Tại sao nhiều người chết không nhắm mắt

Gary Nickel, 62 tuổi, không bao giờ thích nói về những gì ông đã trải qua tại Việt Nam. Chỉ đến gần đây, vợ ông là bà Terry mới biết được một vài chi tiết về việc tại sao ông hay hét lên khi đang ngủ và siết chặt hai tay vào nhau cứ như thể ông đang bóp cổ ai đó. Chẳng hạn như, ông đã kể với bà về một lần khi ông đang đóng quân tại Căn cứ Không quân Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 32 km về phía đông bắc, một máy bay hạ cánh và tất cả binh sĩ nhảy ra khỏi máy bay rồi nôn ọe. Công việc của ông Nickel là chất hàng và dỡ hàng từ máy bay và khi đó ông đã phát hiện bên trong máy bay có một cái đầu đang thối rữa của một binh sĩ Mỹ bị cắm trên một cái cột.

Ông Gary cũng đã kể với vợ về những hồi tưởng đã nhiều lần trở lại với ông trong những giấc mơ về Cuộc tổng tiến công Tết Mậu thân 1968 khi đó ông đã run lên trong các boong-ke đang bị nã đạn súng cối.

Sau nhiều lần khước từ vì “không muốn bị cột chặt” vào bệnh tâm thần, cuối cùng ông Gary đành phải nghe theo lời năn nỉ của vợ ông là hãy đi khám và điều trị bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương và giờ đây ông đang uống thuốc theo đơn do một bác sĩ tư nhân kê.

Nhưng đó không phải là căn bệnh trầm trọng nhất mà ông mắc phải. Ông Gary còn mắc bệnh liệt rung [Parkinson]. Liệt rung là căn bệnh thường thấy nhất ở những người cao tuổi, nhưng ông Gary chỉ 57 tuổi khi bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh và bệnh đã phát triển nhanh.

Sau hai năm mắc bệnh này, ông đã phải bỏ việc tại một nhà máy xử lý nước ở Moorhead, bang Minnnesota, và bà Terry cũng phải bỏ công việc y tá để ở nhà luôn túc trực chăm sóc ông. Hai ông bà không có con. Buộc phải sống dựa vào nguồn thu nhập sụt giảm, trong đó có khoản tiền 450 USD mỗi tháng dành cho kiểm tra thương tật do quỹ phúc lợi xã hội cấp, ông bà Gary đã bán ngôi nhà của họ và mua một ngôi nhà nhỏ hơn và thuận tiện hơn cho việc đi lại. Trong nhà có một giường bệnh, một xà treo và những chiếc gối đặc biệt rất có ích cho ông Gary khi ông đang mắc chứng thối loét vì nằm liệt giường. Hiện nay, bà Terry cũng đang phải chăm sóc mẹ già 80 tuổi sống cùng họ.

Đây có thể là một câu chuyện buồn nữa về một gia đình công nhân Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu và vận đen. Bà Terry từng nghĩ rằng điều hết sức quan trọng là ông Gary phải được Trung tâm Y tế của Bộ Cựu chiến binh Mỹ nhận điều trị. Trung tâm y tế này nằm tại Fargo gần nhà của ông bà ở bang Bắc Dakota sẽ cung cấp những thiết bị và những phương tiện cần thiết cho ông Gary và quan trọng là giúp bà có thời gian nghỉ ngơi. Bà biết rằng với mức thu nhập của hai người, ông bà sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn về thu nhập thấp để có thể được trung tâm y tế nói trên nhận điều trị. Nhưng sau đó qua sách báo bà biết có bằng chứng khoa học ngày càng rõ ràng cho thấy có mối liên hệ giữa căn bệnh liệt rung và việc bị phơi nhiễm chất độc da cam - chất làm rụng lá cây được sử dụng trên diện rộng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Và tình cờ là căn cứ ở Biên Hòa đã và vẫn còn là một “điểm nóng” chất độc da cam ở Việt Nam tới mức mà Chính phủ Mỹ vào năm 2000 đã cam kết giúp Chính phủ Việt Nam khử bỏ cấp độ dioxin cao và những chất gây ô nhiễm khác vẫn còn tại đó. Do vậy vào năm 2007, bà Terry đã viết đơn đề nghị  cho chồng bà được trung tâm y tế nói trên nhận điều trị với lý do bệnh liệt rung mà ông Gary mắc phải là một căn bệnh “có liên quan tới thời gian ông còn trong quân ngũ”.

Nhưng những quan chức quan liêu tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã không mảy may xúc động. 14 tháng sau khi đệ đơn, ông bà Gary đã nhận được một lá thư dài hơn hai trang đề ngày 7 – 7 – 2008, giải thích rõ lý do Bộ Cựu chiến binh Mỹ không chấp nhận lời đề nghị của ông Gary. Họ thừa nhận là đã tìm thấy trên Wikipedia một nghiên cứu cho thấy những người bị phơi nhiễm thuốc diệt cỏ như chất độc da cam có tỷ lệ mắc bệnh liệt rung “cao hơn 70% so với những người không bị phơi nhiễm” nhưng sau đó họ viết tiếp là ông Gary có thể đã mắc bệnh liệt rung ở tuổi như vậy vì “ông đã hút thuốc lá trong 14 năm” hoặc “do những rủi ro nghề nghiệp” khi ông làm việc tại nhà máy nước.

Bà Terry nói bà đã thu thập hàng trăm trang tài liệu nghiên cứu để bác lại những ý kiến nói trên của Bộ Cựu chiến binh Mỹ - một chiến thuật mà đã cho thấy hiệu quả đối với nhiều cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc bệnh liệt rung. Nhưng sau một năm đợi “phán quyết”đối với “đơn kháng án” của ông bà Gary, nhờ sự giúp đỡ của các nhà lập pháp địa phương, bà Terry được biết là Bộ Cựu chiến binh Mỹ đơn giản đã khép lại “vụ kiện” của ông bà. Bà Terry nói: “Tôi hiểu rằng đây hoàn toàn mang tính chính trị”.

Mặc dù đã thua trong cuộc chiến đó, nhưng thực tế cho thấy bà Terry đã đúng.

Mùa thu vừa qua, người đứng đầu Bộ Cựu chiến binh Mỹ Eric K. Shinsek thừa nhận có bằng chứng y học ngày càng rõ ràng cho thấy có sự liên quan giữa bệnh liệt rung cùng với hai căn bệnh phổ biến khác với việc bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, ông Gary và hàng trăm nghìn cựu binh khác vẫn phải gánh chịu bệnh tật trong nhiều năm qua mà không được chăm sóc do một cơ chế quy định những lợi ích dựa vào bằng chứng mang tính khoa học - bằng chứng mà được gom nhặt chậm tới mức nhiều cựu binh sẽ qua đời trước khi họ được cho là có đủ tiêu chuẩn để được nhận điều trị của trung tâm y tế thuộc Bộ Cựu chiến binh Mỹ.

Tại sao tất cả các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, những người bị phơi nhiễm chất độc da cam lại không thể mặc nhiên được nhận điều trị từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ? Có phải cách đây nhiều năm, chúng ta đã không quan tâm tới vấn đề này? Những người ở một độ tuổi nhất định có thể nhớ lại về những tiêu đề bài báo, những cuộc biểu tình  phẫn nộ, những phiên tòa căng thẳng. Và về việc Chính phủ Mỹ từ lâu đã không công nhận là việc bị phơi nhiễm chất độc da cam có thể góp phần gây ra mọi căn bệnh ngoại trừ bệnh Chloracne [da bị hồng ban dạng trứng cá do tiếp xúc với chất clo]. Về những vụ kiện tập thể rất lớn chống Dow, Monsanto và những nhà sản xuất chất độc da cam khác - những nhà sản xuất đã khiến các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam phẫn nộ về khoản bồi thường rất nhỏ mà họ đưa ra thông qua thương lượng ngoài tòa [kết quả sau cùng số tiền bồi thường cho 52 nghìn cựu chiến binh là 197 triệu USD, có nghĩa là mỗi người được nhận khoảng 3.800 USD]. Về người đứng đầu Bộ Cựu chiến binh Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan – ông Robert Nimmo, người đã xuất hiện trên chương trình truyền hình NBC’s Today để gọi các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là “nhóm người hay kêu ca phàn nàn”. Về những nhóm chuyên gia cố vấn theo đường lối bảo thủ mà đã coi là kết quả “khoa học giả tưởng” đối với mọi nghiên cứu chỉ ra rằng chất độc da cam là một nguyên nhân gây bệnh. Và về việc cuối cùng, chính quyền liên bang Mỹ đã thừa nhận có bằng chứng khoa học ngày càng rõ về mối liên kết giữa chất độc da cam và hàng hoạt các căn bệnh và họ đã cam kết giúp các nạn nhân của chất độc da cam như thế nào.

Ngày 6 – 2 – 1991, Tổng thống H. W. Bush đã ký ban hành đạo luật về chất độc da cam. Vào thời điểm đó, nó dường như là một thắng lợi lớn đối với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Đạo luật này quy định rằng các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc bất kỳ bệnh nào trong số ba căn bệnh khi đó được coi là có mối liên quan mật thiết với chất độc da cam [bệnh chloranne, bệnh ung thư máu thể non-Hodgkin's lymphoma và bệnh ung thư mô mềm] sẽ mặc nhiên đủ tiêu chuẩn để được hưởng chăm sóc y tế của Bộ Cựu chiến binh Mỹ.

Và đạo luật này kêu gọi Học viện Y khoa [IOM] tiếp tục tìm kiếm chứng cứ mới về những tác hại lâu dài của chất độc da cam tới sức khỏe con người. Được sự ủng hộ của Nghị sĩ đảng Dân chủ G. V. Montgomery [nay đã qua đời] và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khi đó là Arlen Specter, đạo luật này hứa hẹn giải quyết được vấn đề mà ông Bush gọi là “rất phức tạp và rất gây chia rẽ”.

Trong một khoảng thời gian, đạo luật này dường như là một hình mẫu về một chính sách tuy ra đời chậm chạp nhưng đúng đắn về mặt đạo lý và khả thi, dựa trên cơ sở khoa học.

Vào năm 1993, Học viện Y khoa đã phát hiện ra mối liên kết giữa chất độc da cam và bệnh ung thư máu thể Hodgkin’s lymphoma và một số bệnh tương đối hiếm gặp khác, và Bộ Cựu chiến binh Mỹ với ý thức trách nhiệm đã bổ sung những căn bệnh này vào danh sách những bệnh được cho là có liên quan tới thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với bất cứ người Mỹ nào từng tham chiến ở Việt Nam. Nhưng nhiều năm trôi qua, Học viện Y khoa và các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm ra ngày càng nhiều bằng chứng về việc có thêm nhiều các biến chứng do bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Báo cáo về mối liên kết giữa việc bị phơi nhiễm chất độc da cam và bệnh tiểu đường tuýp 2 -  một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở Mỹ của Học viện Y khoa công bố vào năm 2000 đã gây sửng sốt đối với hầu hết các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và các nhà lập ngân sách liên bang. Và tỷ lệ cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam mắc căn bệnh này còn cao hơn nhiều. Cho dù phải tốn rất nhiều tiền, Bộ Cựu chiến binh Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton đã thay đổi những quy tắc để mọi cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt nam bị mắc những căn bệnh nói trên giờ đây được coi là những căn bệnh có liên quan tới thời gian tại ngũ và do đó họ có đủ tiêu chuẩn để được hưởng sự chăm sóc của Bộ Cựu chiến binh Mỹ.

Khi các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam đã qua độ tuổi 50, 60, họ có nguy cơ mắc bệnh cao và bắt đầu mắc ngày càng nhiều căn bệnh kinh niên như bệnh cao huyết áp, ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến - những căn bệnh mà chất độc da cam hóa ra cũng là yếu tố gây bệnh. Các nhà khoa học cũng bắt đầu làm rõ được nhiều giả thuyết của họ về sức khỏe của con em cựu chiến binh Mỹ. Chẳng hạn như, vào năm 2007, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã thông báo là 1.200 con em cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã mắc bệnh nứt đốt sống- một dị tật bẩm sinh có liên quan mật thiết tới một thành phần chính của chất độc da cam.

Báo cáo gần đây nhất trong một loạt những báo cáo mang tiêu đề Cựu chiến binh và Chất độc da cam trình lên Bộ trưởng Cựu binh Mỹ Shinseki, Học viện Y khoa đã bổ sung bệnh liệt rung cùng với bệnh tim do thiếu máu cục bộ và bệnh bạch cầu tế bào hình tóc vào danh sách các căn bệnh liên quan đến bị phơi nhiễm chất độc da cam. Ngay sau đó, ông Shinseki đã yêu cầu xác định ba căn bệnh này là có liên quan đến thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cho bất kỳ cựu chiến binh Mỹ nào từng tham chiến ở Việt Nam đang mắc những căn bệnh này. Nếu quyết định này được thông qua thì những người như ông Gary Nickel và khoảng 200.000 cựu binh khác sẽ dễ dàng hơn trong việc yêu cầu được hưởng quyền lợi.

Tuy nhiên, còn về những cựu binh đang mắc những căn bệnh chưa được coi là liên quan đến chất độc da cam nhưng có thể một ngày nào đó sẽ được coi là có liên quan thì sao? Đến nay, hy vọng duy nhất của họ là làm theo cách mà ông Gary Nickel đã làm: cố gắng chứng minh rằng căn bệnh của họ là do bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Nhưng cũng có một số vấn đề về hành chính. Đối với nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, việc chỉ cần chứng minh họ đã tham chiến ở Việt Nam, chưa nói gì đến việc chứng minh họ là nạn nhân của chất độc da cam, đã là cả một sự thử thách bởi vì vụ cháy lớn năm 1973 ở St. Louis đã thiêu hủy rất nhiều hồ sơ lưu trữ của quân nhân. Ngày nay, nếu ai đó cầm tờ tạp chí thành viên của Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam [VVA] thì sẽ thấy nhiều trang có các dòng nhắn in chữ nhỏ tương tự như sau:

Cần xác minh. Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia thông báo với tôi rằng các tài liệu của tôi đã bị mất trong một vụ cháy. Tìm người đã tham gia Tiểu đoàn vận tải 611 ở Vĩnh Long trong hai năm 1969-1970. Có vấn đề về sức khỏe do một tai nạn xảy ra trong một chuyến tìm kiếm. Liên hệ: Stan Floyd, .

Theo luật pháp, Bộ Cựu chiến binh Mỹ có nhiệm vụ giúp các cựu chiến binh tìm lại hồ sơ quân nhân của họ và mặt khác thiết lập các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, David Houpert - người chỉ đạo hoạt động của VVA trong việc giúp các thành viên của tổ chức này xác lập các thủ tục hành chính của Bộ Cựu chiến binh Mỹ, cho biết các nhân viên chính phủ chịu trách nhiệm tìm kiếm tại các kho chứa tài liệu của quân đội và Cơ quan Lưu trữ quốc gia thường quá tải công việc đến mức họ chỉ tìm kiếm một cách chiếu lệ. Do đó, đã xuất hiện một “dịch vụ” giúp các cựu chiến binh nào chịu bỏ phí tìm kiếm các hồ sơ của họ.

Ngoài thách thức có được một bộ hồ sơ quân nhân thì vấn đề thường mang tính trừu tượng là chứng minh rằng bệnh tật của ai đó có liên quan đến thời gian trong quân ngũ của người này. Về bản chất, hầu hết các rối loạn mãn tính đều có rất nhiều nguyên nhân gây ra, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như gien, ăn kiêng, hành vi và các ảnh hưởng của môi trường mà thường tất cả đều cùng tác động.

Ở Việt Nam trong thời chiến, môi trường không chỉ nhiễm nhiều chất độc da cam mà còn nhiễm các chất hóa học độc hại khác mà tổng hợp tác động của chúng có thể đã gây ra tác hại mặc dù thật khó để xác định điều đó một cách khoa học.

Thí dụ, ông Alan B.Oates - người đứng đầu Ủy Ban Chất độc da cam của VVA nói, “Chiến dịch diệt muỗi” trước đây cứ chín ngày lại phun 1,76 triệu lít thuốc trừ sâu chứa hóa chất malathion cô đặc ở các thành phố và các trụ sở chính để phòng bệnh sốt rét. Các binh sĩ hàng tuần cũng được cho dùng thuốc điều trị ký sinh trùng sốt rét gọi là “Thuốc ngày thứ hai”, thuốc này làm ức chế enzyme mà cơ thể sử dụng để giúp chuyển hoá những chất độc gây loạn thần kinh.

Ông Alan B. Oates nhấn mạnh: “Điều cốt yếu là các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã dùng dược phẩm được kê đơn và chúng đã làm giảm khả năng tự giải độc của cơ thể trong khi họ lại chịu các phơi nhiễm của các chất độc gây loạn thần kinh”.

Có rất ít nghiên cứu về chất độc da cam có thể đã kết hợp như thế nào với các độc tố thông thường khác trong môi trường của Việt Nam thời chiến, trong đó có chất DDT, thuốc diệt cỏ, Napan, nhiên liệu máy bay và rất nhiều chất khác.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã có thể nâng cao được kiến thức khoa học về vấn đề này nếu họ đã mã hoá hệ thống lưu trữ y tế điện tử của họ với các thông tin về nơi từng tham chiến của các bệnh nhân được Bộ này điều trị. Điều này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu một công cụ hữu hiệu để xác định có hay không mối liên hệ giữa thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam với những căn bệnh khác nhau mà sau đó các cựu chiến binh này và con em của họ đã mắc phải và nếu có thì mối liên hệ này nhiều tới mức nào.

Nếu việc mã hóa nói trên đã được tiến hành thì nó cũng có thể giúp chúng ta hiểu về hội chứng Chiến tranh Vùng Vịnh và về những căn bệnh mà các binh sĩ Mỹ hiện đang tham chiến tại Afghanistan và Iraq sẽ có thể mắc phải trong tương lai.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên tự hỏi là liệu chúng ta sẽ làm gì với thông tin này. Tất nhiên là tốt khi biết mọi điều về bệnh tật, tuy nhiên có những hạn chế về những gì chúng ta có thể biết và những mối nguy hại khi sử dụng khoa học không thích hợp.

Chẳng hạn như, hãy giả sử rằng tất cả mọi việc liên quan đều diễn ra hết sức tốt đẹp, thì hầu hết những tác động về lâu dài của việc bị phơi nhiễm chất độc da cam và các chất độc khác chỉ có thể được phát hiện khi thời gian trôi qua – quãng thời gian để các cực chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bắt đầu sinh những đứa con bị dị tật và thậm chí một quãng thời gian lâu hơn để họ bắt đầu bị mắc căn bệnh liệt rung. Và thậm chí khi đó, tất cả những gì mà khoa học đưa ra là những điều khái quát về nhóm dân cư này, chứ không phải là sự xác định về nguyên nhân gây ra bất cứ căn bệnh kinh niên nào của ai đó.

Và do vậy chúng ta đã bỏ rơi một số lượng lớn các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, những người có thể đang phải gánh chịu những ảnh hưởng của chất độc da cam mà không được chăm sóc hay bồi thường cho tới khi sự chịu đựng và cái chết của họ cuối cùng mang lại đủ dữ liệu khoa học để ấn định nguyên nhân gây ra các căn bệnh họ mắc phải.

Thông thường, chúng ta muốn khoa học định hướng cho chính sách. Nhưng trong lĩnh vực này, đợi khoa học có nghĩa là đợi các binh sĩ già đi và qua đời, đồng thời cũng khiến các cựu chiến binh ốm yếu và những người yêu quý của họ phải trông đợi vào một tổ chức “khổng lồ”, một bộ máy quan liêu hay thay đổi thất thường và quá tải, mà tất cả chỉ vì mục đích nỗ lực để loại bỏ “những người không xứng đáng được hưởng chăm sóc y tế”.

Công lý sẽ được thực thi tốt hơn nhiều nếu ngay từ đầu chúng ta đã cho là mọi cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đáng được hưởng chế độ chăm sóc của Bộ Cựu chiến binh Mỹ và vẫn còn chưa quá muộn để làm điều này. Thực tế là, đa số cựu chiến binh Mỹ hiện hoặc chẳng bao lâu nữa sẽ đủ tuổi để đủ tiêu chuẩn được hưởng chương trình bảo hiểm y tế Medicare, do vậy dù thế nào đi nữa những người nộp thuế cũng phải gánh vác chi phí y tế cho những cựu chiến binh này. Liệu có hợp lý khi loại trừ họ khỏi danh sách những người được hưởng chế độ chăm sóc của Bộ Cựu chiến binh Mỹ khi mà Bộ này đang điều trị với chi phí thấp hơn cho mỗi bệnh nhân và giành được sự hài lòng của bệnh nhân hơn là qua chương trình Medicare.

Bộ máy hoạt động của Bộ Cựu chiến binh Mỹ có quy mô rộng lớn ở nhiều vùng trên khắp nước Mỹ và sẽ sớm mở rộng hơn nhiều.

Đồng thời, Bộ Cựu chiến binh Mỹ điều trị y tế với chất lượng rất cao cho những người đủ tiêu chuẩn và trong thập kỷ qua bộ này được ghi nhận như tổ chức hàng đầu thế giới về sử dụng công nghệ thông tin để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và phát triển những nguyên tắc điều trị dựa vào y học thực chứng.

Chúng ta cần mở rộng và phát triển Bộ Cựu chiến binh để tiếp nhận không chỉ tất cả các cựu chiến binh mà còn cho cả các thành viên gia đình họ. Điều này không chỉ mang ý nghĩa điều trị - hãy nghĩ về bà Terry và hàng triệu các bà vợ của các cựu chiến binh đã cao tuổi như bà ấy- mà nó còn có ý nghĩa về kinh tế. Chừng nào, Bộ Cựu binh Mỹ còn duy trì một trong số, nếu không phải là phần lớn, hệ thống chăm sóc sức khỏe tích hợp, được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả thì càng điều trị cho nhiều bệnh nhân càng tốt hơn.

Mọi cựu chiến binh Mỹ phải được dùng thẻ bảo hiểm của họ, trong đó có cả bảo hiểm theo chương trình Medicare, để hưởng điều trị tại các trung tâm y tế của Bộ Cựu chiến binh Mỹ. Những người nghèo hoặc những người bị thương do chiến tranh phải được điều trị miễn phí; những người khác nên đóng góp kinh phí chữa trị theo khả năng của họ. Tuy nhiên, bất cứ người Mỹ nào từng được vinh dự phục vụ trong quân ngũ không nên nhận thấy rằng mình đang bị “ngăn cấm” khỏi Bộ Cựu chiến binh Mỹ.

Đối với rất nhiều cựu chiến binh ốm yếu, đặc biệt là những người từng tham chiến tại Việt Nam, việc bị khước từ như những gì ông Gary đã gánh chịu được coi là một sự lăng mạ cuối cùng của một quốc gia bạc bẽo. Họ sẽ khó có thể chết nhắm mắt.

Đối với chúng ta, việc tham gia vào công cuộc của họ không chỉ là đúng về mặt đạo lý mà còn thúc đẩy việc cải cách y tế thực sự bằng cách đưa chúng ta gần hơn đến việc thiết lập một nguyên tắc là việc được tiếp cận những chăm sóc y tế cần thiết không phải là kết quả của một sự đấu tranh giành giật hay biểu tình mà là một quyền của công dân.

TRƯỜNG SƠN

[Theo Washington Monthly]

Video liên quan

Chủ Đề