kiện. Họ không được phép bình phẩm, đánh giá, phán xét và chỉ trích bạn. Tuy nhiên, nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý sẽ gợi mở để bạn hiễu rõ hơn bản thân mình, mối liên hệ với vấn đề mà bạn đang gặp phải.

4. Lắng nghe

Bạn được nhà tham vấn/nhà trị liệu lắng nghe và đưa ra những phản hồi phù hợp trong quá trình làm việc với bạn. Vì thế, bạn sẽ nói nhiều hơn so với nhà tham vấn/nhà trị liệu.

5. Thấu cảm phù hợp

Bạn và vấn đề của bạn sẽ được nhà tham vấn hiểu cặn kẽ và họ sẽ đặt mình trong trường hợp của bạn để có thể thấu hiểu hết những gì mà bạn chia sẻ, những khó khăn mà bạn đang gặp phải, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bạn.

6. Không được lợi dụng thân chủ

Nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý chỉ làm việc với bạn bằng chuyên môn của mình và trên tinh thần hỗ trợ. Vì thế, nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý không được phép lợi dụng bạn, không được quan hệ tình dục, thiết lập quan hệ bạn bè, quan hệ tình cảm nam nữ và quan hệ hôn nhân với bạn hay biến bạn trở thành người lệ thuộc hoàn toàn trong quá trình tham vấn/trị liệu tâm lý đang diễn ra và thậm chí là ngay cả sau khi kết thúc mối quan hệ hỗ trợ này. Những điều trên chỉ được phép xảy ra sau khi kết thúc mối quan hệ hỗ trợ trong vài năm và không có tính chất lợi dụng trong mối quan hệ này. Nếu bạn là thân chủ đã làm việc với nhà tham vấn/nhà trị liệu đó rồi thì bạn không nên lập gia đình với họ. Bởi vì, có thể bạn sẽ có nguy cơ phụ thuộc suốt đời vào họ. Những điều này là cần thiết để đảm bảo an toàn và sự khỏe mạnh cho bạn.

7. Tránh mối quan hệ sóng đôi

Nhà tham vấn/nhà trị liệu chỉ làm việc với động cơ là hỗ trợ bạn vượt qua khó khăn. Vì thế, ngoài mối quan hệ chuyên môn hỗ trợ không thể tồn tại bất cứ mối quan hệ nào khác. Bởi vì, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của tiến trình tham vấn/trị liệu tâm lý cho bạn. Nếu bạn đã có một mối liên hệ với nhà tham vấn/nhà trị liệu trước đó [anh em, bạn bè, cha con, ...] thì bạn không nên làm tham vấn/trị liệu tâm lý với họ và họ cũng không được phép làm như thế với bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tìm kiếm những chuyên gia có uy tín  khác trong lĩnh vực này qua sự giới thiệu của họ.

Nguyên tắc đạo đức hành nghề tham vấn/trị liệu tâm lý có rất nhiều điều, được quy định cụ thể, chi tiết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày những nguyên tắc cơ bản nhất mà nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý phải tuân thủ khi hành nghề. Vì thế, bạn có thể tin tưởng vào mối quan hệ hỗ trợ này. Đây là đối tượng cự kỳ an toàn và hiệu quả trong hệ thống hỗ trợ của bạn.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video liên quan

Chủ Đề