Những câu hỏi về tâm lý học đường

Skip to content

Đã có nhiều lúc trong cuộc sống của mình, rất nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy mình cần ai đó để nói chuyện về vấn đề mà mình đang gặp phải. Việc nói chuyện, chia sẻ này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần của mỗi người thay vì giữ lại trong lòng và một mình bứt rứt với chúng. Tất cả chúng ta đều cần một người sẵn sàng lắng nghe mình mà không phán xét, đồng hành cùng ta nhìn sáng rõ vấn đề và cung cấp các hướng dẫn trong một số trường hợp cần thiết. Vì vậy, song hành cùng hoạt động dạy và học trực tuyến của nhà trường, các hoạt động trên nền tảng trực tuyến của Phòng Tâm lý học đường – Hệ thống giáo dục Alpha nhằm tạo ra một không gian an toàn, nơi học sinh có thể tìm đến mỗi khi các em gặp khúc mắc, căng thẳng hay lo lắng trong cuộc sống. Đồng thời là địa điểm tin cậy dành cho phụ huynh, giáo viên chia sẻ những khó khăn trong quá trình tương tác với con và hỗ trợ con, đặc biệt là trong giai đoạn đang nghỉ dịch như hiện tại.

Bài viết này cung cấp góc nhìn cho 7 câu hỏi thường gặp mà đa số phụ huynh và học sinh đều quan tâm khi muốn tìm hiểu về dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần trực tuyến.

  1. TƯ VẤN CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN QUA ONLINE LÀ GÌ? 
  • Tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần qua online [trong đó bao gồm tham vấn, trị liệu tâm lý online] là hình thức cho phép phụ huynh và học sinh gặp gỡ với Chuyên gia Tâm lý học đường trong môi trường trực tuyến, khác với cuộc gặp mặt trực tiếp tại phòng tham vấn của Nhà trường.
  • Các hình thức tương tác trực tuyến khá phong phú như qua email, tin nhắn, một ứng dụng di động hoặc qua một trang web cụ thể nào đó. Một số cuộc trò chuyện qua hình thức video call hoặc chỉ sử dụng văn bản để giao tiếp.
  • Tham vấn, trị liệu tâm lý trực tuyến có thể được sử dụng kết hợp với gặp mặt trực tiếp hoặc có thể được sử dụng thay thế cho nhau trong một số trường hợp đặc biệt.

       2. THỜI ĐIỂM NÀO NÊN SỬ DỤNG TƯ VẤN CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN QUA ONLINE? 

  • Hiện tại khi dịch bệnh đang có xu hướng tăng cao, việc hạn chế giao tiếp xã hội đang được kêu gọi, hầu hết tất cả các trường học đều đóng cửa, học sinh và cha mẹ ở nhà, học và làm việc online. Trong bối cảnh đó, các dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần qua online được đề xuất như là một phương án giải quyết tạm thời đáp ứng giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay. Một cánh cửa đóng lại thì có một cánh cửa khác mở ra như vậy đó.
  • Ngoài ra, việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần hoặc phải mất thời gian chờ đợi do người đăng kí đông hoặc các ca tham vấn tại trường thông thường chỉ giới hạn trong thời gian hành chính gây khó khăn cho nhiều cha mẹ bận rộn, đặc biệt là những người có nhà ở cách xa trường học, những người có giới hạn về sức khỏe thể chất khó khăn trong việc đi lại. Do đó, tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần qua online với các Chuyên gia Tâm lý học đường là một lựa chọn phù hợp. Việc tư vấn trực tuyến khá thuận tiện, có thể được thực hiện từ mọi nơi, mọi lúc trong ngày.
  • Cuối cùng, nhiều người thích sự ẩn danh của tư vấn trực tuyến. Mặc dù điều này không thực sự đúng vì các Chuyên gia Tâm lý vẫn xuất hiện với đầy đủ các thông tin như khi gặp trực tiếp nhưng phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng cởi mở, chia sẻ vấn đề của mình nhanh hơn so với khi gặp trực tiếp, khi không có ai đó ngồi đối diện và nhìn họ. Điều này có thể làm giảm cảm giác xấu hổ của một người trong việc tiết lộ một thông tin nào đó mà họ thường cho là ngại ngùng hoặc khó để nói ra.

      3. TƯ VẤN CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN QUA ONLINE MANG ĐẾN NHỮNG LỢI ÍCH NÀO? 

  • Cập nhật thông tin nhanh chóng và dễ dàng vào bất kì thời điểm nào. Khi cần trợ giúp, cha mẹ và học sinh có thể gửi email cho Chuyên viên Tâm lý học đường để được hỗ trợ hoặc đọc các thông tin khoa học được chia sẻ. Email và các cuộc trò chuyện trở thành biểu tượng của hành động, do đó giúp giảm bớt cảm giác bất lực và đau khổ, thể hiện những nỗ lực đầu tiên trong việc đứng lên giải quyết vấn đề của mình.
  • Tư vấn trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí đi lại, cả cha mẹ và Chuyên viên Tâm lý có nhiều thời gian và năng lượng hơn để tập trung vào chăm sóc, nâng đỡ vấn đề của mình.
  • Tư vấn trực tuyến khá dễ dàng truy cập cho nhiều người khác nhau ở những nơi chốn khác nhau, miễn sao được trang bị internet và thiết bị điện tử phù hợp.
  • Việc lên lịch trình thuận tiện hơn cho nhiều người, Chuyên viên Tâm lý hỗ trợ được cho nhiều người hơn.
  • Tư vấn trực tuyến đặc biệt hữu ích cho các cá nhân trải qua cảm xúc căng thẳng hoặc lo lắng và muốn được trò chuyện với ai đó khá nhanh.
  • Mặc dù việc tư vấn trực tuyến còn khá mới ở Việt Nam nhưng nhiều cuộc thống kê xã hội cho thấy đến nay các thanh thiếu niên có xu hướng dễ tiếp xúc với việc nói chuyện cùng Chuyên viên Tâm lý qua mạng internet nhiều hơn.
  • Tư vấn trực tuyến có hiệu quả giống như tư vấn trực tiếp mặt đối mặt đối với các vấn đề như lo âu, căng thẳng, trầm cảm, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm như sức khỏe sinh sản, tình dục.

       4. TƯ VẤN CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN QUA ONLINE CÓ NHỮNG KHÓ KHĂN TIỀM ẨN NÀO KHÔNG? 

  • Chuyên viên Tâm lý không có cơ hội quan sát thân chủ của mình đầy đủ [ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, phong thái tổng thể, các tín hiệu khác…] có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của cuộc tham vấn. Các cuộc gọi video call có thể hỗ trợ giải quyết khó khăn này phần nào giúp Chuyên viên Tâm lý và cha mẹ, học sinh vẫn nhìn thấy nhau. Tuy nhiên sẽ khó có thể như lúc gặp trực tiếp, vì vậy đây chỉ là phương án tạm thời khi ở trong hoàn cảnh đặc biệt nên được áp dụng chứ không phải là cách thức tiến hành lâu dài.
  • Các vấn đề công nghệ có thể trở thành rào cản khi cuộc gọi bị hủy, video bị đóng băng, đường truyền internet yếu.. gây gián đoạn và bất lợi cho cuộc tham vấn
  • Chuyên viên Tâm lý có thể khó can thiệp trong một số trường hợp khủng hoảng, gặp các rối loạn tâm lý ở mức nặng.

       5. CÁCH THỨC THAM GIA TƯ VẤN CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN ONLINE TẠI ALPHASCHOOL NHƯ THẾ NÀO? 

  • Cha mẹ, thầy cô và học sinh có thể đón đọc các bài post về tâm lý trẻ em, kiến thức nuôi dạy con, các thực hành tốt trong việc thúc đẩy phẩm chất của trẻ, cách thức chăm sóc bản thân khi làm cha mẹ.
  • Cha mẹ đăng bài chia sẻ câu chuyện cá nhân, vấn đề cần hỗ trợ để được giải đáp và tư vấn nhanh nhất [dạng công khai hoặc dạng ẩn danh qua confession]
  • Đăng kí tham gia các workshop đào tạo online dành cho cha mẹ hàng tháng qua MS Teams
  • Bấm tham gia group Tâm lý học đường Alpha [dành cho phụ huynh có con đang học tại AlphaSchool] để không bỏ lỡ thông tin các sự kiện và hoạt động hỗ trợ trên của Phòng Tâm lý: //www.facebook.com/groups/316922215952197/
  • Cha mẹ và học sinh có nhu cầu nhận hỗ trợ tâm lý vui lòng gửi đăng kí vào hộp thư . Chuyên viên Tâm lý sẽ liên lạc lại với Anh/Chị để hẹn lịch gặp sau khi nhận được bản đăng kí.

        6. NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN CỦA CÁC NHÂN SỰ THỰC HIỆN TƯ VẤN TRỰC TUYẾN CÓ ĐẢM BẢO KHÔNG?

Đội ngũ Chuyên viên Tâm lý tại Hệ thống giáo dục Alpha School đảm bảo các tiêu chuẩn năng lực chuyên môn của việc thực hành nghề chuyên nghiệp và thường xuyên tham gia giám sát chuyên môn hàng tuần:

  • Cô Vũ Kiều Oanh: Thạc sĩ Tâm lý học trường học [ĐH Sư phạm Hà Nội] – Trưởng phòng Tâm lý học đường
  • Cô Từ Thị Huế: Thạc sĩ Tâm lý học ứng dụng [ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội]
  • Cô Nguyễn Thị Nhậm: Thạc sĩ Tâm lý học [Học viên Khoa học Xã hội]
  • Cô Võ Thị Trang: Cử nhân Tâm lý học [Học viện Quản lý giáo dục]
  • Cô Hoàng Thị Diễm: Cử nhân Tâm lý học [Học viện Quản lý giáo dục]

       7. CÁC QUY TẮC KHI TƯ VẤN TRỰC TUYẾN LÀ GÌ? 

Cho dù là tư vấn trực tuyến hay tư vấn trực tiếp mặt đối mặt thì các Chuyên viên Tâm lý học đường tại Hệ thống giáo dục Alpha vẫn tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề Tâm lý:

  • Bảo mật thông tin và sự riêng tư: Các thông tin do Thân chủ [Phụ huynh/Học sinh] cung cấp, chia sẻ trong quá trình tham vấn sẽ được giữ kín, chỉ tiết lộ nếu có sự đồng ý. Trong trường hợp có nguy cơ gây nguy hiểm tới Thân chủ và người xung quanh thì Chuyên viên Tâm lý học đường có quyền tiết lộ thông tin với những người liên quan để đảm bảo an toàn cho Thân chủ và người xung quanh.
  • Sẵn sàng lắng nghe, tôn trọng ý kiến của học sinh/phụ huynh và không đánh giá, phán xét.
  • Đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ, dựa trên cơ sở nhu cầu.

Alpha School.

Video liên quan

Chủ Đề