Xử lý tiếng ồn

Hát karaoke, từ một hình thức giải trí lành mạnh đang bị không ít người biến thành một kiểu “tra tấn” âm thanh bằng các loại loa, âm-ly công suất lớn khiến đời sống sinh hoạt nhiều gia đình, khu dân cư bị đảo lộn. Nhiều người hát bất kể giờ giấc, buổi trưa, buổi tối, kéo dài đến tận nửa đêm... làm ảnh hưởng đến học tập của các cháu học sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, nhất là người già, người bệnh.

Đã có những xích mích tình cảm xóm giềng, thậm chí là xô xát, đâm chém lẫn nhau do hát karaoke mở âm lượng quá to trong giờ nghỉ buổi trưa, buổi tối. Chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhắc nhở, răn đe, xử phạt... nhưng nạn karaoke tại nhà, ở vỉa hè đường phố, khu chung cư... vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Tại thành phố Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt việc xử lý tiếng ồn từ hát karaoke. Các địa phương như phường Nại Hiên Đông, phường Thọ Quang, đã thành lập Tổ phản ứng nhanh tổ chức đi tuần tra bất kể các khung giờ. Phường cũng hợp đồng với đơn vị chuyên môn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố để cử cán bộ cùng trang, thiết bị thực hiện việc đo tiếng ồn, cung cấp cho phường kết quả để làm căn cứ xử lý theo quy định.

Trước khi ra quân xử lý, Ủy ban nhân dân phường đã tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến các khu dân cư, tổ dân phố, hộ dân; mời các hộ kinh doanh cho thuê loa di động làm việc, thông báo, yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh trái phép và công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh liên quan đến vi phạm tiếng ồn. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà cho biết, trước mắt sẽ xử lý hành chính đối với những vi phạm như gây mất an ninh trật tự, lấn chiếm không gian công cộng; xử lý hành chính đối với các cơ sở, người cho thuê loa không có giấy phép kinh doanh, sử dụng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ...

Tiếp đến, thanh tra ngành tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông sẽ phối hợp đo tiếng ồn, lập hồ sơ pháp lý làm căn cứ để xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Không chỉ hát karaoke, mà các cơ sở sản xuất, gia công gây tiếng ồn trong khu dân cư cũng sẽ bị xử lý triệt để. Kế hoạch sẽ được thực hiện lâu dài, trên toàn thành phố Đà Nẵng và sẽ không có chuyện “đánh trống bỏ dùi”.

Sau 10 ngày ra quân xử lý ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, Ủy ban nhân dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đang nhận được sự đồng tình rất lớn từ người dân.

Tổ phản ứng nhanh của phường hiện đã tạm giữ 15 loa di động, xử phạt nhiều trường hợp mở nhạc lớn theo quy định. Nhiều gia đình ở hai phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang đã có ý thức trong việc hát karaoke. Trước đây hễ có tiệc sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, về nhà mới... đều có hát karaoke. Nhưng nay đã giảm hẳn, hoặc hát nhưng mở nhỏ âm lượng, hát trong khung giờ cho phép.

Mô hình xử lý vi phạm tiếng ồn tại Đà Nẵng đang đem lại hiệu quả tốt. Các tỉnh, thành phố khác nên nghiên cứu, triển khai cách làm này để xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke.

1. Các quy định về công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về tiếng ồn: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:

1.1. Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại khu vực thông thường, có con người sinh sống, hoạt động và làm việc, gồm khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính như sau

- Từ 6 giờ đến 21 giờ là 70dBA;

- Từ 21 giờ đến 6 giờ là 55dBA.

1.2. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn, sẽ bị xử phạt như sau: (Điều 17. Vi phạm  các quy định về tiếng ồn)

Đối với cá nhân:

-  Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn  dưới 02 dBA.

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

-  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

-  Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

-  Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

-  Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

-  Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

-  Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

-  Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

-  Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn  vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.

-  Hình thức xử phạt bổ sung:

a)  Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối  với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b)  Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi  phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả:

a)  Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời  hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm  hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b)  Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu  môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi  trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các  vi phạm quy định tại Điều này.

Đối với tổ chức: mức phạt tiền bằng 02 lần mức  phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

1.3. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định hành vi “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức mức phạt tiền bằng gấp đôi mức phạt tiền của cá nhân.