Tính khả thi của quyết định hành chính nhà nước là gì

Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất các giải pháp

01/08/2014

TS. PHAN TRUNG HIỀN

Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

NGUYỄN THỊ MỸ TIÊN

Học viên cao học khóa 20 Trường Đại học Cần Thơ

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Nguyên tắc quản lý nhà nước bằng pháp luật đòi hỏi mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật [VBQPPL] phải dựa trên cơ sở Hiến pháp, Luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, ngoài việc bảo đảm tính hợp pháp, VBQPPL còn cần phải bảo đảm tính hợp lý, tức là phải bảo đảm tính khả thi. Việc đảm bảo tính khả thi khi xây dựng và ban hành VBQPPL là một trong những nguyên tắc cơ bản, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của văn bản pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước. Dù vậy, trong thời gian gần đây không ít các VBQPPL của các cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền được xây dựng và ban hành lại nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và các cơ quan hữu quan mà nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ việc các văn bản này chứa các quy định thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tế. Tính khả thi của VBQPPL giúp văn bản có thể đi vào đời sống của người dân và hơn hết là được mọi cá nhân, đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản tự giác chấp hành. Để yêu cầu về tính hợp lý được đảm bảo khi xây dựng và ban hành VBQPPL, các tác giả chia sẻ một vài ý kiến xoay quanh vấn đề tính khả thi của VBQPPL.

Ảnh minh họa: [Nguồn internet]

1. Khái quát về tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật

Theo Điều 1 Luật ban hành VBQPPL năm 2008 thì: VBQPPL là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục luật định, trong đó, VBQPPL có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trên cơ sở đó, các văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được pháp luật quy định thì không phải là VBQPPL. Cần nói thêm rằng Điều 2 của Luật ban hành VBQPPL năm 2008 không chỉ quy định những văn bản quy phạm do cơ quan ban hành mà còn quy định những VBQPPL do cá nhân có thẩm quyền ban hành như: Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ… Hơn nữa, có rất nhiều VBQPPL của cá nhân có thẩm quyền phát huy hiệu quả điều chỉnh xã hội trên thực tế. Tuy nhiên, Điều 1 của Luật ban hành VBQPPL năm 2008 chỉ nêu khái niệm là “văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành”nên có sự không thống nhất giữa Điều 1 và Điều 2 trong Luật này.

Theo từ điển tiếng Việt thì “khả thi” có nghĩa là khả năng thực hiện được[1]. Như vậy, tính khả thi của VBQPPL là khả năng văn bản đó thực hiện được trên thực tế. Cụ thể là sau khi được ban hành, các văn bản này thể hiện sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống, biểu hiện sự hợp lý, mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế - chính trị, xã hội, đạt được mục đích của quản lý nhà nước. Nói cách khác là những quy định của VBQPPL không chỉ dừng lại trên danh nghĩa giấy tờ mà nó phải đi vào đời sống của người dân. Trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 cũng có đề cập những yếu tố có liên quan đến tính hợp lý bên cạnh những yếu tố về tính hợp pháp như: giám sát, kiểm tra VBQPPL để kịp thời phát hiện những nội dung “không còn phù hợp”; hoặc rà soát, phát hiện những VBQPPL “không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước” để hệ thống hóa, pháp điển hóa[2]… Như vậy, tính khả thi của một VBQPPL bao gồm sự phù hợp giữa các quy định trong văn bản đó với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện.

Điều này còn thể hiện rõ mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Trong xã hội khi một quan hệ xã hội mới xuất hiện và cần thiết phải có quy định để điều chỉnh mối quan hệ này thì tất yếu sẽ dẫn đến sự ra đời những quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Nếu quy phạm pháp luật tiến bộ, phù hợp, phản ánh đúng thực tiễn đề ra thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đạt được yêu cầu của quản lý nhà nước; ngược lại khi quy phạm pháp luật đã lỗi thời, không phù hợp, phản ánh không đúng hiện thực khách quan sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Tính khả thi của các quy định chứa đựng trong một VBQPPL cũng là một trong những nội dung chủ yếu mà cơ quan thẩm định VBQPPL tiến hành thẩm định trước khi nó được ban hành. Tuy nhiên, để đánh giá tính khả thi của một VBQPPL, phải dựa trên nhiều căn cứ, tiêu chí để xem xét, đánh giá. Một VBQPPL được xem là khả thi khi những quy định của văn bản đó đáp ứng các yêu cầu sau:

- Sự phù hợp giữa quy định của VBQPPL với điều kiện kinh tế - xã hội;

- Sự rõ ràng, cụ thể của các quy định trong VBQPPL để có thể hiểu đúng, hiểu thống nhất, thuận tiện khi thực hiện;

- Sự toàn diện của các biện pháp, sự tương xứng, hợp lý của các chế tài trong VBQPPL so với yêu cầu giải quyết vấn đề;

- Có cơ chế bảo đảm thực thi theo hướng xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện;

- Sự phù hợp của các quy định trong VBQPPL với điều kiện thực tếvề nguồn tài chính, nguồn nhân lực để thi hành văn bản;trình độ quản lý, trình độ dân trí…

Như vậy, tính khả thi của văn bản phụ thuộc nhiều vào các tiêu chí định tính. Thước đo của tính khả thi được rút ra không chỉ từ những nguyên tắc chung của pháp luật, mà còn dựa trên các quy tắc chung của cuộc sống nên phần nhiều phụ thuộc vào quan điểm của các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản. Do đó, việc đánh giá một VBQPPL có khả thi hay không đôi khi cần phải có thời gian kiểm chứng.

Tuy nhiên, để tính khả thi được phát huy không những thỏa mãn những điều kiện trên mà phải nằm trong mối quan hệ tổng thể, phải kể đến là mối quan hệ với tính hợp pháp. Ở đây, tính hợp pháp của VBQPPL được hiểu là sự phù hợp của văn bản đó với thẩm quyền, nội dung, hình thức và phương pháp quản lý của các chủ thể quản lý trong khuôn khổ pháp luật quy định. Tính hợp pháp đối với thủ tục xây dựng và ban hành VBQPPL là sự phù hợp của hoạt động xây dựng và ban hành văn bản đó với các yêu cầu về thủ tục do luật định. Chính vì vậy, việc ban hành một VBQPPL đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp nhìn chung đơn giản hơn vì có những tiêu chí định lượng rõ ràng; trong khi đó, tính khả thi [tính hợp lý] lại phụ thuộc nhiều vào các tiêu chí định tính nên khó xác định.

2. Những trường hợp cần xem xét lại tính khả thi

Trong những năm qua, hoạt động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các VBQPPL ở nước ta nhìn chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả những hoạt động này đều hướng tới vì mục tiêu thực hiện quyền lực của nhân dân, phục vụ nhân dân, thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống để bảo đảm kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, việc bảo đảm tính khả thi khi xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện một số VBQPPL trong thời gian gần đây phát sinh một số bất cập, cần xem xét, thảo luận.

Có thể điểm sơ lược qua những thông tư của các Bộ trưởng mà một số quy định trong các thông tư này có vấn đề về tính khả thi. Tiêu biểu là hai Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được nhiều thông tin trái chiều từ các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, đó là Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012 quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Trong đó, tại Điều 5 Thông tư này quy định “Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng tám giờ kể từ khi giết mổ”. Đây là quy định về phương diện khoa học và đời sống là rất tiến bộ, có lợi cho người tiêu dùng; nhưng nếu áp dụng trong điều kiện của nước ta hiện nay là chỉ được phép bán thịt tươi sống trong vòng 8 giờ, thì hầu hết những người kinh doanh thịt không thể đáp ứng được vì thời gian còn lại để bán quá ít, bởi riêng thời gian vận chuyển thịt từ lò mổ ra đến chợ đã mất 2 - 3 giờ, chưa kể còn nhiều khâu trung gian khác. Thêm vào đó, vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng thịt cũng như hành vi bán hàng quá 8 tiếng sẽ do ai giám sát và việc xử phạt sẽ như thế nào? Đây là những câu hỏi chưa có lời giải đáp hoàn chỉnh trong điều kiện hiện nay. Tiếp theo Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 34/2012/TT-BNNPTN ngày 20/7/2012 quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Với quy định cơ sở thu gom, kinh doanh trứng gia cầm sẽ phải có địa điểm riêng biệt, đặc biệt phải có thiết bị bảo quản lạnh trứng ở nhiệt độ cho phép, sẽ có tới 90% số cơ sở kinh doanh trứng gia cầm cả nước sẽ phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu trên, trong đó riêng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có 72/77 cơ sở kinh doanh trứng phải đóng cửa vì không đủ điều kiện[3]. Trước những phản hồi của người dân, trong một cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhận xét: “Phải có bước đi phù hợp, nóng vội quá cũng không được. Về mặt khoa học, tiêu chuẩn quốc tế có thể phù hợp, nhưng điều kiện thực tế ở Việt Nam chưa cho phép thì cũng nên cân nhắc”. Theo Bộ trưởng, quy định làm sao phải vừa đảm bảo được tính thực thi, vừa phải sát với điều kiện thực tế, giảm thiểu tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp[4]. Kết quả là các văn bản này đều phải tạm ngưng hiệu lực do nhiệm vụ bất khả thi[5].

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 4/7/2013, về việc sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Cụ thể, Thông tư này có bổ sung thêm đối tượng: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Theo quy định này thì người dự thi đại học thuộc các đối tượng trên sẽ được cộng 2 điểm ưu tiên vào tổng điểm bài thi đại học, cao đẳng. Quy định này tỏ ra thiếu khả thi vì hiện tại độ tuổi của những bà mẹ Việt Nam anh hùng và những đối tượng nêu trên hầu hết không còn đủ khả năng để đi thi đại học, cao đẳng. Mặc dù sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 28/2013/TT-BGD-ĐT ngày 16/7/2013 bãi bỏ 03 đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh vừa nêu nhưng Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp kiến nghị rằng vẫn còn 2 đối tượng nữa cần bỏ ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh là: Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế[6]. Mặc dù đây là các quy định thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, nhưng lại thiếu thực tế nên không phát huy được tác dụng.

Ngoài ra, một số Nghị định của Chính phủ cũng gặp phải những vấn đề về tính hợp lý, khả thi. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá đã quy định, các thương nhân bán buôn và bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép kinh doanh thuốc lá, mỗi thương nhân chỉ được cấp một giấy phép cho một sản phẩm cụ thể. Với quy định này thì các nhà phân phối có thể thực hiện được, nhưng với các nhà bán lẻ thì không thể. Hiện nay, trong toàn quốc có hàng trăm nghìn cửa hàng tạp hóa, giải khát, thậm chí là quán nước nghỉ chân ven đường đang bán lẻ thuốc lá. Nếu tất cả các hàng quán này đều phải đi xin giấy phép bán thuốc lá, các cơ quan chức năng sẽ phải xem xét, kiểm tra để cấp hàng trăm ngàn giấy phép. Thêm nữa, đến thời điểm này, có 109 nhãn hiệu thuốc lá được phép lưu hành, mỗi điểm bán chỉ được cấp một giấy phép cho một sản phẩm, để phục vụ cho nhu cầu phức tạp của khách hàng, họ sẽ bằng mọi cách để xin nhiều giấy phép cho các nhãn hiệu khác nhau. Vậy cần cấp bao nhiêu giấy phép và bao giờ cấp xong trong khi các chế tài đã có hiệu lực từ 15/8/2013?[7] Phải thừa nhận rằng việc quy định các điểm bán lẻ thuốc lá không được bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi là quy định tiến bộ, tương đồng với các quy định của pháp luật của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, cơ chế nào để đảm bảo các quy định này được thực hiện cũng như làm sao để thực hiện khâu kiểm tra, giám sát là điều phải đặt ra.

Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo VBQPPL khi lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và không nhận được đa số sự đồng tình của người dân như quy định về việc cấm sử dụng nhà ở làm nhà nghỉ, vũ trường, quán bar, quán karaoke… trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi[8]. Trong tình hình thực tế của nước ta hiện nay thì việc cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như trên là chưa thực sự hợp lý vì trên thực tế, việc sử dụng nhà ở, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân ở Việt Nam hầu hết đều kết hợp giữa mục đích ở với các hoạt động kinh doanh nhỏ để phát triển kinh tế gia đình[9]. Ngoài ra, trong dự thảo Thông tư liên tịchgiữa Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tảingày 07/8/2013 quy định tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe,trong đó có quy định “ngực lép, thấp bé, nhẹ cân không được cấp giấy phép lái xe” những quy định này lại không có cơ sở khoa học để cho rằng những người có vòng ngực nhỏ, nhẹ cân… sẽ lái xe không an toàn so với những người bình thường. Để có quy định này thì cần phải có những luận cứ rút ra từ các kết luận khoa học để chứng minh rằng chính những người không đủ chiều cao, cân nặng… là chủ thể gây ra tình trạng mất an toàn giao thông. Việc chứng minh này phải dựa trên các số liệu tai nạn giao thông xảy ra hàng năm ở Việt Nam. Ngược lại, nếu không có căn cứ chứng minh như đã nêu thì các quy định này khi ban hành sẽ vô tình hạn chế quyền tự do đi lại của một lượng không nhỏ những người Việt Nam vốn không phải là đối tượng gây ra tình trạng mất an toàn giao thông.

3. Nguyên nhân dẫn đến việc ban hành các quy định thiếu tính khả thi

Thực trạng xây dựng, ban hành VBQPPL thiếu tính khả thi như đã nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan, khách quan trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản, trong đó có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, do tinh thần trách nhiệm chưa cao của một số chủ thể ban hành văn bản. Bên cạnh đó thì năng lực và trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL còn yếu, không đánh giá đúng tình hình thực tế, chưa am hiểu sâu về các chuyên ngành khác như kinh tế, xây dựng, văn hóa, y tế... Thêm vào đó, các chủ thể ban hành văn bản đôi khi ít chú ý đến việc tổng kết tình hình thực tiễn, không chú trọng việc đánh giá toàn diện cả mặt tích cực và tiêu cực của VBQPPL đối với đời sống xã hội; nên không dự liệu hết các hệ quả khi VBQPPL được ban hành.

Thứ hai, theo Điều 35 và Điều 62 của Luật ban hành VBQPPL năm 2008 thì cơ quan soạn thảo VBQPPL phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và đăng toàn văn dự thảo trên trang thông tin điện tử ít nhất 60 ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Nhưng hiện nay, trong nhiều trường hợp, quy định này không được thực hiện nghiêm túc trên thực tế, đặc biệt là việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Thứ ba, một số cơ quan soạn thảo không tuân thủ đầy đủ các quy định về thẩm định văn bản như hồ sơ thẩm định gửi đến Bộ Tư pháp còn sai sót về thủ tục, không tuân thủ nghiêm túc qui định về thời hạn gửi hồ sơ thẩm định. Bên cạnh đó, một số trường hợp thiếu chuẩn bị các tài liệu có liên quan đến việc ban hành văn bản, các luận cứ có tính quyết định đến chất lượng văn bản. Trong một số trường hợp, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của cơ quan chủ trì không được chú trọng, làm cho việc thẩm định mang tính hình thức.

Thứ tư, cơ chế “hậu kiểm” còn bộc lộ nhiều bất cập, vì thẩm quyền của Cục kiểm tra VBQPPL vẫn chỉ dừng ở mức tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL. Việc thực hiện kiểm tra VBQPPL thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ Tư pháp nhưng chỉ dừng lại ở việc thông báo kiến nghị. Việc xử lý, hủy bỏ, bãi bỏ VBQPPL lại theo một quy trình khác tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ thể ban hành VBQPPL. Bằng chứng là khi văn bản có vấn đề về tính hợp lý thì mỗi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền lại đưa ra phương án giải quyết khác nhau.

Ví dụ: Khi phát hiện nhiều thông tin trái chiều xung quanh quy định “mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô hoặc gắn máy” thì Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 17/2005/TT-BCA để sửa đổi, bổ sung điểm 2 của Thông tư 02/2003/TT-BCA. Trong khi đó, khi phát hiện quy định bất khả thi về bán thịt trong 8 tiếng và điều kiện bảo quản kinh doanh trứng gia cầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại ban hành Quyết định 2090/QĐ-BNN-TY về việc ngừng hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012 và Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012. Tất nhiên, theo Điều 1 và Điều 2 Luật Ban hành VBQPPL thì Quyết định của Bộ trưởng không phải là VBQPPL. Vậy trong trường hợp này, Quyết định của Bộ trưởng là văn bản gì mà có khả năng vô hiệu hóa VBQPPL?

Thứ năm, thời hạn thẩm định còn chưa phù hợp, nhất là đối với các dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, đòi hỏi cơ quan chủ trì thẩm định phải nghiên cứu kỹ để có thể đánh giá về tính khả thi, tính hợp lý của văn bản.Theo quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2008 thì thời hạn thẩm định đối với các dự án Luật và Pháp lệnh là 20 ngày, dự thảo Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 15 ngày, đối với các văn bản khác là 10 ngày. Như vậy, thời hạn thẩm định đối với dự án, dự thảo VBQPPL theo quy định trên là quá ngắn nên gây khó khăn cho cán bộ thẩm định trong việc thẩm định nội dung của dự án, dự thảo mà đặc biệt là thẩm định tính khả thi của văn bản.

Thứ sáu, một số VBQPPL khi đã có hiệu lực thi hành nhưng do chưa được quy định chi tiết nên phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, quy định về thẩm quyền của các cơ quan hữu quan trong việc thực thi pháp luật trong một số văn bản còn chung chung, không phân biệt rạch ròi dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền. Điều này làm cho các quy định trong văn bản khó được thi hành và áp dụng trên thực tế, ảnh hưởng đến tính khả thi của VBQPPL.

4. Giải pháp đề xuất

Trước thực trạng một số VBQPPL khi được xây dựng và ban hành lại thiếu tính khả thi, ảnh hưởng đến chất lượng văn bản, hiệu quả quản lý nhà nước, theo chúng tôi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tính thiếu khả thi khi xây dựng và ban hành các VBQPPL, cần phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Một là, cần đề cao ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị có chức năng xây dựng pháp luật và cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thẩm định văn bản. Trước hết, cần phải phân biệt rạch ròi thẩm quyền ban hành VBQPPL của tập thể [cơ quan nhà nước] và thẩm quyền của cá nhân người đứng đầu [cán bộ nhà nước có thẩm quyền]. Như vậy sẽ không có VBQPPL mang tên Quyết định của Chính phủ mà chỉ có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; không có Thông tư của Bộ mà chỉ có Thông tư của Bộ trưởng… Song song đó, cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những cán bộ, công chức có nhiệm vụ tham mưu, soạn thảo, thẩm định và ban hành nhưng để cho VBQPPL thiếu tính khả thi, không trở thành công cụ hữu hiệu, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

Hai là, cần đổi mới cách thức tổ chức phiên họp thẩm định VBQPPL theo hướng công khai để các cơ quan thông tấn báo chí tham dự, đưa tin về các nội dung, ý kiến tại phiên thẩm định. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân vào công tác giám sát, kiểm tra hoạt động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các VBQPPL. Ngoài việc tăng cường vai trò của phản biện xã hội của các tổ chức, nhà khoa học và những người có chuyên môn, cần mở rộng phạm vi giám sát đến các cơ quan báo chí và xã hội trong quy trình xây dựng văn bản, góp phần cho cơ quan chủ trì soạn thảo ý thức cao hơn đối với việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, phản biện.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho những người làm công tác văn bản. Soạn thảo và ban hành VBQPPL là một hoạt động đặc thù. Vì vậy, những người tham gia công tác này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, pháp lý vững vàng, kinh nghiệm tốt trong quản lý, phải nắm vững kỹ năng soạn thảo văn bản và các quy định của Luật ban hành VBQPPL, các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, phải có cơ chế huy động trí tuệ tập thể, đánh giá một cách toàn diện những ưu và khuyết điểm của mỗi phương án để từ đó tìm ra phương án khả thi, hợp lý nhất. Ngoài ra, phải chú trọng công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm công chức làm công tác xây dựng và thẩm định VBQPPL có trình độ, kinh nghiệm, vốn sống khả năng phân tích và đánh giá tác động của văn bản.

Bốn là, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan trực tiếp thẩm định VBQPPL. Theo đó, nếu phát hiện các quy định trong một VBQPPL thiếu tính khả thi thì cơ quan thẩm định phải có những thông báo, kiến nghị với cơ quan soạn thảo. Ngoài ra, cần phải có những quy định cụ thể hơn về cách thức, quy trình xử lý khi phát hiện VBQPPL bất hợp lý. Mặt khác, cơ quan thẩm định phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình. Cần nghiên cứu tăng thời gian thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL một cách hợp lý, hài hòa để cho những cán bộ, công chức làm công tác thẩm định có thời gian đánh giá một cách tổng quát, toàn diện về tính khả thi của các quy định trong văn bản.

Năm là, phải bảo đảm tính khách quan dựa trên các điều kiện kinh tế - xã hội khi xây dựng VBQPPL. Điều này đòi hỏi các cơ quan xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn xã hội, thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước, tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng các VBQPPL hiện hành liên quan đến dự án, dự thảo. Tính khách quan trong xây dựng VBQPPL cũng đòi hỏi phải khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, cục bộ ngành, xem nhẹ lợi ích chung, lợi ích xã hội.

Tóm lại, tính khả thi là yếu tố cần thiết để bảo đảm sức sống của một VBQPPL. Do đó, khi xây dựng, soạn thảo một VBQPPL cần phải đảm bảo các yêu cầu về tính khả thi. Trước mắt, đối với những VBQPPL nếu chứa các quy định còn thiếu tính khả thi, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp để khắc phục một cách nhanh chóng, kịp thời. Về lâu dài, cần sửa đổi các đạo luật ban hành VBQPPL theo hướng pháp điển hóa thành một đạo luật ban hành VBQPPL chung để thống nhất trong việc tham chiếu, viện dẫn. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn các tiêu chí về tính hợp pháp và hợp lý của VBQPPL. Đặc biệt, trong điều kiện xã hội phát triển đa dạng theo những yêu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế thị trường thì việc ban hành các VBQPPL khả thi mà vẫn điều chỉnh kịp thời các mối quan hệ xã hội là yêu cầu đặt ra hiện nay. Có như vậy, khi được ban hành, VBQPPL sẽ đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước, điều chỉnh hài hòa các mối quan hệ xã hội và được các đối tượng chịu sự tác động của văn bản tự giác chấp hành nghiêm chỉnh./.

[1] Hoàng Phê [chủ biên]: Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội, 2011, trang 629.

[2] Điều 87, 93 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008.

[3] Lê Hân, Làm Thông tư theo kiểu mì ăn liền,//danviet.vn/thoi-su/lam-thong-tu-theo-kieumi-an-lien/101253p1c24.htm [truy cập ngày 16/9/2013].

[4] Thu Huyền, Quy định bán thịt trong 8 tiếng: Sẽ rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, //www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/che-do-chinh-sach/quy-dinh-ban-thit-trong-8-tieng-se-ra-soat-sua-doi-dieu-chinh/202849.html [truy cập ngày 12/4/2013].

[5] Xem Quyết định 2090/QĐ-BNN-TY của Bộ NN&PTNT về việc ngừng hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT ngày 20-7-2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

[6]Hồng Hạnh, Cần bãi bỏ thêm 2 đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh, //tuyensinh.dantri.com.vn/tuyen-sinh/can-bai-bo-them-2-doi-tuong-uu-tien-trong-tuyen-sinh-758352.htm [truy cập ngày 12/4/2013].

[7] Trần Việt, Quy định mới về hút, mua bán thuốc lá: Khó khả thi, //www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Quy-dinh-moi-ve-hut-mua-ban-thuoc-la-Kho-kha-thi/511142.antd, [truy cập 22/9/2013].

[8] Dự thảo Luật Nhà ở [sửa đổi] [phần I] năm 2013;

[9] Quang Minh, Dùng nhà ở để kinh doanh: Có phải khó quản là đề xuất cấm?, //lite.cafeland.vn/tin-tuc/dung-nha-o-de-kinh-doanh-co-phai-kho-quan-la-de-xuat-cam-40054.html, [truy cập 22/9/2013];

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16[272], tháng 8/2014]

Video liên quan

Chủ Đề