Bỏ học đại học làm gì

Không yêu thích ngành, bỏ học đi làm liệu có tốt hơn?

Việc đi làm từ năm nhất khiến cuộc sống của Đỗ Chí Phương (sinh năm 2000, sinh viên ngành Khoa học máy tính, khoa Quốc tế tại Đại học Bách Khoa) có nhiều xáo trộn.

“Nếu như mình vẫn học, có nghĩa là sau khoảng 20 - 30 năm nữa, mình phải gắn bó với tiềm năng mình không thích. Cuộc sống mình còn khổ, còn dài hơn, thà một lần dứt khoát còn đỡ! Mình được sống là mình”, Chí Phương cho hay.

Bỏ học đại học làm gì
Đỗ Chí Phương cho rằng “thà một lần dứt khoát để được sống là mình!”

Phương không thể rút hồ sơ do chi phí lên đến 50 triệu đồng, các thủ tục giấy tờ phức tạp và bố mẹ và không tin tưởng để đánh đổi. “một lần đi học khác mà chắc gì con nó có nghỉ lần hai hay không?”, mẹ của Phương nói. Chí Phương khó lòng đồng nhất ý kiến với gia đình, vì vậy ở tuổi 22 nhẽ ra đang là sinh viên năm cuối, cậu bạn vẫn chưa được theo học tại ngôi trường mình mơ ước.

Chí Phương hay đùa rằng “Có lẽ do bố mẹ mình thuộc thế hệ thời chiến tranh, bố hơn mình 43 tuổi, mẹ hơn mình 35 tuổi, cuộc sống của mình đã chịu sức ép từ bé. Mình được định hướng làm theo những gì bố mẹ muốn, có lẽ do vậy một phần mới dẫn đến chuyện ngày hôm nay!”.

Cùng câu chuyện, Lê Khắc Nam, sinh năm 2001, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Công nghệ thông tin tâm sự: “Ngay từ đầu mình đã không thích ngành mình đang học. Hơn nữa, do môi trường tác động, mình đi làm thêm từ sớm, mình nhận ra nó đúng với những gì mình mong muốn, các bạn cùng chỗ làm với mình cũng đã bỏ học nhiều để theo đuổi ước mơ. Và chắc chắn kể cả mình có học tiếp, những kiến thức đó mình cũng không dùng, nên để tránh mất thời gian, tốn tiền bạc mình lựa chọn nghỉ học”.

Bỏ học đại học làm gì
Lê Khắc Nam cho rằng kể cả có học tiếp, những kiến thức đó cậu bạn cũng không dùng, nên để tránh mất thời gian, tốn tiền bạc Nam lựa chọn nghỉ học

Với Nam, việc đi làm sớm giúp bản thân “phát triển con người hơn rất nhiều so với mình trong quá khứ, kỹ năng mềm của mình cải thiện nhanh.” Từ khi đi làm sớm, Nam “chủ động hơn trong các quyết định cá nhân”.

Nam chưa trao đổi về việc mình bỏ học với gia đình, một phần vì cậu cho rằng “chờ khi nào mình đạt được thành tựu thì mình sẽ nói cho bố mẹ biết”. Mọi quyết định của Nam ở thời điểm hiện tại chưa có sự đồng hành của bố mẹ và trong tương lai gần có lẽ cũng vậy.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Kim Xuyến, Đại học Công Đoàn, Hà Nội phân tích: “Trong khoảng 5 năm gần đây có sự gia tăng số lượng sinh viên đang theo học đại học/ cao đẳng chủ động bỏ học giữa chừng để đi làm. Trừ các trường hợp do hoàn cảnh khó khăn phải ưu tiên kiếm tiền dù họ rất muốn được đi học”.

Bỏ học đại học làm gì
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Kim Xuyến, Đại học Công Đoàn, Hà Nội phân tích về xu hướng sinh viên bỏ học giữa chừng đi làm đang gia tăng

Tiến sĩ cho rằng nhận thức học đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp, là hành trang để bước vào đời không còn hoàn toàn là chân lý như cách đây vài ba thập kỷ nữa. Ngày nay, có nhiều cách để người trẻ có thể tự trang bị cho mình kiến thức phục vụ công việc và cuộc sống. Họ muốn khẳng định mình và phần nào cho thấy thanh niên ngày nay tự tin, độc lập hơn, không muốn nghe theo sự sắp đặt của gia đình.

“Bên cạnh nhận thức còn có nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này do có sự biến đổi định hướng giá trị trong lối sống của thanh niên nói riêng và của xã hội nói chung. Họ định hướng đến các giá trị vật chất nhiều hơn. Ưu tiên cho các giá trị vật chất nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất ngày càng cao của cuộc sống. Đó là sự lựa chọn của họ”, TS Phạm Thị Kim Xuyến phân tích.

Thăng trầm khi bỏ học đi làm sớm

“Hai năm tích lũy được 2 môn, còn lại “tạch” hết vì có đi học đâu. Có môn đi thi với cái đầu rỗng, có môn bỏ thi luôn vì không thi là không có nỗi sợ thi trượt. Mình vẫn đóng tiền 3 kỳ, mỗi kỳ 8 triệu từ năm học 2019 - 2020. Nghĩ lại thấy thật phí phạm nhưng đã quá muộn. Thời điểm đó nợ quá nhiều môn rồi, không ra trường được nữa nên mình quyết định bỏ luôn” - Bùi Anh Nguyên (sinh năm 2001, ngành Dân dụng và Công nghiệp, trường Đại học Xây dựng) trải lòng.

Sau 2 năm, Nguyên nhận ra quan điểm trong quá khứ học đại học là không cần thiết, đi làm vẫn làm ra tiền không phải ai cũng làm được; Đặc biệt, nó không phù hợp với bản thân cậu. Nguyên quyết định rút hồ sơ và đăng ký học lại tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) ngành Tài chính ngân hàng. Trước khi quyết định học lại, Nguyên từng về quê làm phụ hồ, làm thợ, bưng bê, gia sư nhưng mọi thứ đều khó có thể làm lâu dài.

Bỏ học đại học làm gì
Bùi Anh Nguyên quyết định theo học ở một trường đại học tư sau khi thử qua vô số công việc khác nhau

Những công việc chân tay, Nguyên “không có sức”, công việc về tri thức “do lâu rồi không học nên kiến thức mai một”. Chỉ còn cách “đi học để có chuyên môn, sau còn đi làm!”.

Không chỉ Nguyên, Chí Phương cũng gặp khó Sau đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19, cậu bạn bị kích ứng, đồng thời phát hiện bệnh nền và phải nhập viện để mổ.

Từng làm ra 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng trước khi đổ bệnh, Chí Phương mất trắng nguồn thu nhập vì công việc của cậu tính theo doanh số, không bao gồm lương cứng. Sau đợt ốm nặng này, mọi dự định của Phương đổ bể, cậu bạn chia sẻ: “Tinh thần của mình không thực sự tốt, nên mục tiêu hiện không có. Bản thân đang trong quá trình hồi phục và đi tìm sự giúp đỡ từ người hướng dẫn rồi chuẩn bị cho cuộc sống mới!”.

Chia sẻ với hoàn cảnh của Chí Phương, Bùi Trung Kiên, sinh năm 1999, lựa chọn Bách Khoa là ngôi trường theo học bởi lẽ gia đình không ủng hộ học ngành khác. Trước đấy, Kiên thích ngành kinh tế từ rất lâu nhưng đành “chấp nhận” và tin rằng “mình con trai, học kỹ thuật” vẫn được. Khi đi làm thấy bản thân hợp kinh doanh hơn nên quyết định nghỉ.

Hiện Kiên làm Giám đốc kinh doanh, chi nhánh Hải Dương của Học viện EDP: “Công việc nhiều, ở đây chưa có Giám đốc điều hành nên mình kiêm luôn vị trí đó, phân bổ giáo viên dạy cho các lớp học, sát sao về dịch vụ chăm sóc khách hàng, các công việc liên quan đến việc đối ngoại và kinh doanh cũng như tìm nguồn khách hàng và tư vấn chốt sale”.

Bỏ học đại học làm gì
Bùi Trung Kiên hiện khá bận rộn với công việc là Giám đốc kinh doanh, chi nhánh Hải Dương của Học viện EDP

Thu nhập của Kiên dao động từ 15 - 20 triệu đồng mỗi tháng, gồm lương cứng và doanh thu. Nhưng quay trở lại thời điểm đầu năm 2021, chặng đường tìm việc của Kiên không dễ dàng.

Trước khi đến công việc bây giờ, Kiên và bạn bè tiếp tục khởi nghiệp dự án phần mềm game vào tháng 9, nhưng dự định mau chóng “sập” vì thiếu kinh nghiệm, không cạnh tranh được.

Cô Vũ Minh Nguyệt, giảng viên trường Đại học Công đoàn luôn cảm thấy đau lòng vì những lần bất lực với sinh viên bị dẫn dắt bởi “xu hướng bỏ học chạy theo đam mê": “Các bạn chỉ có 5 năm học ở trường đại học, nếu quá thời hạn, kết quả học tập sẽ bị hủy toàn bộ. Có bạn sau khi bỏ học muốn quay lại cũng không thể học được, chỉ còn cách thi lại. Có trường hợp đã liên hệ tôi với nội dung “cô ơi cô giúp em quay lại học được không, giờ em muốn lên vị trí cao hơn thì cần có bằng đại học” nhưng tôi đành chịu, không thể giúp gì được”.

Bỏ học đại học làm gì
Cô Vũ Minh Nguyệt giảng viên trường đại học Công Đoàn, người đã từng chứng kiến rất nhiều sinh viên bỏ học để đi làm và hối hận

Thứ không ai có thể lấy của nhau là sự lựa chọn. Theo đuổi đam mê không sai, các bạn trẻ nên tỉnh táo và suy nghĩ kỹ lưỡng với từng quyết định, đôi khi đó có thể là dấu chấm hết cho một tương lai!