Vì sao chúng ta cần hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần

Sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần là nguyên nhân gây ra tình trạng "khủng hoảng rác thải nhựa" mà môi trường đang phải gánh chịu. Tác hại của rác thải nhựa mọi người đã nhận ra, song việc thay đổi hành vi lại không hề đơn giản.

Đi từ nông thôn đến thành thị, vào các siêu thị, các chợ lớn, nhỏ, đến các cửa hàng tạp hóa, đồ ăn nhanh.… ở đâu cũng thấy xuất hiện túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần. Trước đây, người đi chợ thường xách theo chiếc làn nhựa, giỏ mây; mớ rau, con cá được gói bằng lá chuối, buộc bằng lạt, rơm thì hiện nay, túi ni-lông đã trở thành lựa chọn cho rất nhiều người. Từ đồ ăn chế biến sẵn như giò, chả, bánh đến những thực phẩm tươi sống như rau, thịt, đậu, cá, trái cây, thậm chí vài củ tỏi, củ gừng, nhánh hành, quả ớt... mỗi loại thực phẩm đều được đựng trong một túi ni-lông riêng.

Một tiểu thương bán hàng tại chợ Ninh Mỹ [Hoa Lư] tâm sự: Mỗi tháng tôi dùng khoảng 3 - 5 kg túi ni-lông to nhỏ các loại. Tôi bán ở đây nhiều năm, khách đi chợ mang theo làn nhựa hoặc từ chối sử dụng túi ni-lông rất ít. Còn ở thành phố Ninh Bình có rất nhiều quán trà sữa, 100% quán sử dụng cốc và ống hút nhựa sử dụng một lần cho khách hàng. Bình quân mỗi quán bán ra từ 120 - 150 cốc/ngày. Chỉ bằng một phép tính đơn giản có thể thấy lượng rác thải nhựa từ các chợ, siêu thị và các quán ăn, uống hàng ngày là rất lớn.

Việc sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần quá phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Mặc dù đem lại sự tiện lợi, giá thành rẻ, nhưng việc sử dụng các sản phẩm này ngày càng nhiều đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Túi ni-lông, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, sản phẩm nhựa này sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, ảnh hưởng xấu đến thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe con người. Ngoài ra, túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, chỉ sử dụng thời gian rất ngắn rồi vứt bỏ, các sản phẩm này lâu phân hủy nên tác hại của nó vô cùng lớn.

Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng khiến lượng rác thải nhựa, túi ni-lông thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý chưa kịp thời, không khó bắt gặp những đống rác thải nhựa tràn lan trên các tuyến đường; từ đó hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi ni-lông là rất phổ biến.

Khi được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa... Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái trên trái đất.

Việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông của người dân không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian lâu dài. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta nên tự giác hạn chế, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Tăng cường sử dụng sản phẩm đựng đồ được làm từ những nguyên liệu dễ phân hủy trong môi trường như giấy, tre, nứa, cói...

Khi đi mua hàng hoặc đi chợ nên mang theo làn, giỏ, túi, hộp đựng thực phẩm... hoặc sử dụng giấy, các loại lá như lá chuối, lá sen... để bao gói. Trường hợp bắt buộc sử dụng túi ni-lông thì nên để các loại thực phẩm, hàng hóa có thể để chung trong cùng một túi.

Để việc hạn chế đồ nhựa dùng một lần đi vào thực chất, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của sử dụng túi ni-lông cần được tăng cường. Cán bộ, đảng viên phải là người tích cực đi đầu trong việc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, trong các công sở cũng như đời sống gia đình và ở khu dân cư bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Mỗi một người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông và các vật liệu bằng nhựa để cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình. Cùng với đó, cần nghiên cứu để có các giải pháp thay thế vật dụng nhựa bằng các chất liệu thân thiện với môi trường.

 Trần Dũng

Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa, nhất là túi ni lông ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni lông, trong khi đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 đến 6 túi ni lông/ngày, đây là một con số rất lớn. Nếu tình trạng “xả” túi ni lông bừa bãi vẫn cứ diễn ra hàng ngày mà không có các biện pháp ngăn ngừa, xử lý, thì trong thời gian không xa, môi trường nước ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề.

Túi polyetylen [PE] hay còn gọi là túi ni lông được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 50 của Thế kỷ trước do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. và đến nay chưa xác định chính xác được thời gian nó phân hủy. Tuy nhiên, các nhà môi trường, khoa học gia đều cho rằng quá trình túi ni lông phân hủy có thể mất từ 500 đến 1000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Dù đã phân huỷ và lẫn vào đất thì chất nhựa PE sẽ làm đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng .

Không kể những tác hại môi trường mà các thế hệ sau phải gánh chịu, túi ni lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp vào người sử dụng. Làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh… Bao bì ni lông cũng đe doạ trực tiếp tới sức khoẻ con người vì nó chứa chì, cadimi… [có trong mực in tạo mầu trên các bao bì] có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Vấn đề đối với túi ni lông là chúng không phân huỷ thành các chất vô hại, phân huỷ rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài.

Để đối phó với nguồn ô nhiễm này, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp hạn chế và thậm chí cấm hẳn việc phát túi ni lông cho khách hàng, nhưng ở Việt Nam thì chưa. Luật Môi trường Việt Nam đã có mục quy định về vấn đề này, nhưng chúng ta vẫn chưa thể ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp có thể nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Một số đề xuất biện pháp giảm thiểu và tái sử dụng túi ni lông

1. Sử dụng các loại túi đựng hàng thay thế 

Để có thể hạn chế và xa hơn là cấm sử dụng túi ni lông [loại mỏng dùng một lần], trước hết phải xác định loại hình túi đựng hàng có thể thay thế túi ni lông ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách nhằm định hướng người bán lẻ cũng như người tiêu dùng chuyển từ sử dụng túi ni lông sang loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường hơn một cách tự nguyện hay bắt buộc. Tuy nhiên tác hại do túi ni lông sẽ giảm nhưng đồng thời cũng có thể phát sinh ra những vấn đề khác nghiêm trọng hơn từ những túi thay thế. Vì vậy, cần lựa chọn một loại túi vừa đảm bảo về mặt môi trường nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta.

                 

Dựa vào kinh nghiệm của một số nước đi trước cũng như trên thực tế có thể sử dụng một số loại túi đựng hàng thay thế túi ni lông hiện đang có trên thị trường như:

- Túi giấy 

- Túi vải sử dụng nhiều lần

- Túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần

- Túi ni lông tự huỷ, phân hủy sinh học

2. Sử dụng mô hình 3R

Chương trình quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R “Giảm thiểu-Tái sử dụng-Tái chế” đã được thực hiện ở một số nơi như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu chung của chương trình không chỉ nhằm giảm sử dụng túi ni lông mà còn tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni lông.  Để giảm thiểu sử dụng túi ni lông cần phải áp dụng đồng bộ và lâu dài nhiều giải pháp quản lý, bao gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp kinh tế, các giải pháp khuyến khích và tuyên truyền ngắn hạn và dài hạn.

3. Khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi ni lông:

Giải pháp này nhằm vận động các nhà phân phối/bán lẻ [trước tiên là các hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại qui mô lớn sau đó mở rộng đối tượng tham gia] tham gia hương trình tình nguyện giảm phân phát túi ni lông. Các đơn vị tham gia chương trình cam kết và có kế hoạch cụ thể giảm phân phát miễn phí túi ni lông đựng hàng cho khách và định kỳ báo cáo kết quả theo hướng dẫn của  cơ quan quản lý môi trường. Bù lại, các đơn vị này sẽ được hưởng một số quyền lợi như được đưa vào danh sách “Doanh nghiệp Xanh”, được giới thiệu trong các chương trình tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông…

Tham gia chương trình, các nhà bán lẻ cam kết thực hiện một số điều theo hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường:

- Cung cấp cho khách hàng các phương thức đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông

- Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức nhân viên và khách hàng về việc giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế túi ni lông [loại dùng một lần]

- Tập huấn nhân viên trực quầy các giải pháp giảm phát túi ni lông

- Tổ chức thu hồi túi ni lông để tái chế

- Sử dụng biện pháp tài chính để khuyến khích khách hàng sử dụng túi dùng nhiều lần hay mang theo túi đựng hàng

4. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng

Đây là giải pháp không thể thiếu trong các chương trình môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của các giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khác.  Mặc dù chi phí tốn kém, các chương trình này nên được tổ chức thường xuyên và định kỳ dưới các chiến dịch tuyên truyền, vận động và sau mỗi đợt cần phải có đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm để điều chỉnh lại nội dung tuyên truyền phù hợp. 

Các đối tượng hướng đến bao gồm: 

- Người tiêu dùng, 

- Nhà bán lẻ/phân phối

- Nhà sản xuất túi ni lông

Nội dung tuyên truyền gồm có:

- Tác hại của túi ni lông đối với kinh tế- xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng;

- Định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, các loại túi sử dụng nhiều lần;  

- Các biện pháp giảm sử dụng, tái sử dụng túi ni lông trong đời sống hàng ngày;

- Ý nghĩa của phân loại và tái chế túi ni lông.

5. Xây dựng một hệ thống thu gom, tái chế, tái sử dụng túi ni lông

Tại các chợ, các siêu thị, các trung tâm thương mại loại túi HDPE mỏng thường được sử dụng một lần. Tuy được sản xuất để sử dụng một lần nhưng một số ít vẫn được các hộ gia đình tái sử dụng cho các mục đích trong gia đình, chủ yếu là lót thùng rác, bao gói thực phẩm, vật dụng… Vì giá trị kinh tế của túi ni lông loại mỏng này không cao nên mặc dù vẫn có một số cơ sở tái chế, chúng không được các đại lý ve chai thu mua, vì vậy, cuối cùng vẫn được thải bỏ lẫn với rác sinh hoạt hoặc phát tán khắp nơi gây ô nhiễm môi trường .

Để tăng cường thu gom và tái chế loại túi ni lông đang rất thông dụng này, cơ quan quản lý cần phối hợp với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư, các chung cư… bố trí các điểm thu gom dành riêng cho túi ni lông. Trước mắt, trong giai đoạn đầu có thể phối hợp bố trí các điểm thu gom tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Có thể khuyến khích khách hàng giao nộp túi ni lông bằng cách tính điểm thưởng trong phiếu thưởng theo số lượng túi giao nộp. Sau đó, các điểm thu gom sẽ dần được mở rộng trên khắp các địa bàn. Việc vận hành và duy trì các điểm thu gom này có thể giao cho các đơn vị tái chế túi ni lông đảm nhận. 

Tấn Khải

Nguồn: //sta.soctrang.gov.vn/index.php/tin-t-c/tin-t-c-m-i/169-nhua-boc-nilong

Video liên quan

Chủ Đề