Tiền rác 2023

.

.

Sở KH-ĐT đã có công văn về việc đăng tải thông tin dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân [H.Vĩnh Cửu] đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22-9-2022.

Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư [PPP] loại hợp đồng BOO xây dựng - sở hữu - kinh doanh. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án hơn 2,2 ngàn tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án khoảng 3 năm kể từ ngày khởi công xây dựng.

Theo đó, dự án được dự kiến khởi công xây dựng từ năm 2023. Trong giai đoạn 1, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân sẽ có công suất xử lý 800 tấn rác thải/ngày và công suất phát điện 20MW. Khi hoàn thành giai đoạn 2, công suất xử lý rác thải sinh hoạt sẽ đạt 1,2 ngàn tấn/ngày và công suất phát điện đạt 30MW.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt khu vực TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và các vùng lân cận bằng công nghệ cao đốt rác - phát điện, đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh công nghiệp và an toàn của Việt Nam, không gây ô nhiễm thứ cấp, thay thế chôn lấp và tiết kiệm quỹ đất, giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án cũng góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường khả năng cung cấp cho lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh.

Phạm Tùng

Chậm nhất ngày 15-5-2023 phải khởi công dự án xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành

Dự án xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành [Mỹ Lộc] được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 22-10-2019 tại Quyết định số 2322/QĐ-UBND; đã qua 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các quyết định số: 2889/QĐ-UBND ngày 20-12-2019, số 1823/QĐ-UBND ngày 27-7-2020 và số 653/QĐ-UBND ngày 1-4-2022. Tại Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 1-4-2022 đã điều chỉnh, thay đổi công năng dự án từ Nhà máy điện rác Greenity Nam Định thành xây dựng khu xử lý rác thải với công suất xử lý khoảng 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm bằng công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi [Nhật Bản]; điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 785 tỷ đồng lên 1.437,039 tỷ đồng; quy định thời gian khởi công dự án chậm nhất ngày 20-5-2022, thời gian hoàn thành, đưa vào hoạt động và tiếp nhận, xử lý rác thải trong năm 2023.

Kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cho thấy kết quả rất chậm, không đúng lộ trình nhà đầu tư đã đăng ký, gây ảnh hưởng đến tình hình thu gom, xử lý rác thải tại thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc và các vùng lân cận.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, ngày 3-11, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 256/TB-UBND trong đó chỉ đạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tư pháp, UBND thành phố Nam Định, UBND huyện Mỹ Lộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao: Làm việc với nhà đầu tư để thống nhất lộ trình, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện khởi công dự án; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan theo đúng quy định.

UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định phải cam kết bằng văn bản khởi công chậm nhất vào ngày 15-5-2023 gửi UBND tỉnh, các sở, ngành trong tháng 11-2022; chủ động liên hệ, làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan về môi trường, công nghệ, đơn giá xử lý rác, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, các thủ tục giao đất, cho thuê đất, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng… theo đúng theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh Nam Định để khởi công thực hiện dự án theo thời hạn cam kết mới. Trường hợp không hoàn thành thủ tục khởi công dự án đúng tiến độ, nhà đầu tư phải có cam kết tự chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020./.

Thanh Thúy

Đầu năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường [BVMT] 2020 chính thức có hiệu lực. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 79 Luật BVMT 2020: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt [CTRSH] từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Tuy nhiên, đa số địa phương vẫn chưa áp dụng việc tính giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải theo quy định mới.

Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đang gặp lúng túng trong việc thu tiền rác theo ký. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Địa phương chờ hướng dẫn cách tính mới

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ TP để làm đơn giá thu gom rác.

Theo ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, hiện nay quận đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo Quyết định 20/2021 của UBND TP.

“Nhằm phù hợp với Luật BVMT 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích, hiện quận đang chờ hướng dẫn cụ thể của TP để thực hiện theo” - ông Kiên cho hay.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng nhận định: Thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích là hoàn toàn hợp lý. Hiện nay, quận vẫn đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo các quyết định 38/2018 và 20/2021 của UBND TP. Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được quy định trên đơn vị tính là đồng/kg.

“Quận Gò Vấp đã ban hành đơn giá rác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tổ chức triển khai do vẫn chờ hướng dẫn của TP để thực hiện sao cho đúng quy định của luật” - ông Khang thông tin.

Từ những ý kiến nêu trên, Sở Tư pháp TP cũng đã có văn bản gửi Sở TN&MT TP. Cụ thể, Sở Tư pháp cho rằng hiện nay, khoản 6 Điều 79 Luật BVMT 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích.

Như vậy, đến thời điểm Luật BVMT 2020 có hiệu lực thì UBND TP phải ban hành quy định giá cụ thể về dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Vì vậy, việc quy định đơn giá tối đa theo Quyết định 38/2018 và Quyết định 20/2021 của UBND TP không còn phù hợp với khoản 6 Điều 79 Luật BVMT 2020.

Chính vì vậy, Sở Tư pháp đề nghị Sở TN&MT nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo đúng Luật BVMT 2020 cho phù hợp.

Dự kiến nhiều phương pháp thu giá rác

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Việc thực hiện thu tiền rác theo khối lượng phát sinh đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan… thực hiện. Tương tự, TP.HCM đã triển khai việc thực hiện thu tiền rác theo khối lượng phát sinh từ năm 2008.

Hiện nay, các quận, huyện đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo Quyết định 38/2018 và Quyết định 20/2021 của UBND TP.

Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được quy định trên đơn vị tính là đồng/kg. Hộ gia đình và chủ nguồn thải chi trả giá dịch vụ theo khối lượng phát sinh theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền [chi trả cho công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý với lộ trình tăng giá dần dần]. Việc chi trả tiền rác của hộ gia đình và chủ nguồn thải thực hiện hằng tháng theo hợp đồng ký kết với đơn vị thu gom rác.

Qua nghiên cứu, tham khảo các phương pháp xác định khối lượng rác phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải đã được áp dụng hiệu quả từ các quốc gia phát triển trên thế giới và trên cơ sở điều kiện thực tiễn của TP.HCM, ngành môi trường dự kiến thực hiện tính tiền rác theo bốn cách sau:

Thứ nhất, cho hộ gia đình, chủ nguồn thải kê khai ban đầu khối lượng phát sinh. Trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện hậu kiểm sẽ điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, xác định theo hệ số phát thải bình quân đầu người, từ 0,8 đến 1,3 kg/người/ngày nhân với số lượng nhân khẩu.

Thứ ba, xác định theo dung tích thùng chứa/túi chứa hoặc thống kê khối lượng cân trong tuần, trong tháng và tổng hợp bình quân.

Thứ tư, kết hợp cả ba phương pháp trên.

“Giai đoạn đầu đòi hỏi chính quyền địa phương phải bố trí nhân sự thực hiện việc xác định và thống kê khối lượng phát sinh của các hộ gia đình, chủ nguồn thải. Trên cơ sở đó sẽ triển khai và quản lý công tác thu chi giá dịch vụ theo quy định của UBND TP.HCM”- bà Mỹ nói.•

 

Đề xuất ban hành giá dịch vụ thu gom rác

Liên quan đến việc triển khai hiệu quả việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích, UBND quận 4 đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và Cục Thuế TP xem xét đề xuất UBND TP.HCM một số nội dung.

Cụ thể, quận này đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ năm 2022 theo Luật BVMT 2020. Theo đó, UBND TP quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Đồng thời quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định loại phương tiện thu gom CTRSH bình quân hoặc áp dụng loại phương tiện sử dụng chủ yếu trên địa bàn quận. Trên cơ sở đó, quận xây dựng giá dịch vụ vận chuyển trên địa bàn đảm bảo thu đúng, thu đủ.

NGUYỄN CHÂU

Chủ Đề