Vì sao gọi là nghề diêm dân

Diêm dân Ba Tri [Bến Tre] lao động vất vả trên các ruộng muối

Trúng mùa rớt giá

Giữa tháng 4/2021, chúng tôi về xã Thạnh Trung trong cái nắng khô khốc, rát rạt của miền quê biển, để tìm hiểu về cuộc sống của hơn 400 hộ dân, với trên 1.000 lao động đã gắn chặt đời mình với nghề làm muối, theo phương thức “Cha truyền con nối”. Toàn xã hiện có trên 330 ha đất làm muối, sản lượng mỗi năm trên 18.000 tấn, trị giá gần 30 tỷ đồng. Nhiều nhất là các ấp: Phước Lợi, Phước Thạnh, Phước Bình, Thạnh Phước.

Bà Nguyễn Thị Sáng, ngụ ấp Phước Thạnh, diêm dân đã có trên 40 năm trong nghề làm muối thông tin: “Năm nay, nước mặn về sớm, độ mặn cao đi kèm với nắng hạn gay gắt nên bà con làm muối trúng lớn sản lượng. Tuy nhiên, giá bán lại không tăng. Bình quân từ 35.000 đến 40.000 đồng/giạ [mỗi giạ muối 45 kg].

Bà Sáng kể thêm, làng muối xã Thạnh Trung là nơi cung cấp muối chủ lực cho hơn 1.500 tàu đánh bắt thủy sản của 3 huyện ven biển là: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Vì vậy, trước đây luôn xảy ra tình trạng cung không đủ cầu. Thêm vào đó, nhiều người còn được vay vốn ưu đãi để phát triển nghề làm muối truyền thống. Nhiều gia đình đã mua sắm được phương tiện sản xuất, đi lại, nghe nhìn, mở rộng diện tích sản xuất muối.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, từ năm 2018 đến nay, người làm muối ở đây sống chật vật hơn vì giá muối rớt thảm hại.

Nỗi buồn "muối đắng"

Nghề làm muối ở Bến Tre tập trung từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, người dân ở đây còn gọi là mùa khô. Nước mặn từ biển sẽ được dẫn vào các “khuôn muối”. Dưới ánh nắng mặt trời, nước mặn sẽ bốc hơi và để lại muối hạt trên mặt ruộng, diêm dân sẽ cào lại từng đống to để bán cho thương lái. Nhiều lão nông chuyên làm muối cho biết, với diện tích 1 ha [10.000 mét vuông], trung bình mỗi vụ, người làm muối sẽ thu về từ 1.200 đến 1.500 giạ muối. Có năm hạn mặn gay gắt sẽ có sản lượng lên đến 1.800 giạ.

Ngoài việc giúp cho hàng ngàn hộ dân có điều kiện cải thiện kinh tế từ nguồn lợi tự nhiên, nghề làm muối đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động không có đất sản xuất thông qua các công việc: tháo nước, ủi ruộng cho phẳng, cân muối cho thương lái…

Theo chia sẻ của nhiều diêm dân thì, công việc làm muối rất vất vả, nặng nhọc nhưng đầu ra hiện tại rất bấp bênh, giá cả thất thường, không có lãi khiến nhiều người muốn bỏ nghề. Đã vậy, diễn biến khí hậu cũng rất bất thường ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất nên người làm muối cảm thấy lo lắng.

Ông Phan Văn Rạng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thông tin: Niên vụ muối 2020 - 2021, tỉnh Bến Tre có hơn 1.258 ha diện tích làm muối. Do đầu ra đang khó khăn nên lượng muối dự trữ tại các kho của diêm dân khoảng 10.000 tấn; lượng tồn đọng từ năm trước chuyển sang là 15.000 tấn.

Làm sao giải phóng lượng muối tồn đang là bài toán khó cho tỉnh. Nếu bán trong thời điểm này, thì nông dân lỗ nặng. Nhiều địa phương đã triển khai sản xuất muối sạch chất lượng cao để thu hút mãi lực nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Diêm dân Ba Tri [Bến Tre] thu hoạch muối

Ông Rạng cho hay, đầu tháng 4/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đã có chuyến khảo sát thực địa nghề sản xuất muối tại huyện Ba Tri để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho diêm dân toàn tỉnh Bến Tre. Tại đây Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các diêm dân làm muối để có những chỉ đạo sát sao. Những giải pháp trong thời gian tới như: Củng cố mở rộng mô hình HTX; liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra; ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, công lao động... đang được tính đến.

Làng muối vẫn đang nóng hầm hập, những kho chứa muối vẫn đang đầy ắp vì chưa được giải phóng, người làm muối Bến Tre nói chung và ở xã Thanh Trung, huyện Bình Đại nói riêng vẫn đang từng ngày chờ đợi những tín hiệu lạc quan từ các cơ quan chức năng để giải quyết những khó khăn, tồn đọng của nghề làm muối.

Chát mặn nghề “cướp nắng với trời”

Ký ức tuổi thơ tôi, mỗi lần muốn đứa cháu chìm sâu vào giấc ngủ, bà thường du dương bằng những câu chuyện cổ tích ngọt ngào, sâu lắng. Và cũng có đôi lần, “hạt muối” đã đi vào lời kể của bà bằng tất cả sự trân trọng, nâng niu nhất...

Chuyện rằng… Xưa có một vị vua sinh hạ được ba nàng công chúa. Ông yêu thương, cưng chiều con và cũng luôn muốn các con khẳng định tình yêu của họ đối với mình. Ông thường hỏi các con có yêu quý cha không, tình yêu ấy được sánh với thứ quý giá nào? Hai nàng đầu thường trả lời yêu cha như vàng bạc, kim cương, như trời, như biển. Chỉ có nàng út được cưng nhất trả lời rằng: Con yêu cha như yêu hạt muối! Vị vua đã nổi giận và đuổi người con gái út của mình ra khỏi vương quốc... Rồi một ngày tai họa kéo đến, cả vương quốc đang vật vã vì con người không thể ăn được bánh mì nếu thiếu muối. Và rồi, như một sự sắp đặt của nhân duyên, nàng công chúa út trở về cùng một giỏ muối. Nhà vua, nằm trên giường bệnh, quanh ông có rất nhiều sơn hào hải vị nhưng ông dường như sắp chết đói. Những hạt muối nhỏ nhoi đã cứu sống ông và vương quốc đang bị trừng phạt của ông. Chỉ lúc đó ông mới thấm thía tấm lòng của cô gái út… Nàng út thông minh và tinh tế biết bao. Nàng biết giá trị của hạt muối tưởng chừng rất tầm thường ấy. Nàng muốn nói với cha mình rằng: Con người ta không thể sống mà thiếu hạt muối cũng như con không thể thiếu cha. Muối thân thiết máu thịt với con người như vậy đấy!

Câu chuyện bà kể thời thơ ấu. Nó đã theo trong trí nhớ có quá nhiều điều phải sắp xếp của tôi tới tận bây giờ. Biết bao nhiêu ký ức về muối, về miền quê ven biển nhiều sóng, nhiều gió, nhiều nắng của tôi. Để rồi, khi đặt chân lên những ô ruộng muối giữa trưa hè oi ả ở xã Hòa Lộc [Hậu Lộc], nhìn bóng hình diêm dân mờ nhạt đi dưới cái nắng chói chang khắc nghiệt, tôi lại muốn kể cho các bạn thêm câu chuyện nữa, không còn là câu chuyện cổ tích có hậu ngày xưa, mà là một câu chuyện nhọc nhằn về đời... diêm dân của thời hiện tại.

Trên cánh đồng muối xã Hòa Lộc [Hậu Lộc], cụ Đào Văn Thức, 79 tuổi, thôn Tam Hòa 1 đang cặm cụi dùng chiếc bồ cào đập tan lớp đất được hong khô từ dòng nước mặn đưa vào. Cánh đồng muối bốc hơi nghi ngút, hơi mặn của muối, cái nóng như rang áp vào đôi bàn chân, phả vào mặt, cụ vẫn huỳnh huỵch dầm gót chân trần dưới ruộng để cào đất. Từng giọt mồ hồ lấm tấm rơi, lăn dài xuống hai gò má đen xạm, rồi chẳng kịp đáp đất, đã bị hong khô khi vừa chạm cằm.

Hơn 70 năm làm muối, hơn 70 mùa hè khắc nghiệt đi qua, chưa bao giờ cụ Thức thử đo nhiệt độ cánh đồng muối lúc ban trưa, chỉ biết rằng, mồ hôi đổ càng nhiều, nắng càng rát mặt, thì càng thu hoạch muối được nhiều hơn. Cào được chừng 30 phút, mệt quá, cụ Thức tìm tạm chỗ nghỉ lưng. Căn lều tạm, cụ dựng giữa cánh đồng, được tạo nên bởi mấy tấm bạt rách, vài ba tàu lá chuối đã ngả vàng bởi nắng. Cụ ngồi đó, nhấp vội ngụm nước chè, đảo đôi mắt nhìn khắp bốn bề toàn nắng. Xa xa, bóng mấy diêm dân đang hì hục lấy nước, cào đất trở nên mờ mịt. Tại nắng, hay tại đôi mắt cụ đang nhòe đi.

Cụ Thức và vợ sinh hạ được 5 người con, thì cả 5 đều dứt tình với nghề cha ông để lại. Từng anh, từng chị một cứ lần lượt bỏ vợ chồng cụ mà tha hương cầu thực. Mới tháng trước đây, mặc cho cụ và vợ năn nỉ đến khản giọng, cậu con trai út vẫn quyết chí theo các anh, chị cùng đám bạn bằng trang lứa trong làng vào Nam làm thuê. Chúng bỏ làng, bỏ cái nghề khốn khổ đã gắn bó với chúng từ khi còn trong trứng nước. Cũng không trách bọn trẻ được, đang tuổi ăn, tuổi chơi mà bắt chúng suốt ngày cứ phải cắm mặt vào ruộng muối từ tinh mơ đến lúc gà lên chuồng, công cán thì chẳng bỏ bèn, chân tay đứa nào cũng nứt toác, xám xịt, tóc, da cháy khét màu nắng… Cái nắng bỏng rát, mặn chát của đồng muối đã ám thấu vào da thịt, ám cả vào cuộc đời dân làng này tự kiếp nào, dầu chúng có may mắn thoát khỏi phận diêm dân thì cũng chưa chắc có tắm sạch hết cái màu xin xỉn ấy. Đời cụ cam phận đã đành, chúng chịu sao được! Nhiều đêm, cụ cố viện đủ hàng trăm, hàng nghìn lý do để gắng giữ các con lại với nghề, dẫu vậy, không một lý do nào làm cụ thấy thỏa mãn, mọi cái lý đều dẫn đến chữ “khổ”.

Từ bao đời nay, những diêm dân như cụ Thức gắn chặt cuộc đời với hạt muối, dẫu vất vả, đắng cay, nhưng đổi lại vẫn có được những nụ cười thu hoạch mãn nguyện. Một sự gắn bó tự nguyện và có hậu. Còn giờ đây, diêm dân xuống đồng như một sự bất đắc dĩ. Thật vậy, không nói đâu xa xôi, như trường hợp của chị Trương Thị Huệ, 35 tuổi, thôn Tam Hòa 1, cũng 10 ô muối cạnh ruộng nhà cụ Thức. Anh chồng chị Huệ sức khỏe yếu, ốm đau triền miên, nhà lại có hai con nhỏ, chị chẳng yên lòng đi xa. Chị vốn là dân thôn Hòa Hải, đến tuổi lấy chồng, chị phải lòng người con trai hiền lành, chịu khó của đất Tam Hòa 1, mặc lời can ngăn của cha mẹ, chị gạt nước mắt theo chồng. Lấy nhau chưa được 3 năm, sóng gió nối nhau ập đến, cứ kéo hẹp dần tương lai của vợ chồng chị. Chồng ốm, con thơ, mưu sinh bó chặt, chị “bước đường cùng” đến với nghề làm muối. “Nhọc nhằn lắm em à!. Từ đầu mùa muối đến giờ, hơn 2 tháng rồi, quần quật dậy sớm, dãi nắng trưa, cũng mới thu về được hơn 4 triệu đồng. Nếu không phải vì anh nhà ốm yếu, vì hai đứa con thơ dại, chỉ đã bỏ quê vào Nam tìm kế sinh nhai từ lâu rồi” - chị Huệ kéo vội vạt áo bám đầy bùn đất lau vội dòng mồ hôi đang chảy ròng ròng trên gương mặt, mà than thở.

Câu chuyện của cụ Thức, chị Huệ cũng là hoàn cảnh chung của hơn 1.825 hộ sản xuất muối trên địa bàn tỉnh. Cả cánh đồng muối mênh mông của xã Hòa Lộc ngày nào, giờ chỉ còn vẻn vẹn 29 ha, với vài chục hộ đang “thoi thóp” với nghề. Diện tích sản xuất muối ngày càng thu hẹp bởi lẽ nghề làm muối nặng nhọc, vất vả, nhưng giá bán muối trên thị trường lại thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, bấp bênh. Nghề muối vốn nhọc nhằn, vất vả, diêm dân “trông trời”, “trông nắng”. Ấy vậy mà, giá cả thấp, đầu ra eo hẹp, bà con chủ yếu tự tìm nguồn tiêu thụ cho lượng muối của mình. Lực lượng sản xuất muối hiện tại ở xã Hòa Lộc chủ yếu là người già. Trên cánh đồng muối, chỉ còn thấy những người trung niên tầm 40 - 50 tuổi, trong những bộ quần áo lao động cũ kĩ, và cái nón cời tả tơi. Những người hoặc vướng bận chồng con, hoặc vì tuổi cao, sức yếu, ngại thay đổi ở lại. “Cứ 10 đám muối thì có 5 đám muối bỏ không”, chị Huệ nói. Chủ nhân của những đám muối “hoang” ấy, giờ này đang làm phụ hồ, hoặc làm cá dưới cảng Lạch Trường, hoặc vào Nam làm mướn…

Nguyên nhân dồn những diêm dân vào thế cùng thì nhiều. Nhưng tựu chung lại, đó là họ đang phải tự thân gồng mình chống lại từ sự khắc nghiệt của thời tiết đến cả sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Mỗi năm diêm dân chỉ sản xuất được từ 4 - 5 tháng, và cũng chỉ làm được vào những ngày nắng. Điều kiện làm việc vất vả, nặng nhọc, lao động thủ công là chính.

Sản xuất đã khó khăn, tiêu thụ sản phẩm lại càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, kinh doanh muối trên địa bàn chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trong tiêu thụ sản phẩm cho dân. Hàng năm chỉ thu mua được khoảng 8% sản lượng muối diêm dân làm ra, phần lớn còn lại diêm dân tự bán cho các đầu nậu tư thương nên bị ép giá. Đã có không ít vụ muối, diêm dân đã lao đao và khóc ròng theo giá trong cái mặn chát của muối. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy hàng năm tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” vẫn xảy ra và gây khó khăn không chỉ cho diêm dân mà còn làm cho cơ quan Nhà nước lúng túng trong xử lý.

Đã có những hướng đi mới, như cái cách mà Bà Nguyễn Thị Liên - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc chia sẻ: Mục tiêu của huyện Hậu Lộc đến năm 2020 còn 66 ha sản xuất muối; đồng thời thực hiện các giải pháp, như đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, đa dạng các sản phẩm muối, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động nghề muối... Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo đời sống diêm dân sau khi dừng sản xuất muối. Tôi chợt mừng khi nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng của bà con diêm dân ở tương lai. Nhưng rồi, ngẫm lại, lại băn khoăn, đa phần diêm dân đều là hộ nghèo, lại là lao động trung niên, họ làm sao có chuyên môn, làm sao tiếp thu được các kiến thức khoa học để áp dụng vào thâm canh nuôi trồng. Và, một điều nữa, họ lấy đâu ra số vốn lớn để đầu tư.

Chỉ hi vọng rằng, tương lai, mỗi lần hai tiếng “diêm dân” cất lên sẽ không còn chất chứa trong đó bao nỗi niềm cơ cực nữa. Như giấc mơ mà cụ Thức nắm chặt tay tôi nói trước lúc chia tay: “Mong một ngày đẹp trời, sẽ đón các con về cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình”.

Nguyễn Trường - Vân Anh

Xuất bản: 2:02:07:2019:09:42

Video liên quan

Chủ Đề