Vì sao nuôi ong phải di chuyển đàn

Bà Lê Ngọc Thu Trang - CEO Công ty TNHH Ong Mật Tracybee - chia sẻ bài viết về những thăng trầm của nghề nuôi ong.

Nuôi ong là nghề khó, vất vả và cô đơn. Người theo đuổi công việc này hơn hai, ba năm không nhiều. Nhưng khi đã qua giai đoạn đầu, họ sẽ gắn bó với nó cả đời.

Cái duyên đưa ai đó đến với nghề nuôi ong không phải lúc nào cũng đẹp hay lý tưởng. Có trường hợp vì kế sinh nhai, trong khi có người lại không chọn được ngành khác, bắt buộc phải chịu cực trên con đường này.

Nếu có danh sách những ngành nghề đáng trân quý, đóng góp cho thiên nhiên, duy trì và phát triển hệ sinh thái... tôi tin rằng nghề nuôi ong phải đứng ở những vị trí đầu tiên.

Nghề nuôi ong khá đặc thù, đòi hỏi tình yêu và sự kiên trì.

Theo thống kê của The Bee Book, số lượng đàn ong đang bị thu hẹp và thế giới đứng trước nguy cơ mất mùa nếu sự sống của chúng tiếp tục bị đe dọa. Giá trị kinh tế mà loài ong tạo ra khi bay khắp nơi thụ phấn lên đến 170 tỷ USD mỗi năm. Con số này chưa bao gồm loạt chế phẩm mà chúng tạo ra như: mật, sữa ong chúa, phấn hoa, sáp, nọc hay keo ong...

Vì vai trò đảm bảo an toàn lương thực, giúp cân bằng hệ sinh thái của loài ong, từ năm 2017, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/5 hàng năm là Ngày ong thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng toàn cầu đã chung tay tạo các quỹ hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành ong.

Theo Hội nuôi ong Việt Nam, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đàn. Trong đó có 1,15 triệu đàn ong ngoại [chiếm 76,67%] và 350.000 đàn ong nội [chiếm 23,33%]. Khoảng 34.000 người nuôi ong, trong đó lực lượng chuyên nghiệp khoảng 6.350 người [chiếm 18,67%].

Tuy chiếm số lượng ít nhưng người nuôi ong chuyên nghiệp lại tạo ra giá trị kinh tế cao, chiếm hơn 85% tổng sản lượng ngành ong Việt. Họ thường sống nay đây mai đó để di chuyển đàn ong đến những vùng có nguồn thức ăn tự nhiên, tránh phải nuôi bằng đường. Vì chủ yếu xuất khẩu, chất lượng mật được kiểm tra kỹ lưỡng. Dùng đường hay thức ăn bổ sung tại một số thời điểm chỉ là giải pháp tạm thời nhằm duy trì sự sống của đàn.

Người nuôi chuyên nghiệp phải có kỹ năng đánh giá vùng thức ăn tiềm năng cho ong. Họ thường đi sâu vào những khu vực hoang vắng, có nguồn hoa cỏ và cây trồng tiết mật lớn để "cắm trại", đàn ong sẽ lưu lại nơi đó để thu hoạch thức ăn tự nhiên.

Mỗi năm, tùy thời tiết, họ thường di chuyển đàn ong tới 5-10 địa điểm. Nếu không đi nhiều mà vẫn khai thác được lượng mật lớn, xem như năm đó trúng mùa. Ngược lại, công sức 12 tháng sẽ đổ sông, đổ biển. Mưa thuận gió hòa, không lũ lụt thiên tai... là mong mỏi của người nuôi ong để có được một năm bội thu.

Các thùng ong được di chuyển liên tục suốt 12 tháng.

Người nuôi ong cũng làm một phần việc của nhà sinh học vì họ am hiểu việc phối giống, cấy chúa [cấy ấu trùng nuôi thành ong chúa]. Họ cũng có khả năng nhận biết lúc nào cần thay ong chúa mới để duy trì sức mạnh của đàn. Họ nắm vững số lượng ong đực cho phép trong đàn bao nhiêu là đủ và giữ chúng không phát triển nhiều hơn số đó, đồng thời luôn có cách tăng quân số liên tục cho ong thợ....

Việc di chuyển đàn ong chủ yếu diễn ra trong đêm, khi ong đã về tổ nghỉ ngơi. Người nuôi ong thường dùng xe tải đường dài, kết hợp sức người bê thùng ong từ trại ra nơi xe tập kết. Công việc này càng nặng nhọc hơn khi đường tối, khi trời mưa to, gió lớn... Nơi sinh hoạt của họ cũng tạm bợ, đơn sơ để có thể xếp dỡ dễ dàng khi di chuyển. Chỉ khi gắn bó, yêu nghề sâu sắc, họ mới giữ được sự an nhiên, nghị lực phi thường và chấp nhận cuộc sống khác biệt so với phần còn lại của xã hội nhộn nhịp.

Tuy nhiên, cuộc sống của người nuôi ong lại có nhiều điều thú vị không ai có. Đó là sự gắn bó với những chú ong bé nhỏ, siêng năng; mối quan hệ tốt đẹp với chủ vườn hay chủ trang trại nơi họ đặt thùng ong. Cứ đến mùa hoa nở, điện thoại người nuôi ong lại reo lên, bên đầu dây kia là chủ vườn hồ hởi báo tin khu vực này đã có hoa... Lễ Tết, họ hầu như không thể về nhà, nhưng nhận được tình cảm ấm áp từ những gia đình lân cận hay chủ vườn.

Những người nuôi ong sống tối giản, suy nghĩ và tính toán cũng giản đơn, vì thế luôn hòa nhã cùng thiên nhiên, vạn vật. Công việc của họ cao quý dù chỉ làm những thứ bình dị. Tôi tự hỏi nếu một ngày nào đó loài ong không còn tồn tại, thế giới chúng ta sẽ ra sao?

Nếu có dịp tham quan một trong nhiều trại nuôi ong của Tracybee, bạn sẽ chứng kiến những con người bình dị đang làm những điều quan trọng, ý nghĩa.

Các tổ chức quốc tế liên tục kêu gọi con người bảo vệ loài ong.

Ngành ong Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới và tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng trong nước. Với sự hiểu biết, lòng yêu nghề, thiên nhiên, cuộc sống và hơn hết là tình yêu con người, tôi tin chắc người nuôi ong thế hệ mới của Việt Nam sẽ đủ sức hoàn thành trách nhiệm của họ, đồng thời bảo tồn loài ong, duy trì mùa màng và cân bằng sinh thái cho thế giới.

Thu Trang [ảnh: Tracybee]


Đàn ong của anh Trịnh Duy Hùng, xóm 6, xã Thái Bình [Yên Sơn].

“Chắt” mật ngọt cho đời

Tìm đến lán trại nuôi 200 đàn ong nhập từ Italy của anh Nguyễn Bá Hiểu, tổ 14, phường Nông Tiến được đặt tạm ở rừng keo thuộc xóm 5 xã Tràng Đà  [TP Tuyên Quang] chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Gọi là lán cho oai chứ thực ra chỉ là chiếc bạt nhỏ xíu, che đủ một chiếc giường. Anh Hiểu bảo, ai nuôi ong hàng hóa thì đều giống nhau thôi, đời nuôi ong nó vậy, nhà cao cửa rộng không ở, lang thang nơi rừng rú. 

Trong câu chuyện anh Hiểu kể, gần 20 năm làm nghề nuôi ong, những ngày được ở nhà đếm trên đầu ngón tay. Hành trình theo đàn ong bắt đầu từ tháng 3 khi hoa vải, hoa nhãn nở, anh Hiểu chở đàn ong về đất vải Lục Ngạn [Bắc Giang] rồi đến Hưng Yên để gom mật vải, mật nhãn. Tháng 4, tháng 5, anh Hiểu lại đưa đàn ong về quê mình để lấy mật rừng. Nói là ở quê nhưng cũng cách nhà hàng chục, thậm chí hàng trăm km vì phải đưa ong vào rừng sâu. Từ tháng 6 đến hết tháng 10, anh lại rong ruổi cùng bầy ong lên Hà Giang, Lào Cai, hoặc Sơn La để lấy mật và phấn hoa bạc hà, hoa cỏ kim.

Sang tháng 11, cuộc di cư trường kỳ nhất là di chuyển đàn ong vượt hàng nghìn km vào miền Nam tránh rét, dưỡng ong và lấy mật hoa cà phê, mật từ hoa cây điều, hồ tiêu. Anh Hiểu bảo, di chuyển đàn ong đi lấy mật xa rất cực, đường càng xa thì càng vất. Trước khi chuyển ong đi, anh phải đi tiền trạm hàng tuần đến điểm cần đến để thuê mặt bằng, tìm hiểu tập quán canh tác và thỏa thuận với cư dân của bản địa tránh tình trạng ong bị phá tổ, đầu độc bởi thuốc trừ sâu.

Di chuyển được đàn ong đi cũng phải chờ trời tối, khi những con ong thợ “đi làm” về hết, người nuôi ong mới đóng cửa thùng rồi xếp gọn gàng từng thùng ong lên xe. Đi đêm đã đành, lái xe phải đi nhanh nên mỗi lần chuyển ong anh Hiểu phải thuê 2 đến 3 lái xe ô tô đổi nhau cho đỡ mệt, bảo đảm xe đi liên tục bởi ong bị nhốt lâu trong thùng sẽ chết ngạt. Với kinh nghiệm của người có thâm niên nuôi ong, anh Hiểu bảo mùa mật vải là năng suất nhất, còn mùa mật hoa rừng chất lượng hơn cả. Anh Hiểu tiết lộ mỗi năm nếu thuận lợi bầy ong của anh cho thu khoảng 4 tấn mật và vài chục kg phấn hoa cộng với một lượng sữa ong chúa, trừ chi phí có lãi 200 triệu đồng.


Khu nuôi ong của anh Nguyễn Bá Hiểu, tổ 14, phường Nông Tiến [TP Tuyên Quang].

Tập trung nuôi ong địa phương với quy mô 300 đàn, không đi đánh mật xa nhưng anh Trịnh Duy Hùng, xóm 6, xã Thái Bình [Yên Sơn] cũng không mấy khi được ở nhà mà phải cắm chốt cùng bầy ong trong rừng sâu, núi thẳm. Chỉ mùa hoa nhãn anh Hùng mới đưa ong về nhà, hết mùa là lại đi vào rừng sâu. Đi đâu thì đi nhưng phải xa điểm đặt cũ 4 - 5 km2, gần hơn ong sẽ nhớ đường quay về lúc đó ong thợ sẽ lạc tổ và chết thì thiệt hại lắm. Anh Hùng bảo, bản chất con ong địa phương là ong rừng được thuần hóa nên vào rừng ong phát huy được lợi thế, rất chịu khó kiếm ăn, cho mật nhiều, sinh sôi nhanh.  

Dẫu vất vả là thế nhưng với người nuôi ong, mỗi chuyến đi là những thú vui bởi như được cùng đám ong thợ “chắt” ra những vị ngọt cho đời…

Nghề lắm công phu

Nuôi ong lâu năm, giờ anh Hiểu, anh Hùng đã trở thành  “chuyên gia ong” thực thụ, nằm lòng mọi đặc tính sinh trưởng và phát triển của ong như cách phòng trị một số bệnh ong thường gặp như thối ấu trùng, ấu trùng túi, cách ly đàn ong khỏi ánh sáng điện, nếu không ong sẽ tưởng trời sáng mà lao vào rồi say ánh sáng mà chết. Tuy vậy cũng không ít lần các anh phải  rơi nước mắt vì chẳng may đàn ong lấy mật phải những bông hoa bị phun thuốc trừ sâu, thiệt hại lớn, nhưng họ vẫn phải vượt qua, tiếp tục gây dựng bầy ong mới. 

Nhớ lại 2 năm trước anh Trịnh Duy Hùng, xóm 6, xã Thái Bình [Yên Sơn] vẫn chưa hết xót xa, hàng vạn con ong của anh đi kiếm ăn đúng vào thời điểm người dân phun thuốc trừ sâu cho hoa nhãn chỉ kịp về đến cửa tổ rồi chết khi trên mình nặng bầu mật, bầu phấn hoa. Vậy nên, để hạn chế thiệt hại, anh Hùng luôn đưa đàn ong vào sâu trong rừng, nơi có không khí trong lành, tránh thật xa ánh sáng, tránh nơi ong bị nhiễm độc. 

Thoạt nhìn nghề nuôi ong tưởng chừng đơn giản nhưng quy trình cho ra dòng mật ngọt hết sức gian truân, vất vả, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Trịnh Duy Hùng chia sẻ, gần như ngày nào anh cũng bị ong đốt, còn vào ngày quay mật nếu không có bảo hộ thì chuyện ong đốt biến dạng mặt mũi là chuyện thường. Mùa khai thác mật cũng đồng thời là mùa ong chia đàn, người nuôi không kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện ong đắp mũ chúa mới chỉ vài tiếng là có thể mất bạc triệu. Anh Hùng giải thích, thường trong mỗi đõ ong chỉ có 1 ong chúa, khi ong đông quân, lập tức 1 số ong sẽ đắp thêm mũ chúa mới trên cầu mật và ong chúa mới xuất hiện. Người nuôi ong phải tinh ý kiểm tra, phát hiện mũ chúa phải vặt bỏ để ong không chia đàn, bay đi mất.

Tháng 3 đã về, những người nuôi ong lại bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi cùng bầy ong đi khắp các vùng miền nơi có hoa thơm, cỏ lạ để gom nhặt từng giọt mật ngọt cho đời. Nghề nuôi ong mật đã mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng, mật ong Tuyên Quang dần khẳng định được thương hiệu nhờ những con người đang miệt mài rong ruổi đưa ong đi tìm mật ở những nơi thâm căn cùng cốc, vùng miệt vườn, cao nguyên…

Video liên quan

Chủ Đề