Phổ biến, giáo dục pháp luật là gì

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. Việc truyền tải nội dung pháp luật hay dùng pháp luật để giải quyết công việc là vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các định nghĩa, bản chất hay các công việc cụ thể của hoạt động Tư vấn pháp luật hay tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, em xin lựa chọn đề bài số 4: “Phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật” để làm bài tập học kì của mình.

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Học viện Tư pháp; Ts. Phan Chí Hiếu, Ths. Nguyễn Thị Hằng Nga; Giáo trình Kĩ năng Tư vấn pháp luật, NXB Công an Nhân dân.
  • Bài viết “Vai trò của Hoạt động tư vấn pháp luật”
  • Bài viết “Ý nghĩa và giá trị của hoạt động tư vấn pháp luật”.

Các khái niệm chung

Tư vấn pháp luật là gì?

Theo từ điển Luật học, “Tư vấn pháp luật” được hiểu là: Người có chuyên môn về pháp luật và được hỏi ý kiến để tham khảo khi giải quyết quyết định công việc; Việc tham gia ý kiến theo góc độ pháp luật với tư cách là cộng tác viên hoặc là làm dịch vụ. Như vậy, tư vấn pháp luật được xem là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp, giải thích và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức xử sự đúng pháp luật, giúp họ, cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều 28 Luật Luật sư định nghĩa: “Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ”. Như vậy, tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp khách hàng thực hiện và bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Đứng trên bình diện tâm lý học: tư vấn pháp luật không chỉ là quá trình cung cấp và hướng dẫn pháp luật, mà còn phải được coi là quá trình xây dựng mối quan hệ tích cực giữa người tư vấn với khách hàng. Xét từ góc độ khoa học tâm lý: Tư vấn pháp luật là quá trình trợ giúp tâm lý, trong đó người tư vấn thông qua mối quan hệ tương tác tích cực với khách hàng, giúp họ tìm được giải pháp tốt nhất để được thực hiện hoặc bảo vệ quyền lợi của mình phù hợp với pháp luật.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật là gì?

*Giáo dục pháp luật:

Theo Từ điển Từ và ngữ Hán – Việt “Giáo dục là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức nhằm bồi dưỡng cho con người những phẩm chất đạo đức và những tri thức cần thiết để người ta có khả năng tham gia mọi mặt của đời sống xã hội”.

So với phổ biến thì giáo dục cũng nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm song nội dung rộng hơn, phương thức tiến hành chặt chẽ hơn, đối tượng xác định hơn, mục đích lớn hơn. Xét dưới góc độ nhất định thì phổ biến chính là các phương thức giáo dục cụ thể.

Trong các tài liệu khoa học về pháp luật ở nước ta hiện nay, các tác giả đã khá thống nhất với khái niệm giáo dục pháp luật: Giáo dục pháp luật là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục một cách có hệ thống và thường xuyên nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm pháp lý và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật hiện hành.

*Phổ biến pháp luật:

Theo từ điển Tiếng Việt [NXB Đà Nẵng năm 1997] hay Từ và ngữ Hán Việt [NXB Từ điển Bách Khoa – 2002] thì “Phổ biến là làm cho đông đảo mọi người biết đến một vấn đề, một tri thức bằng cách truyền đạt trực tiếp hay thông quan hình thức nào đó” hoặc làm cho mọi người đề biết đến”.

Phổ biến pháp luật có đối tượng tác động rộng rãi, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, bởi trong lịch sử đã có lúc pháp luật được ban hành nhưng không được phổ biến công khai mà chỉ được coi là một công cụ để nhà nước dùng để trị dân. Bên cạnh đó phổ biến pháp luật còn mang tính tác nghiệp, truyền đạt nội dung pháp luật cho các đối tượng cụ thể. Ở những mức độ khác nhau, phổ biến pháp luật còn nhằm làm cho các đối tượng cụ thể hiểu thấu suốt các quy định của pháp luật để thực hiện pháp luật trên thực tế. Phổ biến pháp luật thường được thực hiện thông qua các hội nghị, các cuộc tập huấn…

Tóm lại, “Hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật” là việc sử dụng những hình thức khác nhau tác động một cách có hệ thống và thường xuyên đến ý thức của con người nhằm trang bị những kiến thức pháp lý nhất định để từ đó họ có những nhận thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng pháp luật và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.

Phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Hoạt động tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật được xem là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp, giải thích và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức xử sự đúng pháp luật, giúp họ, cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nên, Hoạt động tư vấn pháp luật không chỉ bao gồm việc chuyển tải nội dung của một điều luật, một văn bản pháp luật, hoặc cung cấp thông tin về những quy định pháp luật có liên quan mà còn là việc sử dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm của các chuyên gia pháp luật. Như vậy, người thực hiện tư vấn phải sử dụng lao động trí óc của mình để đưa ra một lời khuyên, giúp khách hàng có một hướng giải quyết đúng đắn.

Người thực hiện tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật là hoạt động chuyên môn đòi hỏi người thực hiện tư vấn pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn nhất định. Luật sư, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên pháp luật phải là những người có kiến thức pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm tư vấn, đồng thời phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, tận tâm, nhiệt tình và chịu trách nhiệm cá nhân đối với hoạt động tư vấn pháp luật của mình. Hiện có hai mô hình phổ biến, đó là:

Tư vấn pháp luật của luật sư theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 [có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007]: hoạt động này mang tính chuyên nghiệp, có thu thù lao hoặc phí dịch vụ.

Tư vấn pháp luật do các tổ chức đoàn thể xã hội thực hiện theo quy định của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Hoạt động này được thực hiện thông qua các Trung tâm tư vấn pháp luật, mang tính chất xã hội và không nhằm mục đích thu lợi nhuận, do các tổ chức đoàn thể tự trang trải toàn bộ hoặc được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Khác với hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước là giúp đỡ pháp lý miễn phí, mọi chi phí liên quan do nhà nước chi trả.

Người được tư vấn pháp luật

Người được tư vấn pháp luật thường rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, bao gồm:

Khách hàng của luật sư: từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước đều có thể được luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật và thông thường phải trả thù lao cho luật sư.

Thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp [công đoàn viên, người lao động, nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh…] chiếm phần đông dân cư trong xã hội, chủ yếu là được tư vấn pháp luật miễn phí.

Người nghèo, đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp, tổ chức và đối tượng khác: ngoài đối tượng được hưởng chính sách xã hội nói trên, các Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức đoàn thể còn thực hiện tư vấn pháp luật đối với doanh nghiệp, cá nhân khác khi có yêu cầu và thu phí thấp hơn so với các tổ chức hành nghề luật sư.

Mục đích, ý nghĩa của hoạt động tư vấn pháp luật:

Tư vấn pháp luật cung cấp cho cá nhân, tổ chức những hiểu biết pháp luật ở mức cơ bản, phổ thông về một vấn đề nhất định, giúp họ hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong một quan hệ pháp luật cụ thể. Kết quả của hoạt động tư vấn pháp luật là lời khuyên, ý kiến pháp lý bằng miệng hoặc bằng văn bản. Đó là những giải pháp cụ thể, hữu ích giúp đối tượng được tư vấn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Tư vấn pháp luật mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi vì, tư vấn pháp luật giúp định hướng hành vi ứng xử của các cá nhân, tổ chức theo khuôn khổ pháp luật và quy tắc đạo đức. Đồng thời, nó còn góp phần hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột liên quan đến quyền, lợi ích, góp phần giảm thiểu các tranh chấp, giảm bớt tình trạng khiếu kiện tràn lan, kéo dài do người dân hiểu pháp luật không đúng hoặc không đầy đủ.

Tư vấn pháp luật còn góp phần giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, của tổ chức và công dân; phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, kịp thời hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật

Chủ thể của hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật

Trong khoa học pháp lý, chủ thể của hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật [TTGDPBPL] là những cá nhân, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ hay trách nhiệm xã hội đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động PBGDPL nhằm thực hiện các mục đích của giáo dục pháp luật. Khoản 1 Điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định “Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt” [29, tr. 1]. Trong giai đoạn hiện nay, TTGDPBPL là trách nhiệm của các cấp bộ Đảng, của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể quần chúng, của mỗi cá nhân… Tuy nhiên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân làm công tác TTGDPBPL thường được chia thành hai loại là chủ thể chuyên nghiệp và chủ thể không chuyên nghiệp.

Chủ thể chuyên nghiệp là loại chủ thể quan trọng và chủ yếu, là những người có chức năng, nhiệm vụ hay trách nhiệm pháp lý chủ yếu, trực tiếp và thường xuyên thực hiện công tác giáo dục pháp luật. Chủ thể chuyên nghiệp bao gồm các tổ chức và cá nhân như: các trung tâm tư vấn pháp luật; trung tâm trợ giúp pháp lý; các bộ phận chuyên trách công tác phổ biến giáo dục pháp luật thuộc ngành Tư pháp; các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cơ quan Đảng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể quần chúng, tổ chức kinh tế…

Chủ thể giáo dục pháp luật không chuyên nghiệp thường là những cá nhân, tổ chức kiêm nhiệm, đảm nhận nhiệm vụ chính là chuyên môn nghiệp vụ của họ, TTGDPBPL chỉ là lồng ghép vào các hoạt động phục vụ công việc chính của họ, chủ thể này rất đa dạng.

Phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Đối tượng của hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật

Đối tượng của hoạt động này là mỗi cá nhân hoặc các nhóm người chịu tác động bởi các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện PBGDPL thông qua các phương thức khác nhau nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đối tượng của PBGDPL bao gồm:

Đầu tiên là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Loại đối tượng này rất quan trọng bởi họ trực tiếp nắm giữ và thực thi các chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, họ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Vì vậy, họ vừa là đối tượng cần được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, đồng thời họ cũng là chủ thể giáo dục pháp luật với đối tượng giáo dục là nhân dân.

Hai là học sinh, sinh viên. Đối tượng này cần được đặc biệt quan tâm, rèn luyện, hình thành ý thức pháp luật và phát triển toàn diện bởi đây là lớp trẻ, là những người chủ tương lai của đất nước.

Ba là người lao động như công nhân, thợ thủ công… hoặc người đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Lực lượng này cần được giáo dục để nhận thức được trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Đây là lực lượng đông đảo thuộc nhiều tầng lớp, ngành nghề khác nhau, về trình độ hiểu biết pháp luật cũng rất khác nhau, do đó khi tiến hành tuyên truyền pháp luật phải chú ý tới các đặc điểm riêng để chọn phương thức và nội dung phù hợp.

Bốn là, những người có hành vi sai phạm, phạm pháp đã chấp hành xong hình phạt hoặc đang được cải tạo, đang ở trại giáo. Nhóm đối tượng này cực kỳ nhạy cảm, cần được quan tâm, giáo dục để có thể trở lại với xã hội, có thể sống và làm việc như mọi công dân khác.

Vai trò của hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật

Thứ nhất, TTGDPBPL giúp hình thành ý thức pháp luật và đạo đức cho mọi người, tăng cường sự hiểu biết pháp luật. Các quy phạm pháp luật được xây dựng dựa trên nền tảng các nguyên tắc đạo đức. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn thường ngày những nguyên tắc đạo đức.

Thứ hai, TTGDPBPL góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Pháp luật là công cụ để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Một khi người dân đã tin vào pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, thì việc quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn, phát huy tối đa hiệu quả của mỗi cơ quan, tổ chức thực thi pháp luật và quyền tự do, dân chủ của mỗi cá nhân.

So sánh giữa Hoạt động tư vấn pháp luật và Hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Sự tương đồng

Hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động TTPBGD pháp luật đều là việc sử dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm của các chuyên gia pháp luật, các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để chuyển tải nội dung của một điều luật, một văn bản pháp luật, hoặc cung cấp thông tin về những quy định pháp luật có liên quan đến mọi người.

Các cá nhân, tổ chức tham gia Tư vấn pháp luật hoặc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn nhất định về năng lực chuyên môn cũng như thủ tục giấy phép cần thiết để hoạt động.

Cả hai hoạt động đều hướng tới mục đích giúp cho người khác nâng cao hiểu biết pháp luật thông qua nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử, hình thành và phát huy ý thức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Sự khác biệt

Tiêu chí Hoạt động tư vấn pháp luật Hoạt động TTPBGD pháp luật
1. Mục đích Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Bảo vệ lợi ích xã hội, tang cường hiểu biết pháp luật trong nhân dân.
2. Chủ thể tiến hành Do các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động chuyên nghiệp như: Luật sư, Tư vấn viên, Tổ chức đoàn thể xã hội. Đa dạng hơn, do các cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thực hiện như tuyên truyền viên pháp luật ở các cơ quan Đảng, các cơ quan Nhà nước; Các tổ chức chính trị – xã hội…
3. Các yêu cầu đối với chủ thể tiến hành

– Luật sư, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên pháp luật phải là những người có kiến thức pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm tư vấn, đồng thời phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, tận tâm, nhiệt tình và chịu trách nhiệm cá nhân đối với hoạt động tư vấn pháp luật của mình.

– Ngoài ra còn đáp ứng các điều kiện theo Khoản 1 Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật.

– Có kiến thức pháp lý nhất định.

– Có nhiệt tình, tâm huyết, tận tuỵ với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

– Có khả năng nói và viết.

– Có khả năng hòa đồng và giao tiếp.

– Biết tích lũy tư liệu, kiến thức.

4. Các hình thức thực hiện

– Tư vấn bằng lời nói.

– Tư vấn bằng văn bản.

– Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp.

– Thông qua các loại hình báo chí hoặc phương tiện phát thanh cơ sở.

– Biên soạn và phát hành các loại tài liệu.

– Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…

5. Thù lao

– Tư vấn pháp luật của luật sư theo quy định của Luật Luật sư mang tính chuyên nghiệp, có thu thù lao hoặc phí dịch vụ.

– Tư vấn pháp luật do các tổ chức đoàn thể xã hội thực hiện theo quy định của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua các Trung tâm tư vấn pháp luật, mang tính chất xã hội và không nhằm mục đích thu lợi nhuận, do các tổ chức đoàn thể tự trang trải toàn bộ hoặc được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.

Hoạt động này của Nhà nước là giúp đỡ pháp lý miễn phí, mọi chi phí liên quan do nhà nước chi trả nhằm phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đến tất cả mọi người.
6. Nội dung Các thông tin, chỉ dẫn mang tính chất cụ thể, trực tiếp đối với vụ việc. Mang tính chất chung chung.
7. Phương pháp

– Đưa ra kết luận dựa trên cơ sở cung cấp thông tin và phân tích của luật sư.

– Hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.

Có định hướng của nhà nước hoặc của tổ chức tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật.

Trên đây là bài làm của em với chủ đề “Phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật”. Với việc phân biệt được giữa hoạt động tư vấn pháp luật với các hoạt động khác sẽ giúp chúng ta hiểu cặn kẽ hơn khi học môn học này đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ khi hành nghề. Bài viết còn một vài thiếu sót, kính mong các thầy cô góp ý, bổ sung để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ Đề