Quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã

Để sử dụng tốt nguồn tài nguyên quý giá này cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là hoạt động quản lý của chính quyền cấp xã.

      Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước về đất đai. Ngay sau cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh (Chủ tịch lâm thời Chính phủ Dân chủ cộng hòa Việt Nam) đã ký Sắc lệnh số 41 ngày 03 tháng 10 năm 1945 để kết thúc hoạt động quản lý đất đai của thực dân Pháp và mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trải qua các giai đoạn của đất nước, Nhà nước ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, làm công cụ cơ bản và quan trọng thực hiện quản lý nhà nước về đất đai: Năm 1987 Quốc hội ban hành Luật đất đai, năm 1993 ban hành Luật đất đai trên cơ sở cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 1992; năm 2003 Quốc hội ban hành Luật đất đai (thay thế Luật đất đai năm 1993), sau 10 năm thực hiện Luật đất đai năm 2003 với những kết quả đạt được, đất nước có nhiều đổi mới về kinh tế, xã hội; để phù hợp với thực tiễn thời điểm hiện tại cũng như khắc phục những hạn chế còn tồn tại của Luật đất đai năm 2003, năm 2013 Quốc hội ban hành Luật đất đai với nhiều quy định mới chặt chẽ hơn, phù hợp với thực tiễn thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đất đai sử dụng đạt hiệu quả, trong đó chính quyền cơ sở được quy định cụ thể hơn với các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.

      Trong những năm gần đây quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã đạt được những kết quả nhất định: thực hiện quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt cơ bản đảm bảo, công tác quản lý hồ sơ địa chính đã đi vào nề nếp, các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được đảm bảo hơn; hồ sơ về đất đai của người dân được thực hiện theo thủ tục hành chính của cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đáp ứng yêu cầu trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai hướng tới đảm bảo quản lý và sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã còn tồn tại những hạn chế nhất định: vẫn để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, có  hành vi lấn chiếm đất; tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng ở các địa phương, chính quyền cơ sở một số nơi chưa làm tốt công tác hòa giải tranh chấp đất đai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên phê duyệt có nơi chưa làm tốt; một số chính quyền địa phương cơ sở còn có lúc buông lỏng quản lý, có những yếu kém nhất định về công tác chỉ đạo, điều hành. Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân: Người sử dụng đất chưa chú trọng quan tâm  tìm hiểu  các quy định pháp luật về đất đai để bảo vệ quyền lợi cho mình. Cũng như chưa thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ của người sử dụng đất. Việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai đến nhân dân trong địa bàn phường chưa chủ động, tích cực, chất lượng các buổi tuyên truyền chưa cao. Người dân ít quan tâm tới công tác tuyên truyền trong lĩnh vực đất đai, chỉ khi nào quyền lợi của mình bị ảnh hưởng họ mới có ý kiến. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đất đai thường xuyên thay đổi. Giá đền bù quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, vì vậy công tác thu hồi, bồi thường cũng có những khó khăn nhất định. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức Địa chính cấp xã một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

       Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

      Một là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Cũng như sự giám sát của Hội đồng nhân dân.

      Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện cần có sự kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch kết hợp kiểm tra đột xuất đối với hoạt động quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã, nếu thấy sự thiếu sót, buông lỏng trong công tác này cần có sự chấn chỉnh kịp thời, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong công tác quản lý đất đai ở cơ sở. Bên cạnh đó Hội đồng nhân dân cấp xã cũng cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát nói chung, trong đó có hoạt động giám sát đối với công tác quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

       Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho công chức Địa chính cấp xã. Hằng năm, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường cần tăng cường các đợt tập huấn về kiến thức pháp luật đất đai, chuyên môn nghiệp vụ, cũng như nâng cao trình độ tin học để công chức Địa chính các xã, phường, thị trấn có thể khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt cho công việc. Chú trọng việc trang bị kỹ năng về giao tiếp hành chính, kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình thực thi công vụ.

      Ba là, Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải không ngừng học tập, thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc các quy định của pháp luật đất đai, cũng như kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai,

       Bốn  là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện việc tuyển dụng đối với công chức Địa chính cấp xã, tạo cho họ yên tâm và tâm huyết với công việc được giao. Công chức Địa chính tại cấp xã nên bố trí cố định trong thời gian dài để họ có thể bám địa bàn, nắm rõ tình hình sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc của các thửa đai.

      Năm  là, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm cho lĩnh vực quản lý đất đai, trang bị máy móc, tủ đựng tài liệu - hồ sơ địa chính. Ủy ban nhân dân cấp xã cần đề xuất những khó khăn hoặc kiến nghị cụ thể trong quá trình quản lý để cấp trên kịp thời hướng dẫn, giải quyết đảm bảo cho việc hoàn thành nhiệm vụ đồng thời phục vụ nhân dân đạt kết quả cao. 

      Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai đến từng người dân trong địa bàn xã, phường, thị trấn đi đôi với việc thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho người có quyền sử dụng đất để họ bảo vệ được quyền lợi của mình và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất. Đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa. Tránh tình trạng còn cả nể, có những hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng đất nhưng cán bộ, công chức cấp xã không thực hiện lập biên bản và không xử lý theo quy định của pháp luật.

Vai trò của quản lý Nhà nước về đất đai. Thẩm quyền quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đất đai là tài sản của toàn dân, do Nhà nước nắm quyền sở hữu, Nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho người dân. Do đó, đất đai có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống của con người. Nhà nước đẩy mạnh công tác quản lý đất đai ở từng địa phương. Dưới đây là bài phân tích về thẩm quyền quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân cấp huyện. 

Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Vai trò của quản lý Nhà nước về đất đai: 

– Quản lý Nhà nước về đất đai là việc Nhà nước dùng sức mạnh quản lý của mình để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến vấn đề đất đai. Các hoạt động quản lý về đất đai của Nhà nước đều hướng tới việc duy trì trật tự công tác hoạt động đất đai, duy trì trật tự đất đai ở mức ổn định, cùng với đó, thực hiện giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến đất đai để việc cấp quyền sử dụng đất của Nhà nước cho những hộ dân đủ điều kiện được diễn ra khách quan, minh bạch. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai là một trong những hình thức bảo vệ quyền lợi công dân trong việc sử dụng nguồn đất mà Nhà nước cấp. 

– Quản lý Nhà nước về đất đai là hoạt động có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống người dân, cũng như sự phát triển chung của đất nước ta. Nó tác vào đời sống xã hội của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể như sau: 

+ Quản lý đất đai giúp Nhà nước nắm bắt được tình hình sử dụng đất ở từng địa phương; nắm bắt được các cá nhân, hộ gia đình được cấp quyền sử dụng đất. Khi được cấp quyền sử dụng đất, các cá nhân, hộ gia đình có quyền sử dụng miếng đất đó đúng mục đích sử dụng ban đầu của nó. Đồng thời, các đối tượng được cấp quyền sử dụng có trách nhiệm quản lý, giữ gìn đất đai. Bởi suy cho cùng, đất đai là tài sản toàn dân, Nhà nước đứng tên chủ sở hữu, và các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình được Nhà nước cấp phép sử dụng. Vậy nên, công tác quản lý Nhà nước về đất đai giúp hoạt động sử dụng đất đai diễn ra đúng mục đích, đúng thẩm quyền, tranh xảy ra sai phạm hay những rủi ro không đáng có. 

+ Quản lý Nhà nước về đất đai giúp người dân được đảm bảo về quyền sử dụng đất. Khi Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng cá nhân, hộ dân, đồng nghĩa với việc Nhà nước xác lập và công nhận nhận quyền sử dụng đất cho những đối tượng đó. Như đã phân tích ở trên, đất đai có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống cũng như sự phát triển kinh tế của người dân. Tấc đất tấc vàng. Đất là tài sản, là máu xương mà cả đời người dân phấn đấu để có được và xây dựng thành quả trên đó. Vậy nên, nếu công tác quản lý Nhà nước về đất đai không được chặt chẽ, quy củ, sẽ dẫn đến những sai sót, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Có thể khẳng định rằng, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai chính là hình thức bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân có lợi ích liên quan. 

+ Quản lý Nhà nước về đất đai giúp Nhà nước đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tránh những trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp đất đai xảy ra. Thực tế hiện nay, đất đai ngày càng có giá trị. Do đó, khi nói đến đất đai, không có cá nhân nào muốn chịu thiệt. Trước kia, các hộ dân có thể cho nhau đất để làm lối đi, hàng rào. Nhưng hiện tại thì không. Chỉ cần một lấn chiếm nhỏ cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn và tranh chấp đất giữa các cá nhân, tổ chức liên quan. Do đó, Nhà nước cần phải đưa ra những biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh những trường hợp tranh chấp đó xảy ra, phát sinh và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai giúp Nhà nước giám sát hoạt động sử dụng đất của các cá nhân, hộ dân, đưa ra những biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra tranh chấp. Hơn hết, công tác quản lý Nhà nước về đất đai giúp quyền lợi về đất đai của người dân được đảm bảo một cách tối đa. 

Như vậy, quản lý Nhà nước về đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác sử dụng, hoạt động đời sống liên quan đến đất đai. Ý nghĩa đặc biệt của đất đai xuất phát từ vai trò của nó trong việc đảm bảo đời sống an sinh của người dân, sự bình ổn của trật tự an toàn xã hội.

2. Thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp xã, UBND cấp huyện:

2.1. Thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp xã: 

– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật đất đai 2013 quy định về Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương. 

– Khoản 2 Điều 8 Luật đất đai 2013 cũng đưa ra những quy định rõ ràng về Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý. Theo đó, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.

Xem thêm: Vận dụng lý luận địa tô của C.Mác trong việc quản lý đất đai ở Việt Nam hiện nay

Như vậy, UBND xã có thẩm quyền quản lý đất nông nghiệp, đất công ích của địa phương mình. Việc quản lý của UBND xã nhằm  rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn để xử lý những vấn đề liên quan; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định. Cùng với đó, việc quản lý đất đai của UBND xã giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

2.2. Thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp huyện: 

– Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan Nhà nước cấp trên của xã. Cơ quan này có thẩm quyền bao quát, quản lý hoạt động chung của đất đai của cơ quan cấp dưới.

– Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm quản lý đất đai một cách trực tiếp, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện lại quản lý đất đai một cách gián tiếp. Cơ quan cấp trên này thông qua báo cáo, thực tiễn hồ sơ quản lý đất đai do cấp xã cấp lên để xem xét, kiểm tra và quản lý.

– Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện còn được thể hiện ở chỗ, cơ quan chức năng năng có thẩm quyền của cơ quan này sẽ tiến hành các cuộc công tác, kiểm tra hoạt động sử dụng đất đai ở cấp xã. Trong trường hợp xảy ra sai phạm sẽ đưa ra phương hướng giải quyết kịp thời.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan tiến hành rà soát, xem xét quyền sử dụng đất đai của cấp xã. Trong trường hợp người dân có vướng mắc về đất đai, đã khiếu nại, kiến nghị lên ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đảng, các cá nhân sẽ tiến hành khiếu nại lên ủy ban nhân dân cấp huyện. Lúc này, cán bộ chức năng của Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ xem xét, kiểm tra đưa ra câu trả lời để giải đáp thắc mắc cho người dân.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn B và anh Đỗ Văn M là hàng xóm của nhau. Năm 2014, anh B tiến hành xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và xây tường bao ngăn cách diện tích, ranh giới đất với nhà anh M. Đầu năm 2017, anh M cũng làm thủ túc xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi thực hiện đo đạc để xin cấp lại sổ, anh M phát hiện phần diện tích thực của gia đình mình bị hụt so với sổ đỏ là 10 m2. Anh Đỗ Văn M cho rằng anh Nguyễn Văn A đã lấn sang đất nhà mình. Hai bên xảy ra tranh chấp. Anh A tiến hành khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiến hành hòa giải, hướng đến giải quyết bằng việc đo đạc lại diện tích hai nhà dựa vào bản đồ địa chính xã. Anh A không đồng ý. Anh cho rằng , anh là người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước, đã được Văn phòng đăng ký đất đai công nhận và cấp giấy. Do đó, không có chuyện anh xâm lấn đất nhà anh M. Hòa giải ở xã không thành công, anh A đã tiến hành khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp huyện.