Tân Bến Thượng Hải nơi dùng phim

Hứa Văn Cường vừa đặt chân đến Thượng Hải, vô tình cứu được Trình Trình, con gái yêu của Phùng Kính Nghiêu - một nhân vật khét tiếng trong giới xã hội đen ở bến Thượng Hải, cũng lần đó, anh cùng Đinh Lực kết tình huynh đệ, sống chết có nhau. Nhờ sự giúp đỡ của người yêu cũ - Phương Diễm Vân – bây giờ là người tình của Phùng Kính Nghiêu, Hứa Văn Cường trở thành giám đốc một nhà hát lớn. Với tài năng, sự quyết đoán và lòng can đảm của mình, chẳng bao lâu, Văn Cường nổi danh khắp bến Thượng Hải. Phùng Kính Nghiêu muốn lôi kéo anh về làm tay sai cho mình, nhưng Văn Cường tìm cách thoái thác, cố giữ mình ở một địa vị trung lập giữa bến Thượng Hải đầy hỗn loạn...

Bến Thượng Hải - nơi đưa nôi và khởi nguồn của rất nhiều tác phẩm phim truyền hình và điện ảnh đã được tái hiện chân thực, sinh động qua bàn tay của nhiều đạo diễn Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Và “Tân bến Thượng Hải” cũng là một bộ phim được bắt nhịp từ hồn xưa, được làm lại từ câu chuyện phim “vang bóng một thời” những năm trước qua tài năng, sự sáng tạo của đạo diễn Cao Hy Hy. Phim là một câu chuyện bi thương, ai oán, là sự đan xen, tổng hợp của nhiều yếu tố: hành động, tình cảm lãng mạn, bi kịch… cộng hưởng lại cùng nhau và ngân nga đến tha thiết. Từng dây đàn buồn thảm của bộ phim vang lên khiến cho mọi trái tim người xem như thắt lại, day dứt trước số phận, hoàn cảnh của mỗi nhân vật được tái hiện trong phim.

“Tân bến Thượng Hải” được phát sóng trên kênh H2 truyền hình Hà Nội từ 4/1/2012, buổi 20h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Đặc biệt đây là bản phim có sự tham gia lồng tiếng của nhiều nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi phía Bắc chắc chắn sẽ đem đến cho công chúng khán giả những cảm xúc mới thú vị .

“Tân bến Thượng Hải” được sản xuất bởi đạo diễn Cao Hy Hy, người từng nổi tiếng với phim “Mật ngọt” được thực hiện trước đó. Đây là bộ phim được xây dựng lại từ kịch bản của hãng TVB năm 1982. Tính đến thời điểm hiện tại bộ phim này đã có ba phiên bản phim truyền hình đó là năm 1982, năm 1996 và 2007. Ngoài ra còn có một phiên bản điện ảnh cũng được làm với tên gọi “Máu nhuộm Bến Thượng Hải” năm 1996. Cả hai phiên bản truyền hình và điện ảnh trước đó đều được dư luận đánh giá cao, lăng xê thành công tên tuổi của nhiều diễn viên đã trở thành gạo cội của màn ảnh Hồng Kông và Hoa ngữ như: Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi, Trương Quốc Vinh, Trần Cẩm Hồng…

Tân Bến Thượng Hải nơi dùng phim

 

Khi thực hiện lại “Tân bến Thượng Hải” các nhà làm phim cũng phải chịu đựng nhiều sức ép từ phía dư luận, luôn cố gắng làm sao để phiên bản mới này có thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của các phiên bản phim trước đó. Đặc biệt với hai diễn viên trẻ là Huỳnh Hiểu Minh và Tôn Lệ thì hai vai diễn này lại càng trở thành một thử thách nặng nề khi trước họ tài tử Châu Nhuận Phát và ngôi sao Triệu Nhã Chi đã hóa thân quá xuất sắc, đưa tên tuổi của bộ phim trở thành biểu tượng của màn ảnh Trung Quốc mỗi khi khán giả nhắc đến những tác phẩm thực hiện về Thượng Hải.

 

Cuối cùng phiên bản “Tân bến Thượng Hải” 2007 ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ nó đã thu được nhiều thành công vang dội, được dư luận và giới chuyên môn đánh giá rất cao. Thậm chí nhiều nhà phê bình Đại Lục còn cho rằng “Vai diễn Hứa Văn Cường do Huỳnh Hiểu Minh đảm nhận có nhiều nét thông minh và còn khí chất hơn so với đàn anh Châu Nhuận Phát.”… Điều đó đã phần nào nói lên ấn tượng mà bộ phim để lại trong lòng công chúng.

 “Tân bến Thượng Hải” là câu chuyện xoay quanh cuộc đấu tranh giành quyền lực của các bang phái xã hội đen ở Thượng Hải vào những năm 1930 của thế kỷ 20 mà người đứng đầu là ông trùm tư bản Phùng Kính Nghiêu. Đan xen vào cuộc đấu tranh quyết liệt, đẫm máu và sặc mùi bạo lực ấy là mối tình trong sáng, ngây thơ, mạnh mẽ và bi thương của chàng thanh niên chí lớn, yêu nước Hứa Văn Cường với cô tiểu thư xinh đẹp - con gái của Phùng Kính Nghiêu là Phùng Trình Trình.

Khác với các phiên bản phim truyền hình trước đó chủ yếu đi vào khắc họa cuộc đối đầu giữa Phùng Kính Nghiêu và Hứa Văn Cường, giảm nhẹ các tình tiết liên quan đến mối tình bất hạnh của Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình thì phiên bản “Tân bến Thượng Hải” 2007 đã được thêm vào đó rất nhiều những chi tiết lãng mạn, đau thương của hai nhân vật nam- nữ chính trong phim và gia tăng các tình huống “xoáy” sâu vào mối quan hệ huynh đệ, gia đình đầy phưc tạp của nhân vật chính. Điều này giúp khắc họa rõ hơn những nét hấp dẫn vốn có trong cốt truyện cũ đồng thời cũng như một chất xúc tác đẩy cao trào của bộ phim lên mức cao nhất, làm cho khán giả có cảm giác dù đang xem một tác phẩm không mới nhưng vẫn có thể cảm nhận được những khám phá, sự dụng công đặc biệt của các nhà làm phim “Tân bến Thượng Hải”.

 

Tân Bến Thượng Hải nơi dùng phim

Chính bởi những đột phá mới từ một nguyên tác phim đã cũ, đã trở nên quen thuộc với khán giả này mà “Tân bến Thượng Hải” đã tạo ra được những dấu ấn riêng, để lại thật nhiều cảm xúc đẹp cho người xem khi trực tiếp theo dõi tác phẩm trên màn ảnh nhỏ. Từ việc tăng tối đa những chi tiết để khắc họa mối tình đẹp nhưng tuyệt vọng của hai nhân vật chính trong phim thì “Tân bến Thượng Hải” còn cho người ta nhìn thấy và nể phục chí “nam nhi” trong thời loạn, khiến cho người ta rơi lệ bởi một chuyện tình buồn, bởi những tình tiết đậm đặc chất bi thương của tình yêu bất thành trong một xã hội đảo điên, hỗn mang và sặc mùi súng ống, máu me. Những chi tiết, bối cảnh trong phim cũng được các nhà làm phim chú ý đầu tư ở mức cao. Một loạt những đại cảnh lớn, những chi tiết giàu sức gợi, cảnh quay chân thực của xã hội Thượng Hải những năm đầu thế kỷ 20 đã được tái hiện lại trước mắt người xem thông qua bộ phim. Cái không khí của thời đại toát lên qua từng cảnh quay đẹp mắt, kết hợp cùng kỹ xảo hiện đại đã thổi vào bộ phim truyền hình này nhiều sự hồi hộp, bất ngờ. Cùng với đó là sự sử dụng hiệu quả, hợp lý các yếu tố về âm nhạc, tạo hình nhân vật… đã mang lại cho bộ phim những thành công không thể phủ nhận.

Bộ phim với 42 tập xoay quanh mối quan hệ phức tạp củ các nhân vật tuy nhiên người ta ấn tượng nhất có lẽ vãn là chuyện tình đầy nước mắt của Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình- hai con người bị sinh nhầm thời đại. Một bản hòa âm buồn bã với cái chết của nam nhân vật chính và nỗi đau thấu ruột của nữ nhân vật chính Phùng Trình Trình. Một chuyện phim buồn đủ sức hấp dẫn và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Tình yêu lại một lần nữa mang đến cho người ta cảm xúc khác khi xem “Tân bến Thượng Hải”. Một câu chuyện tình buồn được đặt trong một môtip phim quên thuộc nhưng lại mới về cấu tứ, cách đạo diễn thể hiện những khám phá nghệ thuật của mình. Chính vì vậy mà “Tân bến Thượng Hải” đã được khán giả bình chọn là phim truyền hình được yêu thích nhất của Trung Quốc năm 2007.