Tại sao đến tháng lại có máu đông

Ra nhiều cục máu đông trong những ngày “rớt dâu” là tình trạng phổ biến nhiều chị em gặp phải. Thế nhưng, ít ai biết được cục máu đông hình thành là do nguyên nhân nào, nó ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe của phụ nữ. Chính vì vậy, bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được những hiểu biết cơ bản nhất về hiện tượng này cũng như cách đối phó hiệu quả.

Ra cục máu đông trong thời gian hành kinh có phải bất thường?

Những cục máu đông lẫn trong kinh nguyệt là một hiện tượng rất hay gặp, đó có thể là tình trạng bình thường hoặc dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa nguy hiểm.

Vào kỳ kinh nguyệt, nếu trứng không được thụ tinh, sự kích thích của các hormone sinh dục sẽ khiến cho lớp niêm mạc tử cung dày lên rồi bong ra làm lộ các mạch máu nhỏ gây chảy máu. Niêm mạc tử cung đã rụng cùng với máu sẽ đọng lại ở đáy tử cung, chờ cổ tử cung co giãn để tống xuất ra ngoài. Để hỗ trợ quá trình phân hủy máu và các mô nội mạc tử cung, cơ thể sẽ tiết ra chất chống đông máu giúp cho máu trôi ra ngoài trơn tru hơn. Tuy nhiên, khi lượng máu quá nhiều, chất chống đông máu không được sản xuất kịp thời thì máu kinh sẽ bị giữ lại ở tử cung lâu hơn và hình thành nên những cục máu đông.

Đôi khi, bạn sẽ thấy có những cục máu nhỏ có vẻ giống một cục máu đông nhưng thực chất đó là một khối các tế bào nội mạc tử cung bong tróc trộn lẫn với máu kinh và dịch nhầy âm đạo. Nếu lớp màng rụng bong tróc với kích thước lớn, thì khi đào thải ra ngoài chúng sẽ trông giống như một cục máu đông lớn. Mặc dù cục máu đông kinh nguyệt sẽ không đóng vảy như vết thương ngoài da nhưng chúng hoàn toàn không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Các cục máu đỏ sẫm chủ yếu xuất hiện trong vài ngày đầu của kỳ kinh, khi lượng máu kinh ra nhiều nhất. Điều này cũng giải thích một phần lý do tại sao trong những ngày đầu của thời gian hành kinh phụ nữ sẽ thấy đau bụng kinh nhiều hơn, cổ tử cung phải giãn lớn hơn để đẩy những cục máu đông ra ngoài, điều đó gây ra những cơn đau, thậm chí có thể đau khá dữ dội.

Một khi máu kinh di chuyển chậm qua âm đạo và bị giữ lại đây trong thời gian dài, chúng có xu hướng chuyển thành màu nâu đen do bị oxy hóa. Nếu như dòng chảy thông suốt, máu được đào thải đều đặn thì cục máu đông sẽ có màu đỏ tươi hơn.

Nếu bạn ngồi tại chỗ trong thời gian dài thì khi đứng dậy chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được dòng chảy kinh nguyệt đang trào ra. Thực chất, khi bạn không vận động, lượng máu kinh bị dồn tụ tại âm đạo, nó đào thải khó khăn hơn. Vì thế, nếu bạn đứng dậy hoặc làm gì đó, âm đạo được nới lỏng, máu kinh trào ra nhiều hơn, bạn có thể thấy một vài cục máu đông trôi ra ngoài.

Vì vậy, cục máu đông là bình thường khi:

  • Kích thước của nó nhỏ hơn 2.5cm.
  • Nó chỉ thỉnh thoảng xảy ra, chủ yếu là 1 – 2 ngày đầu hành kinh.
  • Cục máu đông có màu đỏ hoặc hơi sẫm màu.

Khi nào bạn nên tới gặp bác sĩ về tình trạng máu kinh vón cục?

  • Nếu máu kinh của bạn ra nhiều và bạn phải thay băng vệ sinh liên tục sau 1 – 2h.
  • Nếu máu chảy kéo dài hơn bảy ngày.
  • Máu kinh có màu đen
  • Nếu cục máu đông có kích thước quá lớn > 2.5cm.
  • Nếu có quá nhiều cục máu đông, ngay cả những ngày cuối cùng của kỳ “đèn đỏ”.
  • Nếu bạn bị đau bụng kèm theo buồn nôn.
  • Nếu bạn bị chảy máu hoặc có cục máu đông khi mang thai.

Kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông có thể là bệnh gì?

Tùy thuộc vào độ tuổi và tiền sử bệnh của bạn, bất kỳ yếu tố nào cũng có thể làm tăng lưu lượng kinh nguyệt và / hoặc hình thành cục máu đông lớn hơn mức trung bình, bao gồm:

U xơ tử cung

U xơ tử cung phần lớn là khối u lành tính, nó xuất hiện do sự kích thích của estrogen và progesterone làm cho các mô trên hoặc trong niêm mạc tử cung tăng sinh bất thường. Estrogen và progesterone cũng là điều kiện khiến máu kinh đào thải ra nhiều hơn và hình thành máu cục.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng các mô nội mạc tử cung trong niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, 95% các mô lạc nội mạc tử cung thường phát triển tại ống dẫn trứng và buồng trứng của bạn.

Các dấu hiệu điển hình của bệnh là:

  • Đau vùng chậu, đau lưng hoặc lan xuống dưới đùi
  • Rong kinh, máu kinh ra nhiều, kèm cục máu đông
  • Đau bụng kinh dữ dội hơn bình thường
  • Hay đau khi giao hợp
  • Vô sinh, hiếm muộn

Bệnh tuyến cơ tử cung [Adenomyosis]

Đây là tình trạng các mô tuyến trong nội mạc tử cung xuất hiện và phát triển trong lớp cơ tử cung. Ở điều kiện bình thường, các mô tuyến này chỉ hình thành ở lớp lót nội mạc tử cung, chúng có chu kỳ phát triển và thoái triển theo chu kỳ của nội tiết tố nữ [tạo ra hiện tượng hành kinh]. Nếu các mô tuyến này di chuyển vào trong cơ tử cũng sẽ hình thành lên bệnh lý bất thường.

Nguyên nhân của bệnh này chưa được phân tích rõ ràng, nhưng người ta cho rằng phụ nữ thực hiện các thủ thuật can thiệp vào tử cung thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Triệu chứng chủ yếu của lạc tuyến nội mạc tử cung cũng giống như lạc nội mạc tử cung, đó là tình trạng rong kinh kéo dài, ra nhiều máu kinh [cường kinh], kèm theo các cơn đau quặn ở vùng chậu trong thời gian hành kinh, thậm chí là đau khi giao hợp.

Mất cân bằng nội tiết tố

Suy tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang [PCOS], tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều, dẫn đến đông máu và chảy máu nhiều.

Sảy thai

Sẩy thai có thể xảy ra rất sớm, trước khi bạn biết mình có thai, dẫn đến hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, đó là những mảng huyết nhầy có màu hồng hoặc nâu.

Nếu bạn đang mang thai và thấy tình trạng cục máu đông bất thường từ âm đạo, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Phá thai

Dù bạn thực hiện phá thai bằng thuốc hay phương pháp ngoại khoa thì chắc chắn bạn sẽ thấy máu kinh chảy ra rất nhiều vài ngày sau đó, kèm với những cục máu đông lớn. Nhưng đây là tình trạng hoàn toàn bình thường do tử cung đang co bóp đẩy hết mô thai ra ngoài. Bạn nên báo cho bác sĩ nếu như tình trạng rong kinh kéo dài quá 2 tuần hoặc thấy trong máu kinh có lẫn cục máu đông với kích thước lớn hơn 1 quả chanh. Xem chi tiết: Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt sau khi phá thai.

Cục máu đông bất thường trong kinh nguyệt điều trị thế nào?

Để điều trị tình trạng cục máu đông kinh nguyệt bất thường, bạn cần điều trị triệt để các bệnh lý sinh ra nó. Việc xác định phương pháp điều trị cần xem xét dựa trên:

  • Nguyên nhân hình thành cục máu đông
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Tuổi tác của bệnh nhân
  • Nguyện vọng sinh sản trong tương lai của bệnh nhân

Điều trị bằng nội khoa

Bổ sung sắt: Máu kinh đào thải quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu. Vì vậy trong một số trường hợp, bạn có thể được bác sĩ chỉ định dùng thêm viên uống bổ sung sắt hoặc vitamin.

Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai chứa nội tiết tố có tác dụng làm cho vòng kinh đều đặn hơn, giảm lượng máu chảy đáng kể. Thuốc tránh thai kết hợp cả estrogen và progesterone có thể làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt tới 50%. Thuốc viên hoặc thuốc tiêm chỉ chứa progesterone như Norethindrone [norethisterone] có thể làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt tới 83%.

Đặt vòng tránh thai nội tiết: Mặc dù vòng tránh thai là một phương pháp kiểm soát sinh sản nhưng nó cũng được coi là một biện pháp điều trị cho những phụ nữ bị rong kinh, kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông. Ví dụ như vòng tránh thai Mirena đã được chứng minh là có thể làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt lên đến 96% sau một năm sử dụng, mặc dù bạn có thể bị chảy máu bất thường trong vài tháng đầu khi mới sử dụng.

Advil hoặc Motrin [ibuprofen]: Thuốc có tác dụng giảm đau bụng kinh và giảm lượng máu chảy ra đến 49%.

Liệu pháp hormone thay thế: Bổ sung Progesterone, estrogen hoặc kết hợp cả hai có thể giúp giảm chảy máu.

Thuốc Antifibrinolytic: Nếu bạn không muốn sử dụng liệu pháp hormon, một lựa chọn khác có thể phù hợp hơn đó là sử dụng Lysteda [acid tranexamic] hoặc Amicar [acid aminocaproic] để ngăn chặn chảy máu và sự hình thành của các cục máu đông. Lysteda có thể làm giảm lưu lượng kinh nguyệt của bạn tới 58%.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị bằng các thủ thuật ngoại khoa [chủ yếu là phẫu thuật] có thể là một sự lựa chọn cần thiết trong trường hợp phải cắt bỏ polyp hoặc u xơ hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa. Các thủ thuật ngoại khoa có thể bao gồm:

Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung [D&C]: Trong thủ thuật này, người ta sẽ dùng dụng cụ để mở rộng cổ tử cung, sau đó họ sẽ cạo hết lớp niêm mạc tử cung của bạn để chấm dứt kinh nguyệt tức thời.

Thuyên tắc động mạch tử cung: Ở phương pháp này, người ta sẽ bơm thuốc qua một ống thông đi qua động mạch lớn ở đùi và dẫn tới động mạch ở tử cung tư đó cắt nguồn cung cấp máu cho tử cung. Phương pháp này thường áp dụng với những bệnh nhân bị rong kinh do tổn thương thực thể ở đường sinh dục như là có u xơ, u nang, polyp tử cung.

Cắt bỏ nội mạc tử cung: Những thủ thuật tương tự này loại bỏ tất cả hoặc một phần niêm mạc tử cung của bạn, nó có thể ngăn chặn tình trạng rong kinh và máu kinh vón cục trong kỳ hành kinh nhưng cũng khiến bạn không thể sinh con được nữa.

Phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở: Phương pháp này có thể được sử dụng để loại bỏ u xơ hoặc niêm mạc tử cung hoặc để khắc phục các vấn đề trong tử cung của bạn. Trong những trường hợp chảy máu kinh nghiêm trọng, có nhiều cục máu đông, tuy nhiên phụ nữ không còn nguyện vọng sinh sản hoặc tử cung có tế bào ung thư thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung để chữa bệnh.

Video liên quan

Chủ Đề