Vua trần đã bày tỏ tình cảm như thế nào trước cái chết anh dũng của trần bình trọng

Trong lịch sử đấu tranh và bảo vệ đất nước của dân tộc, từ thời Hùng Vương, An Dương Vương đến thời kì Bắc Thuộc, rồi thời kì xây dựng quốc gia phong kiến độc lập trải qua các triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn… nước ta đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc vì nước quên mình, xông pha trận mạc dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta dưới thời kỳ nhà Trần đã ghi nhận quân ta 3 lần đánh tan quân ngoại bang Mông – Nguyên hùng mạnh, trong những lần kháng chiến đó đã xuất hiện những bậc tài nhân đã làm rạng danh cho tinh thần của dân tộc Việt, tiêu biểu trong số đó là danh tướng Trần Bình Trọng – người đã nêu cao khi tiết anh hùng với câu nói nổi tiếng “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!”


Bản đồ diễn tả cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần 2 [1285] của quân dân nhà Trần. [Nguồn: vi.wikipedia.org]

1. Sơ nét về thân thế Trần Bình Trọng

Theo tư liệu của sách Nhân vật lịch sử Việt Nam, Trần Bình Trọng sinh năm Kỉ Mùi [1259] tại xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm [Hà Nam], người gốc dòng họ Lê, nhờ gia đình có nhiều công lao với nhà Trần nên được ban quốc tính. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông thuộc dòng dõi Lê Hoàn quê gốc ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sử sách tuy không cho biết cha mẹ ông là ai, nhưng theo suy đoán thì cha ông có lẽ là danh tướng Lê Tần phò tá dưới hai đời vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, vì có công phò giá vua Thái Tông trong lần kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258 nên được vua ban quốc tính, cho đổi tên là Lê Phụ Trần, ban tước Bảo nghĩa hầu [về sau ông được vua gả công chúa nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng], như vậy có phải Trần Bình Trọng chính là con của Lê Phụ Trần và Lý Chiêu Hoàng hay không thì đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định.

Ngay từ thuở nhỏ, Trần Bình Trọng được cha giáo dục, dạy dỗ chu đáo. Lớn lên, ông là một người có dáng mạo khôi ngô, thông minh hơn người, văn võ song toàn, sớm trở thành một tướng lĩnh của nhà Trần, sau này được vua truy phong tước hiệu Bảo nghĩa vương. Theo sách 18 vị công chúa Việt Nam, vợ Trần Bình Trọng là công chúa Thụy Bảo [Thụy Bảo đã có một đời chồng trước là Uy Văn Vương Toại]. Sau này, con gái của Trần Bình Trọng và công chúa Thụy Bảo là Chiêu Hiến Hoàng thái hậu, vợ của vua Trần Anh Tông và là mẹ của Trần Minh Tông, vua thứ năm triều Trần.

2. Khí tiết Trần Bình Trọng trong cuộc kháng chiến Mông-Nguyên lần 2 [1285]

2.1. Quân Mông - Nguyên quyết thôn tính Đại Việt sau thất bại lần nhất năm 1258

Năm 1271, Hốt Tất Liệt [Khubilai] thôn tính Nam Tống lập nên triều đại Nguyên, đến năm 1279, toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc rơi vào tay quân Mông Cổ. Để trả thù cho việc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất [1258] bị thất bại, cuối năm 1284, Hốt Tất Liệt đã huy động một lực lượng lớn hùng mạnh, gồm hơn 50 vạn quân thủy bộ với những dũng tướng Mông Cổ như Alý Hải Nha [Ariq Qaya], Ô Mã Nhi, Toa Đô…và giao cho con trai thứ 9 của mình tên Toghan [tức là thái tử Trấn Nam Vương Hoát Hoan] chỉ huy chuẩn bị tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Đây là lần xâm lược với số lượng quân lớn hơn rất nhiều so với lần thứ nhất đi kèm với của sự hung hãn, tàn bạo, khốc liệt ở mức độ cao nhất.

Tháng 1-1285, 50 vạn quân Mông-Nguyên do Trấn Nam Vương Thoát Hoan dẫn đầu chia làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt. Cánh thứ nhất do Bolqadar chỉ huy theo đường Khâu Ôn [nay là Ôn Châu, Lạng Sơn] tiến xuống, cánh thứ hai do Satartai và Lý Bang Hiến chỉ huy đi theo đường núi Cấp Lĩnh [tức là từ Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đi Sơn Động, tỉnh Bắc Giang ngày nay]. Đại quân của Thoát Hoan đi sau mũi thứ hai của Satartai và Lý Bang Hiến nhằm chỉ đạo việc tấn công. Đây là đạo quân chủ lực thứ nhất do Thoát Hoan và phó tướng Ariq Qaya  chỉ huy.

Ngoài đạo quân chủ lực thứ nhất ra còn có hai đạo quân kháccùng tiến xuống Đại Việt  theo hướng Tây Bắc và Chiêm Thành. Đạo thứ hai chỉ gồm hơn 1 nghìn quân Mông Cổ và Vân Nam do tướng Nasirud Din từ Vân Nam vào Đại Việt qua vùng Tuyên Quang tiến về kinh thành Thăng Long. Đạo thứ ba là đạo quân đang chiến đấu ở Chiêm Thành do Toa Đô chỉ huy, tiến đánh Đại Việt từ phía Nam, đạo quân này xuất phát muộn hơn hai cánh trên, vào khoảng tháng 3 – 1285. Như vậy, 3 đạo quân Mông – Nguyên tiến vào Thăng Long theo 3 hướng Tây Bắc, Đông Bắc và phía Nam đã tạo thành 3 gọng kìm với sức mạnh vô cùng lớn bao vây Đại Việt

Đạo quân Mông- Nguyên là một đạo quân cực kì thiện chiến, nhanh chóng chiếm được ưu thế tuyệt đối trước Đại Việt vốn có quân số ít hơn. Sau thất bại trong những trận đánh đầu tiên, Tổng chỉ huy quân đội nhà Trần là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp [nay thuộc vùng Vạn Yên, Chí Linh, Hải Dương]. Sau đó quân Đại Việt lui về Thăng Long, nhưng cũng không chịu được trước sức mạnh tấn công ồ ạt của quân địch.

Trước sự xăm lăng của quân Mông-Nguyên, vua tôi nhà Trần tích cực chuẩn bị kháng chiến. Với hội nghị vương hầu Bình Than [1282] và hội nghị bô lão Diên Hồng[1285], quân dân nhà Trần đã thể hiện tinh thần “SátThát”, quyết tâm chiến đấu đến cùng với địch đã làm nên một Hào khí Đông A mạnh mẽ, có sức cổ vũ to lớn và toát lên khí thế ngất trời của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm dưới thời kỳ nhà Trần.

Trước khí thế tiến công ào ạt của quân Mông – Nguyên, để tránh thế giặc mạnh ban đầu,  chờ đợi cơ hội phản công, vua quan nhà Trần vừa thực hiện chính sách “vừa không nhà trống”, vừa rút lui chiến lược, sơ tán triều đình về Thiên Trường [Nam Định] và Trường Yên [Ninh Bình]. Đó là một trong những chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình đất nước lúc bây giờ mà triều Trần đã thực hiện nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân.

Khi Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường. Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần [Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông] giao cho một nhiệm vụ quan trọng là giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết. Đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn, kể cả hy sinh cả tính mạng nhưng Trần Bình Trọng và cũng xin được lãnh binh ra trận giúp sức cho đất nước.

2.2. Trần Bình Trọng tổ chức đánh chặn giặc ở vùng Thiên Mạc - khí tiết của bậc anh hùng trung quân ái quốc

Để bảo vệ con đường rút lui an toàn của vua Trần và chủ tướng,Trần Bình Trong được giao nhiệm vụ chỉ huy, tổ chức chặn đánh quân giặc tại Thiên Mạc, một cứ điểm chiến lược quan trọng nằm án ngữ con đường thủy của vùng Thiên Mạc.

Vùng Thiên Mạc [hay Đà Mạc, bãi Mạn Trù; về địa danh này theoBách khoa toàn thư Việt Nam nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn thì thuộc huyện Đông Yên cũ, nay là huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên] là một bãi phù sa rộng lớn ở phía nam sông Hồng, khi dòng nước phù sa của sông Hồng chảy đến đây tách là hai nhánh bao quanh cù lao Thiên Mạc. Đây chínhnơi Trần Bình Trọng đã chọn làm địa điểm mai phục, ngăn chặn đường tiến công của địch.

Sau khi quân Mông-Nguyên tiến vào Thăng Long, chúng bị rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”, Thoát Hoan vội cho Ô Mã Nhi đem thủy quân đuổi theo Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Nhân Tông đang trên đường xuôi về Thiên Trường. Khi đến Thiên Mạc, quân Mông – Nguyên gặp phục binh của Trần Bình Trọng, cuộc chiến đấu đã diễn ra ác liệt giữaquân dân Đại Việt và quân xâm lược Mông-Nguyên với mục đích kéo dài thời gian truy kích của đạo quân Mông – Nguyên. Cuối cùng với sự tăng cường viện binh của quân Mông-Nguyên, cứ điểm phòng thủ Thiên Mạc bị phá vở. Trần Bình Trọng bị sa vào tay giặc. Dù thất bại nhưng với trận chiến tại Thiên Mạc, Trần Bình Trọng đã góp phần bảo vệ an nguy của hai vua Trần, từ đây đạo quân Mông – Nguyên hoàn toàn mất dấu đường rút lui của triều đình nhà Trần.

Khi bị giặc bắt, trước sự tra tấn của kẻ địch, Trần Bình Trọng luôn giữ vững khí tiết của mình, ông tuyệt thực, quyết im lặng trước những lời truy hỏi của kẻ thù về tình hình quân ta. Tướng giặc nhận thấy ông là một dũng tướng hiên ngang, lỗi lạc nên ra sức dụ dỗ, mua chuộc ông và hứa ban tước vương của triều Nguyên cho ông. Đây là thủ đoạn quen thuộc của chúng nhằm khai thác thông tin khi bắt được tướng sĩ của đối phương. Nhưng ông đã mắng lại. Theo Đại Việt sử ký toàn thư Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thì lời mắng ấy được chép như sau: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi”. Nhưng trong rất nhiều tài liệu sau này thì chép câu nói của ông như sau: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi”. [Theo giải thích của GS Sử học Lê Văn Lan, chỉ trong các bộ chính sử của ta có ghi lại lời quát mắng của Trần Bình Trọng và tất cả đều chép thống nhất ở chỗ  là “Ta thà làm ma nước Nam…” chứ không ghi “Ta thà làm quỷ nước Nam…”, ở đây Trần Bình Trọng chọn cái chết trung nghĩa, khí tiết, tức làm “hồn ma” chứ không phải “quỷ” để chỉ phương diện xấu của sự chết]

Giặc Mông – Nguyễn biết không lay chuyển được tấm lòng trung kiên sắc đá của ông nên đã giết ông [theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I ở trang 228 thì giặc giết ông vào ngày 26 tháng 02 năm 1285] trước sự kính phục vô hạn của các tướng sĩ nhà Trần và nhân dân Đại Việt.

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần 2, trước sự cảm thương vì nghĩa khí cao cả ấy, 4 năm sau ngày Trần Bình Trọng quát mắng giặc mà tử tiết, tức là vào đợt “định công các tướng sĩ” tháng 4 năm 1289, dưới thời trị vì của vua Trần Nhân Tông[theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đã chép], cùng lúc với đại danh tướng Trần Hưng Đạo được “tiến phong tước đại vương” – Trần Bình Trọng cũng đã được truy phong [từ “hầu tước” lên “vương tước”], thành “Bảo Nghĩa vương”. Từ việc nhà Trần truy phong Trần Bình Trọng tước đại vương [tước cao nhất trong hàng vương hầu] đã cho thấy rằng tước vị đó rất xứng đáng với chiến công và sự hy sinh oanh liệt của ông đối với quốc gia Đại Việt.

Trần Bình Trọng – tấm gương sáng cho muôn đời noi theo

Trần Bình Trọng – người góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược lần 2 [1285]  đã hy sinh vì tổ quốc. Tinh thần bất khuất, hiên ngang của ông được thể hiên mạnh mẽ, đầy đủ qua câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc…”. Đây là câu nói bất hủ của ông đươc mọi người dân Đại Việt nhớ mãi và nó cũng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc. Tinh thần bất khuất của Trần Bình Trọng toát ra từ câu nói đó đã làm cho toàn quân dân nhà Trần nức lòng chiến đấu, đánh đuổi giặc Mông-Nguyên ra khỏi bờ cõi dành lại dộc lập bền vững cho non sông đất nước. Khí tiết và cái chết oanh liệt của Trần Bình Trọng đã thổi thêm ngọn lửa căm thù giặc vào toàn thể quân dân Đại Việt thời Trần, góp phần làm nên chiến thắng Mông-Nguyên vĩ đại trong lịch sử nước nhà. Ông mãi mãi là tấm gương soi sáng về tinh thần bất khuất trước mọi uy lực, không bị mua chuộc bởi vinh hoa phú quý, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì tổ quốc. Ý chí lớn lao đó đã được con cháu đời sau của Trần Bình Trọng noi theo, nổi bật hơn cả là Trần Khát – người đã đánh thắng binh lực hùng mạnh của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga, giải cứu Thăng Long thoát khỏi những đợt tấn công của quân Chiêm Thành vào cuối thế kỷ XIV.

Tấm gương của Trần Bình Trong đã được ngợi ca trong tác phẩm“Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái như sau:

“Trần Bình Trọng là tôi trung,

Thà làm Nam quỷ, chẳng lòng Bắc vương”

 Trần Bình Trọng là một trong những bậc anh hùng ưu tú, chói sáng trong trang sử vàng của lịch sử dân tộc. Hiện nay, để tưởng nhớ đến công lao to lớn ấy mà nhiều phong trào thanh niên được phát động noi theo tinh thần của tuổi trẻ Trần Bình Trọng, tinh thần của tuổi trẻ Đại Việtvà những bậc danh nhân ở những thời kỳ khác. Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hào hùng, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ đất nước: “có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca“ [trích “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu ngợi ca tinh thần bất tử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi]. Đúng như thế, Trần Bình Trọng vẫn sẽ sống cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, vẫn in dấu trong thơ ca văn học Việt Nam, đồng thời Trần Bình Trọng góp phần tô điểm cho non sông đất nước Việt Nam này một tươi đẹp hơn, rạng rỡ hơn, là tấm gương kiên cường, dũng cảm, gan dạ cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.

Tham khảo:

1. Trương Hữu Quýnh [chủ biên]. Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1. Nxb Giáo dục

2. Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung. 18 vị công chúa Việt Nam. Nxb QĐND

3. Nguyễn Khắc Thuần. Danh tướng Việt Nam, tập 3. Nxb Giáo dục

Thanh Tân - DH11SU CLB Sử học

eNews

Video liên quan

Chủ Đề