Nội dung xây dựng chỉnh đốn Đảng vẫn kiện Đại hội XIII

Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng hết sức coi trọng. Ngay từ trong quá trình chuẩn bị những điều kiện thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường Cách mệnh [1927] - cuốn sách tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lớp cán bộ cốt cán đầu tiên cho cách mạng, ngay ở trang đầu tiên đã nêu ra 23 điều tư cách của một người cách mệnh. Từ đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, đến xây dựng Đảng “là đạo đức”, “là văn minh”. Tuy nhiên, trước đây, Đảng không nêu tách riêng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà nội dung này hàm chứa trong nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng. Đến Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đặc biệt, đến Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn được khẳng định là một trong 5 nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng điểm nhấn đặc biệt quan trọng ở Đại hội XIII là cùng với việc làm rõ một số nội dung cụ thể trong xây dựng Đảng về đạo đức thì Đảng đã khẳng định phải  tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là gốc, là nền tảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trên tinh thần của Đại hội XIII, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận và đề ra những biện pháp có tính đột phá để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Sở dĩ vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Đảng coi trọng và đến Đại hội XIII nhấn mạnh phải tập trung thực hiện, coi đó là gốc, là nền tảng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng cầm quyền, khi nhiều cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thì vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên và xây dựng Đảng về đạo đức càng đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Đảng”. Từ sự cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn lại những vụ lớn liên quan đến hàng loạt các bộ có chức, có quyền như vụ án của đại tá Trần Dụ Châu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các vụ trọng án về tham nhũng trong những năm gần đây,…hoặc liên hệ rộng trên bình diện quốc tế từ sự đổ vỡ của hàng loạt các Đảng Cộng sản cầm quyền ở Liên Xô, Đông Âu đã cho thấy rõ bài học về tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng về đạo đức, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã cho thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự quyết tâm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã có những chuyển biến tích cực, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn những hạn chế, yếu kém đó, trong đó nổi lên nhất chính là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, có mặt, có lúc, có bộ phận còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Đây là một trong những thách thức lớn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân, trực tiếp đe dọa tới vai trò cầm quyền của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, tiếp tục phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài đòi hỏi Đảng phải kiến quyết, kiên trì thực hiện.

Hơn nữa, hiện nay, nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Càng đi sâu vào đổi mới và hội nhập, càng có nhiều vấn đề mới và khó đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng tầm trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu của Đại hội là phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thì đòi hỏi, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, Đảng phải hết sức coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức để mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những người tiên phong, mẫu mực trên mọi mặt trận, là những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Chính vì vậy, tại Đại hội XIII, trong phương hướng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng đã nhấn mạnh phải “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, Đại hội cũng đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Trong đó có các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp uỷ cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Đây chính là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội XIII đưa ra để nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ. Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này, sau Đại hội, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận, bổ sung những nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá để nhằm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Điều này cho thấy sự quyết tâm rất cao của Đảng mà trước hết là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Hai là, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.

Ba là, thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đây cũng là một trong những giải pháp hết sức quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá  trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua như Đại hội XIII đã đánh giá: Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa thực sự đi vào nề nếp, nhất là đối với người đứng đầu, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm. Chính vì vậy, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII cũng khẳng định, một trong những nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới là phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, nêu gương phải thực hiện theo đúng phương châm: “Trên trước, dưới sau”,  “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chức vụ càng cao càng phải nêu gương. 

Bốn là, kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp này, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên điều chỉnh nhận thức và hành vi theo hướng tích cực, đúng đắn, đồng thời, đây cũng là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Như vậy, trên cơ sở nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đồng thời xuất phát từ thực trạng công tác xây dựng Đảng về đạo đức và yêu cầu của cách mạng trong tình hình hiện nay, Đại hội XIII đã đưa ra phương hướng và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là những định hướng quan trọng để các cấp ủy, tô chức đảng cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị.

Đối với Đảng bộ Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và các cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức. Trong đó, trọng tâm là việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI, XII], các cấp ủy cơ sở đã rà soát, bổ sung các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp

Chính việc thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức đã góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả các hoạt động và các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Tiêu biểu như: Các sở, ngành thực hiện hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính theo mục tiêu “4 tăng, 2 giảm, 3 không” [4 tăng: tăng ứng dụng công nghệ thông tin; tăng công khai minh bạch; tăng trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức và công dân. 2 giảm: giảm thời gian giải quyết; giảm chi phí. 3 không: không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không trễ hẹn]; Đối với các bệnh viện, tiêu biểu có bệnh viện Phụ sản với phong trào “Hai không” [không gợi ý nhận tiền quà; không tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, gây phiền hà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân]; các doanh nghiệp, tiêu biểu như Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa với mô hình “3 tăng, 1 giảm” [tăng doanh thu; tăng sản lượng; tăng khách hàng và giàm thất thoát nước] và Ngân hàng Chính sách xã hội với phong trào “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”;… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về đạo đức của cấp ủy, các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua cũng còn những hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên nhất đó là còn có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải bị xử lý kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đòi hỏi cấp ủy các cơ sở đảng và từng cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối cần phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó trọng tâm là những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Ths Lê Ái Bình - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề