Trên thế giới có bao nhiêu hạt gạo

Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi trên thế giới như sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài trong nhiều tháng nay, nguy cơ lạm phát “leo thang” trong khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương trên 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu trung bình đạt 488,9 USD/tấn.

Không chỉ tăng về số lượng, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 30/8 giá chào bán gạo Việt Nam xuất khẩu duy trì ổn định. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm giá 378 USD/tấn; gạo 100% tấm giá 383 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang hơn của Ấn Độ và Pakistan – những quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn nhất hiện nay, chỉ tính riêng Ấn Độ đã bán trung bình 22 triệu tấn gạo mỗi năm, chiếm 50% toàn cầu. Hiện giá gạo của Việt Nam chỉ thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan từ 19 - 48 USD/tấn, do chi phí sản xuất cao hơn. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội của gạo Việt Nam khi gạo Thái Lan đang ở mức giá cao, khó có thể bán gạo với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với thị trường khác. Điều này sẽ làm giảm thị phần toàn cầu của thương hiệu gạo quốc gia này.

Cần nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Việt chất lượng cao tại thị trường quốc tế

Cũng nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng “làm ăn phát đạt” trong thời gian qua. Theo thống kê của VietstockFinance, tổng doanh thu của 8 doanh nghiệp kinh doanh gạo trên 3 sàn chứng khoán trong quý II/2022 đạt 14,415 tỷ đồng, lãi ròng 95 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang có doanh thu thuần đạt 407 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ và có lãi ròng gấp gần 6 lần cùng kỳ 2021; Công ty cổ phần thương mại Kiên Giang có doanh thu thuần 2,122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, tăng tương ứng 15% và 114% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau 9 quý liên tục thua lỗ, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã lãi ròng hơn 30 tỷ đồng trong quý vừa qua nhờ vào việc hoàn thành mục tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mới để mang về lợi nhuận.

Phân tích nguyên nhân gạo xuất khẩu Việt Nam có mức tăng trưởng ổn định và sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022-2031, báo cáo "Nghiên cứu ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2022-2031" do tổ chức ResearchAndMarkets vừa thực hiện chỉ ra rằng, theo chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu ngành lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ như thay đổi quy trình canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng; Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [CPTPP], Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam [EVFTA], Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực [RCEP] tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam có bước đột phá; trên thế giới, nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường vẫn không giảm.

Tăng chất cho xuất khẩu

Dù vậy, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo trong quý IV/2022 chắc chắn sẽ vẫn ổn định nhưng lại gặp vấn đề của cơ chế thị trường khi có những loại gạo thị trường xuất khẩu cần thì Việt Nam không còn nhiều, còn những loại gạo mà Việt Nam có nhiều, nhu cầu thị trường lại không cao. Bên cạnh đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bước vào thu hoạch vụ Thu - Đông trong khi một số thị trường nhập khẩu sẽ giảm nhu cầu do các nước này cũng đang thu hoạch lúa nên sẽ không cấp giấy phép nhập khẩu cho thương nhân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn vốn để thu múa lúa gạo.

Để giải quyết được những khó khăn này, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiêu thụ gạo trong nước và ngoài nước; đảm bảo đầy đủ các chứng từ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, trong quá trình từ thu mua đến chế biến, tiêu thụ xuất khẩu; đảm bảo không gian lận thương mại, giữ gìn hình ảnh thương hiệu uy tín gạo Việt Nam; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt lưu ý các vấn đề an toàn thực phẩm; chủ động tìm hiểu và thông tin tới Bộ Công Thương những yếu tố cần lưu ý từ thị trường gạo thế giới, động thái của Chính phủ ở các nước xuất và nhập khẩu gạo; chủ động nghiên cứu, tìm kiếm mở rộng nhằm đa dạng hóa thị trường…

Để xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế một cách bền vững, Bộ Công thương liên tục tổ chức nhiều phiên tư vấn xuất khẩu sang các thị trường nhằm giải đáp và tư vấn cho doanh nghiệp về thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu. Dự kiến trong năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức 30 phiên tư vấn xuất khẩu tới các thị trường. Lưu ý đối với doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu [Bộ Công thương] cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tập trung sản xuất những dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào thị trường khó tính.

Thực tế, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL, tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, một phần Kiên Giang với mục tiêu nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái, đất đai manh mún, những khó khăn về thị trường… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc thực hiện đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao không hề dễ và vai trò quan trọng nhất thuộc về các doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn chuyên gia, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là phải xác định thị trường đầu ra cho gạo chất lượng cao. Với xu hướng hiện nay, gạo chất lượng cao không chỉ phải đảm bảo sạch, an toàn mà còn phải phù hợp với thị hiếu của từng thị trường. Vì vậy, tùy theo thị trường với những yêu cầu dành cho gạo chất lượng cao khác nhau thì sẽ phải bố trí các vùng trồng khác nhau để vừa bảo đảm sản lượng vừa đáp ứng được yêu cầu chất lượng.

Chủ Đề